NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Tư
Tư
- Nguyễn Đình Tư, Cư sĩ, thành viên Trung tâm Nghiên cứu PGVN, thành viên Hội Sử học TP Hồ Chí Minh, thành viên Hội đồng đặt tên đường TP Hồ Chí Minh. Ngoài các tác phẩm về địa chí, ông còn có các tác phẩm về PG như Danh Tăng Việt Nam, tập 1, 2, 3 (đồng biên soạn, Thích Đồng Bổn chủ biên, NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2016) và nhiều bài viết, tham luận liên quan; nguyên quán Nghệ An, trú quán TP Hồ Chí Minh.
- Thích Đạt Từ (1892-1976), Thượng tọa, sơn môn Thiên Thai Giáo Quán Tông đời 22. Năm 1945, ngài trụ trì chùa Thiền Tôn - Giồng Ông Tố - Thủ Đức. Năm 1951, đại hội thành lập Giáo hội Tăng già Nam Việt tại chùa Hưng Long - Chợ Lớn, ngài được bầu làm Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Tăng già Nam Việt. Năm 1957, tham gia khóa Huấn luyện Trụ trì, còn gọi là khóa Như Lai Sứ Giả do Giáo hội Tăng Già Nam Việt tổ chức tại chùa Pháp Hội này 21 tháng 4 năm Đinh Dậu (20-5-1957), ngài đảm nhiệm Trưởng Ban Cố vấn, kiêm Kiểm soát. Sau đó, ngài thoát ly theo cách mạng. Khi đất nước thống nhất, ngài trở về xuất gia lại, hoạt động trong Ban Liên lạc PG yêu nước TP Hồ Chí Minh; nguyên, trú quán Thủ Đức.
- Thích Hưng Từ (1911-1991), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 42, thế danh Bùi Vạn Anh, xuất gia với HT Hòa Phước - chùa Thiên Long - Phú Yên, pháp danh Thị Lạc, pháp tự Hành Thiện, pháp hiệu Hưng Từ. Năm 1931, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Linh Sơn do HT Hoằng Hóa làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1934-1936, ngài là học Tăng PHĐ Tây Thiên - Huế. Năm 1936-1940, ngài được Bồ tát Quảng Đức mời về tham gia hoạt động hoằng pháp vùng Ninh Hòa. Năm 1945, ngài là Chủ tịch Hội PG Cứu quốc tỉnh Phú Yên. Năm 1955, ngài làm Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già tỉnh Khánh Hòa. Năm 1963, ngài lãnh đạo phong trào đấu tranh PG tỉnh Bình Tuy và khai sơn chùa Pháp Hội - Bình Tuy. Năm 1964-1978, ngài là thành viên Hội đồng Trưởng lão Viện Tăng thốngGHPGVNTN. Năm 1982, ngài là Chứng minh, kiêm Ủy viên Tăng sự BTS PG tỉnh Thuận Hải. Trong sự nghiệp hoằng đạo, ngài có công khai sơn rất nhiều ngôi chùa từ Ninh Hòa đến Bình Tuy; tác phẩm: Thập Lục Quán (dịch); Lịch sử Tổ Hữu Đức (biên soạn). Ngài xả báo thân ngày mồng 2 tháng 8 năm Tân Mùi (1991), thọ 81 năm, 61 hạ lạp, bảo tháp lập ở khuôn viên chùa Pháp Hội - Hàm Tân - Bình Thuận; nguyên quán Phú Yên, trú quán Bình Thuận - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 1.
- Nguyễn Khắc Từ (1928-1993), Cư sĩ, huynh trưởng GĐPT. Năm 1945, ông bị Pháp bắt giam trong trận càn đầu tiên trên đất Quảng Trị. Một năm sau khi ra tù, ông vào Đà Nẵng sinh sống. Từ năm 1947-1950, ông quy y Tam bảo, pháp danh Như Tâm và gia nhập Chi hội PG Đà Nẵng, cùng với anh Lương Hoàng Chuẩn thành lập và phát triển nhiều GĐPT đầu tiên tại đây. Năm 1960, ông được giao chức Chánh Thư ký hội PG Trung phần, về làm việc tại chùa Từ Đàm - Huế. Năm 1963, Cư sĩ là Trưởng BHD GĐPT Thừa Thiên. Pháp nạn 1963-1966, ông lèo lái GĐPT Huế vững ý chí bất khuất, làm con chim đầu đàn cho GĐPT Việt Nam cùng các đoàn thể đứng lên đấu tranh chống lại cường quyền. Ông bị chính quyền bắt giam và nằm trong danh sách 12 người sém bị thủ tiêu, nếu không có cuộc đảo chánh thành công ngày 11-11-1963 cứu vãn. Năm 1966, lại một lần nữa ông bị chế độ Sài Gòn tầm nã, không từ nguy hiểm ông tiếp tục đấu tranh bí mật, chủ trương tờ tuần báo Thanh Quang, đấu tranh cho tự do tín ngưỡng. Năm 1973, ông vào Nam đảm nhiệm chức Trưởng BHD GĐPT miền Quảng Đức. Năm 1981, ông làm Gia trưởng GĐPT Chánh Thọ và là Ủy viên Nghiên huấn BHD Trung ương GĐPT Việt Nam; nguyên quán Quảng Trị, trú quán TP Hồ Chí Minh - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.
