NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Thu
Thu
- Ngô Mạnh Thu (1938-2004), Cư sĩ, huynh trưởng GĐPT. Ông còn bút danh Trần Thái Mưu khi viết hòa âm, Thùy Trân khi viết tình ca, Trần Tú khi viết nhạc thanh niên và quê hương, Trần Tâm Hòa khi viết nhạc Phật giáo. Năm 1961, ông đỗ thủ khoa Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn, là đệ tử HT Thích Tâm Giác, pháp danh là Tâm Hòa, Ủy viên Văn nghệ Ban Hướng dẫn GĐPT Vĩnh Nghiêm. Trước 1975, ông hoạt động trong phong trào Du ca Việt Nam. Năm 1994, ông định cư Hoa Kỳ, làm Trưởng Ban Ái hữu GĐPT Vĩnh Nghiêm hải ngoại. Ông sáng tác trên dưới 100 ca khúc, các tác phẩm: A Chào Ba- A Chào Má; - Bãi Hoang (thơ Nguyễn Ngọc Thạch); - Buổi Sáng Nghe Chim Hót; - Câu hát Này; - Dìu Nhau; - Dòng Sông Trăng; - Đinh Tiên Hoàng; - Giấc Chiều; - Hai Bà Trưng; - Hoài Niệm (thơ Hồng Khương); - Hướng về bờ giác; - Kết dây thân tình; - Lạc Vùng Ăn Năn; - Nhớ Mãi; - Nước Việt Nam; - Quà Mẹ Tặng; - Quê Hương Ta Đó; - Ngô Quyền; - Hành khúc Phật giáo Việt Nam; - Thoảng cánh mây trời; - Tiếng Ca Hải Vân; - Tiếng Ca Vàm Cỏ; - Tuổi 13; - Từ Một Cơn Mơ; - Vui À Vui; nguyên quán Hà Đông, trú quán Hoa Kỳ.
- Thích Trí Thủ (1909-1984), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 43. Năm 1926, ngài xuất gia với HT Viên Thành - chùa Tra Am - Huế, pháp danh Tâm Như, pháp tự Đạo Giám, pháp hiệu Trí Thủ, thế danh Nguyễn Văn Kính. Năm 1932, ngài là học Tăng PHĐ Trúc Lâm. Năm 1934, ngài làm giảng sư Hội An Nam Phật học tỉnh Thừa Thiên và lớp Trung đẳng Phật học chùa Tây Thiên, lớp Sơ đẳng Phật học chùa Báo Quốc. Năm 1938, ngài trụ trì chùa Ba La Mật - Huế. Đến năm 1939, Ni trường chùa Từ Đàm được thành lập, ngài được cử đặc trách đào tạo Ni chúng. Năm 1942, ngài được Giáo hội Tăng già Thừa Thiên bổ nhiệm trụ trì chùa Báo Quốc. Năm 1944, ngài làm trụ trì, kiêm Giám viện Trường Phật học chùa Linh Quang - Huế. Cuối năm 1947, ngài được giao tổ chức lại PHĐ Trung Việt tại chùa Báo Quốc và ngài làm Giám viện. 1951, ngài làm Hội trưởng Hội Việt Nam Phật học- Huế. Năm 1956, ngài làm Giám viện PHV Nha Trang - chùa Hải Đức. Năm 1960, ngài khai sơn tu viện Quảng Hương Già Lam - Gò Vấp. Năm 1964, sau pháp nạn PG, GHPGVNTN thành lập và Viện Cao đẳng Phật học ra đời, ngài được cử làm Viện trưởng. Thời gian này, ngài chủ trương xuất bản tập san Tin Phật, Bát Nhã để hỗ trợ công tác hoằng pháp. Trong Đại hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất kỳ 5 và kỳ 6, ngài được giao trách nhiệm Viện trưởng Viện Hóa Đạo, thay thế Hòa thượng Thích Thiện Hoa vừa viên tịch ngày 20 tháng Chạp năm Nhâm Tý (23.01.1973). Năm 1975, ngài là Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống. Năm 1976, ngài mở Đại giới đàn Quảng Đức ở chùa Ấn Quang và làm Đàn chủ. Sau khi đất nước thống nhất, ngài làm Trưởng Ban Vận động Thống nhất PG. Năm 1981, GHPGVN ra đời, ngài làm Chủ tịch HĐTS TW GHPGVN đến khi viên tịch; tác phẩm: Kinh Phổ Hiền; Mẹ hiền Quan Âm; Kinh Vô Thường; Kinh A Di Đà; Pháp môn Tịnh độ; Nghi thức Phật đản; Tứ Phần Luật; Nghi thức truyền giới Tại gia và Bồ tát Thập Thiện; Luật Tỳ kheo; Để trở thành người Phật tử; Kinh Bất tăng Bất giảm; Thường Bất Khinh Bồ tát; Phát Bồ Đề Tâm; Thử vạch quy chế đào tạo Tăng tài; Nghi thức tụng niệm hàng ngày của giới Phật tử; Điều căn bản cho người Phật tử mới quy y... Ngài tịch vào năm Giáp Tý ngày mồng 2 tháng 3 (02-4-1984); nguyên quán Quảng Trị, trú quán TP Hồ Chí Minh - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 1.
