Thông tin

NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM - VẦN V

V

 

- Hằng Vang, Cư sĩ, tên thật là Nguyễn Đình Vang, pháp danh Như Niên, sinh năm 1933. Ông sáng tác nhạc - kịch từ năm 1955. Năm 1958-1960, ông là Huynh trưởng - Liên đoàn trưởng GĐPT Cát Tường - Huế. Năm 1961-1967, ông là Phó trưởng BHD - Ủy viên Nghiêm Huấn GĐPT tỉnh Đăk Lăk, đồng thời, là Tổng Thư ký - biên tập và điều hành Văn nghệ PG trên Đài Phát thanh Ban Mê Thuột. Năm 1968-1975, ông là Tổng Thư ký Hội Văn nghệ tỉnh Phú Bổn. Nhạc sĩ Hằng Vang từng đoạt giải Nhất cuộc thi âm nhạc với bài Ánh Đạo Vàng, do ca sĩ Thanh Thúy thể hiện trên Đài Phát thanh Sài Gòn, do GHPGVNTN tổ chức, trao giải thưởng ngày 25-2-1965 tại Nhà hát lớn Sài Gòn. Ông đã xuất bản trên 20 album nhạc, trong đó phần lớn là nhạc PG và 8 tuyển tập ca khúc chung với các tác giả khác. Ông nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán Đăk Lăk.  

- Thích Như Vạn (1930-1980), Hòa thượng, pháp danh Như Vạn, pháp tự Giải Thọ, pháp hiệu Trí Phước, đời 41 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 8 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Trần Văn Chín, sinh năm Canh Ngọ (1930) tại làng Ái Nghĩa, Đại Lộc, Quảng Nam. Ngài xuất gia với Hòa thượng Thiện Quả tại tổ đình Chúc Thánh, học Tăng PHĐ Ấn Quang từ 1951 đến 1959. Ngài trụ trì tổ đình Phước Lâm năm 1960 và là Giảng sư của Tỉnh Giáo hội Quảng Nam. Năm 1963, ngài là một trong Tứ trụ Quảng Nam tranh đấu chống chính sách kỳ thị tôn giáo của chính phủ Ngô Đình Diệm. Ngài từng giữ các chức vụ: Đặc ủy Cư sĩ, kiêm Chánh Đại diện quận Hiếu Nhơn (1964); Đặc ủy Cư sĩ, kiêm Hoằng pháp tỉnh Quảng Nam; sau năm 1975 là Chánh Đại diện GHPGVNTN thị xã Hội An. Ngài có công trùng tu chùa Phước Lâm vào năm 1964. Ngài viên tịch ngày 24 tháng 3 năm Canh Thân (1980), trụ thế 51 tuổi. Đệ tử có các vị như: Cố HT. Thích Hạnh Thiền; Cố HT. Thích Hạnh Tuấn; Hòa thượng Thích Hạnh Trí... Ngài nguyên, trú quán Quảng Nam - Thích Như Tịnh sưu khảo.

- Thích Thanh Văn (1937-1972), Thượng tọa, xuất gia với HT Minh Cảnh - chùa Linh Quang - Trại Hầm - Đà Lạt, pháp danh Nguyên Hưng, pháp tự Thanh Văn. Thầy thọ giáo với HT Nhất Hạnh, sau đó về Huế tu học tại chùa Ba La Mật. Năm 1964, thầy vào học tại Viện Cao đẳng Phật học Vạn Hạnh Sài Gòn và phụ trách văn phòng trường. Năm 1966, thầy được HT Nhất Hạnh cử làm Giám đốc Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội. Ngày 23-4-1972, trên đường làm Phật sự ở Phước Thái - Biên Hòa, thượng tọa bị tai nạn giao thông và mất, hưởng dương 35 tuổi; nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán Sài Gòn - theo Chư tôn Thiền đức Cư sĩ hữu công Thuận Hóa, tập 3.

