NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Tu
Tu
- Thích Hiển Tu, Hòa thượng, dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 40, thế danh Nguyễn Tấn Hưng, tự Hữu Lý, sinh năm 1922. Ngài xuất gia lúc 7 tuổi với Trưởng lão Hòa thượng Vĩnh Tấn - chùa Kiểng Phước - Ba Tri - Bến Tre, pháp danh Ưu Bà Tắc là Thiện Duyên. Năm 1937, ngài thọ Sa di giới tại chùa Long Nhiễu- Ba Tri và học đạo với HT Vĩnh Tồn. Năm 1939, ngài tham học với HT Vĩnh Đạt tại chùa Bửu Thành - Cái Mít - Bến Tre. Năm 1944, ngài thọ đại giới tại trường Kỳ giới đàn chùa Bửu Sơn - Tân Thủy - Ba Tri, do tổ Khánh Thông làm Đàn đầu truyền giới, pháp húy là Nhật Quang. Năm 1945, ngài cầu pháp với HT Vĩnh Huệ, được phú pháp là Hiển Tu. Năm 1949, ngài tham gia Mặt trận Việt Minh, công tác vùng Thạnh Phú - Bến Tre và vùng chiến khu Bình Dương. Năm 1951, ngài trở về làm Phó trụ trì chùa Khánh Vân - Ba Tri. Năm 1953, ngài về trụ trì chùa Toàn Phước - Ba Tri. Năm 1958, ngài tham dự khóa huấn luyện trụ trì “Như Lai Sứ Giả” do PHĐ Nam Việt tổ chức tại chùa Pháp Hội - Chợ Lớn. Sau khi mãn khóa trụ trì, ngài được giáo hội cử làm trụ trì chùa Vạn Đức - Sóc Trăng trong 3 tháng. Sau đó, ngài trở lại Sài Gòn, được Giáo hội Tăng già Nam Việt cử làm đặc trách Tăng sự vùng Sài Gòn - Gia Định. Năm 1961, chùa Ấn Quang khai giới đàn do HT Trí Tịnh làm Đàn đầu truyền giới, ngài xin cầu giới cho viên mãn giới pháp. Năm 1962, ngài được Hội Phật học Nam Việt mời về làm Phó trụ trì chùa Phật học Xá Lợi. Năm 1966, ngài trở về quê công tác Đặc ủy Tăng sự tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre) của Giáo hội Lục Hòa Tăng cho đến ngày thống nhất đất nước. Năm 1979, ngài được Ban Quản trị Hội Phật học Nam Việt cung thỉnh trở lại trụ trì chùa Xá Lợi. Năm 1988, ngài được Thành hội PG TP Hồ Chí Minh bổ nhiệm chính thức trụ trì. Năm 1997, ngài kế vị viện chủ, kiêm trụ trì chùa. Cùng năm, ngài được cung thỉnh Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN. Năm 2012, ngài được suy cử Phó Thư ký Hội đồng Chứng minh GHPGVN, và Chứng minh Ban Trị sự GHPG quận 3; nguyên quán Ba Tri - Bến Tre, trú quán TP Hồ Chí Minh.
- Thích Hoằng Tu (1913-1999), Hòa thượng, Trưởng lão môn phái PG Hoa Tông Việt Nam, xuất gia năm 1929 với HT Tập Cảnh - phái Lâm Tế - chùa Thái Bình - Triều Châu, pháp tự Tông Tế. Năm 1935, ngài thọ Tam đàn đại giới tại Trấn Quốc Thiền tự, do HT Phúc Lai Luật sư làm Đàn đầu truyền giới. Sau đó, ngài đến cầu pháp với HT Cao Tham - Đẳng Tánh, được ban pháp hiệu Kim Tế, nối pháp dòng Tào Động Trung Quốc đời 50. Sau đó, ngài bái kiến học thiền với các vị Thánh tăng đương thời, như: thiền sư Hư Vân, thiền sư Lai Quả, thiền sư Nguyệt Khê; tham dự thiền thất tại các tổ đình Kim Sơn, tổ đình Cao Mân. Năm 1947, ngài di cư sang Việt Nam. Năm 1957, ngài khai sơn Từ Ân Thiền Tự - Chợ Lớn đến năm 1992, chùa mới hoàn thành vào sinh nhật lần 79 của ngài. Trong sự nghiệp truyền pháp độ sanh, ngài là bổn sư của Thiền sư Thích Duy Lực, khôi phục Tổ sư Thiền Việt Nam (tham Công án, Thoại đầu). Năm 1997, ngài được suy cử Thành viên HĐCM GHPGVN. Ngài xả báo thân ngày 30 tháng 7 năm Kỷ Mão (09-9-1999), thọ 87 năm, 64 hạ lạp; nguyên quán Triều Châu - Trung Quốc, trú quán TP Hồ Chí Minh - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.
