NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Tho
Tho
- Như Mật Bửu Thọ (1893-1972), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Gia Phổ đời 38, thế danh Nguyễn Thế Mật, xuất gia năm 1906 với HT Hoằng Ân Minh Khiêm - Tây An cổ tự - Châu Đốc, pháp danh Như Mật, pháp hiệu Bửu Thọ. Năm 1910, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Phước Sơn - Mõ Cày - Bến Tre, do HT Niệm Nghĩa làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1914, ngài kế thế trụ trì Tây An cổ tự. Năm 1931, ngài hiến cúng một số ngân khoản lớn ủng hộ HT Khánh Hòa thành lập Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, làm kinh phí xuất bản tạp chí Từ Bi Âm. Năm 1934, ngài thể theo nguyện vọng chư tôn đức, tiếp tục ủng hộ tài lực cho Hội Lưỡng Xuyên Phật học mở trường đào tạo Tăng tài. Ngài có hạnh nguyện hễ nơi nào cất chùa trùng tu, ngài đều phát tâm ủng hộ công đức. Ngài có công lớn trong việc trùng tu chùa Tây An với kiến trúc Ấn - Hồi độc đáo bằng vật liệu bền vững, khác với chùa truyền thống xưa nay. Ngài xả báo thân ngày 21 tháng 11 năm Tân Hợi (08-12-1972), thọ 79 năm, 59 hạ lạp; nguyên, trú quán Châu Đốc- An Giang - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 3.
- Thích Hoằng Thọ (?-?), Hòa thượng, pháp danh Chơn Phước, pháp tự Đạo Bích, pháp hiệu Hoằng Thọ, đời 40 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 7 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Lê Viết Nghiêm, sinh quán tại làng Phú Triêm, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ngài xuất gia, đắc pháp với tổ Vĩnh Gia tại tổ đình Phước Lâm. Năm Giáp Tý (1924), ngài được cử làm Tri sự tổ đình Phước Lâm. Từ khoảng năm 1925 đến 1929, ngài sang Campuchia khai sơn chùa Thanh Quang tại Thủ đô Phnompênh. Không rõ ngài tịch năm nào và chùa Thanh Quang đã bị san bằng trong thời kỳ Khmer đỏ. Ngài nguyên quán Quảng Nam, trú quán Campuchia - theo Thích Như Tịnh sưu khảo.
- Thích Lệ Thọ, Thượng tọa, Tiến sĩ, thế danh Trần Văn Quý, sinh năm 1968, ấu niên xuất gia với Trưởng lão HT Thích Nhật Thiện, tổ đình Hội Phước - Nha Mân - Y chỉ thiền sư Thích Vĩnh Đạt- chùa Phước Hưng - Sa Đéc, trụ trì chùa Định Hương- quận 12- TP. HCM, Phó Tổng Thư ký Viện Nghiên cứu PHVN tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Ban Thường trực Phật giáo Quốc tế, giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, Sóc Sơn - Hà Nội và các trường Cao đẳng Phật học. Các bài viết đăng trên báo điện tử: Hình tượng phối ngẫu trong Kim Cang Thừa; Tâm sinh muôn pháp sinh; Thế nào là ngụy tạo Kinh Điển; Triết học Bà La môn (BRAHMANISM); Bát Kỉnh Pháp Chướng Ngại Hay Căn Bệnh Thời Đại; Vài nhận định về sự bình đẳng trong Phật giáo; Tháp Đại Giác là di sản của thế giới; Đừng vì màu da hay khác đạo...; nguyên quán Đồng Tháp, trú quán TP. HCM - Thích Vân Phong ghi.