- Thích Từ Văn (1877-1931), Hòa thượng, thế danh Nguyễn Văn Tầm, năm 1887 xuất gia với HT Ấn Long Thiện Quới - chùa Hội Khánh, pháp danh Chơn Thanh, pháp hiệu Từ Văn, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 40. Ngài học đạo với tổ Huệ Lưu - chùa Huê Nghiêm - Thủ Đức. Năm 1906, ngài kế thế trụ trì tổ đình Hội Khánh - Thủ Dầu Một. Năm 1909, ngài Chứng minh lễ trùng tu tháp tổ Nguyên Thiều - chùa Kim Cang - Biên Hòa. Năm 1913, ngài làm Pháp sư và Giới sư các trường Hạ ở khắp miền Nam. Năm 1920, ngài được mời sang Pháp lập trai đàn cầu siêu cho các tử sĩ. Nhân dịp này, ngài làm mô hình chùa Hội Khánh và các tượng Phật sang triển lãm ở thành phố Marseille. Năm 1923, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và cụ Tú Cúc - Phan Đình Viện, đã đến chùa Hội Khánh cùng với ngài thành lập Hội Danh dự Yêu nước, truyền bá tư tưởng yêu nước trong quần chúng. Hội hoạt động đến năm 1926 bị Pháp giải tán. Năm này, ngài mở các lớp học đầu tiên trong phong trào chấn hưng tại chùa Hội Khánh. Năm 1930, ngài tổ chức khắc bản in kinh ấn tống cho khắp miền Đông và Tây Nam bộ. Ngài xả báo thân ngày 26 tháng 11 năm Tân Mùi (1931), tháp lập ở khuôn viên chùa Hội Khánh; nguyên, trú quán Bình Dương - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.

- Thích Đồng Văn, Thượng tọa, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 43, bảo vệ luận án tiến sĩ tại Trường Đại học Sư Phạm TP. Hồ Chí Minh, thế danh Nguyễn Thành Danh, sinh năm 1966, giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam, Trưởng khoa Trung văn HVPGVN tại TP HCM, Phó Trưởng Phòng Đào tạo Sau đại học - Học viện Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Viên Giác - Tân Bình; tác phẩm: Những truyện Nôm đầu thế kỷ XX (đồng tác giả), Đôn Hoàng thạch động không ngủ yên; nguyên, trú quán TP Hồ Chí Minh.

-  Thích Huyền Vân (1915-1984), pháp danh Hồng Viên, thế danh Nguyễn Văn Chót; sinh năm 1915 tại xã An Nghiệp, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Ngài tái thiết và trụ trì chùa Thiên Phước - Xuân Hòa - Kế Sách, khai sơn Hải Phước Tự - thị trấn Kế Sách - huyện Kế Sách - tỉnh Sóc Trăng. Năm 1937, ngài theo học PHĐ Lưỡng Xuyên Phật học ở Trà Vinh. Năm 1940, ngài cùng với các Hòa thượng Thiện Hòa, Thiện Hoa, Bửu Đạt, Huệ Phương, Thanh Tòng... tham học tại PHĐ An Nam Phật học ở chùa Báo Quốc - Huế. Năm 1945, ngài trở về Sóc Trăng làm giáo thọ dạy Tăng ni tại các tự viện trong tỉnh; nguyên, trú quán Sóc Trăng - Thích Vân Phong biên khảo.

- Nguyễn Thị Vân (1949-1966), Phật tử, đoàn sinh GĐPT, Thánh tử đạo, pháp danh Không Gian. Năm 1956, cô vào GĐPT Thành Nội, sinh hoạt với đoàn Oanh Vũ Nữ. Năm 1962, cô lên sinh hoạt đoàn Thiếu Nữ. Ngày 31-5-1966, cô tự thiêu trước chùa Từ Đàm - Tỉnh hội PG Huế, để lại 3 bức thư: 1 gửi gia đình; 1 gửi chính quyền Thiệu Kỳ; 1 gửi Tổng thống Hoa kỳ; nguyên, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Biên niên sử PG Sài Gòn - Gia Định.