- Thích Nguyên Từ, Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 44, thế danh Nguyễn Nhơn, sinh năm 1941, xuất gia năm 1952 tại chùa Bửu Lâm với HT Kim An, được HT cho ra đầu sư học đạo với HT Từ Thạnh - chùa Thiền Sơn - Tuy An - Phú Yên, pháp danh Nguyên Từ, pháp hiệu Thiện Quang. Năm 1964, ngài vào học tại PHĐ Chánh Giác và cầu HT Hành Trụ làm Y chỉ sư. Năm 1966, ngài thọ đại giới tại giới đàn PHV Huệ Nghiêm. Sau khi học xong, ngài trở về Phú Yên, kế thừa trụ trì chùa Bửu Lâm. Ngài đã trải qua các chức vụ trong Giáo hội: - Giám viện, kiêm Trưởng Ban Bảo trợ Trường Trung cấp Phật học Liễu Quán; - Ủy viên BTS PG tỉnh Phú Yên; - Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Phú Yên; nguyên, trú quán Phú Yên - Võ Văn Bình sưu khảo.
- Kim Cương Tử (1914-2001) Hòa thượng, thế danh Trần Hữu Cung, xuất gia năm 1933 với thiền sư Tổ Pháp Chính Đản - chùa Cả - Nam Định, pháp danh Kim Cương Tử, pháp hiệu Thúy Đồ Ba Thành. Năm 1937, ngài được bổn sư cho thọ đại giới tại chùa Cả và được theo học với Sư tổ chùa Văn Điển, Sư tổ chùa Tân Cốc- Nam Định. Năm 1939, ngài tham học ở Trường Trung học PG Bắc kỳ và nghiên cứu tại Trường Viễn Đông Bác Cổ, tham gia thuyết pháp tại chùa Quán Sứ - Hà Nội. Ngài cũng viết bài đăng báo Đuốc Tuệ của phong trào chấn hưng PG Bắc kỳ. Năm 1953, ngài giảng dạy tại Trường Trung học PG Bắc Việt và các trường gia giáo. Năm 1956, ngài giữ chức Trưởng Ban Nghi lễ PG thủ đô và được bổ nhiệm về Hải Phòng xây dựng phong trào PG yêu nước từ 1957-1983. Năm 1981, ngài là Ủy viên Thường trực, kiêm Trưởng Ban Nghi lễ TW GHPGVN. Năm 1982, ngài về Hà Nội trụ trì chùa Trấn Quốc và giữ chức Phó Trưởng BTS PG Hà Nội, kiêm ủy viên Giáo dục Tăng ni PG thủ đô. Năm 1985, ngài giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, kiêm Trưởng Ban Nghi lễ TW GHPGVN. Năm 1990, ngài giữ chức Viện trưởng Học viện PGVN tại Hà Nội, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Viện trưởng Phân Viện NCPHVN tại Hà Nội, kiêm Tổng Biên tập tạp chí Nghiên cứu Phật học. Ngài đã phiên dịch nhiều tài liệu Luật tạng từ chữ Hán sang chữ Việt, là Chủ biên Hội đồng Phiên dịch bộ Đại luật, Chủ biên bộ Từ điển Phật học Hán Việt và tham gia Hội đồng Phiên dịch Đại tạng kinh Việt Nam. Ngài thị tịch ngày mồng Một tháng 4 năm Tân Tỵ (23-4-2001), thọ 88 năm, 65 hạ lạp; nguyên quán Nam Định, trú quán Hà Nội - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 3.
