NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Thư
Thư
- Nguyễn Tài Thư, sinh ngày 12-5-1935, Giáo sư Tiến sĩ, chuyên ngành triết học. Giải thưởng Nhà nước về khoa học năm 2016. Tác phẩm liên quan đến Phật giáo: Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nguyễn Tài Thư chủ biên và đồng tác giả, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1989; Ảnh hưởng của các hệ tư tưởng và tôn giáo đối với con người Việt Nam hiện nay, Nguyễn Tài Thư chủ biên và đồng tác giả, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997, tái bản 2005; nguyên quán Đông Hòa, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa; trú quán: phường Cống Vị, quận Ba Đình, TP Hà Nội.
- Phạm Thiên Thư, Cư sĩ, nhà thơ, ông tên thật là Phạm Kim Long, pháp danh Tuệ Không, sinh năm 1940, di cư vào Nam năm 1954. Ông xuất gia, tu ở chùa Vạn Thọ - Sài Gòn (1964). Năm 1973, ông về tại gia tiếp tục làm thơ và nổi tiếng trên văn đàn vào thời kỳ trước năm 1975. Những tác phẩm của ông hầu hết đều lấy tư tưởng PG làm chủ đạo, hoặc “thi hóa kinh điển” mà ông đã chọn hướng sáng tác cho mình; tác phẩm: Thơ Phạm Thiên Thư (1968); Kinh Ngọc (thi hóa Kinh Kim Cương); Đoạn trường vô thanh (1972 - được giải thưởng văn chương); Đạo Ca (nhạc Phạm Duy); Kinh Thơ (thi hóa Kinh Pháp Cú); Kinh Hiếu (thi hóa Kinh Vu Lan); Kinh Hiền (thi hóa kinh Hiền Ngu); Trại Hoa đỉnh đồi; Em lễ chùa này; Động hoa vàng (1971); Vua núi vua nước (2003 - tức Sơn Tinh - Thủy Tinh); nguyên quán Hải Phòng, trú quán TP Hồ Chí Minh - theo báo Giác Ngộ, số 901 và www.vi.wikipedia.org
- Thích Trung Thứ (1871-1942), Hòa thượng, thế danh Phan Trung Thứ. Năm 1890, ngài xuất gia tại chùa Liên Tỉnh - Nam Định, pháp danh Chân Như, pháp hiệu Trung Thứ. Ngoài 40 tuổi, ngài trụ trì chùa Bằng - Thường Tín - Hà Tây và chùa Sở - quận Đống Đa- Hà Nội. Khi thì ngài khai tràng thuyết pháp ở chùa Bằng, khi ở chùa Sở, ngài cũng khai tràng thuyết pháp, tận tụy với việc hoằng pháp trọn năm suốt tháng tại hai ngôi chùa này. Năm 1934, thành lập Hội Bắc kỳ Phật giáo, ngài nhận chức Kỳ Túc Đạo sư. Năm 1936, một lớp đại học PG đã khai giảng tại chùa Bằng Sở ở Thái Hà ấp, ngài làm Đốc giáo của trường và cúng dường tài vật cho chúng Tăng tu học. Ngài cũng được mời làm Chủ bút tờ báo Đuốc Tuệ của phong trào chấn hưng PG Bắc kỳ; nguyên quán Nam Định, trú quán Hà Nội - theo Danh Tăng Việt Nam, tập 1.
- Thích Như Thừa (1880-1926), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 41, đệ tử tổ Chơn Kim, pháp danh Như Thừa, pháp tự Giải Trí, pháp hiệu Hoàng Nguyện, trụ trì chùa Viên Thông, đệ lục tôn chứng giới đàn chùa Từ Hiếu; nguyên, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ tiền bối hữu công PG Thuận Hóa.
