NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Tra
Tra
- Phạm Văn Trà, Đại tướng, Đại hộ pháp, Cư sĩ, sinh ngày 19-8-1935, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam (1995-1997), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam (1997-2006), Ủy viên Bộ Chính trị khóa VIII, IX. Duyên Bồ đề quyến thuộc Phật pháp lâu đời, tuổi ấu thơ, ông đã từng sống trong chốn thiền môn tại quê nhà Quế Võ - Bắc Ninh, quy y Tam bảo, học đạo lý thánh hiền với Đại lão HT Thích Thanh Trúc, tự Khuê Uyên (đệ tam tổ sư của phái Phù Lãng về thế thứ trong sơn môn). 18 tuổi, ông tham gia Quân đội Nhân dân Việt Nam. Khi về hưu, với tâm nguyện Hộ pháp và mang lý tưởng Phật giáo Lý - Trần “Quốc vương, Đại thần Duy trì Phật pháp”, Đại tướng Phạm Văn Trà đã đi khắp mọi miền đất nước, phát tâm xây tự viện PG với tâm nguyện mong muốn khôi phục lại thiền phái Trúc Lâm của Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa, tâm linh Phật giáo của thiền phái này. Hiện nay, trên cả nước có trên 50 cơ sở tự viện lớn nhỏ thuộc hệ thống Thiền viện Trúc Lâm. Trong đó, Đại tướng Hộ pháp huy động kiến tạo xây dựng 6 ngôi chùa ở miền Bắc và gần 10 ngôi thiền viện Trúc Lâm miền Nam những mong gắn kết lòng người, lấy chữ nhân duyên hòa hợp làm đầu. Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Nhì và hạng Ba; Huân Chương Ítxala hạng Nhất - Huân chương cao quý của Đảng và Nhà nước CHDCND Lào (2005). Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng (2016) - Thích Vân Phong biên khảo.
- Minh Tâm Thông Trạch (1850-1884), họ Nguyễn, pháp danh Thông Trạch, pháp hiệu Minh Tâm, xuất gia với tổ sư Phổ Tế ở chùa Đồng Đắc. Mấy năm sau, ngài được tổ cho thụ Sa di giới. Năm 20 tuổi, ngài thụ giới Tỷ kheo tại giới đàn chùa Phúc Nhạc. Ngài được tổ Thanh Hanh, chùa Vĩnh Nghiêm, đang dạy dỗ Tăng ni Ninh Bình lúc đó dìu dắt. Sau, ngài tiếp bước bổn sư (Phổ Tế) lên pháp toà chùa Phượng Ban giảng pháp, nương mười khoa giáo, trung hưng việc Phật. Ngài về trụ trì chùa Phúc Nhạc, nỗ lực trùng tu, chùa cảnh quy mô mới mẻ, càng thêm phần rạng rỡ. Năm 1882, ngài Thông Trạch về trụ trì tổ đình Phượng Ban. Được hơn một năm, ngài lâm bệnh, viên tịch ngày mồng 8 tháng Giêng năm Giáp Thân (1884), hưởng 34 tuổi, tăng lạp 14 hạ. Đệ tử của ngài cùng đại chúng dựng tháp. Tháp ghi “Từ Hoá tháp, Tỷ khiêu tự Thông Trạch, pháp hiệu Minh Tâm Thiền sư Nhục thân Bồ tát, Thiền toạ hạ”; nguyên quán thôn Hạ Trung Cường, xã Quần Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, trú quán Ninh Bình - Nguyễn Đại Đồng sưu khảo.
- Thích Giác Trang (1933-2008), Hòa thượng, Trưởng lão hệ phái PG Khất sĩ Việt Nam, thế danh Huỳnh Hữu Thọ, xuất gia năm 1955 với Trưởng lão Giác Tánh tại tịnh xá Ngọc Thành - Tân An, được pháp danh Giác Trang. Năm 1958, ngài được thọ Tỳ kheo giới tại tịnh xá Liên Trung - Thốt Nốt - Long Xuyên. Năm 1960, ngài làm trợ lý Trưởng lão Giác Như trong việc thành lập Giáo đoàn II ở miền Trung. Năm 1965, ngài trụ trì và giáo hóa mỗi nơi ba tháng trong các tịnh xá từ miền Trung cho đến miền Nam. Năm 1980, ngài dừng chân du hóa và trụ trì tịnh xá Ngọc Chánh - Bình Thạnh. Tại trụ xứ này, ngài đảm nhận các chức vụ: - Thành viên Ban Kiểm Tăng THPG TP HCM, - Chứng minh và cố vấn Ban Đại diện PG quận Bình Thạnh, - Thành viên Ban Từ thiện xã hội TW và TP HCM, - Cố vấn chứng minh Giáo đoàn I và hệ phái Khất sĩ Việt Nam. Năm 2002, ngài được suy cử Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN. Năm 2005, ngài sang Hoa Kỳ chứng minh lễ khánh thành Như Lai Thiền Tự ở San Diego và sang Úc chứng minh Thiền viện Minh Đăng Quang ở Sydney. Ngài xả báo thân ngày Rằm tháng Chạp năm Đinh Hợi (22-01-2008), thọ 75 năm, 50 hạ lạp; nguyên quán Tân Trụ - Long An, trú quán TP Hồ Chí Minh -xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 3.
