Thông tin

NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Ti

Ti

 

- Minh Đức Bửu Tích (?-1908), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chánh Tông đời 38, đệ tử ngài Tiên Bổn - Tịnh Cảnh, pháp danh Minh Đức, pháp hiệu Bửu Tích, Tăng cang chùa Thiên Mụ, trụ trì chùa Quốc Ân; nguyên quán chưa rõ, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ tiền bối hữu công PG Thuận Hóa.

- Thích Tâm Tịch (1915-2005), Hòa thượng, Pháp chủ GHPGVN, thế danh Nguyễn Đình Khuê, xuất gia năm 1935 với HT Thiện Bản Thông Đoan - chùa Cao Đà - Lý Nhân - Hà Nam, được pháp danh Tâm Tịch, pháp hiệu Như Sơn. Năm 1939, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Quán Sứ, do HT Thích Thanh Ất làm Đàn đầu truyền giới. Sau đó, ngài theo học với tổ Tuệ Tạng - chùa Cồn - Nam Định, học trường Phật học chùa Quán Sứ, chùa Bồ Đề, chùa Cao Phong... Giới đức kiêm ưu, ngài được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu trong các giới đàn: chùa Quán Sứ - Hà Nội (1953), chùa Tế Xuyên - Hà Nam (1955), chùa Thần Quang - Hà Nội (1959), chùa Bà Đá - Hà Nội (1976), chùa Quán Sứ - Hà Nội (1978). Từ năm 1981-2001, mỗi năm tại chùa Quán Sứ sau mùa Kiết hạ, đều có khai giới đàn, ngài được thỉnh làm Đàn đầu truyền giới. Về sự nghiệp kế vãng khai lai: Năm 1958, ngài làm Giám tự tùng lâm Quán Sứ; năm 1962, kế thế trụ trì chùa Cao Đà; năm 1979, trụ trì chùa Bồ Đề - Hà Nội; năm 1981, trụ trì chùa Quán Sứ; năm 1997, viện chủ tổ đình Tế Xuyên - Hà Nam. Những trọng trách với đạo pháp - dân tộc: Năm 1958, ngài là Ủy viên TW Hội PG Thống nhất Việt Nam, kiêm Ủy viên MTTQ TP Hà Nội; năm 1972, Ủy viên Ban Nghi lễ TW; năm 1976-1981, Ủy viên Thường trực Hội PG Thống nhất Việt Nam; năm 1983, Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh GHPGVN; năm 1992, Phó Pháp chủ GHPGVN; năm 1997, Pháp chủ GHPGVN. Ngài thị tịch ngày 26 tháng Giêng năm Ất Dậu (06-3-2005), thọ 91 năm, 66 hạ lạp; nguyên quán Nam Định, trú quán TP Hà Nội - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 3.

- Thích Thanh Tích (1881-1964), Hòa thượng, họ Nguyễn, xuất gia với tổ Thanh Quyết - trụ trì chùa Hương Tích - Hà Đông, pháp danh Thanh Tích, pháp hiệu Phổ Minh. Năm 1945, ngài được tổ Thanh Quyết cử làm Giám viện chùa Hương. Năm 1931, được tổ truyền giao chức trụ trì chùa Hương Tích. Năm 1934, trong phong trào chấn hưng PG miền Bắc, Hội Bắc kỳ Phật giáo được thành lập, ngài được cung thỉnh Chứng minh đạo sư của hội. Ngài có công trùng tu hơn 10 ngôi chùa lớn nhỏ và trùng san, khắc bản in các bộ kinh luật luận: Duy Ma Cật Kinh; Yết Ma Chỉ Nam; Giải Thâm Mật Kinh; Di Đà Viên Trung; Pháp Hoa Đề Cương...; nguyên quán Hà Nam, trú quán Hà Tây - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 1.

- Thích Nữ Diệu Tĩnh (1943-1965), Ni cô, Thánh tử đạo, pháp danh Quảng Liên, pháp hiệu Diệu Tĩnh, trú xứ chùa Linh Sơn-Ninh Thuận. Ni cô đã tự thiêu ngày 14-6-1965, để cúng dường Tam Bảo, phản đối chính phủ không giữ đúng lời hứa thực hiện 4 nguyện vọng đã hứa với PG đồ; nguyên quán chưa rõ, trú quán Ninh Thuận - theo Biên niên sử PG Sài Gòn - Gia Định.

- Lương Gia Tĩnh, sinh năm 1950, Cư sĩ, nguyên giảng viên Triết học Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn; Thư ký BBT tạp chí Khuông Việt; Phó Viện trưởng, phụ trách Nghiên cứu khoa học và thế học, Uỷ viên HĐTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhiệm kỳ 2012-2017; tác phẩm: Kinh Viên Giác luận giải (dịch cùng Mai Xuân Hải), chưa rõ nguyên quán, trú quán Hà Nội.