- Thích Như Thọ (1954-2014), Hòa thượng, pháp danh Như Thọ, pháp tự Giải Thảo, pháp hiệu Bửu Lâm, đời 41 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 8 pháp phái Chúc Thánh. Hòa thượng thế danh Huỳnh Mai, sinh năm Giáp Ngọ (1954) tại xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Hòa thượng xuất gia với Hòa thượng Thích Đồng Phước tại tổ đình Cổ Lâm - Đại Lộc vào năm 1966. Sau khi bổn sư viên tịch, vào năm 1971, ngài vào Sài Gòn y chỉ với Hòa thượng Thích Trí Nghiêm và nhập chúng tu học tại chùa Bửu Đà - quận 10; Tăng sinh PHV Huệ Nghiêm, PHV chùa Huỳnh Kim, Gò Vấp niên khóa (1971-1975). Ngài được Tăng ni tín nhiệm cử giữ các chức vụ: Thư ký BTS Phật giáo quận 10, Chánh Đại diện PG quận 10 các nhiệm kỳ IV, V, VI. Ủy viên MTTQVN quận 10. Năm 1996, ngài kế nghiệp HT Như Từ, trụ trì chùa Bửu Đà và tiếp tục trùng tu chùa đang còn dở dang. Năm 1999, ngài tiếp tục xây dựng nhà Tăng để Tăng sinh có nơi trú ngụ tham học. Năm 2011, ngài về quê tiến hành đại trùng tu chùa Cổ Lâm và hoàn thành vào tháng Giêng năm 2014. Sứ mệnh trùng tu 2 ngôi Phạm Vũ đã hoàn mãn, Hòa thượng viên tịch vào ngày mồng 1 tháng 9 năm Giáp Ngọ (2014), hưởng thọ 61 tuổi, kim quan quàng tại chùa Bửu Đà, sau đó đưa về nhập tháp tại tổ đình Cổ Lâm - Đại Lộc. Ngài nguyên quán Quảng Nam, trú quán TP. Hồ Chí Minh - Thích Như Tịnh sưu khảo.
- Thích Tâm Thọ (1938-2015), Hòa thượng, thế danh Lê Bá Nhẫn, xuất gia với HT Bửu Ngươn - chùa sắc tứ Thập Phương - Rạch Giá, pháp danh Tâm Thọ, pháp tự Nhựt Hậu, pháp húy Nhuận Vân. Năm 1960, ngài lên Sài Gòn trú tại chùa Hưng Thạnh - Hàng Xanh. Năm 1961, ngài thọ đại giới tại Sóc Trăng do HT Thiện Hòa làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1964-1968, ngài là học tăng Phật học viện Huệ Nghiêm và học Phân khoa Phật học tại Đại học Vạn Hạnh - Sài Gòn. Năm 1979, ngài định cư Hoa Kỳ, kế tục Hòa thượng Thích Thanh Đạm trụ trì chùa Giác Hoàng - Hoa Kỳ và khai sơn một số chùa vùng Bắc Calorina, như: Giác Lâm, Bồ Đề, Pháp Hoa... Ngài còn là Tổng Vụ trưởng Tổng Vụ Thanh niên GHPGVN hải ngoại, phụ trách GĐPT Thiện Sinh. Ngài thọ 77 năm, 54 hạ lạp; nguyên quán Rạch Giá, trú quán Hoa Kỳ.
- Nguyễn Văn Thọ (?-?), Cư sĩ. Năm 1934, khi Hội Lưỡng Xuyên Phật học thành lập, ông tham gia dạy môn Việt văn cho PHĐ. Năm 1936, ông và ông Nguyễn Văn Trọng được Hội Lưỡng Xuyên cử ra Huế quan sát tình hình Phật sự của Hội An Nam Phật học. Hai ông đã tham mưu cho Hội Lưỡng Xuyên gởi Tăng sinh ra Huế học. Năm 1951, ông tham gia Ban Quản trị Hội Phật học Nam Việt từ khi mới thành lập. Năm 1954, đại hội thường niên HPHNV, ông được bầu làm Hội trưởng nhiệm kỳ II, thay thế BS Nguyễn Văn Khỏe. Ông là cha của Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành và là ông nội của ông Nguyễn Thiện Nhân. Năm 1955, ông xuất gia, pháp hiệu Thích Trường Lạc; nguyên quán Càng Long - Trà Vinh, trú quán Sài Gòn, Cần Thơ - theo Kỷ yếu HPHNV.