- Ngộ Chân Tử (1901-1998), Hòa thượng, thế danh Trần Rinh, xuất gia theo Tam Giáo với đạo sư Hư Không Tử, được pháp danh Ngộ Chân Tử. Sau đó, ngài chuyển hướng theo đạo Phật, cầu pháp với tổ chùa Bà Đá - Hà Nội. Năm 1935, ngài mua một khoảnh đất tại Kiến An - Hải Phòng, sáng lập chùa Hoằng Pháp, chuyên tu Tịnh độ giáo hóa chúng sanh. Năm 1945, nạn đói xảy ra, ngài vận động các giới góp sức làm từ thiện cứu đói và nhặt tử thi về mai táng. Năm 1953, ngài mua 2 mẫu đất ở Hải Phòng mở Tùng Lâm tu viện, sau này là chùa Phổ Chiếu. Năm 1954, ngài vào Nam và hành đạo khắp các tỉnh miền Tây. Năm 1957, ngài mua 6 mẫu đất ở Hóc Môn, sáng lập chùa Hoằng Pháp, mở đạo tràng thiền học, tổ chức in kinh sách phổ biến. Năm 1968, ngài tiếp nhận Niệm Phật đường Thiện Phước - quận 5 - Sài Gòn, làm nơi giảng kinh thuyết pháp. Năm 1968, ngài lập Viện Dục Anh nuôi dạy miễn phí 355 em. Năm 1974, ngài mua 45 mẫu đất ở Tân Tạo - Bình Chánh, dự định xây làng Cô nhi Việt Nam và đền Quốc tổ Hùng Vương, nhưng chiến tranh kết thúc, ngài hiến khu đất ấy cho Ban Quản lý khu Kinh tế mới Lê Minh Xuân sử dụng. Ngài đã biên soạn và xuất bản: Kinh Nhật tụng chùa Hoằng Pháp; Nghi luật tu trì thiết yếu; Quy giới hành trì; Sự tích nhân quả báo ứng; Tuyên dương diệu pháp; Đạo giải thoát; Tuyên dương chính pháp; Trên đường hành đạo; Khóa niệm tùy thân; Lược sử Phật tổ. Ngài viên tịch vào ngày 16 tháng 10 năm Mậu Thìn (26-11-1988), thọ 88 năm, 65 tuổi đạo. Ngài nguyên quán Thái Bình, trú quán TP Hồ Chí Minh - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 1.
- Thích Hoằng Từ (1941-2008), Hòa thượng, pháp danh Lệ Minh, pháp hiệu Hân Nhân, thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đời 42, đệ tử của HT Thích Trí Tịnh - chùa Vạn Đức. Ngài từng là Ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng Ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Tiền Giang, trụ trì chùa Kim Liên - Mỹ Tho; nguyên quán Gia Định, trú quán Tiền Giang - theo Kỷ yếu BTC tang lễ.
- Thích Minh Từ, Thượng tọa, Thạc sĩ, thế danh Võ Anh Tiến, sinh năm 1965, Trưởng Ban In ấn Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, thường trú chùa Sùng Đức, quận 11; sinh, trú quán TP Hồ Chí Minh.
- Thích Nhật Từ, Thượng tọa, Tiến sĩ, thế danh Trần Ngọc Thảo, sinh năm 1969, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trưởng khoa Triết học - Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, sáng lập “Hội Ấn Tống Đạo Phật Ngày Nay”, “Hội Từ Thiện Đạo Phật Ngày Nay” và Chủ nhiệm Đại tạng Kinh Việt Nam, trụ trì tại chùa Giác Ngộ (TP.HCM và Vĩnh Long), chùa Vô Ưu (quận Thủ Đức), chùa Tượng Sơn (Hà Tĩnh), chùa Linh Xứng (huyện Hà Trung - tỉnh Thanh Hóa); nguyên quán Bình Dương, trú quán TP Hồ Chí Minh.
