Thông tin

NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Trư

Trư

 

- Đặng Huy Trứ (1825-1874), Cư sĩ. Ông quy y với thiền sư Tánh Thiên - Nhất Định - chùa Từ Hiếu, pháp danh Hải Đức. Thuở nhỏ, nghe tiếng chuông sớm chùa làng Thanh Lương, ông đã cảm tác bài thơ về PG; khi làm quan ở Quảng Nam, đi ngang chùa Di Đà thấy hoang tàn đổ nát, ông cũng ngậm ngùi cảm tác. Năm 1865, ông đến chùa Phước Lâm - Hội An lạy Phật xin thế phát theo nghi thức PG và cảm tác một bài thơ. Những tác phẩm của ông đã nói lên tư tưởng “Cư Nho Mộ Thích” là nỗi lòng của ông khi làm quan lại triều Nguyễn. Trong giai đoạn biến cố lịch sử 1873, Pháp đánh chiếm Hà Nội, tướng Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết, ông theo kháng chiến rút về đồn Vàng - Phú Thọ và mất ở đây. Năm 1984, nhóm Trà Lĩnh thành lập, sưu tầm thơ văn của Đặng Huy Trứ, nói lên phẩm chất cao đẹp, xứng đáng là trong hàng danh nhân PGVN; nguyên quán Phú Xuân, trú quán Bắc phần -theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Chánh Trực (1931-1995), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 43, pháp danh Tâm Trung, pháp tự Chánh Trực, thế danh Hoàng Văn Trung, xuất gia với HT Thích Hưng Dụng - chùa Phât học Quảng Trị, học tăng PHV Báo Quốc - Huế, và PHV Trung phần - Nha Trang, giảng sư Tỉnh hội PG Lâm Đồng, trụ trì chùa Di Linh - Lâm Đồng. Năm 1963, ngài là Phó Hội trưởng Tỉnh hội PG Thừa Thiên Huế. Năm 1968, ngài được cử làm Chánh Đại diện GHPGVNTN tỉnh Quảng Trị. Năm 1975, chiến tranh kết thúc, ngài trở về xây dựng lại tổ đình Tịnh Quang - Quảng Trị. Năm 1981, ngài là Ủy viên HĐTS TW GHPGVN và Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Quảng Trị. Ngài xả báo thân ngày mồng 5 tháng 3 năm Ất Hợi, thọ 65 năm, 43 hạ lạp; nguyên, trú quán Quảng Trị - trang nhà www.giacngo.vn

- Thích Minh Trực (1895-1976), Hòa thượng, thế danh Võ Văn Thạnh, tự Trương Văn Học, xuất gia năm 1924 tại chùa Tam Tông - Sài Gòn. Ngài kết hợp một số tín đồ Minh sư Phật đường, sáng lập Minh Lý Thánh hội. Giai đoạn đầu thành lập, tông phái được Giáo thọ Thiện Chiếu cho mượn phía sau chùa Linh Sơn trong 18 tháng để làm điện thờ tạm thời. Ngày 2-2-1927, tông phái Minh Lý khánh thành chùa Tam Tông Miếu ở Bàn Cờ và chính thức dời trụ sở về đây. Về sau, ngài lại khai sáng tổ đình Phật Bửu tự - quận 3 và thành lập Giáo hội Thiền Tịnh đạo tràng. Năm 1963, ngài là Cố vấn Ủy ban Liên phái Bảo vệ PG trong phong trào đấu tranh. Năm 1964, ngài là Pháp chủ Tổng Giáo hội PGVN, khai sơn rất nhiều ngôi chùa mang tên Phật Bửu tự ở miền Nam. Ngài xả báo thân ngày mồng 5 tháng 5 năm Bính Thìn (02-6-1976), tháp lập ở chùa Phật Bửu - Hóc Môn; nguyên quán Long An, trú quán TP Hồ Chí Minh - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.

- Thích Nhơn Trực (1886-1987), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 42, thế danh Võ Phương, xuất gia năm 1934 với tổ Thanh Chánh Phước Tường, được pháp danh Như Chất, pháp tự Tâm Phát, pháp hiệu là Nhơn Trực. Khoảng cuối thập niên 40 của thế kỷ trước, ngài về trụ trì ngôi Linh Phong Cổ Tự - Nha Trang và sáng tác Thập Linh Phong Cổ Tự Diễn Ca với trên 2.500 câu lục bát. Mấy năm sau, ngài trụ trì chùa Long Quang - Nha Trang. Năm 1952, ngài  khai sơn chùa Từ Vân, tọa lạc số 9 đường Trần Nhật Duật, phường Phước Tiến, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Sau năm 1982, ngài được GHPGVN tỉnh Phú Khánh suy tôn Đàn đầu Đệ tam Hòa thượng và được suy cử Thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngài là chuyên gia trì hiển mật danh đức của nghi lễ PG Khánh Hòa. Lúc chưa xuất gia, ngài làm thầy nghi lễ, là người sáng tác điệu múa Lục cúng vùng Ninh Hòa, nên được dân gian gọi là “Thầy xã Vạn Hữu”. Ngài viên tịch vào ngày 28 tháng 7 năm Đinh Mão (1987), trụ thế 102 năm. Ngài là bậc Trưởng lão tôn túc có tuổi thọ cao nhất của Phật giáo Khánh Hòa từ trước đến nay. Tháp ngài hiện tôn trí tại chùa Từ Vân (Nha Trang); nguyên, trú quán Khánh Hòa - Trí Bửu sưu khảo.