- Thích Pháp Tịnh (1922-2005), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Gia Phổ đời 40, thế danh Nguyễn Văn Bốn, xuất gia năm 1938 với tổ Chánh Thành - chùa Vạn An - Cái Xếp - Sa Đéc, pháp danh Hồng Hương, pháp tự Huyền Doãn, pháp hiệu Pháp Tịnh. Năm 1941, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Thới An - Cao Lãnh. Sau khi thọ giới, ngài về chùa Kỳ Viên ở quê hương tu học và cầu pháp với tổ Khánh Đức - chùa Hội Sĩ - Phước Thạnh - Cái Bè. Năm 1945, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ngài theo gương các đồng môn tham gia Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ (1947), học khóa huấn luyện của đảng và Mặt trận Việt Minh (1948), hoạt động cách mạng vùng Cái Bè (1949)... Năm 1954, chiến tranh chấm dứt, ngài trở về chùa Kỳ Viên kế thế trụ trì. Sau năm 1975, ngài từng bước trùng tu chùa Kỳ Viên và tháp tổ. Năm 1987, ngài được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng I. Ngài giới hạnh kiêm toàn, nên từ năm 1954 đến 2002, luôn được cung thỉnh làm Giới sư trong các giới đàn: Giáo Thọ A xà lê trong các giới đàn Long An - TP Hồ Chí Minh, Tôn chứng trong giới đàn chùa Từ Lâm, Chứng minh trong Đại giới đàn Đôn Hậu... Ngài còn làm Tăng giám Giáo hội Lục Hòa Tăng và Phó Ban Đại diện PG huyện Cái Bè. Năm 1993, ngài làm Thiền chủ trường Hạ chùa Vĩnh Tràng - Mỹ Tho. Ngài xả báo thân ngày 27 tháng Chạp năm Ất Dậu (05-02-2005) tại chùa Kỳ Viên, thọ 83 năm, 63 tuổi đạo; nguyên, trú quán Cái Bè - Tiền Giang - TK Thích Minh Trí biên khảo. 

- Đạo Minh Phổ Tịnh (?-1816), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 38, pháp húy Đạo Minh, pháp tự Viên Nhất. Năm 1874, ngài đến chùa Thuyền Tôn xin quy y với HT Đại Huê (Đại Văn) Chiến Nhiên, được đặt pháp danh Phổ Tịnh. Năm 1780, ngài được bổn sư cử đi giảng Phật pháp nhiều nơi. Năm 1785, ngài tổ chức quyên góp cứu trợ đồng bào đói kém vì chiến tranh. Năm 1892, ngài và bổn sư đứng ra vận động trùng tu chùa Thuyền Tôn. Ngài được giao trực tiếp điều hành công trình. Năm 1808, ngài được sắc phong trụ trì chùa Thiên Thọ (Báo Quốc). Năm 1814, ngài cho đệ tử là Tánh Thiên Nhất Định hợp tác cùng các đại thần trùng tu chùa Thuyền Tôn và tháp tổ Liễu Quán. Năm 1815, ngài khai đại giới đàn tại chùa Báo Quốc và phú pháp cho 18 đệ tử mang pháp hiệu chữ “Nhất”. Ngài viên tịch ngày 13 tháng 11 năm Bính Tý (1816), bảo tháp lập ở khu đất sau này là chùa Huệ Lâm; nguyên quán Duy Xuyên - Quảng Nam, trú quán Thừa Thiên Huế - Danh Tăng thế kỷ 17-19, Thích Đồng Bổn biên khảo.

- Thích Giác Tiên (1880-1936), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 42, đệ tử ngài Tâm Tịnh - chùa Từ Hiếu, pháp danh Trừng Thành, pháp hiệu Chí Thông, pháp tự Giác Tiên. Năm 1904, ngài theo bổn sư dựng am Thiếu Lâm để tu học. Năm 1913, Ni sư Diên Trường xây dựng xong ngôi chùa Trúc Lâm, cung thỉnh ngài về khai sơn và trụ trì. Năm 1929, trùng tu chùa Trúc Lâm xong, ngài vào Bình Định cung thỉnh Quốc sư Phước Huệ - chùa Thập Tháp ra làm chủ giảng. Ngài rất chú trọng việc đào tạo Tăng tài. Năm 1934, ngài cùng đệ tử Mật Khế khai giảng Trường An Nam Phật học tại chùa Trúc Lâm - trường đại học Phật giáo đầu tiên. Ngài có công lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo; nguyên, trú quán Thừa Thiên Huế - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 1.

- Thích Đồng Tiến, Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 43, thế danh Huỳnh Đồng Tiến, sinh năm 1941, xuất gia năm 1949 với HT Phước Trí - chùa Từ Quang (Đá Trắng) - Tuy An, pháp danh Đồng Tiến, pháp tự Thông Hòa, pháp hiệu Viên Hạnh. Năm 1958, ngài được bổn sư cho theo học tại PHV Trung Phần -  Hải Đức - Nha Trang. Năm 1964, ngài vào tu học tại tu viện Quảng Hương Già Lam - Gò Vấp - Gia Định. Năm 1968, ngài thọ đại giới tại giới đàn PHV Hải Đức - Nha Trang. Từ năm 1970-1975, ngài làm Hiệu trưởng Trường Trung học Bồ Đề Tuy Hòa. Năm 1982-2007, ngài là Chánh Đại diện PG huyện Sông Cầu và là Ủy viên Văn hóa Giáo dục BTS PG tỉnh Phú Yên. Năm 1996, ngài là Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Liễu Quán - Phú Yên. Ngài kế thừa trụ trì tổ đình Triều Tôn và tổ đình Từ Quang - Tuy An - Phú Yên; nguyên, trú quán Phú Yên - Võ Văn Bình biên khảo. 

