NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Tri
Tri
- Thích Hoằng Tri, Thượng tọa, dòng Lâm Tế Gia Phổ đời 42, sinh năm 1953, đệ tử HT Trí Tịnh - chùa Vạn Đức, trụ trì tổ đình Vạn Linh - Núi Cấm - Châu Đốc và chùa Vạn Đức - Thủ Đức, hành giả pháp môn Tịnh Độ, Quản trị đạo tràng Pháp Hoa và Tịnh Độ chùa Vạn Đức; tác phẩm: Sơ cơ Tịnh nghiệp Chỉ nam; nguyên quán Lấp Vò - Đồng Tháp, trú quán TP Hồ Chí Minh.
- Pháp Tri (1914-1996), Hòa thượng, hệ phái PG Nam Tông Việt Nam, thế danh Nguyễn Thiên Tri, xuất gia năm 1955 với HT Hộ Tông - chùa Kỳ Viên, pháp danh Dhammannu Bhikhu. Năm 1956, ngài thọ đại giới và đảm nhiệm Tổng Thư ký Hội đồng Chưởng quản Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam. Năm 1963, ngài là Thành viên Ủy ban Liên phái Bảo vệ PG. Năm 1964, là được cung cử Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN suốt 3 nhiệm kỳ. Năm 1969, ngài trụ trì chùa Pháp Quang - Bình Thạnh. Năm 1972, ngài khai sơn và trụ trì Xá Lợi Phật Đài - Thủ Đức. Năm 1982, ngài được mời làm Chứng minh Ban Đại diện PG huyện Thủ Đức. Ngài viên tịch ngày Rằm tháng 10 năm Bính Tý (25-11-1996), thọ 82 năm,
40 tuổi đạo; nguyên quán Châu Đốc, trú quán Thủ Đức - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.
- Thích Chánh Trí (1918-2016), Hòa thượng, thế danh Nguyễn Văn Phùng, xuất gia năm 1929 với HT Phước Huệ - chùa Hải Đức - Huế, pháp danh Chơn Huệ, pháp tự Chánh Trí. Năm 1935, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Sắc tứ Tịnh Quang, do HT bổn sư làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1955, ngài được bổn sư phú pháp hiệu là Bích Viên. Năm 1975, ngài kế thế trụ trì chùa Hải Đức - Huế. Hạnh nguyện một đời của ngài là “Cần tảo Già Lam địa”, lúc nào cũng tay tràng hạt, tay cầm chổi quét dọc đường vào chùa Hải Đức; hình ảnh ấy là biểu tượng một vị Tăng già thoát tục. Ngài xả báo thân ngày 22 tháng 3 năm Bính Thân (28-4-2016), thọ 99 năm, 72 hạ lạp; nguyên quán Quảng Trị, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa, tập 3.
- Thích Nữ Diệu Trí (1939-1966), Sư cô, Thánh tử đạo, thế danh Lê Thị Hiếu, pháp danh Tâm Lương. Năm 1961, cô là ủy viên Oanh vũ Nữ - Ban Hướng dẫn GĐPT tỉnh Quảng Trị. Năm 1963, cô xuất gia với Ni trưởng Đàm Hương tại chùa Diệu Ấn - Phan Rang và tu học tại Ni viện Diệu Quang - Nha Trang, phụ trách giáo dục tại Trường Mẫu giáo Kiều Đàm của GHPG tỉnh Khánh Hòa. Sư cô tự thiêu vào lúc 2 giờ sáng này 4-6-1966, trước đài Quán Thế Âm, tại Ni viện Diệu Quang, để phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền; nguyên quán Quảng Trị, trú quán Khánh Hòa - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.
- Thích Nữ Diệu Trí (1927-1992), Ni trưởng, xuất gia với Sư bà Diệu Hương - chùa Diệu Đức, đắc pháp với HT Thị Bình - chùa Viên Thông, pháp danh Đồng An, pháp tự Diệu Trí. Ni trưởng vừa tu học, vừa là giáo thọ giảng dạy chư Ni tại chùa Diệu Đức. Năm 1974, Ni trưởng vào nhận chùa Sư nữ Diệu Quang ở Tam Kỳ để hướng dẫn ni chúng và tín đồ học Phật và dành trọn cuộc đời tại đây; nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán Tam Kỳ - Quảng Nam - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.