- Ấn Nghiêm Phổ Thoại (1875-1954), Hòa thượng, Trưởng lão, pháp danh Ấn Nghiêm, pháp tự Tổ Thân, pháp hiệu Phổ Thoại, đời 39 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 6 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Nguyễn Văn Thọ, sinh năm Ất Hợi (1875) tại làng Kim Bồng, xã Cẩm Kim, Hội An. Ngài xuất gia với thiền sư Chương Đạo Quảng Viên tại tổ đình Chúc Thánh. Ngài thọ đại giới năm 1893 tại chùa Chúc Thánh, cầu pháp với tổ Vĩnh Gia nên có đạo hiệu Phổ Thoại. Năm Kỷ Dậu (1909), ngài khai sơn chùa Long Tuyền tại phường Thanh Hà, Hội An. Năm Tân Dậu (1921), ngài thành lập tổ chức Bản Tỉnh Chư Sơn Hội nhằm mục đích chấn chỉnh Tăng đồ. Ngài có công trùng kiến chùa Kim Bửu và chùa Hội Nguyên tại quê hương Kim Bồng. Ngài được cung thỉnh làm Tôn chứng giới đàn Từ Vân, Đà Nẵng (1928) và Giáo thọ giới đàn Tịnh Quang, Quảng Trị (1935). Ngài giới luật tinh nghiêm, chuyên trì kinh Phạm Võng. Ngài viên tịch ngày mồng 9 tháng 4 năm Giáp Ngọ (1954) với những điềm kiết tường của một bậc Long tượng thiền môn; bảo tháp lập tại tổ đình Long Tuyền. Đệ tử của ngài có những vị tiêu biểu như: Chơn Chuyên Long Tường; Chơn Giác Long Hải; Chơn Phát Long Tôn; Chơn Ngọc Long Trí; Chơn Điền Đạo Phước...; nguyên, trú quán Quảng Nam - Thích Như Tịnh sưu khảo.
- Thích Nữ Chơn Thông (1924-1990), Ni trưởng, xuất gia với Sư bà Hướng Đạo - chùa Diệu Viên, pháp danh Tâm Huyền, pháp hiệu Chơn Thông. Năm 1959, Ni trưởng lập bệnh xá để giúp đỡ bà con nghèo quanh vùng và đào tạo một số sư cô làm việc tại bệnh viện Huế. Năm 1963, Ni trưởng mở Trường Sơ học Diệu Viên để hướng dẫn con em Phật tử vừa biết chữ vừa học Phật pháp. Năm 1968, Ni trưởng lập Nhà Dưỡng Lão giúp người già yếu neo đơn do chiến tranh để lại. Năm 1970, Ni trưởng làm Giám đốc Cô Nhi viện Tây Lộc trong thời gian 4 năm và nuôi dưỡng hơn 200 em cô nhi. Năm 1987, mặc dù tuổi già sức yếu, nhưng Ni trưởng cho các sư cô đi học để mở Tuệ Tĩnh đường tại chùa Diệu Viên; nguyên, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.
- Trừng Lực-Diệu Thông (?-?), Hòa thượng, có công cải tạo am Bà Đồng thành chùa Phước Lưu. Chùa trở thành trung tâm PG ứng phú đạo tràng to lớn của vùng Trảng Bàng - Tây Ninh - theo Biên niên sử PG Sài Gòn - Gia Định.
- Thích Hòa Thông (?-1916), Đại sư, có tính chất hào kiệt dũng khí. Ngài trụ trì chùa Phước Tường - Thủ Đức, tham gia Thiên Địa Hội kháng Pháp, nên bị bắt tù đày và hy sinh. Từ đó, chùa Phước Tường trở nên hoang phế, suy sụp. Mãi đến 5-6 năm sau, bổn đạo mới thỉnh được Hòa thượng Thích Pháp Ấn về đây trụ trì; chưa rõ nguyên quán trú quán của ngài.
