Thông tin

NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Tuê

Tuê

 

- Thích Đức Tuệ (1901-1967), thế danh Bùi Đình Quý, dòng Lâm Tế Cổ Loan đời thứ 3, xuất gia năm lên 18 tuổi, đệ tử HT Thích Thanh Nhu, thế danh Hoàng Văn Thướng, pháp danh Đức Tuệ, pháp hiệu Quảng Tuyên. Năm 1926, ngài được bổn sư cho thọ Tỳ kheo giới, sau đó vâng lời bổn sư về vùng Ý Yên - Nam Định, khai sơn chùa Mễ Hạ và tham gia Giáo hội Tăng già Bắc Việt tỉnh Ninh Bình. Năm 1940, ngài tham gia Hội PG Cứu quốc huyện Hoa Lư. Ngài hoằng pháp vào vùng Thọ Xuân - tỉnh Thanh Hóa, khai sơn nhiều ngôi chùa để hoạt động cho cách mạng nhằm che mắt chính quyền Pháp. Năm 1946, cơ sở bị lộ, ngài bị giặc bắt đi tù tại nhà máy Chai tỉnh Nam Định. Gần 6 năm giam cầm không khai thác được gì, ngài được thả tự do và tiếp tục ra Quảng Ninh hoạt động. Năm 1954, ngài cùng đệ tử là Thích Tuệ Hải quyết định vào Nam và xây dựng chùa Sùng Đức - Thủ Đức. Năm 1963, ngài tham gia phong trào chống chế độ độc tài đàn áp Phật giáo. Do có nhiều công lao đối với Phật giáo miền Nam, ngài được suy tôn làm Phó Tăng thống GHPGVNTN (sau Hòa thượng Thích Tịnh Khiết). Ngài xả báo thân năm 1967, thọ 66 tuổi; nguyên quán thôn Cổ Loan Thượng, xã Ninh Tiến, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, trú quán Thủ Đức - Gia Định - Nguyễn Đại Đồng sưu khảo.

- Thích Hành Tuệ (1935-1973), Đại đức, Liệt sĩ, pháp danh Thị Nhân, pháp tự Hành Tuệ, đời 42 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 9 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Nguyễn Thới, sinh năm Ất Hợi (1935) tại xã Đại Phong, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ngài xuất gia với Hòa thượng Thích Trí Minh tại chùa Pháp Bảo, Hội An. Năm 1958, ngài vài Sài Gòn tu học tại chùa Phật Bửu Tự - quận 3. Ngài tham gia tích cực phong trào pháp nạn 1963 và phong trào Nhà sư yêu nước chống lực lượng phản động đội lốt tôn giáo. Năm 1966, ngài bị bắt và lưu đày ra Côn Đảo, bị nhốt trong chuồng cọp vì cương quyết không chịu chào cờ chính quyền Sài Gòn. Tháng 7 năm 1970, khi phái đoàn Quốc hội Mỹ vào thăm chuồng cọp, nhà sư đã lên tiếng tố cáo: “Tôi là một tăng sĩ Phật giáo. Tôi bị nhốt vào đây vô cớ chỉ vì tôi yêu nước. Tôi đấu tranh đòi lập lại hòa bình cho dân tộc Việt Nam”. Không khuất phục được ông, cai ngục chuyển ông qua khu chuồng bò rồi chuồng cọp mới do Mỹ xây dựng, tiếp tục hành hạ ông mỗi ngày, đến 7 giờ sáng 7.1.1973, nhà sư bị cai ngục đánh đến chết tại nhà giam - theo lời kể của ông Lê Quang Vịnh, chứng nhân sống của nhà tù Côn Đảo trong “địa ngục trần gian”.