- Thích Nữ Diệu Trí (1908-2010), Ni trưởng, xuất gia với HT Huệ Minh - chùa Từ Hiếu, pháp danh Trừng Hương, pháp tự Diệu Trí, thế danh Hồ Thị Trâm. Sau khi thọ giới, Ni trưởng được bổn sư ban cho một thảo am bên cạnh chùa để tu học. Năm 1944, Ni trưởng đã cải tạo thảo am thành chùa Diệu Nghiêm và trụ trì nơi đây. Năm 1970, Ni trưởng là Giám sự Ni bộ Bắc Tông Thừa Thiên. Năm 1985, Ni trưởng được cử làm Trưởng Ban Ni bộ Bắc Tông Thừa Thiên. Khi Trường Trung cấp Phật học tỉnh nhà được thành lập, Ni trưởng được cử là Hiệu phó. Đến khi Học viện PGVN tại Huế ra đời, Ni trưởng được mời làm Trưởng Ban Bảo trợ cho Học viện; nguyên quán Quảng Trị, trú quán Thừa Thiên Huê - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.
- Thích Nữ Diệu Trí (1927-1992), Ni trưởng, pháp danh Đồng An, hiệu Diệu Trí, đời 43 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 10 pháp phái Chúc Thánh. Ni trưởng thế danh Võ Thị Lạc, sinh năm Đinh Mão (1927) tại huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, Huế. Ni trưởng quy y với HT Thích Diệu Khai tại chùa Viên Thông, Huế; sau đó xuất gia tại chùa Diệu Đức. Năm 1949, ngài thọ Tỳ kheo ni tại giới đàn chùa Báo Quốc. Ni trưởng tham học và sau đó giảng dạy tại Ni trường Diệu Đức. Năm 1974, HT Thích Từ Ý mời Ni trưởng vào trụ trì chùa Diệu Quang, Tam Kỳ, để tiếp độ chúng Ni và xây dựng Ni bộ tỉnh Quảng Tín. Từ đó, Ni trưởng đem hết tâm lực của mình phụng sự ngôi tam bảo Diệu Quang và nhiếp hóa chúng Ni tại thị xã Tam Kỳ. Ni trưởng viên tịch ngày 22 tháng Chạp năm Tân Mùi (1991), hưởng thọ 65 tuổi; nhục thân nhập tháp tại chùa Diệu Quang. Ni trưởng sinh quán Thừa Thiên, trú quán Quảng Nam - Thích Như Tịnh sưu khảo.
- Thích Đại Trí (1897-1944), Hòa thượng, thế danh Huỳnh Huệ. Năm 1903, ngài xuất gia với tổ Phước Tường Quảng Đạt - chùa Kim Long - Ninh Hòa, pháp danh Trừng Thông, pháp tự Công Thắng, pháp hiệu Đại Trí. Năm 1932, ngài vào miền Nam hành đạo, trú xứ chùa Pháp Vân (chùa Bà Đầm), Phú Nhuận. Năm 1935, ngài lần lượt trụ trì các chùa Kim Long, Thiền Sơn, Linh Quang và khai sơn chùa Thiên Quang ở Diên Khánh, chùa Di Đà ở Vạn Giã. Năm 1940, ngài trùng tu tổ đình Kim Long. Năm 1941, Phật sự viên mãn, ngài phát nguyện nhập thất 3 năm tại chùa Thiên Quang và thiêu thân cúng dường Tam bảo ngay trong ngày xả thất 18 tháng 7 năm Giáp Thân (1944), trụ thế 47 tuổi, 30 năm hành đạo; nguyên, trú quán Ninh Hòa - Khánh Hòa - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.
- Thích Đức Trí (1966-2016), Thượng tọa, thế danh Võ Đình Phúc, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 47, xuất gia năm 1988 với HT Nhuận Thiền - chùa Đại Tùng Lâm, pháp danh Đức Trí, pháp tự Chánh Huệ, pháp hiệu Huệ Niệm. Năm 1992-1996, ngài tốt nghiệp Trường Trung cấp Phật học Bình Thuận. Năm 1993, ngài thọ Tỳ kheo tại đại giới đàn Thiện Hòa, do HT Trí Tịnh làm Đàn đầu truyền giới; sau đó, y chỉ với HT Huệ Tánh - chùa Phật Quang - Phan Thiết. Năm 1997-2001, ngài tốt nghiệp cử nhân Học viện PGVN tại TP Hồ Chí Minh. Năm 2002-2005, ngài tốt nghiệp Thạc sĩ Phật học tại Yuang Kuang Buddhist Instutite Center - Taiwan. Năm 2005, ngài hành đạo tại Hoa Kỳ và trụ trì chùa Tam Bảo - Tulsa - Oklahoma; tác phẩm: Tự tánh Di Đà Duy tâm Tịnh độ (dịch); Duy Thức và Tịnh độ (dịch); Tuệ quán nẽo về Chân như (dịch); Duy Thức học đối với người Niệm Phật (dịch); Nghiên cứu Thiền tông và niệm Phật (dịch); Lược đàm Bách pháp Minh môn luận (dịch); Năm phương tiện Pháp môn niệm Phật (dịch); Vấn đề giải thoát trong Pháp môn Tịnh độ (dịch); Niệm Phật và hành Thiền theo Pháp môn niệm Phật; Cúng lễ Thí thực theo tinh thần kinh Nikaya; Báo hiếu và Bồ Đề tâm. Năm 2016, do bệnh duyên, Thượng tọa xả báo thân ngày 24 tháng 11 năm Bính Thân (22-12-2016), hưởng 51 năm, 23 hạ lạp; nguyên quán Quảng Trị, trú quán Hoa Kỳ - trang nhà www.hoavouu.com
- Thích Giác Trí, Hòa thượng, sinh năm 1928, xuất gia với HT Huyền Giác - chùa Tịnh Lâm - Bình Định, pháp danh Nguyên Quán, pháp hiệu Giác Trí. Sau khi bổn sư viên tịch, ngài đến cầu pháp với HT Huệ Chiếu - chùa Thiên Đức. HT Huệ Chiếu gởi ngài đến PHĐ Hưng Long tu học từ 1945 đến 1954. Năm 1957, ngài thọ Cụ túc giới tại giới đàn Nha Trang và về trụ trì chùa Long Hòa cùng trong năm này. Trước năm 1975, ngài làm Chánh Đại diện GHPGVNTN huyện Phù Cát và sáng lập Trường Bồ Đề Phù Cát. Ngài hóa độ nhiều đệ tử xuất gia thành tựu sự nghiệp cho PG Bình Định hiện nay. Năm 2007, ngài sang thăm Úc và chứng minh trường hạ Vạn Hạnh tại thủ đô Canberra. Ngài nguyên, trú quán Bình Định - trang nhà www.quangduc.com
- Thích Nữ Huệ Trí (1937-1967), Sa di ni, Thánh tử đạo, thế danh Nguyễn Thị Lộc Đài; 30 tuổi, tự thiêu sau chùa Tỉnh hội Phật giáo Nha Trang để phản đối chính quyền Nguyễn Văn Thiệu; chưa rõ thân thế - theo Biên niên sử PG Sài Gòn - Gia Định.
- Thích Huệ Trí, Hòa thượng, sinh năm 1953, Trưởng Ban Pháp chế TW GHPGVN, trụ trì chùa Quang Minh - Phú Nhuận; nguyên quán Quảng Trị, trú quán TP Hồ Chí Minh.
- Thích Kiếm Trí (1939-2013), Hòa thượng, hệ phái PG Hoa Tông Việt Nam, viện chủ Hoa Tạng tịnh xá, trụ trì chùa Liên Hoa, quận 11, TP Hồ Chí Minh. Trước 1975, ngài hoạt động trong Giáo hội PGVNTN khối Việt Nam Quốc Tự. Sau ngày thống nhất đất nước, ngài chuyên tu Tịnh độ và hành Mật tông; nguyên quán Quảng Đông - Trung Quốc, trú quán TP Hồ Chí Minh.
- Thích Long Trí (1928-1998), Hòa thượng, pháp danh Chơn Ngọc, pháp tự Đạo Bảo, pháp hiệu Long Trí, đời 40 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 7 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Lý Trường Châu, sinh năm Mậu Thìn (1928) tại làng Minh Hương, Hội An. Ngài xuất gia tại chùa Phước Lâm năm 1945, đệ tử Hòa thượng Phổ Thoại. Ngài trụ trì chùa Viên Giác năm 1954, Phó Thư ký Giáo hội Tăng già QNĐN; là một trong Tứ Trụ Quảng Nam trong phong trào tranh đấu Phật giáo năm 1963, Phó Đại diện Nội vụ GHPGVNTN Quảng Nam, Phó Ban Trị sự GHPGVN Quảng Nam - Đà Nẵng, Chánh Văn phòng VHĐ GHPGVNTN. Ngài rất quan tâm đến sự phát triển của tổ chức GĐPT và làm Trưởng BHD GĐPT Quảng Nam qua nhiều nhiệm kỳ sau năm 1975. Ngài tánh tính khẳng khái, dám nói dám làm, luôn dấn thân vào các công tác Phật sự khó khăn. Ngài viên tịch ngày 13 tháng 9 năm Mậu Dần (1998), thọ 71 tuổi. Đệ tử xuất gia có các vị thành danh như: Cố HT Thích Tâm Thanh; HT. Thích Như Điển... Ngài nguyên, trú quán tại Quảng Nam - Thích Như Tịnh sưu khảo.