- Đinh Khắc Thuân, PGS.TS, sinh năm 1952, công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; tác phẩm liên quan đến Phật giáo: Văn bia chùa Phật thời Lý, NXB Khoa học xã hội, 2011 (Thích Đức Thiện, Đinh Khắc Thuân (chủ biên), Nguyễn Quốc Tuấn); Văn bia thời Mạc, NXB Dương Kinh, Hải Phòng, 2010; nguyên quán Hà Nam, trú quán Hà Nội.
- Cao Huy Thuần, Giáo sư, học Đại học Luật Sài Gòn năm 1955-1960, giảng dạy tại Đại học Huế năm 1962-1964, xuất bản tờ báo Lập Trường năm 1964 trước khi qua Pháp du học. Ông bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Đại học Paris năm 1969 và giảng dạy tại Đại học Picardie - Paris 10; tác phẩm: Thượng đế, Thiên nhiên, Người, Tôi và Ta(Triết lý luật và tư tưởng Phật giáo), NXB TP Hồ Chí Minh, 2000; Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam, 1857-1914, NXB Tôn giáo, 2002; Từ Đông sang Tây (chủ biên), NXB Đà Nẵng, 2005; Tôn giáo và xã hội hiện đại, NXB Thuận Hóa, 2006; Nắng và Hoa, NXB Văn Hóa Sài Gòn, 2006; Thế giới quanh ta, NXB Đà Nẵng, 2007; Thấy Phật, NXB Tri Thức 2009; Khi tựa gối khi cúi đầu (2011); Chuyện trò (2012); Nhật ký sen trắng (2014); Sợi tơ nhện (2015); nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán Pháp Quốc.
- Trần Phước Thuận, Cư sĩ, sinh năm 1950, pháp danh Lãng Nhân, pháp hiệu Tắc Hành. Bổn sư là Trưởng lão HT Trị sự Trưởng Thiên Thai Giáo Quán tông, Thích Đạt Hảo. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm, Cao học Dân tộc học, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bạc Liêu, Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Bạc Liêu (năm 2001 đến nay), kiêm nhiệm Phó Ban biên tập trang Thông tin Điện tử Phật giáo Bạc Liêu (năm 2007 đến nay).
Ông có nhiều bài tham luận mang nội dung Phật giáo như: Góp phần tìm hiểu về sự hòa nhập giữa Thiền và Tịnh Độ; Đôi điều về Nghi lễ Phật giáo; Giáo dục Hán Nôm trong thế kỷ 18 và 19; Tín ngưỡng dân gian của người Khmer; Đặc điểm văn hóa Phật giáo Bạc Liêu; Thuật ngữ cổ nhạc thường dùng ở Nam bộ; Quán Âm Phật đài Bạc Liêu, một công trình văn hóa tâm linh đặc sắc…
Ông đã viết chung và riêng, trên hai mươi đầu sách: Tìm hiểu cổ nhạc Bạc Liêu; GHPGVN tỉnh Bạc Liêu qua các thời kỳ; Đời sống văn hóa và xu hướng phát triển của người Khmer Nam bộ; Từ điển địa chí Bạc Liêu…và có nhiều bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí: Nghiên cứu Phật học, Văn hóa Phật giáo, Vô Ưu, Hán Nôm, Xưa và Nay, Văn hóa cơ sở, Nghiên cứu âm nhạc, Văn hóa các dân tộc, Nguồn sáng, Văn Hiến, Sân khấu, Chiêu Anh Các, Diễn đàn văn nghệ, Văn nghệ Bạc Liêu…; nguyên, trú quán Bạc Liêu - Thích Vân Phong biên khảo.