- Thích Hoàn Thông (1917-1977), Hòa thượng, thế danh Nguyễn Minh Có, xuất gia với HT Niệm Hưng Đắc Ngộ - chùa Hội Thắng, Cầu Kè- Trà Vinh, pháp danh Huệ Đạt. Sau, ngài thọ học và cầu pháp với HT Khánh Anh tại PHĐ gia giáo chùa Long An - Trà Ôn, được pháp hiệu là Hoàn Thông. Năm 1935, ngài là học tăng Phật học đường Lưỡng Xuyên. Năm 1943, ngài kế thế trụ trì chùa Hội Thắng. Năm 1945, ngài làm Phó Hội trưởng Liên đoàn PG Cứu quốc tỉnh Vĩnh Trà. Thời gian này, ngài được phân công trụ trì thêm hai chùa Phước Tường và Vạn Hòa - Cầu Kè - Trà Vinh. Năm 1964, ngài là Chánh Đại diện Tỉnh hội PG Trà Vinh GHPGVNTN. Năm 1968, ngài giữ chức Giám viện PHV Khánh Hòa (Phước Hòa cũ). Ngài viên tịch tại chùa Hội Thắng ngày 9 tháng 3 năm Đinh Tỵ (1977), thọ 61 tuổi, 40 hạ lạp; nguyên, trú quán Cầu Kè - Trà Vinh - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 1.
- Thích Hoằng Thông (1902-1988), Hòa thượng, dòng Lâm Tế đời 45, thế danh Phạm Ngọc Thạch, xuất gia năm 1914 với HT Quảng Ân - chùa Linh Phước - Mỹ Tho, pháp danh Quảng Châu. Năm 1925, ngài đến cầu pháp với HT Thanh Ẩn - chùa Từ Ân, được pháp hiệu Hoằng Thông. Năm 1927, ngài được cử trụ trì và trùng hưng chùa Long Hội. Năm 1941, ngài ra kinh đô được gặp Từ Cung Thái Hậu và vua Bảo Đại, được vua phê chuẩn đơn xin thành chùa Sắc tứ Long Hội. Năm 1964, ngài là Tăng giám Giáo hội Lục Hòa Tăng tỉnh Định Tường. Năm 1974, ngài là Tăng trưởng Giáo hội Lục Hòa Tăng tỉnh Định Tường. Năm 1981, ngài được thỉnh làm Thành viên HĐCM GHPGVN. Ngài xả báo thân vào Rằm tháng 7 năm Mậu Thìn (1988), thọ 86 năm, 66 hạ lạp; nguyên, trú quán Cai Lậy - Tiền Giang - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.
- Thích Huệ Thông, Hòa thượng, sinh năm 1960, thế danh Trần Minh Quang, xuất gia với HT Thích Huệ Thành - chùa Long Thiền - Đồng Nai, trụ trì tổ đình Hội Khánh - Thủ Dầu Một, Ủy viên Thường trực HĐTS GHPGVN, kiêm Ủy viên Thư ký VP II TW GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bình Dương, kiêm Trưởng Ban Tăng sự PG tỉnh Bình Dương; tác phẩm: Đức Phật và con đường Tuệ giác (NXB Văn hóa Sài Gòn, 2010); Giáo dục và Hoằng pháp; Mẹ từ Suối nguồn đến Chân trời Giác ngộ; Chân Hạnh phúc chỉ có từ Chánh niệm; Lịch sử Phật giáo Bình Dương... HT Thích Huệ Thông đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba (năm 2006), Huy chương Đại đoàn kết dân tộc (năm 2012)...; nguyên, trú quán Bình Dương - Thích Vân Phong biên khảo.