- Thích Chính Tiến (1928-2010), Thượng tọa, xuất gia tu học ở miền Bắc và di cư vào Nam, năm 1957, tu học tại chùa Giác Minh - quận 10. Năm 1959, trong đại hội PG toàn quốc kỳ III của Tổng hội PGVN, Thượng tọa được cử làm Ủy viên Từ thiện Tổng hội PG. Năm 1960, thầy trụ xứ chùa Bửu Liên - Bình Thạnh và dịch thuật kinh điển. Sau pháp nạn 1963, GHPGVNTN ra đời, thầy trở về tại gia làm cư sĩ hộ pháp cho tổ đình Vĩnh Nghiêm tại Sài Gòn. Năm 1980, ông sang Mỹ định cư, hộ pháp cho chùa Giác Minh ở TP San Jose và mất tại Mỹ ngày 09-01-2010; tác phẩm: Lương Hoàng Sám (dịch); Kinh Đại Phương Tiện Báo Phụ Mẫu Trọng Ân (dịch chung); nguyên quán Quốc Oai - Hà Tây, trú quán Hoa Kỳ.

- Nguyễn Hữu Tiến (1875-1941), Cư sĩ, nhà nho, biệt hiệu Đông Châu. Ông là cộng tác viên đầu tiên và liên tục nhiều năm của tạp chí Nam Phong. Năm 1934, báo Nam Phong đình bản, ông và các bạn Dương Bác Trạc, Nguyễn Trọng Thuật... tham gia nhóm Phật học tùng thư, rồi tháng 11 năm 1934 trở thành trong những sáng lập viên Hội Phật giáo Bắc kỳ. Ông phụ trách dạy văn cổ trong trường Hạ của hội, tham gia diễn giảng tại chùa hội quán (Quán Sứ) và chi hội PG các tỉnh; nguyên, trú quán Hà Nội - Nguyễn Đại Đồng sưu khảo.

- Nguyễn Minh Tiến, pháp danh và bút danh Nguyên Minh, sinh năm 1961. Ông hiện sống ở Tân Thành - tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Ông tham gia biên tập Nội san Đạo Uyển. Bút danh Nguyên Minh được sử dụng trong trang nhà Rộng mở tâm hồn; tác phẩm: Về mái chùa xưa; Vì sao tôi khổ; Ai vào địa ngục; Sống thiền; Tổng quan Kinh Đại Bát Niết Bàn; Mục lục Đại chánh tân tu Đại tạng kinh;  Lục tổ Đại sư - con người và huyền thoại; Kinh Đại Bát Niết Bàn (8 tập); Quy Nguyên trực chỉ; Kinh Tỳ kheo Na Tiên; nguyên quán Tư Nghĩa - Quảng Ngãi, trú quán Tân Thành - Bà Rịa Vũng Tàu - theo www.lienphathoi.org 

- Thích Phước Tiến, Đại đức, giảng sư, thế danh Lê Thanh Tròn, sinh năm 1974, Thạc sĩ, Phó Tổng Thư ký Viện Nghiên cứu Phật học, Ủy viên Ban Hoằng pháp TW GHPGVN, Phó Ban Văn hóa Phật giáo Thành Phố Hồ Chí Minh, trụ trì tu viện Tường Vân - Binh Chánh; nguyên quán Vĩnh Long, trú quán TP Hồ Chí Minh.

- Thích Chí Tín (1924-2013), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 43, thế danh Lê Văn Dụ, xuất gia năm 14 tuổi với HT Chánh Hóa - chùa Từ Hiếu, pháp danh Tâm Nhẫn, pháp tự Hành Từ, pháp hiệu Chí Tín. Năm 1940, bổn sư ngài vào trụ trì chùa Long Sơn Bát Nhã - Nha Trang, ngài theo hầu thầy về đây tu học. Năm 1947, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Thiên Bửu Hạ - Ninh Hòa, do HT Phước Huệ - chùa Hải Đức - Nha Trang làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1957, ngài kế vị trụ trì chùa Long Sơn đời thứ 3. Năm 1952, ngài hưởng ứng lời kêu gọi của Giáo hội Tăng già Trung Việt, vận động xây dựng Tăng học đường Trung Việt, trong khuôn viên chùa Long Sơn. Năm 1956, PHV Trung Phần Nha Trang và PHV Báo Quốc - Huế nhập lại làm PHV Cao đẳng Hải Đức - Nha Trang, ngài cùng chư tôn đức lãnh đạo trường ra sức chăm lo bước đầu cho PHV thành công, Tăng học đường cũ được ngài xây dựng thành Trường Trung học Bồ Đề Nha Trang. Năm 1964, ngài cùng với Thượng tọa Đức Minh - Chánh Đại diện PG Khánh Hòa, chung sức xây dựng tượng Kim thân Phật tổ tại đỉnh đồi Trại Thủy. Năm 1982, ngài được mời làm Ủy viên Nghi lễ của Tỉnh giáo hội. Năm 1990, ngài ủng hộ phần đất trong khuôn viên chùa để xây dựng Trường Cơ bản Phật học Khánh Hòa. Năm 1997, ngài được suy tôn Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN và làm Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Khánh Hòa. Ngài xả báo thân ngày Rằm Trung Thu tháng 8 năm Quý Tỵ (2013), thọ 92 năm, 67 hạ lạp,; nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán Nha Trang - Khánh Hòa - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa, tập 3.