- Tiên Thường Viên Trừng (1777-1853), Hòa thượng, pháp danh Tiên Thường, pháp hiệu Viên Trừng, đời 37 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 7 pháp phái Thiên Đồng. Ngài thế danh Trần Văn Trừng, sinh năm Đinh Dậu (1777) tại thôn Long Bình, tổng Xuân Đài, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Ngài xuất gia, đắc pháp với thiền sư Tổ Ấn Mật Hoằng tại chùa Thiên Mụ, Huế. Năm Minh Mạng thứ 7, Bính Tuất (1826), ngài được triều đình cử từ chùa Thiên Mụ, Huế vào trụ trì chùa Tam Thai. Tại nơi đây, ngài tinh tấn tu trì, xiển dương chánh pháp. Trong Ngũ Hành Sơn Lục, ghi lại công hạnh tu hành của ngài như sau: “Ngài tinh tấn tham thiền nhập định, ngày ăn một bữa vào giờ ngọ, mỗi bữa thường kinh hành tay lần chuổi Bồ Đề, lần một hạt thì niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Rạng sáng khi thức dậy, Tăng đồ còn thấy một vị thần giống như Hộ pháp thường đứng ở đầu giường bảo vệ cho Ngài...”. Vào ngày mồng 1 tháng 12 năm Quý Sửu (1853), niên hiệu Tự Đức thứ 6, ngài nhóm họp môn đồ lại dặn “Nếu như ta chứng quả thì về sau các con thấy tháp luôn luôn màu trắng”. Sau đó, ngài sai Tăng chúng đốt đèn, đánh chuông trống tụng kinh cầu nguyện vãng sanh Lạc Bang rồi viên tịch, thọ 77 tuổi. Ngài trụ trì chùa Tam Thai được 27 năm, độ Tăng chúng rất nhiều. Bảo tháp được kiến lập tại phía Đông của ngọn Thổ Sơn. Các ngài Chương Tín Hoằng Ân, Hải Nghiêm Phước Nghi đều là bào đệ của Ngài. Ngài nguyên quán Phú Yên, trú quán Đà Nẵng - Thích Như Tịnh sưu khảo.

- Thích Nữ Diên Trường (1863-1925), Ni trưởng, thế danh Hồ Thị Nhàn. Năm 1898, bà lên chùa Từ Hiếu xin xuất gia với HT Hải Thiệu - Cương Kỷ, được pháp danh Thanh Linh, pháp tự Diên Trường. Năm 1910, bà được thọ Tỳ kheo ni giới tại Quảng Nam, do HT Vĩnh Gia làm đàn đầu. Ni trưởng được bổn sư giao đi trùng tu chùa Phổ Quang, sau đó dời chùa vào làng Dương Xuân Thượng, đổi tên thành Trúc Lâm. Ni trưởng sau đó y chỉ với HT Giác Tiên và ở lại chùa này lập ni xá tu học; nguyên, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Huệ Trường, Hòa thượng, sinh năm 1945, Ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng Ban Thường trực BTS GHPGVN TP Cần Thơ, trụ trì chùa Phổ Quang - Thốt Nốt; nguyên, trú quán Cần Thơ.

- Như Lý - Thiên Trường (1876-1970), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chánh Tông đời 39, thế danh Nguyễn Văn Hanh, xuất gia năm 1898 với HT Minh Phước Tư Trung - chùa Bửu Lâm, pháp danh Như Lý, pháp hiệu Thiên Trường. Năm 1904, ngài trụ trì chùa Bửu Lâm - Mỹ Tho và trùng tu đến năm 1907 mới hoàn thành.  Năm 1920, ngài  trụ trì thêm chùa Bửu Hưng - Sa Đéc và tiến hành trùng tu chùa này. Từ năm 1926 về sau, ngài cùng HT Khánh Hòa thành lập Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học (1932) và Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1934). Năm 1954, Giáo hội Lục Hòa Tăng thành lập, ngài được cung thỉnh làm Đại Tăng trưởng. Năm 1962, ngài làm Đàn đầu truyền giới đại giới đàn chùa Giác Lâm - Gia Định. Ngài viên tịch tại chùa Bửu Lâm vào ngày 24 tháng 4 năm Canh Tuất (1970) thọ 94 năm, 50 hạ lạp; nguyên quán Bình Đại - Bến Tre, trú quán Sa Đéc -xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.

- Cư sĩ Xuân Trường, tên thật là Nguyễn Văn Trường, sinh năm 1963, tại xã Trường Yên - Hoa Lư - Ninh Bình, là một doanh nhân nổi tiếng nằm trong nhóm doanh nhân đạt danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” và Cúp Vàng hội nhập kinh tế quốc tế. Ông hiện là ủy viên Ban Chấp hành VCCI khóa V - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng Giám đốc Doanh nghiệp Xuân Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Du lịch Hoa Lư, Giám đốc Khách sạn Hoa Lư. Doanh nhân Nguyễn Văn Trường được biết đến khi đầu tư vào Khu Du lịch Tràng An - chùa Bái Đính ở cố đô Hoa Lư (Ninh Bình). Ông cũng được biết đến là người đích thân sang Ấn Độ đón Ngọc Xá lợi về Việt Nam. Ở Nội Bài, ông đã sắp xếp thuê 3 chiếc xe Limousine, Hummer, Lincoln để chở Xá lợi và cao Tăng về Ninh Bình. Bất cứ việc nào có lợi cho di sản và du lịch ở Ninh Bình, ông Trường đều sẵn sàng làm. Hội thảo về cố đô Hoa Lư, lễ hội, hội nghị xúc tiến, ông âm thầm đứng sau tài trợ. Ông là người ít nói, ăn chay và không tự quảng cáo mình. Chùa Bái Đính được ca ngợi là một ngôi chùa nổi tiếng với những kỷ lục châu Á và khu vực, như: tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á. Ông nguyên, trú quán Hoa Lư, Ninh Bình - trang nhà www.vi.wikiperdia.org

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 295
    • Số lượt truy cập : 6947229