- Tổ Khánh Thông (1870-1953), Hòa thượng, thế danh Hoàng Hữu Đạo. Năm 1897, ngài xuất gia với HT Chấn Bửu - chùa Long Khánh - xã Bình Tây, được pháp danh Nguyên Nhơn, sau cầu pháp với tổ Hải Lương-Chánh Tâm - chùa Kim Cang, được pháp danh Như Tín, pháp hiệu Khánh Thông. Năm 1907, ngài về làng An Thủy khai sơn chùa Bửu Sơn. Từ những thập niên 1921-1944, liên tục trong các Đại giới đàn tại Bổn tự và các sơn môn khác, ngài được cung thỉnh đương vi Đàn đầu Hòa thượng và Tuyên Luật sư, Yết Ma A Xà Lê sư... Ngài cùng ngài Khánh Hòa khởi nguyên phong trào chấn hưng PG miền Nam giai đoạn 1930-1945; nguyên quán Giồng Trôm, trú quán Ba Tri - Bến Tre - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 1.
- Minh Thông, Cư sĩ, sinh năm 1957, thế danh Trương Văn Minh, nguyên tu sĩ PG, đệ tử HT Thiện Hòa - chùa Ấn Quang, tốt nghiệp Học viện PGVN khóa I, giảng viên Trường Trung cấp Phật học Tiền Giang và Long An, giáo viên Trung tâm Nghiên cứu, dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang, thành viên Trung tâm Nghiên cứu PGVN; tác phẩm: Du Già Sư Địa Luận; Thập Thiện, Làm thế nào cứu vãn Văn hóa xã hội; nguyên quán Quảng Trị, trú quán Tiền Giang.
- Thích Phước Thông (1866-1951), Hòa thượng, Trưởng lão, pháp danh Chơn Đỉnh, pháp tự Đạo Đạt, pháp hiệu Phước Thông, đời thứ 40 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 7 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Lê Hữu Đạt, sinh năm Bính Dần (1866) tại làng Lệ Sơn, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc Hòa Vang, Đà Nẵng). Ngài xuất gia với thiền sư Ấn Thanh Chí Thành tại chùa Linh Ứng. Năm Đinh Hợi (1887), ngài về khai sơn chùa Phước Thiện tại quê nhà. Năm Canh Dần (1890), ngài xây dựng Tam Tôn đường để làm nơi nhập thất tham thiền. Năm Ất Mùi (1895), ngài được triều đình bổ nhiệm làm trụ trì chùa Tam Thai. Năm Đinh Dậu (1897), vua Thành Thái ban cho ngài hai chiếc “Tam thọ ngân tiền” để tưởng thưởng công đức tu hành cũng như đạo hạnh của ngài. Năm Bính Ngọ (1906), sau 11 năm trụ trì chùa Tam Thai, vì bệnh duyên nên ngài từ chức trụ trì chùa Tam Thai và trở về Tam Tôn đường để tịnh dưỡng tu tập. Năm Mậu Thìn (1928), ngài được cung thỉnh là Yết ma A-xà-lê tại giới đàn chùa Từ Vân- Đà Nẵng. Ngày 21 tháng 2 năm Tân Mão (1951), ngài viên tịch, thọ 86 tuổi. Bảo tháp của ngài được lập bên cạnh tháp thiền sư Phước Trí tại khu vực Thủy Sơn. Đệ tử của ngài rất nhiều, tiêu biểu nhất là thiền sư Như Điền Huệ Chấn, trụ trì của Hưng Long - quận 10, Sài Gòn; Như Hoàn Huệ Tràng, trụ trì chùa Tam Tôn...; nguyên, trú quán Quảng Nam - Thích Như Tịnh sưu khảo.