- Thích Minh Tuệ (1931-2008), Hòa thượng, giáo thọ sư, xuất gia với HT Thiền Hòa - chùa Vĩnh Phước, Quảng Bình, pháp danh Lệ Hoằng, pháp tự Trí Hải, pháp hiệu Minh Tuệ. Năm 1949, ngài học tăng PHV Báp Quốc. Năm 1960, ngài vào tu học tại PHV Hải Đức - Nha Trang. Năm 1962, ngài là Giảng sư Tỉnh hội PG Tuyên Đức (tỉnh lỵ Đà Lạt). Từ năm 1964-1974, ngài được Giáo hội bổ nhiệm Chánh Đại diện PG tỉnh Tuyên Đức, kiêm Hiệu trưởng Trường Trung học Bồ Đề Đà Lạt. Năm 1974, ngài vào Sài Gòn, trú xứ tu viện Quảng Hương Già Lam và giữ chức Phó Tổng Thư ký Viện Hóa Đạo GHPGVNTN. Năm 1976, ngài là giáo thọ Trường Cao Trung Phật học TP Hồ Chí Minh. Năm 1981, ngài làm Giám học tu viện Quảng Hương Già Lam và giảng dạy môn Lịch sử PGVN, đồng thời giữ chức Phó Trưởng Ban Chuyên môn - Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam; tác phẩm: Lược sử các tổ Thiền tông Ấn Hoa; Phật và mười vị đệ tử; Chư tổ Thiền Ấn Hoa; Lược sử Phật giáo Việt Nam...; nguyên quán Quảng Bình, trú quán TP Hồ Chí Minh - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Phổ Tuệ, Hòa thượng, đệ tam Pháp chủ GHPGVN, sinh năm 1917, xuất gia lúc 5 tuổi; thụ giới Tỷ kheo năm 1937. Từ 1993-2008, ngài là Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Hà Tây, kiêm Hiệu trưởng Trường TCPH tỉnh; từ 11/1997 - 12/2007 là Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Ban Tăng sự TW GHPG Việt Nam; tháng 12-2002 là Phó Pháp chủ, kiêm Chánh Thư ký HĐCM GHPG Việt Nam. Từ năm 2003-2007, ngài là Viện trưởng Phân Viện NCPHVN tại Hà Nội, Tổng Biên tập tạp chí Nghiên cứu Phật học. Từ tháng 12 năm 2007 đến nay, trải hai kỳ Đại hội (2007-2012) và (2012-2017), Hòa thượng được suy tôn ngôi vị Pháp chủ HĐCM Giáo hội Phật giáo Việt Nam; tác phẩm: Kinh Bách Dụ; Phật Tổ Tam Kinh; Bát Nhã dư âm; Đề cương Kinh Pháp Hoa; Phật học là Tuệ học; Biên tập Đại tạng kinh Việt Nam; Phiên dịch và hiệu đính Luật Tứ Phần; Từ điển Phật học Việt Nam; Đại cương Học thuyết nhà Phật; Trí tuệ là sự nghiệp; Ý nghĩa Chính chư Phật An lập Tịnh Độ; Nguyên lý Phật pháp với Con người...; ngài nguyên quán xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, trú quán Hà Nội.

- Thích Thanh Tuệ (1946-1963), Đại đức, Thánh tử đạo, thế danh Bùi Huy Chương, xuất gia năm 1960 tại chùa Phước Duyên - Thừa Thiên, pháp danh Thanh Tuệ. Trong pháp nạn PG 1963, ngài viết 04 bức thư để lại và tự thiêu lúc 01 giờ khuya ngày 13-8-1963 tại chùa Phước Duyên - Huế; nguyên quán Quảng Trị, trú quán Thừa Thiên Huế - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.

- Thích Hồng Tuyên (1887-1968), Hòa thượng, thế danh Đặng Giới, là đệ tử của HT Đắc Quang - chùa Quốc Ân - Huế, pháp danh Hồng Tuyên, pháp tự Chánh Giáo, hiệu Từ Thông. Năm 1920, ngài trở về quê Quảng Bình khởi dựng chùa Phổ Minh - Đồng Hới. Năm 1938, chùa được triều đình nhà Nguyễn ban sắc tứ biển hiệu “Sắc tứ Phổ Minh tự”. Năm 1951, Hòa thượng cùng với Chi hội PG và Hội Phật học địa phương biến chùa Phổ Minh thành trung tâm Phật học tỉnh Quảng Bình. HT nguyên là Ủy viên Trung ương Hội PG Thống nhất Việt Nam, Chi hội trưởng Hội PG Quảng Bình, Đại biểu HĐND tỉnh Quảng Bình. Năm 1968, chùa bị máy bay Mỹ ném bom phá hủy hoàn toàn, đến năm 2006, chùa được khởi công xây dựng lại; nguyên, trú quán Quảng Bình - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.  

