Thông tin

NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Thi

Thi

 

- Lý Thi (1925-2011), Hòa thượng, hệ phái PG Nam Tông Khmer, pháp danh Chô Tê Panha Maha, sinh năm 1925, xã Vĩnh Châu, huyện Vĩnh Châu, Sóc Trăng. Ngài trụ trì chùa Sêrây Crosăng, nguyên Chủ tịch Trung ương Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước Nam Bộ; Thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Chứng minh Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Sóc Trăng; Cố vấn Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước tỉnh Sóc Trăng; Cố vấn Ban Đại diện Phật giáo thị xã Vĩnh Châu; Thành viên Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc thị xã Vĩnh Châu. Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Huy chương Vì sự nghiệp phát triển dân tộc và miền núi và hơn 40 bằng khen, giấy khen khác - Thích Vân Phong biên khảo.

- Ưng Bình - Thúc Giạ Thị (1877-1961), Cư sĩ, quy y với HT Trí Thủ - chùa Báo Quốc, pháp danh Nguyên An. Ông làm quan từ năm 1904-1932 hàm Thượng thư, năm 1933 về hưu, là hội viên danh dự Hội An Nam Phật học Trung kỳ tại Huế. Năm 1939-1940, ông làm Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ. Năm 1940-1945, ông làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ và thăng Hiệp Tá Đại học Sĩ. Ông có những tác phẩm mang đậm tư tưởng PG như: Khuyên học Phật; Bệnh trung ngâm; Nguyện Tu; Tiếng Chuông Lòng...; nguyên, trú quán Thừa Thiên Huế -theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Hải Nhuận-Phước Thiêm (1820-?), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 40, thế danh Nguyễn Hữu Thiêm, Tăng cang chùa Diệu Đế; tháp ngài 5 tầng, ở phía Đông vườn chùa Thiền Tôn - Huế; chưa rõ năm mất; nguyên quán Thanh Hóa, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ tiền bối hữu công PG Thuận Hóa.

- Trúc Thiên (1920-1972), Cư sĩ, tên thật là Nguyễn Đức Tiếu. Năm 1945, ông bước vào lĩnh vực văn học PG và trở thành ngòi bút không thể thiếu trong các tạp chí Phật học thời bấy giờ. Năm 1957, ông tham gia  thành viên Ban Quản trị Hội Phật học Nam Việt, biên tập và viết bài cho tạp chí Từ Quang. Năm 1964, ông được mời giảng dạy ở Viện Cao đẳng Phật học Vạn Hạnh. Năm 1970, ông làm việc ở Giám sát viện - Bộ Tư pháp, chính quyền Sài Gòn; tác phẩm: Hiện tượng Krisnamurti; Đường vào hiện sinh; Sáu cửa vào động Thiếu Thất; Ngữ lục; Cốt tủy của đạo Phật; Thiền Luận tập I; Chuyển một hướng say (thơ); Thơ chết; Trường ca Kalinga; Chứng đạo ca... Ông mất ngày 05-4-1971; nguyên quán Nha Trang, trú quán TP Hồ Chí Minh - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.

- Thích Chí Thiền (1861-1933), tức Hòa thượng Thích Chí Thành, tức tổ Phi Lai, thế danh Nguyễn Văn Hiển. Năm 1878, ngài được sắc chỉ trọng dụng con công thần làm quan, bổ nhậm làm quan Hậu bổ tại hạt Khánh Hòa. Ngài bí mật tham gia phong trào khởi nghĩa Văn Thân. Khi phong trào tan rã, ngài lánh nạn vào miền Nam ở đất Gia Định. Năm 1881, ngài đến chùa Giác Viên - Chợ Lớn, xuất gia học đạo với tổ Hoằng Ân - Minh Khiêm, được ban pháp danh Như Hiền, pháp hiệu Chí Thiền, nối pháp dòng Lâm Tế Đạo Bổn Nguyên đời 38. Năm 1899, ngài kế thế trụ trì chùa Giác Viên - Chợ Lớn. Năm 1905, ngài sắp đặt công việc giao chùa lại cho tông môn trông coi, đi về vùng núi Sam ẩn dật tu hành, được nhân dân địa phương cung thỉnh trụ trì Phi Lai Cổ Tự. Oai đức và đạo hạnh của ngài cảm hóa thú dữ, người lành, đã biến chùa Phi Lai thành ngôi Già Lam hưng thịnh. Giai đoạn chấn hưng PG đang nở rộ, HT Khánh Hòa đã mời ngài đồng tâm hiệp lực; ngài đã gởi cúng vào quỹ của phong trào 300 đồng tiền Đông Dương; nguyên quán Duy Xuyên - Quảng Nam, trú quán Châu Đốc - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 1.

- Thích Hạnh Thiền (1930-2009), Hòa thượng, pháp danh Thị Việt, pháp tự Hạnh Thiền, pháp hiệu Huệ Nghiêm, đời 42 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 9 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Bùi Quảng, sinh năm Canh Ngọ (1930) tại xã Điện Hồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Ngài xuất gia với HT Thích Như Vạn tại chùa Phước Lâm năm 1964, thọ Tỳ kheo năm 1970 tại giới đàn Vĩnh Gia, Đà Nẵng. Năm 1977, ngài đảm nhận trụ trì tổ đình Vạn Đức. Ngài nhiều lần tái thiết lại chùa Vạn Đức khiến cho chốn tổ ngày một khang trang. Đồng thời, ngài đảm nhận Chánh Đại diện Phật giáo Hội An trải qua nhiều nhiệm kỳ. Hòa thượng viên tịch ngày mồng 6 tháng 2 năm Kỷ Sửu (2009), thọ 80 tuổi; nguyên, trú quán Quảng Nam - Thích Như Tịnh sưu khảo.