- Thích Nữ Diệu Tín (1918-2016) Trưởng lão Ni, thế danh Nguyễn Thị Thêm, xuất gia năm 13 tuổi với Sư bà Như Hạnh - (cô ruột của Ni trưởng) - Quan Âm Phật Tự - Bạc Liêu. Năm 1939, ngài thọ Sa di và Thức xoa tại giới đàn chùa Long Phước - Bạc Liêu. Năm 1942, Ni trưởng thọ đại giới tại giới đàn chùa Phước Hưng - Cổ Cò - Sóc Trăng. Sau đó, Ni trưởng theo học ở Phật học Ni viện - chùa Giác Hoa - Cái Dày - Bạc Liêu, do chư HT Khánh Anh, Huệ Quang, Phổ Chiếu khai mở giảng dạy. Sau khi tốt nghiệp, Ni trưởng làm Giáo thọ chư Ni ở 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau. Từ năm 1954-1963, Ni trưởng giảng dạy tại các chùa Phước Hòa, chùa Vạn Đức,  chùa Đại Giác ở Sóc Trăng. Năm 1964, GHPGVNTN ra đời, Ni trưởng được mời đảm nhiệm Ủy viên Ni giới trong Ban Đại diện PG tỉnh An Xuyên và phụ trách khóa Hạ hằng năm tại Quan Âm Cổ Tự (chùa Phật Tổ). Năm 1979, Ni trưởng tham gia Ban Liên lạc PG Yêu nước tỉnh Minh Hải. Năm 1984, Ni trưởng là thành viên BTS GHPGVN tỉnh Minh Hải. Ni trưởng được cung thỉnh làm Yết ma A-xà-lê Ni trong các giới đàn Quan Âm (1987), Trí Tâm (1990), Thiện Tường (1995). Năm 1997, tỉnh Minh Hải tách tỉnh, Ni trưởng được phân công Phó BTS PG tỉnh Cà Mau. Từ 2002-2011, ngài làm Đàn đầu Hòa thượng Ni trong 6 giới đàn liên tiếp của Tỉnh hội PG 2 tỉnh tổ chức. Năm 2012, Ni trưởng là cương vị Chứng minh BTS PG tỉnh Cà Mau và Chứng minh Phân ban Ni giới của tỉnh. Ni trưởng xả báo thân ngày mồng 2 tháng Giêng năm Bính Thân (09-02-2016) tại Sắc tứ Quan Âm Cổ Tự, thọ 98 năm, 78 hạ lạp; nguyên, trú quán Cà Mau - TK Ni Như Thanh soạn thảo.

- Thích Khánh Tín (1896-1992), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 40, thế danh Phạm Quang Sứ, xuất gia năm 1908 với HT Hoằng Tịnh - chùa Phước Quang - Quảng Ngãi, pháp danh Chơn Sử, pháp tự Đạo Thị. Năm 1917, ngài được bổn sư cử trụ trì chùa Thọ Sơn - Quảng Ngãi. Năm 1920, ngài thọ Cụ túc giới tại chùa Phước Quang, do bổn sư làm Đàn đầu truyền giới và ban pháp hiệu Khánh Tín. Năm 1928, ngài chứng minh trụ trì chùa Cảnh Tiên ở đảo Lý Sơn. Năm 1942, ngài khai sơn chùa Hải Lâm - đảo Lý Sơn. Năm 1952, ngài được cử kế thế trụ trì tổ đình Thiên Ấn và làm Chủ tịch Hội PG Cứu quốc tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1960, ngài làm Chứng minh đạo sư Giáo hội Tăng già tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1964, ngài được cung thỉnh vào Hội đồng Trưởng lão Viện Tăng thống GHPGVNTN. Năm 1970, ngài được cung thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng đại giới đàn chùa Tỉnh hội Quảng Ngãi. Ngài xả báo thân ngày 11 tháng 5 năm Nhâm Thân (1992), thọ 97 năm, 72 hạ lạp; nguyên quán đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi, trú quán Quảng Ngãi - theo Danh Tăng Việt Nam, tập 3.

- Thích Mật Tín (1901-1941), Hòa thượng, pháp danh Tâm Chơn, pháp tự Mật Tín, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 43, là đệ tử ngài Giác Tiên - chùa Trúc Lâm. Ngài chuyên tu pháp môn Mật tông nên thường ở chỗ vắng lặng ít giao tiếp. Do hạnh nguyện như vậy, nên khi bổn sư viên tịch, ngôi vị trụ trì chùa Trúc Lâm được sơn môn giao cho ngài, nhưng ngài từ chối để chuyên tu mật hạnh; nguyên, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Thiện Tín (1921-1999), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Gia Phổ đời 41, thế danh Lê Văn Điệp, xuất gia năm 1936 với tổ chùa Hội Phước, pháp danh Nhựt Trí, pháp hiệu Phổ Thông. Năm 1943, ngài là học Tăng PHĐ Lưỡng Xuyên. Năm 1957, ngài trụ trì chùa Phật Quang - Bến Tre. Năm 1958, ngài dự khóa “Như Lai Sứ Giả” do Giáo hội Tăng già tổ chức tại chùa Pháp Hội. Năm 1964, ngài làm Chánh Đại diện GHPGVNTN tỉnh Bến Tre. Năm 1989, ngài làm Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bến Tre. Ngài xả báo thân ngày 17-11-1999, thọ 79 năm, 57 hạ lạp, bảo tháp lập trong khuôn viên chùa Phật Quang; nguyên, trú quán Bến Tre - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.