- Cư sĩ Minh Trí (1886-1958), người sáng lập hệ phái Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, được tôn vinh Đức Tông sư Minh Trí, tục danh là Nguyễn Văn Bồng, quê quán xã Tân Mỹ (Rạch Dông), tỉnh Sa Đéc (nay thuộc xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Năm 29 tuổi, ông thoát ly gia đình, dùng phương tiện Đông y Nam dược, xem mạch bốc thuốc, điều trị thân bệnh, dùng giáo lý Tứ đế, 37 phẩm trợ đạo để trị liệu tâm bệnh, khuyến khích mọi người đối nhân xử thế luân thường theo kim chỉ nam “Kinh Thiện Sinh”, muốn giải thoát sinh tử thì niệm Phật cầu vãng sanh, tông chỉ Tịnh Độ Cư sĩ “Phúc Tuệ Song Tu”. Tu Phúc, tích cực trong Từ thiện xã hội, gìn giữ, phát huy truyền thống Y học Dân tộc Cổ truyền; Tu Huệ, niệm Phật cầu vãng sanh, chuyên trì tụng các Kinh A Di Đà, Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ... Để hợp pháp hóa trong việc hành đạo, giấy phép thành lập Giáo hội đã ban hành, ngày chuẩn phê là 20-2-1934, ông phải lên Chợ Lớn nhiều lần để bàn tính công việc xây cất hội quán mới, trả hội quán cũ là chùa Hưng Long cho chủ cũ (chỉ bàn tính chớ chưa có đất). Ngày 30-7-1934, Giáo hội được sự phê chuẩn của chính phủ Pháp, chấp thuận cho ông cùng phái đoàn Trung ương đi khắp lục tỉnh để phát phái quy y Tam Bảo. Cũng trong năm này, đệ tử của ông là bà Quách Thị Mười, điền chủ tại Phú Định hiến đất, cất Hội quán Trung ương. Năm 1936, ông bàn tính với Ban Trị sự Trung ương, lo giấy phép xin xuất bản tờ tạp chí Pháp Âm Phật học làm cơ quan ngôn luận của Giáo hội phục vụ cho việc truyền giáo. Năm 1937, tờ Nguyệt san Pháp Âm Phật học, số 1 ra đời. Từ đó, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, góp phần trong công cuộc chấn hưng PGVN. Tổ chức này từng bước hình thành và phát triển khắp cả Nam bộ. Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam có 206 hội quán, cũng là 206 phòng thuốc Nam phước thiện ở 21 tỉnh, thành phố; gần 1,5 triệu tín đồ, 4.800 chức sắc, chức việc, 350.000 hội viên; gần 900 lương y, huấn viên y khoa, y sĩ, y sinh; trên 3.000 người làm công việc chế biến thuốc. Duyên Ta bà quả mãn, Cư sĩ vãng sanh ngày 23 tháng 8 năm Mậu Tuất (05-10-1958), thọ 73 xuân - Thích Vân Phong biên khảo.
- Thích Minh Trí (1908-1973), pháp danh Như Lâm, pháp hiệu Minh Trí, đời 41 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 8 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Võ Đắc Tuyên, sinh năm Mậu Thân (1908) tại thôn Tứ Câu, Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam. Ngài theo Tây học nên có một thời gian làm Thông phán tại Đà Nẵng. Ngài quy y với Hòa thượng Bích Liên, sau đó xuất gia với Hòa thượng Trí Hữu. Năm 1960, ngài thọ Tỳ kheo tại chùa Ấn Quang và được Hòa thượng Thiện Hòa cho pháp hiệu Minh Trí. Ngài tham gia tích cực phong trào tranh đấu Phật giáo năm 1963 tại Quảng Nam, trụ trì chùa Giáo hội Điện Bàn năm 1974 và khai sơn chùa Minh Giác - Điện Bàn năm 1973 (chùa nay không còn). Ngài tu tập theo tinh thần kinh Pháp Hoa và có chép một bản kinh Pháp Hoa bằng chữ Việt rất đẹp để lưu lại cho hậu thế. Ngài viên tịch ngày 13 tháng 12 năm Quý Sửu (1973), nhập tháp tại vườn tháp chùa Long Tuyền. Ngài nguyên, trú quán tại Quảng Nam - Thích Như Tịnh sưu khảo.
- Tánh Thông Nhất Trí (?), Thiền sư, họ Lê. Ngài có người em cũng xuất gia (Tánh Hoạt - Huệ Cảnh). Theo Hàm Long Sơn chí, Thiền sư
Tánh Thông - Nhất Trí, được ghi ở vị trí thứ 13, trong khi Thiền sư Tánh Khoát (thường gọi Tánh Hoạt, bởi kỵ húy Võ vương Nguyễn Phúc Khoát) Đức Giai, được ghi ở vị trí thứ 28. Gia phả họ Lê, đệ nhị phái ở La Chữ đã ghi ngài Tánh Thông - Nhất Trí thuộc thế đệ nhị trong phái. Ngài đã từng làm quan “Đại phu đại lý tự, Tri phủ, Trung Thanh Bá Lê Công Diễn, hồi nhập Phật đạo nguyên lưu tam thập cửu thế, Linh Mụ tự Tăng Cang, Trùng kiến Kim Tiên tự, Pháp húy Tánh Thông hiệu Nhất Trí A Xà Lê”. Ngài đã đắc pháp với Thiền sư Đạo Minh - Phổ Tịnh tại Tổ Đình Báo Quốc, Huế. Bia tháp của ngài tại chùa Kim Tiên - Thích Vân Phong biên khảo.