- Trần Quang Thuận, Cư sĩ, giáo sư, sinh năm 1930, đệ tử HT Thích Đôn Hậu, pháp danh Tâm Đức, pháp tự Trí Không, tốt nghiệp Tiến sĩ tại Anh Quốc, trở về nước ông ra làm công chức chính phủ với chức Bộ trưởng Bộ Xã hội trong chính phủ Sài Gòn. Ông đắc cử nghị sĩ Thượng viện chính quyền Sài Gòn. Ông biên soạn nhiều tác phẩm về sử PG thế giới. Sau 1975, ông định cư ở Hoa Kỳ và làm Chủ tịch Hội Ái hữu PGVN tại Hoa Kỳ, Tổng Thư ký Hội đồng diều hành Tổng hội PGVN tại Hoa Kỳ, tham gia trong Hội đồng điều hành GHPGVNTN hải ngoại; tác phẩm: Phật Giáo Nga - 2000; Phật Giáo Mỹ (Tập I) - 2000; Phật Giáo Mỹ (Tập II) - 2000; Hành Trì Phật Đạo Tại Trung Quốc - 2003; Phật Giáo Trung Hoa Dưới Thời Mao Trạch Đông - 2003; Phật Giáo Tây Tạng - 2004; Phật Giáo Trung Á - 2004; Triết Học Chính Trị Khổng Giáo - 2004; Phật Giáo Tổng Quan - 2005; Hành Trì Phật Đạo Tại Thái Lan - 2006; Phật Giáo Đại Hàn - 2006; Thuyết Giảng - Tranh Luận - Điều Hành - 2006; nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán Hoa Kỳ.
- Nhật Dần Thiện Thuận (1900-1973), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chánh Tông đời 41, thế danh Lê Văn Thuận, xuất gia năm 1914 với HT Hồng Hưng Thạnh Đạo - chùa Giác Lâm, pháp danh Nhật Dần, pháp hiệu Thiện Thuận. Năm 1920, ngài thọ Cụ túc giới tại trường Kỳ chùa Phú Long - Phú Nhuận. Sau khi thọ giới, ngài tham học và cầu pháp với HT Thanh Ấn - chùa Từ Ân - Phú Lâm, được pháp húy Chơn Dần, pháp hiệu Từ Hiền. Năm 1939, ngài trở về chùa Giác Lâm và kế thế trụ trì tổ đình Giác Lâm vào năm 1949. Năm 1952, ngài lập Trường Lục Hòa của Giáo hội Lục Hòa Tăng, lập cơ sở in ấn Phật học Tạp chí. Năm 1962, ngài là thành viên Hội đồng Tăng thống Giáo hội PG Cổ truyền Việt Nam. Năm 1972, ngài được cử chức Viện trưởng Viện Hoằng đạo Giáo hội PG Cổ truyền Việt Nam. Ngài xả báo thân ngày 26 tháng 3 năm Quý Sửu (1973), thọ 73 năm, 53 giới lạp, tháp lập nơi khuôn viên chùa Giác Lâm; nguyên quán Cần Giuộc - Long An, trú quán Gia Định - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.
- Thích Thiện Thuận, Đại đức, giảng sư, sinh năm 1970, trụ trì viện Chuyên tu Huệ Quang - Làng Vạn Hạnh - Bà Rịa Vũng Tàu, Phó Giám đốc Trung tâm Phiên dịch Hán Nôm Huệ Quang - Viện NCPHVN, Phó BTS, kiêm Trưởng Ban Hoằng pháp GHPGVN Bà Rịa Vũng Tàu; tác phẩm: Phật Tổ Đạo Ảnh; Kinh Xuất Diệu; Kinh Bổn Duyên; Kinh Chúng Hứa Ma La Đế; Kinh Pháp Cú Thí Dụ; Chuyện Bách Dụ; Giác Hổ Tập...; nguyên quán Châu Đốc - An Giang, trú quán Bà Rịa Vũng Tàu.