- Toàn Nhâm Quán Thông (1798-1883), Hòa thượng, pháp danh Toàn Nhâm, pháp tự Vi Ý, pháp hiệu Quán Thông, đời thứ 37 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 4 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Nguyễn Văn Định, sinh năm Mậu Ngọ (1798) tại thôn Thanh Liêm, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ngài xuất gia từ nhỏ tại chùa Phước Lâm - Hội An với tổ Pháp Kiêm Minh Giác. Sau đó, ngài vào tham học tại tổ đình Thập Tháp - Bình Định. Năm 1830, ngài về kế nghiệp trụ trì tổ đình Phước Lâm và sau đó kiêm trụ trì tổ đình Chúc Thánh. Các năm Ất Mùi (1845) và Kỷ Dậu (1849), ngài khuyến mộ trùng tu tổ đình Chúc Thánh. Ngài mở giới đàn và làm Đường đầu truyền giới tại chùa Chúc Thánh vào năm Đinh Mùi (1847). Ngài về quê hương Bình Định kiến lập chùa Báo Ân (chùa này nay không còn). Ngài viên tịch ngày mồng 2 tháng 3 năm Quý Mùi (1883), thọ 86 tuổi. Đệ tử nối pháp của ngài hành đạo khắp các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định...; nguyên quán Bình Định, trú quán Quảng Nam - Thích Như Tịnh sưu khảo.
- Thích Tâm Thông (1916-1999), Hòa thượng, thế danh Nguyễn Văn Tiến, xuất gia với tổ Bảo Giám - chùa Lý Nhân, được pháp danh Tâm Thông, pháp hiệu Minh Kính. Năm 1942, ngài vào Huế học tại PHĐ Báo Quốc cùng với chư tăng 3 miền. Năm 1946, ngài về chùa Lam Cầu làm Thư ký hội PG Cứu quốc huyện Lý Nhân. Năm 1951, ngài làm Giám viện chùa Vọng Cung - TP Nam Định và sau đó trụ trì tại đây cho đến cuối đời. Trước năm 1975, ngài là Ủy viên Thường trực BTS Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam. Năm 1981-1987, ngài là Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN. Năm 1997, ngài được suy tôn Phó Pháp chủ, kiêm Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh GHPGVN. Ngài xả báo thân vào Rằm tháng 7 năm Kỷ Mão (25-8-1999), thọ 84 năm, 60 hạ lạp, bảo tháp lập tại chùa Vọng Cung; nguyên, trú quán Nam Định -xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.
- Thích Thiện Thông (1943-2000), Thượng tọa, trụ trì chùa Tòng Lâm Vạn Đức, sau về chùa Phước Thái - Đồng Nai, rồi chùa Pháp Hưng, Tân Phước - Đồng Nai. Trong thời gian nhập thất 3 năm, thầy đã phiên dịch và chú giải rất nhiều kinh sách. Thầy là Giáo thọ Trường Trung cấp Phật học Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu. Thầy được Phật tử cung thỉnh về trụ trì chùa Phước Quang, xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức, Bà Rịa Vũng Tàu. Năm 2000, thầy sang Đức an cư tại chùa Viên Giác và viên tịch tại đây; nguyên quán Bình Thuận, trú quán Bà Rịa Vũng Tàu.
- Thích Thiện Thông (1913-2001), Hòa thượng, xuất gia năm 1947 với Sư cụ Hải Tràng - viện chủ chùa Phổ Quang - Phú Nhuận - Gia Định, pháp hiệu Thiện Thông. Năm 1950, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Thanh Trước - Gò Công, do bổn sư làm Đàn đầu truyền giới. Sau khi thọ giới, ngài xin phép đến thọ học Mật pháp với HT chùa Kỳ Quang - Phú Nhuận. Năm 1962, ngài giúp bổn sư mở PHV Phổ Quang, năm 1969 đổi là PHV Hải Tràng, ngài giữ chức Giám viện PHV này. Năm 1970, ngài khởi công trùng tu chùa Phổ Quang và xây bảo tháp 7 tầng. Ngoài ra, ngài còn xây dựng và trùng tu: chùa Phước An ở Tân Lập; chùa Phổ Minh ở Long Khánh; chùa Phổ Ứng ở Ban Mê Thuột; chùa Vạn Phước ở Chợ Lách; chùa An Lạc ở Đơn Dương; chùa Kim Quang ở Hóc Môn. Năm 1993, ngài được cung thỉnh làm Tôn chứng ở giới đàn Thiện Hòa - chùa Ấn Quang (1993), và Đàn đầu Hòa thượng ở giới đàn tỉnh Bến Tre. Ngài còn đảm trách các chức vụ: Phó Đại diện GHPGVNTN tỉnh Gia Định; Ủy viên Ban Liên lạc PG Yêu nước TP Hồ Chí Minh; Trưởng Ban Liên lạc PG Yêu nước quận Phú Nhuận; Ủy viên BTS Thành hội PG TP Hồ Chí Minh; Chứng minh Ban Đại diện PG quận Phú Nhuận; Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN. Ngài xả báo thân ngày mồng 9 tháng 4 năm Tân Tỵ (31-5-2001), thọ 88 năm, 51 hạ lạp; nguyên quán Bến Tre, trú quán TP Hồ Chí Minh - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 3.