- Thích Từ Vân (1866-1934), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Gia Phổ đời 39, xuất gia năm 1886 với HT Đạt Hóa - chùa An Phước - Lấp Vò, pháp danh Ngộ Đạo, pháp hiệu Từ Vân. Năm 1891, ngài thọ đại giới tại giới đàn Tiên Thiện Từ Lâm - chùa Phước Hưng, do tổ Minh Thông Hải Huệ làm Đường đầu truyền giới. Sau khi thọ giới, ngài về chùa Tân Long - Cao Lãnh, hành đạo. Năm 1915, ngài mở trường gia giáo dạy Phật học và tổ chức khắc ván in các bộ kinh luật để lưu thông: Sa di Luật giải;  Trường hàng luật; Quy Sơn cảnh sách; Kim Cang kinh; Quy Nguyên trực chỉ; Hứa Sử truyện. Ngài được cung thỉnh làm Đường đầu Hòa thượng trong các giới đàn: Minh Phước - chùa Phước Hưng - Sa Đéc (1919); tại bổn tự Tân Long (1926); giới đàn chùa Phước Hưng (1927); giới đàn Nguyên Hòa - tổ chức tại bổn tự Tân Long (1930). Năm 1927, ngài sang Lào dự Đại hội Phật giáo Khu vực Đông Nam Á. Trong sự nghiệp đào tạo, ngài có một đệ tử xuất sắc là HT Huệ Quang, sau này là Thượng thủ Giáo hội Tăng già Nam Việt. Ngài xả báo thân ngày 25 tháng 5 năm Giáp Tuất (06-6-1934), thọ 68 năm, 40 hạ lạp; nguyên, trú quán Long Xuyên - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 3.

- Thích Tường Vân (1899-1983), Hòa thượng, dòng Lâm Tế Trí Thắng Bích Dung đời 42, thế danh Lê Quát, xuất gia năm 1939 với HT Vĩnh Sung - chùa Bửu Long, pháp danh Nguyên Hương, pháp hiệu Tường Vân. Năm 1944, ngài khai sơn chùa Liên Hoa - huyện đảo Phú Quý. Năm 1958, ngài trụ trì chùa Liên Thành - Phú Long - Bình Thuận. Năm 1960, ngài đồng sáng lập Tòng lâm Vạn Thiện - Phan Thiết. Năm 1970, ngài vận động thành lập PHV Nguyên Hương và làm Giám viện. Năm 1981, ngài được cung thỉnh Chứng minh đạo sư Giáo hội PGVN tỉnh Bình Thuận. Ngài xả báo thân ngày mồng 3 tháng 2 năm Quý Hợi (1983), thọ 84 năm, 44 mùa Hạ, bảo tháp lập tại Tòng lâm Vạn Thiện; nguyên quán đảo Phú Quý, trú quán Phan Thiết - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.