- Thích Thanh Từ, Hòa thượng, Thiền sư, Pháp sư, sinh năm 1924, thế danh Trần Hữu Phước, xuất gia với HT Thiện Hoa - chùa Phật Quang - Trà Ôn. Năm 1949-1952, ngài là học tăng Phật học đường Phật Quang - Trà Ôn. Năm 1953-1958, ngài là học Tăng Phật học đường Nam Việt - chùa Ấn Quang. Năm 1960-1966, ngài là Vụ trưởng Học vụ Ban Hoằng pháp, Quản viện, kiêm giáo sư PHV Huệ Nghiêm, giảng sư Viện Đại học Vạn Hạnh và các Phật học viện Dược Sư, Từ Nghiêm... Năm 1968, ngài xin phép nghỉ việc, ẩn tu tại Vũng Tàu, dựng Pháp Lạc Thất tu tập cho đến sáng đạo. Năm 1970, ngài thành lập tu viện Chơn Không trên núi Tương Kỳ - Vũng Tàu. Năm 1974, ngài thành lập tu viện Bát Nhã và Linh Quang tại Vũng Tàu. Năm 1975 trở đi, ngài phát triển các thiền viện mang chữ Chiếu: Thường Chiếu, Viên Chiếu, Linh Chiếu, Huệ Chiếu, Phổ Chiếu, Tịch Chiếu... Năm 1993, ngài thành lập thiền viện Trúc Lâm Phụng Hoàng ở Đà Lạt. Từ đây, ngài khôi phục thiền phái Trúc Lâm, với hàng loạt thiền viện mang tên Trúc Lâm trên khắp cả nước và hải ngoại. Ngài có công phục hưng thiền phái Trúc Lâm Việt Nam hiện đại; tác phẩm: Bát nhã Tâm kinh giảng giải (1998); Kinh Bát Đại Nhân Giác giảng giải (1997); Kinh Bát-nhã giảng giải (2000); Kinh Diệu Pháp Liên Hoa giảng giải (1993/2000); Kinh Kim Cang giảng giải (1997); Kinh Lăng-già Tâm Ấn (dịch, 1993/1997); Kinh Thập Thiện giảng giải (1993/1998); Kinh Viên Giác giảng giải (2000); Bích Nham Lục (dịch, 1995/2002); Kinh Pháp Bảo Đàn giảng giải (1993/1999); Thiền Căn Bản (dịch, 1993/1999); Pháp Yếu Tu Tập Tọa Thiền Chỉ Quán (dịch, 1963); Tọa Thiền Tam-muội (dịch, 1961); Lục Diệu Pháp Môn (dịch, 1962); Thiền Đốn Ngộ (dịch, 1973/1999); Thiền Tông Vĩnh Gia Tập (dịch, 1974); Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn (dịch, 1971); Truyền Gia Bảo Thiền Tông Trực Chỉ; Tọa Thiền Dụng Tâm Ký; Tham Thiền Yếu Chỉ (dịch, 1962); Thiền Sư Thần Hội giảng giải (2001/2002); Hiển Tông Ký (dịch và giảng, 1993); Thiền Tông Việt Nam Cuối Thế Kỷ 20 (1992/1998); Thiền sư Việt Nam (1991/1995/1999); nguyên quán Trà Ôn - Vĩnh Long, trú quán Long Thành - Đồng Nai - trang nhà www.wikiperdia.org
- Thích Thiện Từ (1910 -2006), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Gia Phổ đời 41, thế danh Dương Văn Trượng, xuất gia năm 1928 với HT Hồng Tôi - chùa An Sơn - núi Voi - Châu Đốc, pháp danh Nhật Tín, pháp hiệu Thiện Từ. Sau đó, ngài đến học đạo với tổ Phi Lai và được thọ Sa di tại đây. Năm 1932, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Tam Bảo - Hà Tiên, do tổ Phi Lai - Chí Thiền làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1951, ngài đến chùa Khánh Hưng - Sài Gòn, học lớp Sơ đẳng Phật học Lục Hòa. Năm 1949, ngài nhập học PHĐ Giác Nguyên - Khánh Hội, do HT Hành Trụ chủ giảng. Năm 1954, ngài về chùa Phước Hậu - Trà Ôn, học kinh luật với HT Khánh Anh. Năm 1956, ngài trụ trì chùa Phước Tường - Cầu Kè - Trà Vinh. Năm 1960, ngài trụ trì chùa Long Phước - Chợ Mới - Long Xuyên. Năm 1968, ngài trụ trì chùa Kiên Tân - Rạch Giá. Năm 1970, trụ trì chùa Vạn Hòa - Cầu Kè - Trà Vinh. Năm 1972, ngài trụ trì chùa Pháp Hải - Vĩnh Long. Năm 1975, ngài trụ trì chùa Giác Thiên - Vĩnh Long. Từ năm 1970-1974, ngài làm Phó Đại diện GHPGVNTN tỉnh Vĩnh Long. Trong thời gian trụ trì chùa Pháp Hải, ngài còn làm Phó Giám viện PHV Pháp Hải, kiêm trụ trì Bảo tháp Xá Lợi miền Tây. Năm 1985, ngài là Ủy viên Tăng sự BTS PG tỉnh Cửu Long. Năm 2002, ngài được cung thỉnh làm Thành viên HĐCM GHPGVN. Ngài là bậc giới đức kiêm toàn, luôn được cung thỉnh làm giới sư trong các giới đàn và làm Đàn đầu Hòa thượng từ 1985-1992 trong các giới đàn của BTS PG tỉnh Cửu Long và Vĩnh Long tổ chức. Năm 1995, ngài được đệ tử thỉnh lên chùa Hải Tuệ - quận 3 - TP Hồ Chí Minh, làm Chứng minh đạo sư chùa và được cung thỉnh làm Thiền chủ các trường Hạ trong TP Hồ Chí Minh từ năm 1995-2001. Ngài xả báo thân ngày Rằm tháng Chạp năm Ất Dậu (14-01-2006), thọ 97 năm, 74 hạ lạp; nguyên quán Tri Tôn - Châu Đốc, trú quán Vĩnh Long, TP Hồ Chí Minh - BTC Lễ tang và BTS PG tỉnh Vĩnh Long soạn.
