NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN Tương
Tương
- Trương Ngọc Tường, Cư sĩ, sinh năm 1949, thành viên Trung tâm Nghiên cứu PGVN. Ông đã viết nhiều tham luận cho các hội thảo về Phật giáo; sinh, trú quán Cai Lậy, Tiền Giang.
- Thanh Chánh Phước Tường (1867-1932), Hòa thượng tổ sư, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 41, pháp danh Thanh Chánh, pháp tự Quảng Đạt, pháp hiệu Phước Tường. Năm 1920, ngài trụ trì tổ đình Thiên Bửu - xã Điềm Tịnh - Ninh Hòa. Hàng môn đồ của ngài có gần 50 vị, pháp hiệu bắt đầu bằng chữ Nhơn, đóng góp công sức rất lớn trong giai đoạn chấn hưng PG Khánh Hòa, như: HT Nhơn Tri (Bồ tát Quảng Đức); Nhơn Sanh (Trưởng tử - khai sơn chùa Phụng Sơn); Nhơn Sơn (khai sơn chùa Thiền Sơn, Trường Lộc); Nhơn Nguyện (khai sơn chùa Linh Quang); Nhơn Duệ (khai sơn chùa Thiên Quang); Nhơn Thứ (khai sơn Sắc tứ Linh Quang - Đà Lạt); Nhơn Hưng (khai sơn chùa Thanh Sơn, Hòa Vân, Hòa Thành, Khánh Phước, Thanh Hải - Cam Ranh); Nhơn Trực (khai sơn chùa Từ Vân - Nha Trang); Nhơn Bảo (khai sơn chùa Pháp Bửu Đường - Bình Tuy); Nhơn Hoằng (khai sơn chùa Hang - Hòn Hèo)... Tổ có quan niệm tiến bộ giữa đạo và đời, xem lao động sản xuất và sự tu hành của người tu sĩ là một, thể hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam. Sau hơn nửa thế kỷ hoằng dương chánh pháp, tổ Phước Tường đã an tường viên tịch vào ngày 28 tháng 7 năm Nhâm Thân(19-8-1932), trụ thế 66 năm. Bảo tháp tổ Phước Tường cao 5 tầng, tôn trí bên cạnh cổ tháp tổ Bửu Dương, tại tổ đình Thiên Bửu - thị xã Ninh Hòa - tỉnh Khánh Hòa. Ngài nguyên quán Phú Yên, trú quán Ninh Hòa - Khánh Hòa - TK Thích Trí Bửu sưu khảo.
- Thiệt Thoại - Tánh Tường (?-1813), Thiền sư, danh tăng miền Nam thế kỷ 19, khai sơn chùa Huê Nghiêm - Thủ Đức và hoằng hóa nơi đây thành đạo tràng danh tiếng, viên tịch tại chùa năm 1813, đồ chúng xây tháp thờ trong vườn chùa - theo Biên niên sử PG Sài Gòn - Gia Định.
- Thích Thanh Tường (?), Hòa thượng, sư tổ đứng đầu Bắc kỳ Cổ sơn môn, gồm sơn môn Linh Quang - Bà Đá và sơn môn Hồng Phúc - Hòe Nhai, chủ trương xuất bản tạp chí Tiếng chuông sớm. Ngày 12.1.1936, Thiền gia pháp chủ Thích Thanh Hanh viên tịch, Hội Bắc kỳ Phật giáo tôn sư tổ Thích Thanh Tường lên thay thế. Từ đó, Tiếng chuông sớm cũng đình bản sau 24 số để hợp nhất với tờ Đuốc Tuệ của Hội Bắc kỳ Phật giáo - Nguyễn Đại Đồng sưu khảo.
- Thích Thiện Tường (1917-1984), Hòa thượng. Ngài xuất gia ở chùa Long Quang - Gò Công và cầu pháp với HT Lê Phước Chí - chùa Linh Sơn - Sài Gòn, được pháp danh Thanh Giới, pháp tự Chơn Như, pháp hiệu Thiện Tường, thế danh Ngô Văn Phải. Năm 1944, ngài về trụ trì chùa Long An - Sa Đéc và hội ngộ, kết nghĩa với các ngài Khánh Phước, Thới An và Hành Trụ. Năm 1946, tiếp nối phong trào chấn hưng PG, cả 4 vị rời miền Tây lên Sài Gòn thành lập ngôi chùa tên là Tăng Già để mở trường đào tạo Tăng tài. Năm 1947, nhận thấy Tăng ni tu học rất đông, các vị lại lập nên ngôi chùa thứ hai lấy tên là Giác Nguyên để chư Tăng tu học, còn chùa Tăng Già để chư Ni tu học. Năm 1950, ngài nhận trụ trì chùa Vạn Thọ ở Tân Định. Năm 1960, ngài trở về làm Hóa chủ chùa Giác Nguyên. Năm 1964, ngài làm Tổng Vụ trưởng Tổng Vụ Tài chánh - Kiến thiết GHPGVNTN. Năm 1966, ngài làm Viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN, khối Việt Nam Quốc Tự. Năm 1969, ngài làm Giám đốc Phật học viện Giác Nguyên, kiêm trụ trì tổ đình Giác Nguyên. Năm 1981, ngài là Thành viên HĐCM TW GHPVN. Ngài xả báo thân vào ngày 23 tháng 8 năm Giáp Tý (18-9-1984), thọ 68 tuổi, hạ lạp 46 năm. Ngài nguyên quán Gò Công, trú quán TP Hồ Chí Minh -xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 1.
- Võ Văn Tường, Cư sĩ, sinh năm 1953, quy y Tam Bảo tổ đình Thiền Tôn - Huế, pháp danh Tâm Thụy. Năm 1971-1975, ông học phân khoa Khoa học xã học - Viện Đại học Vạn Hạnh - Sài Gòn. Năm 1982-1995, Cử nhân và Thạc sĩ Ngữ Văn - Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Năm 1996, ông được Đại học Kỷ lục Thế giới - Anh Quốc cấp bằng tiến sĩ danh dự. Ông là ủy viên Ban Văn hóa TW, thành viên Trung tâm Nghiên cứu PGVN- Viện NCPHVN, chuyên môn lĩnh vực nhiếp ảnh danh lam cổ tự Việt Nam, được mời giảng dạy môn nhiếp ảnh tại Học viện PGVN tại TP Hồ Chí Minh; tác phẩm: Việt Nam Danh Lam Cổ Tự; Những ngôi chùa danh tiếng Việt Nam; Danh lam nước Việt; Những ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam; Hà Nội danh lam cổ tự; Những ngôi chùa nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh; chùa Phù Châu Tiền Giang; 108 danh lam cổ tự Việt Nam; 500 danh lam Việt Nam; Phật tích Ấn Độ - Nepal; Sắc tứ Long An cổ tự - Tiền Giang; chùa Từ Đàm - Huế; Chùa Việt Nam ở hải ngoại, tập 1; nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán Hoa Kỳ.
Tin tức khác
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
Bình luận bài viết