- Thích Huyền Vi (1926-2005), Hòa thượng, Giảng sư, dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 41, thế danh Lê Văn Huyền, xuất gia năm 1938 với HT Trí Thằng - chùa Sắc tứ Thiên Hưng - Ninh Thuận, pháp danh Như Kế, pháp tự Giải Đạo, pháp hiệu Huyền Vi. Năm 20 tuổi, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Sắc tứ Tây Thiên - Tháp Chàm - Ninh Thuận. Năm 1950, ngài theo học tại PHĐ Nam Việt- chùa Ấn Quang. Năm 1955, ngài được cử làm Giám đốc PHĐ Ấn Quang, kiêm Giám viện và thành viên giảng sư đoàn, phục vụ thuyết giảng các tỉnh. Năm 1961, ngài du học tại Viện Đại học Nalanda - Ấn Độ. Năm 1972, ngài về nước nhận nhiệm vụ Tổng Vụ trưởng Tổng Vụ Hoằng pháp GHPGVNTN. Năm 1974, ngài là Thành viên Hội đồng Viện Tăng thống GHPGVNTN. Sau năm 1975, ngài sang Pháp định cư và sáng lập Giáo hội PG Linh Sơn Thế giới và trụ trì chùa Linh Sơn - Paris. Ngài thành lập trên 50 cơ sở của Giáo hội Linh Sơn trên thế giới mà ngài là Tăng thống. Tác phẩm của ngài đã xuất bản: Đường về xứ Phật (viết chung); Buddhist Doctrine; Thiền tứ oai nghi (PL 2538); Phật nói kinh Chánh Pháp Đại Bảo Tích Hội Ngài Ca Diếp (PL 2539); Đức Phật nói kinh Hồng Danh Lễ Sám (PL 2539); Kinh Đại Định Thủ Lăng Nghiêm và các kinh khác (1995); Les Bases Fondamentales Du Boudhisme Mahayana (1997); Kinh Viên Giác (1997); Bốn kinh của Phật Tổ (PL 2542); L' Essentiel Du Boudhisme; Những dòng sữa Mẹ (2002). Năm 2000, ngài mua một khu đất trên 3.000m2, mục đích kiến tạo Đại học PG thế giới để đào tạo Phật học cho người Việt và người phương Tây. Ước nguyện còn dang dở, ngài xả báo thân ngày mồng 7 tháng Giêng năm Ất Dậu (15-02-2005), thọ 80 năm, 59 hạ lạp; nguyên quán Ninh Thuận, trú quán Pháp Quốc - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 3.

- Pháp Vĩnh (1891-1977), Hòa thượng, hệ phái PG Nam Tông Việt Nam, thế danh Nguyễn Thức. Năm 1945, ngài xuất gia theo hệ phái Khất sĩ, pháp danh Thiện Ngộ, sau chuyển qua tu theo hệ phái Nguyên thủy, pháp danh là Dhammasàro. Năm 1950, ngài thọ Tỳ kheo giới tại Campuchia. Năm 1955, ngài về Việt Nam hoằng pháp, là Thành viên Ban Chưởng quản Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam (1957). Năm 1958, ngài khai sơn chùa Phước Quang - Tuy Phước và là người đầu tiên truyền bá PG Nguyên thủy tại Bình Định. Ngài xả báo thân ngày 25 tháng 4 năm Đinh Tỵ (1977), thọ 86 năm, 32 tuổi đạo; nguyên, trú quán Bình Định - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.

- Thích Bổn Viên (1873-1942), Hòa thượng, thế danh Nguyễn Văn Hượt. Năm 1894-1907, ngài đến vùng Thất Sơn - Châu Đốc học đạo và học thuốc. Năm 1908, từ núi Tà Lơn trở về sau 15 năm tu tập, ngài nhận ngôi chùa Bửu Long - Vĩnh Kim - Mỹ Tho, để hành đạo. Năm 1910, ngài đến chùa Phước Linh - Thạnh Phú, cầu pháp với HT Thục Thiện, dòng Lâm Tế Trí Thắng, được pháp danh Bổn Viên, pháp tự Chơn Thành. Năm 1932, ngài được thỉnh làm Đàn đầu truyền giới tại giới đàn chùa Minh Đức - Phú Túc - Bến Tre. Từ đây, ngài cùng HT Khánh Hòa đồng sáng lập Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học và Hội Lưỡng Xuyên Phật học. Năm 1940, ngày 23 tháng 11, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ bùng nổ, chùa Bửu Long trở thành điểm nuôi giấu cán bộ kháng chiến, ngài bị thực dân Pháp vây chùa, bắt tù đày. Năm 1942, thực dân Pháp thả ngài, và viên tịch cùng năm tại chùa Bửu Long vào 24 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ, thọ 69 năm, 32 năm hành đạo. Ngài nguyên, trú quán Vĩnh Kim - Mỹ Tho - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.