- Hải Tùng Phước Tứ (1832-1907), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Gia phổ đời thứ 39, pháp danh Hải Tùng, pháp hiệu Phước Tứ. Ngài đã từng gắn bó chia sẻ Phật sự với HT tổ Mẹ Nội (Hải Huệ - Chân Giác) tại vùng đất Sa giang, giữa sông Tiền, sông Hậu, và Đồng bằng sông Cửu Long, trụ trì ngôi Long An Tự, nguyên trước đó là ngôi am của đại thí chủ Tham trưởng Trần Văn Tùng hỷ cúng; trụ trì ngôi Gia Long Sắc tứ Phước Thạnh Tự - Sa Đéc, và đúc một quả đại Hồng chung; khai sơn Phật Quang Tự - Châu Thành - Đồng Tháp. Ta bà quả mãn, ngài an nhiên thị tịch vào dịp tiết Trung nguyên 14 tháng 7 năm Tân Mùi (22-8-1907), thọ 76 tuổi. Môn đồ pháp quyến xây tháp thờ ngài tại đây - Thích Vân Phong biên khảo.
- Thích Thanh Tứ (1927-2011), Hòa thượng, thế danh Trần Văn Long, xuất gia năm 1939 với HT Thích Thanh Hồ - chùa Đống Long - Kim Động - Hưng Yên, được pháp danh Thanh Tứ. Năm 1947, ngài thọ đại giới tại chùa Đống Long. Năm 1947-1949, ngài là Ủy viên Ban Chấp hành Hội PG Cứu quốc tỉnh Hưng Yên. Năm 1950-1951, ngài trực tiếp tham gia lực lượng vũ trang bí mật tỉnh Hưng Yên. Năm 1951-1953, ngài bị thực dân Pháp bắt và tra tấn, bị tù đày trải qua nhiều trại giam. Năm 1955-1957, ngài được tự do, trở về tu hành tại chùa Đống Long. Năm 1958-1967, ngài làm Chánh Thư ký Hội PG Thống nhất Việt Nam tỉnh Hưng Yên. Năm 1968, ngài làm Chánh Thư ký tỉnh Hải Hưng, khi 2 tỉnh Hải Dương và Hưng Yên hợp nhất. Năm 1974-1980, ngài là Ủy viên BTS, kiêm Chánh Văn phòng Trung ương Hội PG Thống nhất Việt Nam. Năm 1979-1980, ngài làm Phó Thư ký Ban Vận động Thống nhất PGVN. Năm 1981, ngài làm Phó Tổng thư ký, kiêm Chánh Văn phòng I Trung ương GHPGVN. Năm 1997-2002, ngài là Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN. Năm 2002-2007, ngài là Viện trưởng Học viện PGVN tại Hà Nội. Năm 2007-2012, ngài là Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN. Ngài trụ trì chùa Quán Sứ - Hà Nội và chùa Bái Đính - Ninh Bình. Ngài thị tịch ngày mồng 2 tháng 11 năm Tân Mão (26-11-2011), thọ 85 năm, 54 giới lạp; nguyên quán Hưng Yên, trú quán Hà Nội - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 3.
Tin tức khác
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
Bình luận bài viết