Thông tin

NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN U

U

 

Doãn Uẩn (1795-1850), Cư sĩ,  Tổng đốc An - Hà (An Giang, Hà Tiên), được triều đình Truy tặng Hiệp biện Đại học sĩ, tự là Nhuận Phủ, Ôn Phủ, hiệu là Nguyệt Giang, Tĩnh Trai, là một danh thần thời Nguyễn, phụng sự ba đời vua liên tiếp: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Sinh thời, ông là một trong những trụ cột của triều đình, trấn giữ vùng biên cương Tây Nam, suốt những năm trị vì của vua Thiệu Trị. Năm 1847, Tổng đốc Doãn Uẩn kiến tạo chùa Tây An - Châu Đốc, nhằm cầu an ổn phía Tây Nam tổ quốc, nơi ông có trách nhiệm trấn giữ (sách Đại Nam Nhất Thống chí), nguyên quán phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam Hạ (nay huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) - Thích Vân Phong biên khảo.

- Tâm Phổ Trí Uyên (1887-1940), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 43, pháp danh Tâm Phổ, pháp tự Đạo Nguyên, pháp hiệu Trí Uyên, xuất gia tại chùa Ba La Mật năm 1901, là đệ tử HT Viên Thành. Năm 1923, ngài cùng với bổn sư lên gần Ngũ Phong Sơn, khai lập chùa Tra Am. Năm 1925, ngài khai lập chùa Diệu Minh ở Cồn Hến và tu tập ở đó; nguyên, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Hải Trân - Thụy Uyển (1829-?), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Liễu Quán đời 40, thế danh Phan Thụy Uyển, đệ tử ngài Tăng cang Tánh Thiên Nhất Định, sau cầu pháp ngài Linh Cơ, tăng chúng chùa Giác Hoàng, trụ trì chùa quốc tự Thánh Duyên; chưa rõ năm mất và tháp cốt ở đâu; nguyên quán Quảng Trị, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ tiền bối hữu công PG Thuận Hóa.

- Hoàng Thị Uyển (1871-1947), Phật tử, thường gọi là cụ Cả Mọc. Năm 1934, thành lập Hội Tế Sinh và bà được bầu làm Hội trưởng. Cuối năm 1944, cụ bàn giao cơ sở nhà Tế Sinh rộng 1.000m2 ở phố Ngô Sỹ Liên cho Hội Phật giáo Bắc Kỳ làm cô nhi viện. Năm 1939-1940, cụ tậu ấp Phú Ninh, huyện Kim Anh, tỉnh Vĩnh Phúc (nay là sân bay Nội Bài) dựng chùa Cao Phong và 5 gian nhà dưỡng lão nuôi 30 lão ông lão bà, mời các bác sĩ Trần Duy Hưng, Trần Văn Lai, Nguyễn Hữu Thuyết từ Hà Nội lên khám và chữa bệnh cho các cụ. Sau đó, theo lời khuyên của cư sĩ Thiều Chửu - Tổng Thư ký Hội Tế Sinh, cụ hiến mảnh đất này (rộng chừng 100 mẫu Bắc bộ) cho Hội Phật giáo Bắc Kỳ di dời trường tiểu học từ chùa Quán Sứ lên khai giảng tại chùa Cao Phong ngày 21-12-1940. Tại phiên Đại hội đồng Hội Phật giáo Việt Nam (Hội Phật giáo Bắc Kỳ đổi tên), cụ được bầu làm Trưởng Ban Phụ nữ Ban Trị sự Hội... Sau ngày nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời ít lâu, biết tiếng cụ với nhiều việc làm từ thiện, tháng 3 năm 1946, Hồ Chủ tịch cho mời cụ lên Bắc bộ phủ thăm hỏi và động viên. Cụ rất cảm kích trước những lời khen ngợi của Bác, nhưng cụ bảo những việc của cụ làm không có gì to tát so với nhiều người Hà Nội lúc đó. Cụ mất năm 1947 tại chùa Cao Phong; nguyên, trú quán làng Kim Lũ, phường Kim Giang, quân Thanh Xuân, TP Hà Nội.