- Thích Chánh Viên (?-1946), Hòa thượng, trụ trì Bửu Hưng Cổ Tự - Đồng Tháp. Ngài cùng các vị Hòa thượng: Thích Thiện Hoa, Thích Thiện Hòa, Thích Bửu Đạt, Thích Huệ Phương, ra Huế học ở Trường Báo Quốc. Chiến tranh loạn lạc, ngài về Bửu Hưng chuẩn bị mở trường, tiếp Tăng độ chúng tu học, nhưng chẳng may ngài đã hy sinh trong công cuộc kháng Pháp. Ngài đã hiến một đại hồng chung cho cách mạng để hóa thân vũ khí chống Pháp. Tháng 9-1946, Bửu Hưng Cổ Tự (nơi nuôi chứa nhiều cán bộ cách mạng hoạt động địa bàn Sa Đéc, Cao Lãnh, Vĩnh Long) bị máy bay ném bom, ngài cùng 10 vị tiểu tăng hy sinh; nguyên, trú quán Sa Đéc - Thích Vân Phong biên khảo.

- Thích Giác Viên (?-1942), Hòa thượng, pháp danh Trừng Huệ, pháp tự Chí Lâm, đệ tử tổ Tâm Tịnh. Năm 1911, ngài lên làng Dương Xuân Thượng lập am Thệ Đa Lâm, đến năm 1934, thảo am đổi tên thành chùa Hồng Khê, do chính ngài khai sơn. Ngài được triều đình phong Tăng cang chùa Diệu Đế; nguyên quán Quảng Trị, trú quán Thừa Thiên Huế - theo Chư tôn Thiền đức & Cư sĩ hữu công Thuận Hóa.

- Thích Giác Viên (1930-2012), Hòa thượng, pháp danh Nguyên Nhuận, tự Giác Viên, hiệu Long Hoa, đời 44 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 10 pháp phái Liễu Quán. Hòa thượng thế danh Nguyễn Đạt, sinh năm Canh Ngọ (1930) (tuổi thật là năm Đinh Sửu 1937) tại làng Trùi, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ngài xuất gia với một Đại sư tại quê nhà và thọ Tỳ kheo năm 1968 tại chùa Hải Đức, Nha Trang. Năm 1971, ngài trụ trì chùa Tân Ninh; năm 1973, trụ trì chùa Thanh Bình. Sau năm 1975, ngài trụ trì chùa Tỉnh hội Đà Nẵng cho đến khi viên tịch. Ngài nhiều lần trùng tu chùa Pháp Lâm khang trang như hiện nay. Năm 1992, ngài đảm nhận Trưởng Ban Hướng dẫn nam nữ cư sĩ Phật tử Tỉnh hội QNĐN. Năm 1997, ngài là Phó Ban Trị sự thành phố Đà Nẵng. Năm 2007-2012, ngài là Trưởng Ban Trị sự GHPGVNTN Đà Nẵng, thành viên HĐCMTWGHPGVN.
Năm 2009, ngài khai sơn Giác Hoàng Viên tại Ngũ Hành Sơn. Hòa thượng viên tịch ngày 10 tháng 10 năm Nhâm Thìn (2012). Ngài sinh quán Thừa Thiên Huế, trú quán Đà Nẵng - Thích Như Tịnh sưu khảo. 