- Thích Chân Tính, Thượng tọa, thế danh Nguyễn Sỹ Cường, sinh năm 1958, xuất gia năm 1973, làm đệ tử HT Ngộ Chân Tử - chùa Hoằng Pháp - Hóc Môn. Năm 1998, thầy kế thế trụ trì chùa Hoằng Pháp - Hóc Môn, là một hành giả Tịnh độ theo pháp môn của HT bổn sư. Thượng tọa tổ chức nhiều khóa tu Phật thất có uy tín, đã có nhiều tác phẩm biên soạn xuất bản; nguyên quán Hà Bắc, trú quán TP. Hồ Chí Minh.

- Hồng Căn Chí Tịnh (1913-1972), Hòa thượng, thế danh Nguyễn Văn Đại, xuất gia năm 1920 với HT Như Bửu Thanh Châu - chùa Phước Long - Mỹ Tho, pháp danh Hồng Căn, pháp hiệu Chí Tịnh. Năm 1932, ngài thọ Tỳ kheo tại trường Kỳ chùa Minh Đức - Bến Tre. Năm 1935, ngài đến học trường Gia giáo chùa Vạn An, do HT Chánh Thành giảng dạy. Năm 1942, ngài đến chùa Tuyên Linh học với HT Khánh Hòa và làm học Tăng Trường Lưỡng Xuyên Phật học. Năm 1951-1954, ngài tham gia phong trào PG Cứu quốc Đồng Tháp Mười. Thời gian này, ngài trụ trì chùa Lạc Thiện - Tân Thạch - Bến Tre và kế thế trụ trì tổ đình Phước Long - Châu Thành - Mỹ Tho. Năm 1966, ngài được cung thỉnh trụ trì chùa Phật Ân - Mỹ Tho. Năm 1972, ngài tham dự trường Hạ chùa Sùng Đức - Phú Lâm và tịch tại đây ngày mồng 6 tháng 6 năm Nhâm Tý, hưởng 59 tuổi, 40 hạ lạp; nguyên, trú quán Mỹ Tho - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.

- Thích Nữ Chơn Tịnh (1935-1984), Ni trưởng, đệ tử Sư bà Hướng Đạo - chùa Diệu Viên, pháp danh Tâm Hảo, thế danh Trương Thị Như Tuyết. Năm 1959, Ni trưởng xin học y tế tại Bệnh viện Trung ương Huế, sau khi mãn khóa về làm việc tại bệnh xá Diệu Viên, do Ni trưởng Chơn Thông xây dựng. Năm 1970, Ni trưởng được cử về chăm sóc Hoa Nghiêm Các do Ni trưởng Giác Huệ trụ trì đã già yếu, mãi đến sau khi đất nước giải phóng năm 1975, Ni trưởng mới cải tạo thành chùa Hoa Nghiêm và đến 1982 mới chính thức về đây trụ trì; nguyên, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích nữ Diệu Tịnh (1910-1942), Trưởng lão Ni, thế danh Phạm Thị Thọ, cầu pháp với tổ Phi Lai, Như Hiển - Chí Thiền, được ban pháp danh Hồng Thọ, hiệu Diệu Tịnh. Sau thời gian theo học tại trường hạ Giác Hoa, Bạc Liêu, Ni trưởng trưởng về lại Gia Định theo học với Hòa thượng Như Quý (tổ đình Phước Tường - Thủ Đức). Năm 19 tuổi, ngài được cử về làm trụ trì chùa Hội Sơn. Năm 1930, Ni trưởng thọ giới Tỳ kheo ni tại trường Kỳ núi Điện Bà, do tổ Như Nhãn - Từ Phong làm Đàn đầu Hòa thượng và sau đó theo học với tổ Từ Phong cho đến lúc tổ viên tịch. Năm 1938, chùa Phước Long (Mỹ Tho) khai hạ, mời Sư trưởng làm Pháp sư giảng dạy trong ba tháng. Cuối tháng 7 năm này, Sư trưởng ra Bắc tham cứu Luật tạng. Trên đường chu du, Sư trưởng ghé Bình Định thuyết pháp tại chùa Liên Tôn và chùa Thiên Hưng, qua Đà Nẵng viếng Hội Phật học Đà Thành, đến Huế gặp cụ Lê Đình Thám và Ni trưởng Diệu Không (lúc chưa xuất gia). Đến Hà Nội, chi nhánh Hội Phật học Bắc kỳ mời Sư trưởng thuyết pháp tại chùa Phố Hiền - Hưng Yên. Ở kinh Bắc, Sư trưởng học Luật tại chùa Quán Sứ. Học xong, về lại miền Nam, trên đường đi ghé Huế giảng dạy Kinh Phạm Võng lược sớ cho bà Từ Cung trong hai tháng. Năm 1939, triều đình Huế ban biển vàng cho Hải Ấn Ni Tự và ban Sắc tứ cho Bình Quang Ni Tự. Phật tử Hưng Yên - Bắc Việt tặng chùa Hải Ấn đôi liễn và bức hoành. Năm 1940, Sư trưởng làm Giáo thọ cho Ni giới tại trường Giác Linh Tự (Sắc tứ Tân Hòa Tự-  chùa Bà Ba Soàn) - Sa Đéc; sau đó, dời về tổ đình Vạn An, nương với tổ sư Đạt Thới - Chánh Thành trọn khóa học. Trong thời gian này, Sư trưởng được Hội Phật học Cao Miên mời thuyết pháp tại Nam Vang - Campuchia. Ngài là vị Tỳ kheo ni đầu tiên được chư tôn đức tăng cho phép làm Giáo thọ Ni truyền giới trong các giới đàn. Ngày 30-5-1936, sư trưởng Diệu Tịnh khánh thành chùa Hải Ấn - Tân Sơn Nhì và khai trường cho Ni chúng tu học; đây là ngôi chùa Ni đầu tiên ở vùng Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm 1938, chùa Phước Long - Mỹ Tho mở giới đàn, Sư trưởng Diệu Tịnh được làm Pháp sư, kiêm Yết ma Ni; nguyên quán Gò Công, trú quán Sài Gòn - Gia Định - trang nhà www.nigioivietnam.com