- Thích Phổ Trí (?-1945), Hòa thượng, pháp danh Chơn Huệ, pháp tự Đạo Nhật, pháp hiệu Phổ Trí, đời thứ 40 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 7 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Lê Văn Sự (Sạ), sinh quán tại xã An Bình, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình, Quảng Nam. Ngài xuất gia với tổ Vĩnh Gia tại Phước Lâm. Sau khi đắc pháp, ngài vào hành đạo tại chùa Văn Thánh - Thị Nghè, được Sơn môn cung thỉnh làm Yết-ma tại Gia Định. Năm 1928, ngài làm Chánh chủ kỳ giới đàn chùa Từ Vân - Đà Nẵng. Năm 1934, ngài kế thừa trụ trì tổ đình Phước Lâm sau khi Hòa thượng Phổ Minh viên tịch. Ngài bị giặc Pháp sát hại tại chùa vào ngày 25 tháng 3 năm Đinh Hợi (1947); nguyên, trú quán Quảng Nam - Thích Như Tịnh sưu khảo.
- Thích Phước Trí (1867-1932), Hòa thượng, Trưởng lão, pháp danh Chơn Pháp, pháp tự Đạo Diệu, pháp hiệu Phước Trí, đời thứ 40 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 7 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Nguyễn Văn Diệu, sinh năm Đinh Mão (1867) tại xã Mỹ Khê, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc phường An Hải, quận Sơn Trà, Đà Nẵng). Năm Tự Đức 28, Ất Hợi (1875), ngài xuất gia với thiền sư Ấn Thanh Chí Thành tại chùa Linh Ứng. Năm Ất Mùi (1895), ngài được cử làm Tăng mục chùa Linh Ứng. Năm Giáp Thìn (1904), ngài được triều đình cử làm trụ trì chùa Linh Ứng. Trụ trì tại đây 4 năm, ngài được bổn đạo mời ra Huế trùng tu lại chùa Sắc tứ An Hội và hành đạo tại đất Thần kinh một thời gian dài. Năm Mậu Thìn (1928), ngài được triều đình Sắc phong Tăng cang Tam Thai - Linh Ứng nhị tự. Cũng trong năm này, thiền sư Quảng Hưng kiến khai giới đàn tại chùa Từ Vân - Đà Nẵng và cung thỉnh ngài làm Đường đầu Hòa thượng. Ngài là người tinh thông kinh luật, thường thọ trì kinh Hoa Nghiêm tại động Tàng Chơn. Ngài viên tịch vào ngày mồng 2 tháng Chạp năm Nhâm Thân (1932), hưởng thọ 66 tuổi, bảo tháp được lập tại khu vực Thủy Sơn. Đệ tử của ngài có những vị nổi danh như: Như Thông Tôn Nguyên, trụ trì chùa Linh Ứng - Ngũ Hành Sơn; Như Tiến Quảng Hưng: khai sơn chùa Từ Vân - Đà Nẵng và chùa Pháp Bảo- Phan Thiết. Đệ tử cầu pháp có các vị: Chơn Tá Tôn Bảo, trụ trì chùa Vu Lan - Đà Nẵng; Trừng Kệ Tôn Thắng, khai sơn chùa Phổ Đà - Đà Nẵng. Ngài nguyên, trú quán tại Đà Nẵng - Thích Như Tịnh sưu khảo.
- Thích Phước Trí (1919-2002), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 42, thế danh Huỳnh Hữu Ân, xuất gia năm 1935 với tổ Thiền Phương - tổ đình Phước Sơn, pháp danh Thị Tín, pháp tự Hành Giải, pháp hiệu Phước Trí. Năm 1936, ngài tham học tại PHĐ Tây Thiên và Báo Quốc, do Pháp sư Trí Độ làm Giám đốc. Năm 1947, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Bảo Sơn, do HT Vạn Ân làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1951, ngài kế thế trụ trì tổ đình Phước Sơn. Năm 1954-1963, ngài là Thư ký Giáo hội Tăng già tỉnh Phú Yên. Năm 1962, ngài kiêm trụ trì chùa Triều Tôn. Năm 1964, ngài giữ chức Đặc ủy Tăng sự GHPGVNTN tỉnh Phú Yên. Năm 1967-1969, ngài làm Giáo thọ PHV Bảo Tịnh - Phú Yên. Năm 1985, ngài kiêm nhiệm trụ trì tổ đình Sắc tứ Từ Quang (Đá Trắng). Năm 1989-2002, ngài được cung thỉnh làm Chứng minh BTS PG tỉnh Phú Yên. Ngài xả báo thân ngày 23 tháng 9 năm Nhâm Ngọ (18-10-2002), thọ 83 năm, 55 hạ lạp, tháp lập tại chùa Triều Tôn; nguyên, trú quán Phú Yên - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 3.