- Thích Huệ Viên (1884-1961) Hòa thượng, thế danh Đào Văn Chỉ, xuất gia năm 1908, với HT Chánh Cần - chùa Phước Long- Lấp Vò, pháp danh Huệ Viên. Năm 1920, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Giác Hải - Chợ Lớn. Năm 1925, ngài cầu pháp với HT Đạt Hòa - chùa Phật Quang - Trà Ôn, được pháp tự là Ngộ Chỉ. Năm 1927, ngài cầu pháp với tổ Chí Thiền - chùa Phi Lai, được pháp hiệu Tâm Viên. Năm 1928, ngài trụ trì chùa Châu Viên - Bạc Liêu và làm Chứng minh Ni trường gia giáo chùa Giác Hoa - Bạc Liêu. Năm 1934, ngài trụ trì chùa Vĩnh Hòa - Bạc Liêu. Năm 1939, ngài tham gia phong trào chấn hưng theo lời mời của HT Khánh Anh và tham gia  tổ chức PG Cứu quốc các tỉnh Tây Nam bộ. Năm 1950, ngài làm Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già tỉnh Sóc Trăng-Ba Xuyên-Bạc Liêu. Ngài khai sơn chùa Phật học Huệ Quang, trụ sở của PG  Bạc Liêu. Ngài xả báo thân ngày 16 tháng 6 năm Tân Sửu (1961), thọ 66 năm, tháp lập tại khuôn viên chùa Vĩnh Hòa - Bạc Liêu; nguyên quán Nha Mân - Sa Đéc, trú quán Bạc Liêu -xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 3.

- Chương Đạo Quảng Viên (1851-1893), Hòa thượng, tổ sư, pháp danh Chương Đạo, pháp tự Tuyên Tùng, pháp hiệu Quảng Viên đời thứ 38 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 5 pháp phái Chúc Thánh. Ngài thế danh Huỳnh Tấn Tùng, sinh năm Tân Hợi (1851) tại làng Trung Phường, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ngài xuất gia và đắc pháp với tổ Quán Thông tại chùa Chúc Thánh. Ngài kế nghiệp bổn sư trụ trì chùa Chúc Thánh vào năm 1883. Ngài đã có công trùng tu chùa Chúc Thánh vào năm Nhâm Thìn (1892) cũng như cùng với Sơn môn chú tạo quả đại hồng chung trong năm này. Tháng 4 năm Quý Tỵ (1893), ngài cùng với các ngài Chí Thanh, Vĩnh Gia; khai mở giới đàn tại chùa Chúc Thánh. Ngài viên tịch vào ngày 14 tháng 12 năm Quý Tỵ (1893), trụ thế 43 tuổi. Đệ tử nối pháp có ngài Ấn Nghiêm Phổ Thoại. Ngài nguyên, trú quán tại Quảng Nam - Thích Như Tịnh sưu khảo.

- Thích Thanh Viên (1921-1993), Hòa thượng, thế danh Nguyễn Ngọc Viên, xuất gia năm 1937 với sư tổ chùa Đông Tân - Hà Nội, được pháp danh Tiến Ngự, pháp hiệu Thanh Viên. Năm 1940, ngài thọ đại giới tại giới đàn chùa Bà Đá. Năm 1944, ngài xây dựng chùa Đạo Ngạn - Hà Tây. Năm 1946, ngài tham gia PG Cứu quốc Hà Nội. Năm 1955, ngài trụ trì chùa Võ Lăng (chùa Mía) và xây dựng thêm nhiều công trình ở đây. Năm 1959, ngài là Phó Ban Thường trực Chi hội PG Thống nhất Hà Đông. Năm 1987, ngài là Ủy viên Thường trực HĐTS GHPGVN và Trưởng Ban Hướng dẫn Nam nữ Phật tử TW. Năm 1989, ngài là Trưởng BTS PG tỉnh Hà Sơn Bình. Năm 1991, ngài làm Hiệu trưởng Trường Cơ bản Phật học tỉnh Hà Tây. Năm 1992, ngài là Ủy viên Thường trực HĐTS, kiêm Trưởng Ban Từ thiện Xã hội TW GHPGVN. Ngài xả báo thân ngày 16 tháng 4 năm Quý Dậu (1993), thọ 73 năm, 53 hạ lạp; nguyên quán Hà Đông, trú quán Hà Tây - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 3.