- Điềm Tịnh (1836-1899), Cư sĩ, tục danh Trần Viết Thọ, vốn là nhà Nho khoa bảng, tên tự là Sơn Phủ, hiệu là Điềm Tịnh Cư Sĩ. Ông là Chủ sự Bộ Lại, sung Cơ Mật Viện Hành Tẩu. Năm 1885, ông lãnh sứ Án Sát tỉnh Quảng Nam, kiêm Đốc học tỉnh. Năm 1893, ông treo ấn từ quan. Năm 1895, ông lên chùa Từ Hiếu quy y với HT Cương Kỷ được ban pháp danh Thanh Phước, pháp tự Chu Toàn. Hằng ngày, ông lên chùa Diệu Đế nghe HT Tâm Truyền giảng giải đạo lý. Ông đã cùng HT Tâm Truyền biên soạn quyển “Báo Quốc sự lục” cùng các trước tác khác đặt tên là “Hàm Long Sơn Chí” được 2 quyển. Năm 1897, ông trở về Quảng Trị lập am gọi là “Am Cổ Tiên”, hằng ngày tu trì chú Đại Bi và niệm chuỗi cho đến khi mãn phần; nguyên, trú quán Quảng Trị - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Đức Tịnh (1936-1983), Thượng tọa, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 44, thế danh Đỗ Minh Phương, xuất gia năm 1947 tại chùa Báo Quốc - Huế với HT Trí Thủ, pháp danh Nguyên Định, pháp tự Đức Tịnh. Năm 1954, thầy thọ đại giới tại giới đàn ở Đà Nẵng, sau đó tham gia giảng dạy tại Trường Bồ Đề Nha Trang,  Bồ Đề Đà Nẵng trong thời gian dài. Thượng tọa ra đi sau một cơn bệnh vào ngày 25 tháng 4 năm Quý Hợi (1983) tại chùa Pháp Lâm - Đà Nẵng, hưởng 49 năm, 27 hạ lạp, tháp lập tại chùa Từ Hiếu - Huế; nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán Đà Nẵng  - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa, tập 3.

- Thích Giác Tịnh (1929-2008), Hòa thượng, hệ phái PG Khất sĩ Việt Nam, là một trong những đệ tử lớn của Tổ sư Minh Đăng Quang, thế danh là Huỳnh Văn Sường. Năm 1958, Hòa thượng Giác Tịnh hành đạo ra miền Trung và khai sơn Tịnh xá Ngọc Nhơn - Quy Nhơn. Trong suốt hơn 53 năm hành đạo, ngài Giác Tịnh đã thu nhận đệ tử xuất gia và hướng dẫn tu học cho Phật tử tại gia rất nhiều. Ngài viên tịch năm Mậu Tý (2008), trụ thế 79 năm. Sau lễ trà tỳ, chư tôn đức trong giáo đoàn đã thu nhặt rất nhiều xá lợi, được tôn thờ các tịnh xá trong Giáo đoàn II và bảo tháp thờ xá lợi tại Tịnh xá Ngọc Nhơn; nguyên quán Tân An - Long An, trú quán Bình Định - trang nhà daophatkhatsi.vn