- Thích Thanh Trí (1919-1984), Hòa thượng, thế danh Hồ Văn Liêu, đệ tử HT Trừng Diên - chùa Từ Hóa - Huế, pháp danh Tâm Tuệ, pháp hiệu Thanh Trí. Năm 1942, ngài làm Tri sự tổ đình Báo Quốc. Năm 1953, ngài cùng chư tôn đức sáng lập Trường Bồ Đề Hàm Long, đến năm 1957, trường được phát triển thành bậc Trung học. Năm 1964, GHPGVNTN ra đời, ngài là Đặc ủy Tài chánh kiến thiết PG Thừa Thiên Huế. Năm 1972, ngài làm Chánh Đại diện GHPGVNTN tỉnh Thừa Thiên Huế, kiêm Giám tự Phật học viện Báo Quốc. Năm 1982, GHPGVN thành lập, ngài làm Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Thừa Thiên, kiêm Chánh Đại diện Thành hội PG TP Huế. Đám tang HT Trí Thủ vừa xong, thì ngài cũng viên tịch sau đó 10 ngày tại tu viện Quảng Hương Già Lam, thọ 66 tuổi, 40 hạ lạp. Kim quan ngài đưa về Huế nhập tháp tại chùa Báo Quốc; nguyên, trú quán Thừa Thiên Huế - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 1.
- Thích Thật Trí (1919-2007), Hòa thượng, thế danh Nguyễn Thí, xuất gia năm 1955 với HT Bích Nguyên - chùa Linh Sơn - Đà Lạt, pháp danh Không Tâm, pháp tự Thật Trí. Năm 1958, ngài thọ đại giới với HT bổn sư và làm Tri sự chùa Linh Sơn. Khoảng năm 1960, ngài làm Phật sự ở chùa Linh Quang và hội ngộ Thiền sư Nhất Hạnh, và ngài được mời về thăm Phương Bối Am ở Bảo Lộc. Năm 1965, ngài về chùa Pháp Vân - Phú Thọ - Sài Gòn, chung lo Phật sự xây dựng Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội tại đây, do HT Nhất Hạnh sáng lập. Năm 1967, ngài chính thức trụ trì chùa Pháp Vân. Sau năm 1975, Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội không còn hoạt động, ngài một mình giữ gìn ngôi Tam bảo đến năm 1987, chuyển giao HT Phước Trí - chùa Vạn Phước, về kế vị trụ trì tại đây. Ngài xả báo thân ngày 13 tháng Giêng năm Đinh Hợi (01-3-2007), thọ 89 năm, 50 hạ lạp; nguyên quán Quảng Trị, trú quán TP Hồ Chí Minh - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa, tập 3.
- Thích Thiện Trí (1837-1931), Hòa thượng, họ Nguyễn, dòng Lâm Tế Chánh Tông đời 40, pháp danh Hồng Huyện, pháp hiệu Thiện Trí. Ngài hiểu biết về Đông y, nên thường chèo ghe đi khắp nơi chữa bệnh cho dân chúng. Vì thế, bổn đạo theo ủng hộ ngài rất đông. Năm 1898, ngài khai sơn chùa Long Thành (Long Thiền) ở Trà Cú - Trà Vinh và độ nhiều đệ tử thành danh như HT Thiện Hải Huệ Quang; Thiện Ngọc Huệ Phúc... Ngài được xem là người đầu tiên khai mở PG Bắc truyền tại Trà Vinh. Ngài xả báo thân ngày mồng 10 tháng 8 năm Nhâm Thân (1931), hưởng 58 năm, tháp lập tại chùa Long Thành năm 1937; nguyên quán Ô Môn - Cần Thơ, trú quán Trà Cú - Trà Vinh - Thích Như Đạo - Trà Vinh, sưu khảo.
- Thích Thiện Trí (1907-2000), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 43, xuất gia với HT Phước Hậu - chùa Linh Quang, pháp danh Tâm Thái, pháp hiệu Thiện Trí, thế danh Nguyễn Diêu. Đầu thập niên 30, ngài vào Sài Gòn có duyên gặp gỡ cụ Phan Khôi, một học giả nổi tiếng đương thời chỉ dẫn thi phú cho ngài trên đường sáng tác. Tác phẩm đầu tay của ngài là “Phật học thiền đàm” bút hiệu là Tế Nam, được cụ Phan Bội Châu đề tựa. Năm 1938, ngài kế thế trụ trì chùa Linh Quang - Huế. Năm 1945, ngài giao chùa Linh Quang cho Giáo hội Thừa Thiên, về trụ trì chùa Hiếu Quang của Cư sĩ Ưng Bàng xây dựng và lập Mai Lâm Thi đàn; nguyên quán Quảng Trị, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.