- Nguyễn Phúc Tuyền (1807-1847), Cư sĩ, tức vua Thiệu Trị, tên thụy là Miên Tông, Hiển Tổ Chương hoàng đế. Ông lên ngôi năm 1841, hiệu là Thiệu Trị, là người mến mộ đạo Phật nhất trong bốn vị vua đầu nhà Nguyễn. Ông đứng ra xây ngọn tháp bảy tầng ở chùa Thiên Mụ gọi là Từ Nhãn Tháp và sắc dựng xây ngôi chùa Diệu Đế; tác phẩm: Ngự chế danh thắng Đồ hội thi tập; Ngự chế Bắc tuần thi tập; Ngự chế Vũ công thi tập; nguyên quán trú quán Phú Xuân - theo PGVN sử luận, Nguyễn Lang, NXB Văn học, Hà Nội, 1992.

- Bạch Tuyết, Nữ cư sĩ, tiến sĩ, nghệ sĩ nhân dân, sinh năm 1945, được mệnh danh là “Cải lương chi bảo”. Bà tên thật là Nguyễn Thị Bạch Tuyết, bút danh Nguyễn Thị Khánh An, đi hát năm 1961 cho đoàn Kiên Giang. Năm 1963, bà nhận giải Thanh Tâm cho diễn viên triển vọng. Năm 1971, bà mở gánh hát Hùng Cường - Bạch Tuyết, sau này đổi thành Đoàn ca kịch Bạch Tuyết. Năm 1985, lúc 40 tuổi, bà vào giảng đường đại học và tốt nghiệp cử nhân Ngữ văn. Năm 1988, được phong tặng Nghệ sĩ ưu tú và tốt nghiệp khoa đạo diễn sân khấu tại Bulgaria. Năm 1995, bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Anh. Năm 2013, bà được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Là một Phật tử, pháp danh Diệu Lộc, bà có thời gian tu tập thiền định tại thiền viện Trúc Lâm - Đà Lạt. Nhờ nhân duyên diễn những tuồng PG, bà thấm nhuần giáo lý và để tâm sáng tác những bài cổ nhạc PG và trình diễn cúng dường trong các buổi lễ PG; tác phẩm: Đức Phật Thích Ca; Kinh Pháp Cú;  Bông hồng cài áo; Trường ca cải lương kinh Pháp cú (NXB Tôn giáo, 2006) và DVD cải lương Lời Phật dạy (NXB Tôn giáo); Trường ca cải lương Phật hoàng Trần Nhân Tông; Kiến tánh thành Phật; Trường ca Kinh Kim Cương; Theo dấu Kinh xưa; Đuốc sen thiêng; Lối mộng Thiền xưa; Thêu áo Như Lai; Thương màu áo Lam; Miền nhớ, tình ca Đất phương Nam; Lan và Điệp (đóng phim); nguyên quán Châu Đốc, trú quán TP Hồ Chí Minh - trang nhà www.wikipedia.org

- Đào Thị Tuyết (1950-1966), Nữ Phật tử, Thánh tử đạo, pháp danh Tâm Bạch, sinh năm 1950, tại Sài Gòn, trong một gia đình truyền thống kính tin Phật Đà. Năm 1965, khi Tổng Vụ Thanh niên lập thêm hai vụ: Thanh niên Thiện chí vụ và Hướng đạo Phật giáo vụ, cô mạnh dạn tham gia đoàn Thanh niên Thiện chí. Năm 1966, cuộc đấu tranh PG đi vào giai đoạn quyết liệt. Ngày 17-5-1966, là một trong những đoàn viên đoàn thanh niên Phật tử bảo vệ trụ sở Viện Hóa Đạo tại Việt Nam Quốc Tự, cô đã chứng kiến nhiều cảnh tượng đau lòng, và cô đã tự nguyện thiêu thân ngay tại nơi đang đứng bảo vệ. Lúc ấy nhằm 21 giờ ngày 30 tháng 4 Âm lịch, hưởng dương 17 tuổi. Năm 1967, GHPGVNTN đã tuyên dương và tấn phong Thánh tử đạo - Dương Kinh Thành biên khảo.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 322
    • Số lượt truy cập : 6947225