- Thích Nữ Huyền Trang, vị danh Ni “Biệt động Sài Gòn”, xuất gia với Trưởng lão Ni Như Hoa - Ni viện Phước Huệ - Sa Đéc, pháp danh Diệu Thông, thế danh Phạm Thị Bạch Liên, sinh năm 1931 tại làng Tân Dương, nay thuộc huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Song thân đều là nhà giáo, phụ thân là Hòa thượng Thích Giác Quang (Phạm Văn Vọng, khai sơn chùa Thất Bửu - Châu Thành, chùa Thất Bửu - núi Cấm, An Giang; chùa Kim Bửu - quê nhà Tân Dương - Sa Đéc), mẫu thân là Ni trưởng Diệu Tịnh (tất cả các ngôi tự viện này đều là cơ sở nuôi giấu chiến sĩ cách mạng). Năm lên 9 tuổi, ngài xuất gia tại Ni trường Phước Huệ, cầu Trưởng lão Ni Thích nữ Như Hoa làm Hòa thượng bổn sư và được ban pháp danh Diệu Thông. Sau đó, ngài được Hòa thượng Giác Quang (thân sinh) gửi học tại Ni viện Diệu Đức - Huế. Hiện, ngài cư ngụ tại chùa Thất Bửu - thị trấn An Châu - huyện Châu Thành, An Giang (vào thời chống Mỹ cứu nước, Thích nữ Huyền Trang từng là cán bộ giao liên và trinh sát Biệt động Sài Gòn - Gia Định, trụ trì chùa Tam Bảo (số 82B đường Trần Quốc Toản, nay là đường 3-2, phường 12, quận 11, TP.HCM). Ngài được Nhà nước tặng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng 3; Huân chương Kháng chiến hạng nhất. Trong đội quân Biệt động Sài Gòn - Gia Định - đơn vị được tuyên dương Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân, trong đó nhân vật đặc biệt chính là Ni cô Thích nữ Huyền Trang - Thích Vân Phong biên khảo.
- Thích Lệ Trang, Thượng tọa, thế danh Lê Văn Giỏi, sinh năm 1958, ấu niên xuất gia, dòng Lâm Tế Chánh Tông đời 42, đệ tử HT Thích Nhật Thiện - chùa Định Thành. Năm 1976, ngài thọ Tỳ kheo tại giới đàn Quảng Đức - chùa Ấn Quang; tham học Luật với HT Bình Minh - chùa Hòa Bình, học Nho văn với HT Tuệ Đăng - chùa Kim Cương, học Nghi lễ với HT Hồng Nhơn - chùa Từ Thoàn; Ủy viên HĐTS TWGHPGVN, Phó Ban Nghi lễ TW GHPGVN, Trưởng Ban Nghi lễ BTS GHPGVN TP Hồ Chí Minh, trụ trì các chùa: Định Thành - quận 10 - TP Hồ Chí Minh; chùa Hội Phước - Nha Mân - Đồng Tháp; chùa Huê Nghiêm 2 - quận 2-
TP Hồ Chí Minh; nguyên, trú quán TP Hồ Chí Minh.
- Quách Thị Trang (1948-1963), nữ sinh, Phật tử, pháp danh Diệu Nghiêm, đoàn sinh GĐPT Minh Tâm. Ngày 25-8-1963, sinh viên học sinh tổ chức biểu tình trước chợ Bến Thành, phản đối chính sách bất bình đẳng tôn giáo của chế độ đệ nhất Cộng hòa, bị cảnh sát nổ súng đàn áp; một người chết là nữ sinh Quách Thị Trang - 15 tuổi, nhiều người bị thương, 250 người bị bắt, 1.380 người bị bắt đưa đến Trung tâm Huấn luyện Quang Trung. Sau khi bị bắn chết, cảnh sát đem thi hài cô chôn trong nghĩa trang Tổng Tham mưu vì muốn giấu kín cái chết này. Nhạc sĩ Nguyễn Hiền có bài hát “Em là vì sao sáng” viết về cô trong pháp nạn này, khẳng định: “Hình hài mất, nét tinh anh còn đây. Giữa muôn tim, Trang còn mãi không phai”; nguyên quán Thái Bình, trú quán Sài Gòn - Dương Kinh Thành biên khảo.