- Ấn Lan Từ Trí (1852-1921), Hòa thượng, Tổ sư, pháp danh Ấn Lan, pháp tự Tổ Huệ, pháp hiệu Từ Trí, đời thứ 39 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 6 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Nguyễn Viết Lư, hiệu Thức Trai, sinh năm Nhâm Tý (1852) tại xã An Bình, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. 15 tuổi, ngài xuất gia với tổ Chương Quảng Mật Hạnh tại chùa Linh Ứng, được trao truyền y bát vào năm 32 tuổi. Năm Bính Tuất (1886), ngài được cử làm trụ trì chùa Linh Ứng. Năm Ất Mùi (1895), ngài được triều đình sắc phong Tăng cang Tam Thai, Linh Ứng nhị tự. Ngài là vị Tăng cang đầu tiên của Tăng già Quảng Nam thời bấy giờ. Năm 1916, ngài làm Đàn đầu Hòa thượng tại giới đàn chùa Tam Thai. Ngài chủ trương biên soạn cuốn “Ngũ Hành Sơn Lục”, một tác phẩm rất có giá trị văn hóa lịch sử đối với Phật giáo Quảng Nam - Đà Nẵng. Ngài viên tịch vào ngày mồng 2 tháng 7 năm Tân Dậu (1921), tháp lập tại phía Nam ngọn Thủy Sơn. Đệ tử nối pháp có các vị tiêu biểu như: Chơn Quyên Hưng Long; Chơn Cảnh Huệ Duyệt; Chơn Quả Đương Như; Chơn Tá Tôn Bảo...; nguyên, trú quán Quảng Nam - Thích Như Tịnh sưu khảo.
- Thích Đức Trì (1928-2001), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 44, đệ tử HT Trí Thủ - chùa Báo Quốc, pháp danh Nguyên Định, pháp tự Đức Trì, thế danh Châu Văn Trì. Năm 1953, ngài trụ trì chùa Ba La Mật - Huế. Năm 1965, ngài là Chánh Đại diện PG huyện Phú Vang. Năm 1982, Giáo hội PGVN tỉnh Bình Trị Thiên được thành lập, ngài là Ủy viên BTS tỉnh, kiêm Chánh Đại diện PG huyện Phú Vang. Năm 1995, Ủy viên HĐTS TW GHPGVN, kiêm Phó BTS PG tỉnh; nguyên, trú quán Thừa thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.
- Thích Thiện Trì (1934-2003), Hòa thượng, dòng Lâm Tế đời 42, đệ tử ngài Huệ Chiếu chùa Thập Tháp, pháp danh Như Phụng, pháp tự Thiện Trì, pháp hiệu Ấn Đạo, thế danh Nguyễn Duy Hiển. Năm 1971, ngài làm Giám học PHV Nguyên Hương, Phan Thiết. Sau năm 1975, ngài định cư ở Hoa kỳ, khai sơn và trụ trì chùa Kim Quang - Sacramento, Chủ tịch HĐ Giám luật GHPGVNTN tại Hoa Kỳ; tác phẩm: Kinh Kim Quang Minh; Kinh Dược Sư; Kinh A-Di-Đà; Kinh Di-Lặc; Kinh Bát Đại Nhân Giác; Phật Thuyết Phân Biệt Kinh; Bát Nhã Tâm Kinh; nguyên quán An Nhơn - Bình Định, trú quán Hoa Kỳ.
- Trần Thị Phước Trị (1946-1963), nữ Phật tử, Thánh tử đạo, pháp danh Tâm Thuận. Hy sinh đêm 8-5-1963, trước Đài Phát thanh Huế khi đang đứng nghe lại buổi phát thanh lễ Phật đản khi sáng, đã bị xe tăng của chế độ Ngô Đình Diệm xả súng bắn và cán chết. Giáo hội PG Trung phần đã tấn phong Thánh tử đạo vào năm 1965; nguyên, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.