- Siêu Việt (1934-1997), Hòa thượng, Trưởng lão hệ phái PG Nam Tông Việt Nam, thế danh Trần Siêu Việt, xuất gia năm 1947 tại chùa Preypasarì - Campuchia, pháp danh Ulàro Mahathera. Năm 1954, ngài thọ Cụ túc giới và học tại thủ đô Phnom-Pênh. Năm 1970, ngài về Việt Nam hành đạo, trú xứ chùa Giới Minh - Thủ Đức. Năm 1973, ngài về phụ trách Trung tâm Văn hóa PG Nguyên thủy Việt Nam - Bình Chánh. Năm 1979, ngài giữ chức Phó Tăng thống Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam. Cùng năm này, ngài tham dự phái đoàn PG Việt Nam sang Campuchia truyền giới và ngài đã cúng bộ Tam tạng Palì - Khmer cho Giáo hội PG Nam tông Campuchia sau khi hồi sinh bởi nạn diệt chủng. Năm 1981, ngài được bầu làm Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, kiêm Phó BTS THPG TP Hồ Chí Minh, kiêm Tăng trưởng PG Nam Tông Việt Nam. Năm 1987, ngài được bổ nhiệm trụ trì thêm chùa Kỳ Viên - quận 3. Năm 1990, ngài nhận lại và trụ trì thánh tích Thích Ca Phật Đài ở Vũng Tàu. Ngài xả báo thân ngày mồng 2 tháng 9 năm Đinh Sửu (02-11-1997), thọ 64 năm, 44 hạ lạp; nguyên quán Campuchia, trú quán Bình Chánh - TP Hồ Chí Minh - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 2.

- Thích Trí Việt (1934-2013), Hòa thượng, pháp danh Tâm Hậu, tự Trí Việt, hiệu Long Vân, đời 43 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 9 pháp phái Liễu Quán. Ngài thế danh Văn Tấn Sỹ, sinh năm Giáp Tuất (1934) tại làng Vinh Hưng, Thừa Thiên Huế. Ngài xuất gia với Hòa thượng Trừng Tín, chùa Phước Duyên và thọ Tỳ kheo năm 1956. Ngài tốt nghiệp Cử nhân Tâm lý tại Đại học Đà Lạt. Thời gian vào Nam hành đạo, ngài tham gia xây dựng Phật học viện Giác Sanh cũng như xây dựng chùa Ấn Quang, Vĩnh Nghiêm, Phổ Quang, Xá Lợi, v.v... Sau đó, ngài về hành đạo tại Thị xã Đà Nẵng, đóng góp công sức khai sơn trùng tu xây dựng các chùa như: chùa Hải Vân Sơn, chùa Quang Minh, chùa Báo Ân, chùa Viên Quang, chùa Thanh Bình, chùa Hòa Thọ, chùa Pháp Hội, chùa Sơn Trà, chùa Phước Lộc, tượng Bổn sư lộ thiên tại chùa Quang Minh v.v... Hòa thượng từng tham gia ngành Tuyên úy Phật giáo trước năm 1975. Hòa thượng viên tịch ngày 26 tháng 6 năm Quý Tỵ (2013), hưởng thọ 80 tuổi. Ngài sinh quán Thừa Thiên - Huế, trú quán Đà Nẵng - Thích Như Tịnh sưu khảo.

- Sơn Vọng (1886-1963), Hòa thượng, Sư Cả, pháp danh Visuddhi Panno (Thanh Tịnh Tuệ). Năm 1910, ngài theo học thiền định ở Campuchia, được nhà vua tặng huy hiệu và bằng khen. Năm 1911, ngài trở về Trà Vinh, trụ trì chùa Dòng Chuối (Jaya- Satthàra tana). Năm 1950, ngài được phong là Tăng hoàng của PG Khmer tỉnh Trà Vinh. Năm 1968, ngài giữ chức Phó Chủ tịnh Ủy ban TW MTGPMN Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của miền Nam Việt Nam và Cố vấn Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Tây Nam bộ; nguyên, trú quán Trà Vinh - xem thêm Danh Tăng Việt Nam, tập 1.