- Nguyễn Trọng Thuật (1883-1940), Cư sĩ, pháp danh Quảng Tràng. Ông xuất thân là giáo học, viết báo, sáng lập viên Hội PGBK. Ông làm Thư ký Tòa soạn báo Đuốc Tuệ. Ngoài hơn 60 bài báo, với các bút danh Quảng Tràng Thiệt, Đồ Nam Tử, Đồ Nam, Cư sĩ Nguyễn Trọng Thuật đã viết một số chuyên đề Phật học có giá trị đăng nhiều kỳ trên báo Đuốc Tuệ, như: Việt Nam Thiền tông thế hệ (dựa vào Thiền uyển tập anh), Việt Nam cao tăng khảo (dựa vào Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quí Đôn), Bình luận sách Khoá hư và tiểu thuyết Cô con gái Phật hái dâu viết về Nguyên phi Ỷ Lan, bút ký Phật lục sau này là một phần nội dung trong Phật Lục của Trần Trọng Kim xuất bản năm 1940. Với bài Nhân gian Phật giáo đăng trên Đuốc Tuệ, số 55 ra ngày 15-2-1937, ông là người khởi xướng tư tưởng Nhân gian Phật giáo đầu tiên ở nước ta. Năm 1940, ông lâm bệnh và qua đời tại Hà Nội, hưởng dương 57 tuổi; nguyên quán xã Mạn Nhuế, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
- Nguyễn Đăng Thục (1908-1999), Cư sĩ, Giáo sư. Năm 1927, ông du học ở Pháp. Năm 1934, ông về nước, hợp tác xuất bản tờ L'Avenir de la Jeunesse tại Hà Nội. Năm 1937, ông làm Bỉnh bút (biên tập) cho tờ Le Travail rồi chuyển qua làm kỹ sư hóa học cho Nhà máy Dệt Nam Định. Năm 1948, ông làm Giám đốc học vụ Trường Dân Huấn Vụ. Năm 1949, ông về Hà Nội, giảng dạy môn Triết học Đông phương tại Trường Đại học Văn Khoa Hà Nội và chủ bút tờ Văn Hóa Tùng Biên. Năm 1954, ông vào Sài Gòn, sáng lập và làm Chủ tịch Hội Việt Nam Nghiên cứu và Liên lạc Văn hóa Á Châu, đồng thời làm giảng viên Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Từ năm 1962-1965, ông là Trưởng khoa Văn học Việt Nam tại trường này. Ông là chủ bút tạp chí Văn hóa Á Châu và Trưởng Tiểu ban Văn hóa của Unesco - Liên Hiệp Quốc. Năm 1964, ông làm Khoa trưởng Phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn - Viện Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn. Năm 1973, ông được trao Tiến sĩ danh dự về những đóng góp giảng dạy chuyên khoa Triết học Đông phương và PG; tác phẩm: Đại học (1940); Triết lý nhân sinh Nguyễn Công Trứ (1950); Tinh thần khoa học Đạo học (1953); Dân tộc tính (1956); Triết lý Văn hóa khái luận (1956); Triết học Đông phương nhập môn (1958); Văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á (1961); Lịch sử triết học Đông phương, 5 tập (1956-1962); Tư tưởng Việt Nam (1964); Lịch sử tư tưởng Việt Nam, 4 tập (1967-1970); Thiền học Việt Nam (1967); Democracy and traditional Vietnammes society (1962); Asian Culture and Vietnammes Humanism (1965); Thiền học Trần Nhân Tông (1971); Khóa Hư của Trần Thái Tông (1973); Lý Hoặc Luận của Mâu Bác (1974)... Ông mất ngày 01-6-1999, thọ 92 tuổi; nguyên quán Bắc Ninh, trú quán TP Hồ Chí Minh - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.
- Văn Quang Thùy (1887-1967), Cư sĩ, pháp danh Tuệ Nhuận. Năm 1921, ông làm Thông phán tại Nha Quan Thuế - Hà Nội. Năm 1935, ông nghỉ việc và hoạt động phiên dịch kinh điển trong phong trào chấn hưng PG Bắc kỳ. Năm 1949, ông và chư Tăng họp lại thành lập Hội Tăng ni Chỉnh lý Bắc Việt, cùng Hội Việt Nam Phật giáo, đặt tại chùa Quán Sứ, và Hội Phật tử Việt Nam tại chùa Chân Tiên, đồng xuất bản nguyệt san Bồ Đề (miền Bắc). Năm 1954, ông vào Nam và xuất gia với HT Thiện Hòa - chùa Ấn Quang, hiệu là Sa di Bồ tát giới Tuệ Nhuận; tác phẩm của ông rất nhiều, được lưu hành phổ thông trong các chùa tại miền Bắc và sơn môn Vĩnh Nghiêm miền Nam. Ông xả báo thân năm Đinh Mùi (1967) tại Sài Gòn, thọ 80 năm; nguyên quán Hải Dương, trú quán Sài Gòn -xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.