- Thích Trí Thiền (1882-1943), Hòa thượng, thế danh Nguyễn Văn Đồng. Năm 1912, xuất gia với HT Như Đức Vĩnh Thùy - chùa Thập Phương, pháp danh Hồng Nguyện, pháp hiệu Trí Thiền. Ngài thọ Sa di giới tại Giới Đàn Minh Thông - Hải Huệ, Tổ đình Khải Phước Nguyên và Y chỉ học Thiền với lão Thiền sư Như Khả hiệu Chân Truyền, Khải Phước Nguyên Tự, Lấp Vò (nay huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Năm 1915, ngài đã  ra công trùng kiến trụ trì chùa sắc tứ Tam Bảo - Rạch Giá. Năm Bính Thìn (1916), ngài được đăng đàn thọ Tỳ kheo, Bồ tát giới tại giới đàn chùa Giác Hải - Phú Lâm - Gia Định (nay là quận 6, TP. Hồ Chí Minh). Năm Đinh Tỵ (1917), chùa tổ chức lễ Lạc thành, hoàn tất công trình trùng tu ngôi Già Lam. Tấm biển gỗ quý hiệu Sắc Tứ Tam Bảo Tự, chạm trổ tinh xảo, sơn son thếp vàng do thiền sư Như Khả, hiệu Chân Truyền (1858-1919), trụ trì Khải Phước Nguyên Tự ban tặng, nay vẫn còn nơi chánh điện. Năm Ất Sửu (1925), ngài dẫn một đệ tử sang đất Thái, để cùng chia sẻ Phật sự, không ngờ vị đệ tử này lại có duyên trụ trì, hoằng pháp tại Thái Lan. Vị đệ tử chân truyền của ngài là sư Báo Ân, pháp danh Nhật Đáp rời quê hương đất Tổ, sang Thái Lan tu hành đắc đạo và để lại nhục thân bất hoại. Sư Báo Ân kiết già viên tịch ngày 27 tháng Giêng năm Giáp Thìn (10-3-1964). Năm 1931, ngài là người tha thiết với công cuộc chấn hưng, ủng hộ HT Khánh Hòa trong công tác này. Khi Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học ra đời, ngài làm cố vấn cho hội và từ đây ngài quen biết sư Thiện Chiếu. Năm 1936, ngài cùng sư Thiện Chiếu thành lập Hội Phật học Kiêm Tế, xuất bản tạp chí Tiến Hóa. Chùa Tam Bảo cũng là nơi lui tới của những cán bộ cách mạng. Năm 1939, cơ sở cách mạng tại chùa Tam Bảo bị vỡ, chùa bị khám xét, ngài cùng đại đức Thiện Ân bị Pháp bắt. Đại đức Thiện Ân bị tử hình, còn ngài bị đày ra Côn Đảo. Trong tư thế Kiết già phu tọa, ngài an nhiên thị tịch vào ngày 26 tháng 6 năm Quý Mùi (27-7-1943); nguyên, trú quán Rạch Giá - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 1. 

- Thích Liễu Thiền (Thoàn) (1885-1956), Hòa thượng, sơ tổ truyền thừa Thiên Thai Giáo Quán Tông Việt Nam, thế danh Nguyễn Văn Đo. Năm 1904, ngài xuất gia tại chùa Vĩnh Nguyên (đạo Minh Sư) với ông Lão Tiễn. Năm 1933, cùng phái đoàn 7 người trong đạo Minh Sư sang Trung Quốc lãnh thọ giới pháp đạo Phật do tổ Hiển Kỳ truyền giới, ngài được ban pháp hiệu Liễu Thiền, nối pháp dòng Thiên Thai Giáo Quán Tông đời 21, chính thức truyền sang Việt Nam. Năm 1933, ngài trụ trì chùa Tôn Thạnh - Cần Giuộc và tổ chức trai đàn cùng khai đại giới đàn trong năm này. Năm 1934, ngài được mời Chứng minh đạo sư Hội Lưỡng Xuyên Phật học. Năm 1955, ngài khai sơn chùa Bồ Đề, chùa Niệm Phật. Năm 1956, ngài là Chứng minh đạo sư Tổng hội Phật giáo Việt Nam và Hội Phật học Nam Việt, cùng năm này ngài thị tịch ngày 21 tháng 4 năm Bính Thân, thọ 71 tuổi, 23 hạ lạp, bảo tháp lập ở vườn chùa Bồ Đề; nguyên, trú quán Long An - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.

- Thanh Liêm-Tâm Thiền (1867-?), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 41, pháp danh Thanh Liêm, pháp hiệu Tâm Thiện, thế danh Đặng Hy Hữu, đệ tử ngài Diệu Giác - Hải Thuận, trụ trì chùa Diệu Đế; nguyên quán Quảng Trị, trú quán Thừa Thiên Huế -theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ tiền bối hữu công PG Thuận Hóa.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 373
    • Số lượt truy cập : 6947156