- Thích Thiện Thông (1927-2007), Hòa thượng, thế danh Hồ Tấn Phát, xuất gia năm 1937 với HT Bửu Phước - chùa Phước Ân - rạch Cái Bường, được pháp danh Nhật Chí. Ngài nguyên Ủy viên Thường trực BTS Tỉnh hội PG Đồng Tháp, Chánh Đại diện PG huyện Lấp Vò (nhiệm kỳ 1993-2007), UV UBMTTQ huyện Lấp Vò, Thư ký Ban Đại diện PG huyện Thạnh Hưng (tên cũ Lấp Vò, từ 1983-1993), trụ trì và đại trùng tu Thiên Phước Cổ Tự. Năm 1946, toàn quốc kháng chiến, ngài cùng các huynh đệ xếp ca sa, lên đường theo cách mạng. Năm 1975, ngài trở về địa phương công tác. Đến khi hưu trí năm 1983, ngài tái xuất gia với HT Thích Vĩnh Đạt, được ban pháp hiệu Thiện Thông, nối pháp mạch dòng thiền Lâm Tế Chánh tông đời thứ 41, và được cử làm Thư ký trường Hạ tổ đình Phước Ân. Năm 1983-1993, ngài được cử làm Thư ký Ban Đại diện PG huyện Thạnh Hưng (Lấp Vò + Lai Vung). Năm 1988, ngài được bổ nhiệm trụ trì tổ đình Thiên Phước Cổ Tự - Lấp Vò - Đồng Tháp. Năm 2004, ngài vận động chính quyền giao trả lại chùa Vạn Linh Cổ Tự và ngài cử đệ tử là Thích Lệ Phú về đây trụ trì. Ngài xả báo thân ngày 28 tháng 2 năm Đinh Hợi (16-4-2007), thọ 80 xuân, 24 hạ lạp, tháp lập bên cạnh tháp tổ Minh Thông Hải Huệ - chùa Thiên Phước Cổ Tự; nguyên, trú quán Lấp Vò - Đồng Tháp - Thích Vân Phong sưu khảo.
- Thích Trí Thông, Hòa thượng, sinh năm 1950, đệ tử HT Thiện Tín-chùa Phật Quang - Bến Tre. Năm 1982, sau khi GHPGVN thành lập, ngài được bầu làm Phó BTS PG tỉnh Bến Tre, kiêm Trưởng Ban Hoằng pháp của tỉnh suốt 2 nhiệm kỳ. Ngài trụ trì chùa Hội Phước - Bến Tre. Sau khi nghỉ công tác Giáo hội, ngài tham gia làm từ thiện trong Hội Từ Bi Quan Thế Âm, chi hội Bến Tre; nguyên quán Quảng Ngãi, trú quán Bến Tre.