- Phạm Nhật Vũ, Cư sĩ, pháp danh Từ Vân, sinh năm 1972. Ông thành lập và điều hành An Viên group, kênh truyền hình trả tiền tên là An Viên, phát sóng lĩnh vực Văn hóa phương Đông, phổ biến chuyên về Phật giáo. Nhiều năm nay, ông là người âm thầm đầu tư xây và sửa nhiều ngôi chùa trên nhiều địa phương trong cả nước. Ông là Ủy viên Thường trực TW GHPGVN, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Thông tin truyền thông TW GHPGVN, Phó Tổng Biên tập tạp chí Nghiên cứu Phật học; nguyên quán Lộc Hà - Hà Tĩnh, sinh quán Hải Phòng, trú quán Hà Nội - trang nhà www.vi.wikiperdia.org

- Lê Phước Vũ, Cư sĩ, sinh ngày 28 tháng 5 năm 1963 tại Quy Nhơn - Bình Định, là một người có niềm tin Phật giáo, dựa vào tinh thần đạo Phật để làm kinh doanh. Ông tham gia nhiều công tác từ thiện, và tài trợ các công trình lớn của PG từ Nam chí Bắc. Năm 2001, ông thành lập Công ty cổ phần Hoa Sen tại Bình Dương. Ngày 5 tháng 12 năm 2008, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen chính thức lên sàn chứng khoán với mã HSG. Mỗi năm, Tập đoàn Hoa Sen đều trích 3% lợi nhuận để thực hiện các hoạt động từ thiện cho cộng đồng như xây trường, xây cầu, hỗ trợ cho nhân dân vùng bị thiên tai...; nguyên quán Điện Bàn - Quảng Nam, trú quán TP Hồ Chí Minh - trang nhà www.vi.wikiperdia. org

- Trụ Vũ, Cư sĩ, sinh năm 1931. Trong pháp nạn 1963, ông có bài thơ ca ngợi Bồ tát Thích Quảng Đức: Trái tim bất diệt. Bài thơ này, góp phần tạo nên động lực tinh thần đưa cuộc đấu tranh của PG đi đến thành công. Ông có trên 30 tác phẩm, tiêu biểu như: Hương Cà phê; Lục bát tình yêu; Những bước trầm hương; Thơ niệm Phật; Pháp cú thi kệ... Ông nguyên quán Thừa Thiên Huế, trú quán TP Hồ Chí Minh.

- Phạm Nhật Vượng, Cư sĩ, sinh năm 1968, quy y Tam bảo, pháp danh Phúc Vương, đệ tử của đức đệ tam Pháp chủ GHPGVN Thích Phổ Tuệ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vingroup, tỷ phú Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách tỷ phú thế giới của Forbes năm 2013. Năm 2007, Cư sĩ đã tài trợ 18,5 tỷ đồng để xây dựng Trường Trung cấp dạy nghề Phạm Dương và Trường Mầm non Phù Lưu cho quê hương Hà Tĩnh. Hộ pháp Cư sĩ Phạm Nhật Vượng đã âm thầm góp phần công đức toàn bộ kinh phí hoặc một phần công đức rất nhiều công trình lớn của GHPGVN, như: kiến tạo chùa Trúc Lâm Kharcov - Cộng hòa Ucraina; phục dựng, nâng cấp chùa Trúc Lâm Thanh Lương - huyện Lộc Hà - tỉnh Hà Tĩnh; xây dựng cơ sở mới Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh; xây dựng cơ sở mới Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế; trùng kiến tổ đình Tường Vân - Huế, Trúc Lâm tịnh viện Hòn Tre - thành phố Nha Trang; phục dựng Di tích Hương Tích thượng (Nền Trang Vương) - Hà Tĩnh; tạo quỹ học bổng mang tên Phạm Dương với số tiền hàng tỷ đồng, giúp con em huyện Can Lộc vượt khó học giỏi...; nguyên quán Hà Tĩnh, sinh quán Hải Phòng, trú quán Hà Nội - Thích Vân Phong biên khảo.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 173
    • Số lượt truy cập : 6947257