- Kim Triệu, thiền sư, hệ phái PG Nam Tông Việt Nam, sinh năm 1930 tại làng Phương Thạnh, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Ngài xuất gia, thọ giới Sa di vào năm 17 tuổi, sau đó học tiếng Pāli. Năm 1949, ngài thọ Cụ túc giới tại Cao Quý Tự, làng Phương Thạnh, tỉnh Trà Vinh, với pháp danh là Khippapañño (Thiện Trí), nhưng Phật tử thường gọi là Sư Pañño, hoặc Sư Kim Triệu. Năm 1964, ngài lên đường sang Ấn Độ tu học bằng học bổng của Viện Đại học Nalanda. Năm 1970, ngài đỗ bằng Pāli Acharya (giáo sư dạy môn Pāli), bằng B.A. Phật học, và bằng M.A. Pāli. Sau đó, ngài theo học tiếp lớp Cổ sử Ấn Độ tại Đại học Maghadha. Năm 1975-1979, ngài sang Nepal, gần thành phố Kathmandu, làm phụ tá cho Tổng Thư ký Trung tâm Thiền định Quốc tế tại Bồ Đề Đạo Tràng. Ở đây, ngài được theo học với nhiều vị Thiền sư nổi tiếng tại Ấn Độ. Năm 1981, ngài được mời sang hoằng pháp tại Hoa Kỳ. Từ năm 1982 đến nay, theo sự thỉnh mời của các tự viện tại Hoa Kỳ, ngài thường xuyên tổ chức các khóa thiền 10 ngày; tác phẩm: Thực tập Thiền Minh Sát; Đoạn trừ phiền não. Hiện, ngài lưu ngụ tại chùa Kỳ Viên - Washington (Hoa Kỳ) - Thích Vân Phong biên khảo.
- Đỗ Kiết Triệu (?-?), Cư sĩ, nhiệt tình trong phong trào chấn hưng PG. Sau khi thành lập Hội Phật giáo Kiêm Tế tại chùa sắc tứ Tam Bảo - Rạch Giá, xuất bản tạp chí Tiến Hóa, ông làm chủ nhiệm tờ báo này. Ông đã mời gọi được nhiều cây bút hỗ trợ cho hội và tờ báo, như: Phan Thanh Hòa, Lê Văn Các, Nguyễn Văn Phò, Lê Văn Điệu, Nguyễn Minh Được, Giang Minh Sinh...; chưa rõ thân thế và nguyên, trú quán - theo Biên niên sử PG Sài Gòn - Gia Định.
- Phan Duy Trinh (1925-1965), Cư sĩ, Thánh tử đạo, huynh trưởng GĐPT, pháp danh Tâm Khiết. Năm 1954, ông dự trại huấn luyện GĐPT ở chùa Từ Đàm, sau đó khai sinh GĐPT Phú Thạnh và cùng hỗ trợ GĐPT An Hòa, hoạt động cả hai GĐPT mỗi tuần. Năm 1955, một cuộc rước Xá Lợi long trọng từ Sài Gòn ra Huế, ông là người hoạt động tích cực cho Phật sự này. Chính vì sự nhiệt tình công tác Phật sự cho Giáo hội, ông bị những người lạ theo dõi và hăm dọa. Ông cũng đã thông báo cho Khuôn hội biết mình sẽ bị nguy hại. Đêm 18-4-1965, vào khoảng 9 giờ tối, ông đã bị một số người có vũ khí bắt cóc đem đi và ám hại cách nhà ông 300 mét. Đám tang của ông được các GĐPT ở Huế đưa tiễn hơn 2 cây số, nói lên lòng thương tiếc sâu sắc với một người vì đạo bỏ mình. Năm 1965, Viện Hóa Đạo đã phong Cư sĩ lên hàng Thánh tử đạo; nguyên, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.
- Thích Giải Trọng (1946-2016), Hòa thượng, pháp danh Như Thể, pháp tự Giải Trọng, pháp hiệu Chủng Từ, đời 41 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 8 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Đinh Quý, sinh năm Bính Tuất (1946) tại làng Ngọc Tứ, xã Thanh Phong, Điện Bàn, Quảng Nam. Thuở ấu thơ, ngài xuất gia với HT. Thích Trí Nhãn tại tổ đình Chúc Thánh. Năm 1964, sau khi thọ giới Sa di, ngài về nhập chúng tu học tại tổ đình Long Tuyền và cầu làm đệ tử HT Chơn Phát. Ngài thọ Tỳ kheo năm 1970 tại giới đàn Vĩnh Gia, tăng sinh PHV Long Tuyền. Sau khi tốt nghiệp, ngài được cử làm Giám sự PHV Long Tuyền. Ngài đảm nhận Trưởng Ban Nghi lễ GHPGVN tỉnh Quảng Nam, Ủy viên Thường trực Ban Nghi lễ TW, Chứng minh BTS Phật giáo TP. Hội An. Ngài viên tịch ngày mồng 4 tháng Giêng năm Bính Thân (2016), thọ 71 tuổi. Ngài nguyên, trú quán Quảng Nam - Thích Như Tịnh sưu khảo.
Tin tức khác
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
Bình luận bài viết