- Thích Từ Thông, Hòa thượng, Pháp sư, pháp hiệu là Như Huyễn thiền sư, sinh năm 1928. Ngài là giảng sư nổi tiếng về các bộ Kinh Đại thừa Liễu nghĩa, Duy Thức học. Tuổi thiếu niên xuất gia với lão Hòa thượng Thích Hồng Châu tại quê nhà Tiền Giang. Năm 1940, được Hòa thượng bổn sư gửi học tại Phật học viện Sùng Đức, dưới sự hướng dẫn của Pháp sư Huyền Dung. Năm 1958, Phật học đường Lưỡng Xuyên tái hoạt động, ngài là thọ giáo trưởng của Phật học đường Lưỡng Xuyên. Năm 1959, ngài đã chính thức trở thành vị Pháp sư cùng chư huynh đệ Thích Huyền Vi, Thích Thanh Từ... đó đây đi giảng Phật học Phổ thông nhiều tỉnh Đông Nam phần và miền lục tỉnh. Năm 1963, ngài trở về Sài Gòn. Năm 1964, GHPGVNTN ra đời, ngài kiến tạo Tịnh thất Huỳnh Mai bên cạnh chùa Tam Bảo, chợ Bà Chiểu và hằng ngày đi giảng dạy các Phật học đường Huệ Nghiêm - Bình Chánh, Linh Sơn Cổ tự - quận nhất, chùa Thiên Phước - Cầu Kho, Tịnh xá Từ Thuyền - Gò Vấp, chùa Phổ Đà - Bình Thạnh và các Phật học đường do ngài sáng lập như Huỳnh Kim - Gò Vấp, Phổ Quang - Phú Nhuận. Sau năm 1975, ngài tham gia Ban Liên lạc PG Yêu nước TP Hồ Chí Minh. Khi GHPGVN thành lập năm 1981, HT làm Phó BTS THPG TP Hồ Chí Minh, kiêm Ủy viên Giáo dục Tăng ni Thành hội PG, Hiệu trưởng Trường Cơ bản Phật học TP Hồ Chí Minh tại chùa Vĩnh Nghiêm. Sau trường dời về chùa Thiên Minh - quận 9, HT làm Hiệu trưởng Trường Cao trung cấp Phật học TP Hồ Chí Minh; tác phẩm: Chứng Ðạo Ca trực chỉ đề cương; Kinh Như Lai Viên Giác trực chỉ đề cương; Thủ Lăng Nghiêm Kinh trực chỉ đề cương (I, II, III); Duy Ma cật Kinh Sở thuyết trực chỉ đề cương; Bát Nhã Ba la mật kinh; Duy Thức yếu luận; Pháp Hoa thâm nghĩa đề cương...; nguyên quán Tiền Giang, trú quán TP Hồ Chí Minh.
- Thích Viên Thông (1922-2009), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 45, pháp danh Quảng Thuận, thế danh Đào Văn Trương, đệ tử HT Thích Bửu Quang. Ngài là trụ trì đời thứ 6 chùa Khánh Quới - Cai Lậy - Tiền Giang; nguyên, trú quán Tiền Giang.
- Thích Nữ Viên Thông (1813-1889), Ni trưởng, là con gái quý tộc dòng dõi Kiến An Vương, xuất gia với HT Huệ Cảnh - chùa Tường Vân và về ở chùa Đông Thiền trong hoàng cung. Nghe tiếng Ni trưởng là người thủ tiết thờ chồng, giữ gìn phạm hạnh khi xuất gia. Năm 1887, Ni trưởng được vua Đồng Khánh phong bảng “Tiết hạnh khả phong”; nguyên, trú quán Thuận Hóa - theo Hàm Long Sơn Chí của Như Như đạo nhân, biên soạn.
- Thích Thiện Thống, Thượng tọa, sinh năm 1962, thế danh Nguyễn Văn Ninh, Ủy viên Thường trực HĐTS GHPGVN, Phó Thư ký, kiêm Chánh Văn phòng II TW GHPGVN; nguyên quán An Giang, trú quán TP Hồ Chí Minh.
Tin tức khác
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
Bình luận bài viết