- Thích Giác Tràng (1940-2014), Hòa thượng, hệ phái khất sĩ. Ngài thế danh Lê Hoàng, sinh năm Canh Thìn (1940) tại xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An. Năm 1963, ngài xuất gia với Trưởng lão Thích Giác Lý tại Tịnh xá Ngọc Cẩm, Hội An và thọ Tỳ kheo năm 1967 tại tịnh xá Ngọc Tân, Vĩnh Long. Ngài từng trụ trì các tịnh xá: TX Ngọc Ninh, Bình Long (1969), TX Ngọc Lâm, Cam Ranh (1972), TX Ngọc Pháp, Phan Rang (1973), Phó trụ trì TX Trung Tâm, quận 6, TP.HCM (1974). Từ năm 1975, ngài trụ trì TX Ngọc Cẩm đến ngày viên tịch. Ngài từng đảm nhiệm: Phó Ban Trị sự GHPGVN tỉnh QNĐN, Phó Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Nam, Trưởng Ban Giáo dục Tăng Ni tỉnh Quảng Nam, Trưởng Ban Kinh tế tài chánh GHPGVN tỉnh Quảng Nam, Chứng minh hệ phái khất sĩ, Tri sự trưởng Giáo đoàn 5, Thành viên HĐCM GHPGVN. Ngài tổ chức đại trùng tu tịnh xá Ngọc Cẩm từ năm 2003 đến 2007 thì hoàn tất. Hòa thượng viên tịch ngày 23 tháng 9 năm Giáp Ngọ (2014), hưởng thọ 75 tuổi. Ngài sinh và trú quán tại Quảng Nam - Thích Như Tịnh sưu khảo.
- Thích Hải Tràng (1884-1972), Hòa thượng, Trưởng lão, thế danh Võ Văn Nghiêm, xuất gia với HT Từ Huệ - chùa Long Hoa - Gò Vấp, pháp danh Giác Trang, pháp hiệu Hải Tràng. Năm 1913, ngài trụ trì chùa Thanh Trước - Gò Công. Năm 1922, ngài cho khắc bản in bộ kinh Pháp Hoa. Năm 1934, ngài khai sơn chùa Phổ Quang - Phú Nhuận. Năm 1951, ngài được cung thỉnh làm Chứng minh đạo sư Giáo hội Tăng già Nam Việt. Năm 1964, ngài khai giảng Phật học viện Phổ Quang, đến năm 1966 đổi tên thành PHV Hải Tràng. Ngài được đề cử vào Hội đồng Trưởng lão Viện Tăng thống GHPGVNTN (1964) và Phó Tăng thống (1966). Ngài thị tịch ngày 23 tháng 8 năm Nhâm Tý (30-9-1970), thọ 89 tuổi, 63 hạ lạp; nguyên quán Chợ Lớn, trú quán Phú Nhuận - Gia Định - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 1.
- Thích Pháp Tràng (1898-1984), Hòa thượng, sơn môn Thiên Thai Thiền Giáo Tông, thế danh Đồng Ngọc Tự, xuất gia với tổ Huệ Đăng tại chùa Thiên Thai - Bà Rịa, được pháp danh Trừng Tự, pháp hiệu Pháp Tràng, dòng Lâm Tế Tế Thượng đời 42. Năm 1928, ngài được bổn sư cho trụ trì chùa Khánh Long - Cai Lậy. Năm 1940, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ bùng nổ, ngài lánh sang chùa Phước Long - Cần Thơ, ẩn tu. Năm 1947, ngài cùng HT Minh Nguyệt lập Hội PG Cứu quốc huyện Cái Bè, và được cử làm Ủy viên Kiểm soát Ban Chấp hành PG Cứu quốc Nam bộ. Năm 1949-1950, ngài là đại biểu PG trong Mặt trận Liên Việt. Năm 1960, Mặt trận DTGPMN ra đời, ngài là ủy viên Mặt trận tỉnh Mỹ Tho. Năm 1978, ngài trụ trì chùa Phật Ấn - Mỹ Tho. Năm 1981, ngài là Thành viên HĐ Chứng minh TW GHPGVN. Ngài viên tịch vào ngày 17-3-1984, thọ 86 tuổi, 66 năm hành đạo, bảo tháp lập ở khuôn viên chùa Vĩnh Tràng - Mỹ Tho; nguyên quán Cai Lậy - Tiền Giang, trú quán Mỹ Tho - Tiền Giang - theo Danh Tăng Việt Nam, tập 1.