- Thích Thanh Thùy (1922-1996), Giảng sư, đệ tử HT Giác Nhiên - chùa Thuyền Tôn, pháp danh Thâm Thùy, pháp tự Thanh Thùy, pháp hiệu Thiện Sanh. Năm 1942, thầy là một trong năm tu sĩ từ Bắc vào Huế tham dự học tăng PHĐ Tây Thiên và Báo Quốc. Năm 1950, thầy là giảng sư ưu tú được Hội PG Trung phần mời thỉnh giảng các nơi. Về sau, thầy vào Sài Gòn lập chùa Liên Hoa ở Bình Thạnh và trụ trì tại đây đến khi viên tịch; nguyên quán Hải Hậu Nam Định, trú quán TP Hồ Chí Minh - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.
- Võ Đình Thụy (1896-1952), Cư sĩ, pháp danh Tâm Huệ. Năm 1941, ông phát tâm mua thêm đất để trùng tu mở rộng chùa Long Sơn - Khánh Hòa và sau đó, gia đình ông đã dâng cúng tất cả cho Hội An Nam Phật học. Việc làm ấy, trong giai đoạn chấn hưng Phật giáo, đã giúp cho PG có thêm cơ sở hoằng dương chánh pháp. Đó là công lao lớn của cư sĩ Tâm Huệ; nguyên quán Tư Nghĩa - Quảng Ngãi, trú quán Nha Trang - Khánh Hòa - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.
- Thích Tâm Thủy, Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 43, thế danh Nguyễn Phước Truyền, sinh năm 1931, xuất gia năm 1944 với HT Trừng Thành Vạn Ân - chùa Hương Tích - Tây Hòa - Phú Yên, pháp danh Tâm Thủy. Năm 1950, ngài vào Sài Gòn học tại PHV Trung đẳng Huệ Nghiêm - Bình Chánh. Năm 1965, ngài thọ đại giới tại giới đàn PHV Huệ Nghiêm. Sau đó, ngài tham học ở PHĐ Chánh Giác, do HT Hành Trụ giảng dạy. Năm 1967, ngài cầu pháp với HT Hưng Từ, được pháp hiệu là Ấn Thanh và kế thừa trụ trì chùa Minh Sơn - Tuy Hòa. Năm 2002-2017, ngài được công cử làm Ủy viên HĐTS, kiêm Trưởng BTS PG tỉnh Phú Yên. Năm 2012, ngài được suy cử làm Thành viên HĐCM, kiêm Ủy viên Ban Tăng sự TW GHPGVN; nguyên, trú quán Phú Yên - Võ Văn Bình sưu khảo.
- Thích Trí Thuyên (1923-1947), Đại đức, giảng sư, thế danh Trần Trọng Thuyên, xuất gia với tổ Chơn Trung Diệu Quang - chùa Thiên Ấn - Quảng Ngãi. Năm 1934, ngài ra Huế làm học Tăng Trường An Nam Phật học - chùa Trúc Lâm - Huế. Năm 1943, sau khi tốt nghiệp đại học PG khóa đầu tiên, ngài ở lại Huế nghiên cứu kinh điển và giảng dạy. Năm 1944, sau khi thọ đại giới, ngài được phân bổ về Tùng lâm Kim Sơn hoằng hóa. Năm 1946, tất cả Tăng chúng Tùng lâm Kim Sơn di tản vì chiến tranh, ngài tình nguyện ở lại giữ chùa. Năm 1947, thực dân Pháp mở trận càn quét vùng Lựu Bảo - Kim Sơn, ngài bị thực dân Pháp bắn trước chánh điện chùa, lúc ấy ngài được 24 tuổi đời, 3 tuổi đạo. Tháp của ngài được xây trước vườn chùa Kim Sơn; nguyên quán Quảng Ngãi, trú quán Thừa Thiên Huế - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.