- Thích Thiện Tu (1954-1995) Thượng tọa, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 45, thế danh Châu Tân, xuất gia với HT Khế Hội Trí Thành - chùa Bửu Tịnh - Phú Yên, pháp danh Quảng Niệm, pháp tự Tánh Như, pháp hiệu Thiện Tu. Năm 1968, Thượng tọa được bổn sư cho theo học tại PHV Hải Đức - Nha Trang. Năm 1970, thầy thọ đại giới tại đại giới đàn Vĩnh Gia - Đà Nẵng, do HT Tôn Thắng làm Chánh chủ đàn. Thượng tọa tốt nghiệp PHV Hải Đức ngày 25-5-1974, sau đó vào Sài Gòn học Đại học Vạn Hạnh và trú tại thiền viện Vạn Hạnh - Phú Nhuận. Sau năm 1975, Đại học Vạn Hạnh đóng cửa, thầy ở lại thiền viện Vạn Hạnh và theo học tại lớp chuyên khoa Phật học tại tu viện Quảng Hương Già Lam. Năm 1977, thầy được đánh giá là học Tăng xuất sắc về học và hạnh, nên được HT Đỗng Minh gọi về lại chùa Hải Đức - Nha Trang để làm công tác biên tập và phiên dịch dưới sự chỉ đạo của Hòa thượng. Năm 1980, thầy được bổn sư cử về trụ trì tổ đình Sắc tứ Từ Quang (Đá Trắng) - Tuy An, và là vị trụ trì đời thứ 10 tổ đình này. Khi về đây, thầy ra sức gầy dựng lại chốn tổ hoang phế sau chiến tranh. Thầy xả báo thân ngày 17 tháng Chạp năm Ất Hợi (1995), hưởng 42 năm, 25 hạ lạp; nguyên quán Tuy Hòa - Phú Yên, trú quán Tuy An - Phú Yên - Thích Đồng Bổn sưu khảo.
- Chỉnh Túc (1914-1939), Giảng sư, xuất gia chùa Vạn Phước, năm 20 tuổi vào Bình Định tham học với HT Thập Tháp, rồi theo HT trở ra Huế học tại chùa Trúc Lâm. Năm 24 tuổi, thầy làm trợ bút cho tờ Viên Âm và nhiều lần lên giảng đường thuyết pháp. Sau đó, thầy vào Đà Nẵng học Mật tông, nhưng được ba tháng thị thọ bệnh, trở về chùa Vạn Phước, tịch ngày 19-5-1939; nguyên quán Quảng Trị, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.
- Thích Nữ Trí Túc (1938-1967), Ni cô, Thánh tử đạo, tự thiêu ngày 3-10-1967 tại Cần Thơ, lúc 29 tuổi, để bảo vệ hiến chương PG ngày 4-1-1964; chưa rõ thân thế - theo Biên niên sử PG Sài Gòn - Gia Định.
- Thích Quảng Tùng, Hòa thượng, Tiến sĩ, sinh năm 1953, Phó Chủ tịch HĐTS TW GHPGVN, Trưởng Ban Từ thiện Xã hội TW GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng, trụ trì chùa Dư Hàng - Hải Phòng; nguyên quán Nho Quan - Ninh Bình, trú quán quận Lê Chân - Hải Phòng.
- Tôn Thất Tùng (1901-1974), Cư sĩ, pháp danh Thanh Tịnh, pháp tự Mậu Lâm. Trong thời kỳ chấn hưng PG, Cư sĩ là người góp công lớn. Năm 1930-1950, Cư sĩ góp nhiều công sức trong việc thành lập Hội Phật giáo Trung phần Việt Nam. Ông là người quản lý tài chính và lo cho có tài chính để in ấn tạp chí Viên Âm và nguyệt san Liên Hoa. Điểm nổi bật của Cư sĩ là vấn đề xây dựng, nhờ có nghiệp vụ vững vàng nên ông đóng vai chính trong việc xây dựng chùa Từ Đàm, trùng tu tổ đình Thuyền Tôn, xây dựng Đại tùng lâm Kim Sơn... Ông đã cùng Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám thành lập và bảo trợ “Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục”. Năm 1949, ông thọ Bồ tát giới tại gia; nguyên, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.
Tin tức khác
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
Bình luận bài viết