- Tiên Giác Hải Tịnh (Tế Giác - Quảng Châu) (1827-1869), Thiền sư, Tổ sư, Tăng cang Linh Mụ tự - Huế, thế danh Nguyễn Tâm Đoan. Ngài cầu pháp với Sư tổ Thiệt Thoại - Tánh Tường, nối mạng mạch dòng Thiền Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 36 (Tế Giác-Quảng Châu), xuất gia với Thiền sư Tổ Tông - Viên Quang, truyền đăng tục diệm pháp mạch dòng thiền Lâm Tế Chánh tông đời thứ 37 (Tiên Giác - Hải Tịnh). Ngài là một trong những bậc cao Tăng kiệt xuất, một bậc Long Tượng thiền môn, nhập trần xuất thế hạnh nguyện rời chốn kinh kỳ, về vùng đất còn hoang vu để giáo hóa độ sanh, thành tựu những việc lợi ích cho đời, rạng danh cho đạo. Đa số danh Tăng miền Tây Nam bộ đều thọ pháp mạch của ngài. Ngài trụ trì và trùng hưng tổ đình Giác Lâm - Gia Định. Ngài có công tổ chức các khóa thi chấn chỉnh khoa ứng phú đạo tràng đúng với đạo Phật; nguyên, trú quán Gia Định -  theo Biên niên sử PG Sài Gòn - Gia Định.

- Thích Hải Tịnh (1941-1973), đệ tử HT Thiện Siêu - chùa Từ Đàm - Huế, học tăng PHĐ Báo Quốc và PHV Trung đẳng Nha Trang. Năm 1963, ngài giảng dạy Trường Bồ Đề Cao Nguyên, tham gia đấu tranh pháp nạn PG bị bắn bị thương. Trong một chuyến công tác Phật sự từ Sài Gòn về Ban Mê Thuột, ngài tử nạn do máy bay rơi ngày 15-02-1973; nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán Cao Nguyên - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Đặng Khánh Tình, Đốc binh. Hậu bán thế kỷ 19, ông là một tướng lãnh của nghĩa quân chống Pháp từ miền Trung vào Nam, cùng thời, cùng quê với anh hùng dân tộc Trương Định. Vì để có nơi cho dân chúng sinh hoạt Văn hóa tâm linh theo đạo Phật, và cũng để có chỗ cho nghĩa quân dễ dàng hoạt động, ông đã kiến tạo ngôi Linh Sơn Tự (chùa Giồng Xoài). Thời gian sau, hoạt động nghĩa quân bị bại lộ, ông bị Pháp bắt, chặt bêu đầu ở chợ Gò Công (nay là thị xã Gò Công) để thị uy nhân dân và chùng chí chiến đấu của nghĩa quân. Linh vị của ông tại chùa Linh Sơn: “Phụng vì Chủ thổ lập Tự Đốc binh Đặng Khánh Tình giác linh miêu tọa”. Do nhà cầm quyền thuộc Pháp truy lùng gắt gao đối với những ai có liên hệ đến ông, nên nhục thân không thể yên nghỉ tại chùa Linh Sơn mà mai táng với thi thể không đầu (ráp đầu của ông bằng sáp) của ông ở phía sau chùa Phước Hựu (nay là xã Long Vĩnh - huyện Gò Công Tây). Hiện nay, linh vị ông được Nhà truyền thống thuộc Phòng Văn hóa huyện Gò Công Tây gìn giữ, tưởng nhớ người có công khai phá vùng đất Vĩnh Lợi (nay là thị trấn Vĩnh Bình - Gò Công Tây), và để nhớ ơn người sáng lập ngôi chùa đầu tiên ở vùng đất này - Thích Vân Phong biên khảo.

- Thích Như Tịnh, Thượng tọa, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 41, đệ tử của Hòa thượng Long Trí - chùa Viên Giác; cử nhân Học viện PGVN tại TP Hồ Chí Minh, thành viên Trung tâm Nghiên cứu PGVN, kế thế trụ trì chùa Viên Giác - Hội An; tác phẩm: Hành trạng chư Thiền đức xứ Quảng, NXB Tôn Giáo, 2008; Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, NXB Phương Đông, 2009; nguyên, trú quán Quảng Nam.

- Thích Phước Tịnh (1945-1975), Hòa thượng, xuất gia với HT Tâm Hướng - chùa Vạn Phước - Huế, cử nhân Văn chương - Đại học Văn khoa Huế. Năm 1970, ngài làm Hiệu trưởng Trường Bồ Đề Hương Từ - Hương Thủy - Huế, Giáo thọ PHV Báo Quốc và Ni viện Diệu Đức - Huế. Năm 1972, ngài vào Sài Gòn học Cao học tại Đại học Vạn Hạnh và nghiên cứu dịch thuật, trợ lý GS Lê Mạnh Thát. Vì bệnh nan y, ngài viên tịch sớm; nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán Sài Gòn -theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Phước Tịnh, sinh năm 1947, tại Cao Lãnh, Đồng Tháp, nguyên Thiền sinh tu viện Chơn Không - Vũng Tàu, nguyên trụ trì chùa Quán Âm - TP. Đà Lạt, hiện lưu trú tại tu viện Lộc Uyển - San Diego - Hoa Kỳ. Thầy giảng dạy Phật pháp, hướng dẫn tu tập Thiền định cho những Đạo tràng Phật tử tại các tiểu bang ở Hoa Kỳ từ năm 2003 đến nay; nguyên quán Đồng Tháp, trú quán Hoa Kỳ - Thích Vân Phong biên khảo.