- Thích Thanh Thuyền (1914-1994), Hòa thượng, hệ phái Phật giáo Hoa Tông Việt Nam, thế danh Khưu Hàn Cảnh, xuất gia năm 1932 với HT Ngưỡng Tham - chùa Di Sơn Tây Thiền Tự nối pháp dòng Tào Động đời 50, được pháp danh Hoằng Chí. Năm 1934, ngài thọ Tam đàn Cụ túc tại chùa Di Sơn Tây Thiền Tự, với HT Viên Thông làm Đàn đầu truyền giới và được ban pháp hiệu Thanh Thuyền. Từ đây, ngài đến y chỉ tu học với HT Chứng Lượng tại chùa Trường Khánh - dòng Lâm Tế, trong 10 năm. Năm 1944, nhận lời thỉnh cầu Hội Đồng hương Phúc Kiến tại Việt Nam, ngài sang Việt Nam, khai sáng và trụ trì chùa Nam Phổ Đà - Chợ Lớn. Năm 1982, nhận lời thỉnh của Hội PG Hoa kiều California - Hoa Kỳ, ngài được phép xuất dương hành đạo phát triển PG Hoa Tông tại Mỹ. Đến nơi, ngài trụ trì chùa Nặc Ca, kiêm Phó Hội trưởng Hội PG Ca Châu. Ngài xả báo thân ngày mồng 7 tháng 5 năm Giáp Tuất (15-6-1994), thọ 80 năm, 60 tuổi đạo; nguyên quán Phúc Kiến - Trung Quốc, trú quán Chợ Lớn và Hoa Kỳ - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.
- Hoàng Thuyết (1901-1963), Cư sĩ, Thánh tử đạo, pháp danh Hồng Lý. Ông tham gia Hội An Nam Phật học trong phong trào chấn hưng, có công thành lập và xây dựng Khuôn hội PG Phú Bình, sau đó làm Gia trưởng GĐPT Hương Từ, rồi Khuôn trưởng Khuôn hội Phú Bình. Mùa Phật đản 2507-1963, chính quyền miền Nam Việt Nam đã kỳ thị tôn giáo, bắt triệt hạ cờ PG trong ngày lễ Phật đản. Cuộc đấu tranh của Phật giáo đồ bắt đầu bùng nổ với việc tự thiêu của Thượng tọa Tiêu Diêu tại Huế. Cư sĩ Hoàng Thuyết đã viết thư xin Giáo hội cho tự mổ bụng trước Tỉnh đường Thừa Thiên để đấu tranh, nhưng Giáo hội không cho phép làm việc đó. Ông lại viết một bức thư khác xin được tự thiêu. Giáo hội đồng ý nhưng phải đợi lễ tang Thượng tọa Tiêu Diêu xong. Ngày 20-8-1963, chùa Từ Đàm bị tấn công, Cư sĩ Hoàng Thuyết bị bắt và bị tra tấn dã man mấy hôm rồi thả về. Đêm 31-8-1963, sau khi đi thăm một số đạo hữu ở vùng Bao Vinh, trên đường trở về thì ông bị mất tích. Sáng hôm sau gia đình đi tìm thì thấy xác của ông bị vất xuống dòng sông trước Niệm Phật đường Phú Bình trong tư thế nổi thẳng đứng, chứng tỏ ông bị bóp cổ trước khi thả xuống sông. Năm 1965, Giáo hội Phật giáo Trung phần đã tấn phong Thánh tử đạo cho Cư sĩ; nguyên, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.
- Đinh Gia Thuyết (?-?), Cư sĩ, không rõ năm sinh năm mất. Ông là thành viên Ban Tại gia Chấn hưng Phật giáo chùa Sơn Thủy - Ninh Bình. Ông là cộng tác viên tích cực của tạp chí Đuốc Tuệ - cơ quan truyền bá Phật pháp của Hội Bắc kỳ Phật giáo với nhiều chuyên luận. Những bài ông diễn giảng tại chùa Sơn Thủy - Ninh Bình: Lịch sử chùa Sơn Thuỷ; Trương Hán Siêu với Phật giáo; Một vị Thánh tăng của Ninh Bình; Ông Sãi Cao Mên; Ba đường tu...; nguyên, trú quán Ninh Bình - Nguyễn Đại Đồng sưu khảo.
Tin tức khác
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
Bình luận bài viết