- Thích Chơn Thức (1938-1973), đệ tử đức Trưởng lão HT Thích Tịnh Khiết - Đệ nhất Tăng thống GHPGVNTN, pháp danh Tâm Thành, pháp hiệu Chơn Thức. Năm 1964, ngài làm Giám tự chùa Tường Vân - Huế; năm 1968, Đặc ủy Thanh niên; năm 1970, Đặc ủy Cư sĩ. Ngài có giọng tụng niệm rất hay, nên được thu băng phổ biến rất nhiều. Do bệnh cũ tái phát, ngài vào Sài Gòn chữa trị nhưng thị tịch ở bệnh viện Grall - Sài Gòn, năm 1973; nguyên, trú quán Thừa Thiên Huế -theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.
- Nguyễn Đại Thức (1929-1966), Cư sĩ, Thánh tử đạo, huynh trưởng GĐPT, Đoàn trưởng Thiếu Nam, kiêm Thư ký GĐPT Tịnh Bình, pháp danh Tâm Dũng. Năm 1963, trong pháp nạn đối với PG, chứng kiến những cuộc đàn áp thẳng tay với PG đồ ông có những tâm nguyện đấu tranh cho sự bất công này. Năm 1966, trong khi cùng làn sóng người tràn vào Bộ Tư lệnh Sư đoàn I để đưa thỉnh nguyện thư, ông bị một tràng tiểu liên hạ sát, lúc ấy ông 37 tuổi; nguyên quán Quảng Bình, trú quán Thừa Thiên Huế - Dương Kinh Thành biên khảo.
- Thiền sư Viên Thức, sinh ngày 12-7-1940, trụ trì chùa Lâm Tỳ Ni - Đà Lạt. Thiền sư Viên Thứcđã 6 lần triển lãm tranh tại Hoa Kỳ, 2 lần tại Pháp, Hà Lan, TP. HCM; nguyên quán Nam bộ, trú quán Đà Lạt - Thích Vân Phong biên khảo.
- Thích Chân Thường (1912-1993), Hòa thượng, thế danh Trần Đức Ký, xuất gia năm 1950 với tổ Trà Trung - chùa Linh Ứng - Nam Định, pháp danh Bản Như, pháp hiệu Chân Thường. Sau khi thọ đại giới, ngài đến tham học với tổ Tuệ Tạng - chùa Cồn - Nam Định. Năm 1954, ngài vào Nam chuyên tu pháp môn Tịnh Độ. Năm 1958, ngài kiến tạo An Lạc tịnh xá (tiền thân chùa An Lạc - Sài Gòn). Trong quá trình hành đạo, ngài kiến lập thêm 2 ngôi chùa ở Biên Hòa và Thủ Dầu Một. Năm 1961, ngài sang Lào hành đạo, rồi sang Pháp định cư. Năm 1964, ngài khai sáng chùa Linh Sơn - Paris, sau giao lại cho HT Huyền Vi. Năm 1968, ngài khai sơn chùa Quan Âm Paris - Pháp Quốc và hành đạo tại đây cho đến cuối đời; tác phẩm: Chư kinh nhật tụng; Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân; Kinh Đại Bát Niết Bàn; Kinh Pháp Hoa Huyền Tán; Thế giới An Lập Đồ; Kinh Địa Tạng; Kinh Phổ Môn; Kinh Vô Lượng Thọ; Phổ Đà Sơn Dị Truyện. Ngài xả báo thân ngày mồng 5 tháng 11 năm Quý Dậu, thọ 82 năm, 42 tuổi đạo; nguyên quán Nam Định, trú quán Pháp Quốc - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.
- Minh Tâm Phước Thường (1832-1904), Hòa thượng, đệ tử tổ Tiên Giác - Hải Tịnh, còn có sách viết là Chương Tâm - Phước Thường. Ngài trụ trì chùa Tập Phước - Gò Vấp và viên tịch ngày 20 tháng Giêng năm Giáp Thìn - theo Biên niên sử PG Sài Gòn - Gia Định.
- Tế Bổn Viên Thường (1769-1848), Hòa thượng, được vua Gia Long sắc phong trụ trì chùa Long Quang - Huế. Ngài trùng tu chùa Pháp Vân và được sắc phong Tăng cang chùa Thiên Mụ; nguyên quán Gia Định, trú quán Phú Xuân - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ tiền bối hữu công.
Tin tức khác
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
Bình luận bài viết