- Thích Tương Ưng (1912-1994), Hòa thượng, xuất gia với HT Giác Tiên - chùa Trúc Lâm, pháp danh Tâm Giải, pháp tự Tương Ưng, thế danh Nguyễn Duy Phú. Năm 1944, ngài vào Nha Trang cùng chư tăng tu bổ chùa Hải Đức 2 năm. Năm 1947, ngài trùng tu chùa Hoa Sơn Giác Hải. Năm 1952, ngài nhận lãnh Linh Phong cổ tự rồi trùng tu, sau đó giao chùa lại và về Huế trụ trì tổ đình Từ Quang. Năm 1964, ngài lại vào Nha Trang xây dựng Khuôn hội Phước Hải và cúng dường đất cho Giáo hội xây dựng Phật học Ni viện Diệu Quang để đào tạo chư Ni; nguyên, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thanh Tâm Diệu Ứng (1867-1945), Hòa thượng, xuất gia năm 1878 với HT Hải Toàn Linh Cơ - chùa Tường Vân, pháp danh Thanh Tâm, pháp tự Diệu Ứng. Năm 1893, ngài thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Chúc Thánh - Quảng Nam, do HT Chí Thành làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1894, ngài thọ Bồ tát giới tại giới đàn chùa Báo Quốc. Năm 1896, ngài làm Giám tự chùa Tường Vân. Năm 1903, ngài lập am ở Dương Xuân Sơn tu tập. Năm 1904, ngài khai sơn chùa được Sắc tứ thành “Bảo Quang Tự”. Sau đó, ngài vào Quảng Nam hoằng hóa đến năm 1920 mới trở về bổn tự. Năm 1945, ngài viên tịch ngày 26 tháng 3 năm Ất Dậu, thọ 79 năm, 52 hạ lạp, tháp lập tại khuôn viên chùa Bảo Quang; nguyên, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa, tập 3.

- Vũ Đình Ứng (?-?), Tu sĩ, thuở nhỏ xuất gia, pháp danh Tâm Ứng, từng tu tại chùa Dư Hàng - Hải Phòng. Năm 1927, do viết 3 bài báo ủng hộ lời kêu gọi chấn hưng Phật giáo của sư Tâm Lai trụ trì chùa Hang (Tiên Lữ động tự), Tâm Ứng bị sư trụ trì trục xuất. Ông về Hà Nam, Hà Đông hành đạo, cùng Thượng tọa Thái Hòa (Tâm Bảo - Đỗ Trân Bảo), sư Trí Hải và các cư sĩ Lê Toại, Trần Văn Giác, Thiều Chửu, thành lập nhóm Phật học Tùng thư, tiến tới thành lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ. Sau, ông làm việc ở trụ sở Hội tại chùa Quán Sứ, trụ trì chùa làng Lai Khê, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Năm 1936, sư hoạt động Việt Minh, tham gia Phật giáo Cứu quốc; Uỷ viên Giám sát Ban Chấp hành Tăng già Cứu quốc tỉnh do Thượng toạ Thái Hòa là Chủ tịch; tác phẩm: Tinh thần đạo Phật; nguyên quán Hải Dương; không rõ năm sinh năm mất - Nguyễn Đại Đồng sưu khảo.

- Thích Mật Ứng (1889-1957), Hòa thượng, thế danh Trần Văn Ứng. Năm 1900, ngài theo hầu HT Tâm Nhân - chùa Quảng Bá tu học, được pháp danh là Thích Mật Ứng. Ngài tham học khắp các chốn tổ đình danh tiếng. Ngài được cử trụ trì động Kính Chủ, danh thắng nơi Hạt Kinh Môn - tỉnh Hải Dương, và sau đó kế thế trụ trì chùa Quảng Bá - Hà Nội. Từ năm 1935 đến 1945, ngài đóng góp rất lớn trong phong trào chấn hưng PG Bắc kỳ. Ngày 17-3-1949, đại hội Tăng ni họp tại chùa Quán Sứ suy tôn ngài lên ngôi “Thiền gia Pháp chủ” của Hội Phật giáo Tăng già Bắc Việt; nguyên quán Nam Định, trú quán Hà Nội -xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 1.

- Thích Phổ Ứng (1910-1983), Hòa thượng, khai sơn Linh Quang tịnh xá, tại bến Vân Đồn - quận 4 - Sài Gòn. Ngài là người Hải Phòng vào Nam lập nghiệp, xuất gia năm 1948, pháp danh Nhuận Tắc, pháp hiệu Phổ Ứng, pháp tự Thanh Sơn, là đệ tử của thiền sư Huệ Nhựt, theo tăng đoàn Khất sĩ hệ phái Huệ Nhựt, tu hành phương pháp Mật truyền. Ngày nay, Linh Quang tịnh xá được trùng kiến thành một đại già lam, có trường nuôi dạy trẻ khuyết tật - xem thêm “Những ngôi chùa nổi tiếng ở TP HCM”.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 67
    • Số lượt truy cập : 6946744