- Thích Tâm Tịnh (1868-1928), Hòa thượng, thế danh Nguyễn Hữu Vĩnh, xuất gia với HT Diệu Giác - Hải Thuận - chùa Báo Quốc. Ngài là một trong 9 đệ tử mang hiệu Cửu Tâm. Năm 1894, ngài thọ đại giới và được bổ trụ trì chùa Từ Hiếu. Năm 1904, ngài lập thảo am hiệu là Thiếu Lâm am - tiền thân chùa Tây Thiên sau này. Ngài có công hạnh đào tạo nên 9 đệ tử nổi tiếng mang hiệu Cửu Giác, và khai sơn tổ đình Tây Thiên - Huế. Ngài được vua Khải Định mến mộ, phong chức Tăng cang chùa Diệu Đế. Năm 1924, ngài tổ chức lễ Phật đản thật lớn và lập giới đàn tại chùa Diệu Đế, do ngài làm Đàn đầu truyền giới. Ngài xả báo thân ngày mồng 6 tháng 4 năm Mậu Thìn (25-4-1928), thọ 60 tuổi, 32 hạ lạp. Ngài nguyên, trú quán Thừa Thiên - Huế - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.

- Thích Trí Tịnh (1917-2014), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Gia Phổ đời 41, thế danh Nguyễn Văn Bình, xuất gia năm 1937 với HT Hồng Xứng - chùa Vạn Linh - núi Cấm - Châu Đốc, pháp danh Nhựt Bình. Năm 1940, ngài ra Huế học tại PHĐ Tây Thiên và Báo Quốc. Năm 1941, ngài thọ Sa di tại chùa Quốc Ân - Huế, được pháp sư Trí Độ đặt pháp hiệu là Trí Tịnh. Năm 1945, ngài thọ Tỳ kheo tại giới đàn chùa Long An - Sa Đéc, do HT Chánh Quả làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1948, ngài thành lập PHĐ Liên Hải - Bình Chánh và làm Giám đốc. Năm 1950, ngài ra Vũng Tàu nhập thất tĩnh tu tại chùa Linh Sơn. Năm 1953, ngài xây dựng chùa Vạn Đức ở Thủ Đức. Năm 1955, ngài khai sáng Hội Cực Lạc Liên Hữu tại chùa Vạn Đức. Năm 1957, ngài làm Trị sự phó, kiêm Trưởng Ban Giáo dục Giáo hội Tăng già Nam Việt. Năm 1959, ngài làm Trị sự phó Giáo hội Tăng già Toàn quốc. Năm 1962, ngài làm Phó Viện trưởng PHV Trung Phần - Hải Đức - Nha Trang. Năm 1964, ngài là Tổng Vụ trưởng Tổng Vụ Tăng sự GHPGVNTN. Năm 1966-1968, ngài làm Chánh Thư ký Viện Tăng thống GHPGVNTN. Năm 1970, ngài là Khoa trưởng Phân khoa Phật học - Viện Đại học Vạn Hạnh. Năm 1971, ngài là Viện trưởng PHV Huệ Nghiêm. Năm 1973, ngài là Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo và Chủ tịch Hội đồng phiên dịch Tam tạng Việt Nam. Năm 1981, ngài được cử làm Thành viên HĐCM, kiêm Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, kiêm Trưởng Ban Tăng sự TW GHPGVN. Năm 1982, ngài được suy cử Trưởng BTS Thành hội PG TP Hồ Chí Minh. Cuối năm 1984, ngài được suy cử Chủ tịch HĐTS GHPGVN. Năm 1992, ngài được suy cử Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN. Trong sự nghiệp truyền pháp độ sanh, ngài được cung thỉnh làm Tuyên Luật sư và Hòa thượng Đàn đầu rất nhiều đại giới đàn khắp các tỉnh thành miền Nam; tác phẩm: Kinh Pháp Hoa; Kinh Hoa Nghiêm; Kinh Đại Bát Nhã; Kinh Đại Bát Niết Bàn; Kinh Đại Bảo Tích; Kinh Phổ Hiện Hạnh Nguyện; Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện;  Kinh Tam Bảo; Tỳ kheo giới bổn; Bồ tát giới bổn; Kinh Pháp Hoa Cương yếu; Kinh Pháp Hoa Thông Nghĩa; Cực Lạc liên hữu tập; Đường về Cực Lạc; Ngộ Tánh Luận... Ngài xả báo thân ngày 28 tháng 2 năm Giáp Ngọ (28-3-2014), thọ 98 năm, 69 hạ lạp; nguyên quán Đồng Tháp, trú quán TP. Hồ Chí Minh - xem thêm Danh tăng Việt Nam, tập 3.

- Thích Viên Tịnh (1949-1996), Thượng tọa, xuất gia với HT Từ Mãn - chùa Linh Sơn. Năm 1972, ngài thọ Cụ túc tại giới đàn chùa Phật Ân ở Cần Thơ. Thượng tọa được Giáo hội Lâm Đồng công cử chức Phó BTS Tỉnh hội PG Lâm Đồng, kiêm Chánh Đại diện PG TP Đà Lạt, được HT bổn sư giao trụ trì chùa Trúc Lâm - Đà Lạt, có công trùng kiến ngôi chùa Trúc Lâm trải qua thời gian dài được tố hảo khang trang. Vì bệnh duyên, Thượng tọa viên tịch năm 1996; nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán Đà Lạt - Lâm Đồng - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 32
    • Số lượt truy cập : 6494956