- Thích Vĩnh Tràng (1881-1963), Hòa thượng, pháp danh Hồng Tỵ, thế danh Trần Văn Tỵ, sinh quán tại Lai Vung, phủ Tân Thành, An Giang (nay huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp). Ngài là trụ trì đời thứ tư tổ đình Phước Hưng (Chùa Hương) - Sa Đéc. Ngài là Đệ nhất Trì tịnh giới, hạnh Đầu Đà, chuyên tu khổ hạnh, cùng thời với HT Luật sư Chánh Quả. Mùa Xuân năm Mậu Dần (1938), ngài phát nguyện bách bộ hành hương ra tận đất Bắc, chiêm bái Danh lam Thánh tích. Khi về, ngài đến tổ đình Thiên Phúc Tự (chùa Thầy ở chân núi Sài Sơn - huyện Quốc Oai - tỉnh Hà Tây cũ, nay là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội), chiêm bái Thánh tăng, chia sẻ Phật sự với vị trụ trì và thỉnh một chiếc mõ bằng gỗ quý, nặng khoảng 15 kg, đường kính bề ngang 1,4 m, bề dọc 70 cm. Ngài vừa đội chiếc mõ trên đầu, mỗi bước chân liền niệm Phật. Chiếc mõ được an vị và bảo lưu tại Chánh điện Phước Hưng Cổ Tự cho đến nay. Năm Kỷ Sửu (1949), giặc Pháp quyết định thiêu hủy ngôi Cổ Tự Phước Hưng với lý do nghi ngờ chùa này là cơ sở nuôi giấu chiến sĩ cách mạng chống Pháp, nhưng nhờ đức hạnh của ngài cảm hóa giới quan chức, trí thức địa phương cùng quần chúng Phật tử mà ngôi Cổ Tự thoát hỏa nạn, và danh thắng Phước Hưng được tồn tại. Năm Nhâm Dần (1962), do tuổi già sức yếu, tự biết không còn trụ thế bao lâu, ngài kiến nghị Giáo hội bổ xứ người về trụ trì ngôi Cổ Tự. Trọng Đông năm này, Hòa thượng Thích Thiện Hòa - Trị sự Trưởng Giáo hội Tăng Già Nam Việt, ký quyết định bổ nhiệm đồng môn pháp lữ, Hòa thượng Thích Vĩnh Đạt làm trụ trì Phước Hưng Cổ Tự và lo hậu sự cho ngài. Duyên Ta bà quả mãn, ngài viên tịch vào ngày vía Bồ tát Quán Thế Âm, 19 tháng 2 năm Quý Mão (14-3-1963); nguyên quán Lai Vung, trú quán Sa Đéc - Đồng Tháp - Thích Vân Phong biên khảo.
- Thích Tịch Tràng (1909-1976), Hòa thượng, thế danh Hồ Thăng, xuất gia năm 1938 với HT Giác Tiên - chùa Trúc Lâm - Huế, pháp danh Tâm Thanh. Năm 1939, ngài đến cầu pháp với HT Minh Tịnh Nhẫn Tế - chùa Thiên Chơn - Thủ Dầu Một, được pháp hiệu Tịch Tràng. Năm 1941, ngài nhận lời mời của HT Quảng Đức về cùng trụ trì tổ đình Linh Sơn - Vạn Giã. Năm 1954, ngài xây dựng ngôi chánh điện rộng rãi và mỗi năm, đông đảo chư Tăng về an cư kiết hạ tại đây dưới sự dẫn dắt của hai ngài. Năm 1964, ngài được cử làm Chánh Đại diện GHPGVNTN quận Vạn Ninh - Khánh Hòa. Năm 1970, ngài được HT Trí Thủ mời giảng dạy lớp Chuyên khoa Phật học tại PHV Trung Phần - Hải Đức - Nha Trang. Năm 1973, ngài được thỉnh làm Đệ tam Tôn chứng trong đại giới đàn PHV Hải Đức. Ngài xả báo thân ngày 24 tháng 5 năm Bính Thìn (1976), thọ 68 năm, 37 hạ lạp; nguyên quán Quảng Nam, trú quán Khánh Hòa - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 3.
- Thích Hạnh Trân, Hòa thượng, sinh năm 1949, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 42, xuất gia với HT Huyền Tấn - tổ đình Sắc tứ Thiên Ấn - Quảng Ngãi. Ngài vào Nam, trụ trì chùa Long Nguyên - TP Mỹ Tho, là Phó BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang, Ủy viên Ban Nghi lễ TW GHPGVN; nguyên quán Quảng Ngãi, trú quán Tiền Giang.
Tin tức khác
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
Bình luận bài viết