Thông tin

NHÌN LẠI PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO

 

VU GIA*

 

Khi luật đời, luật đạo không được chấp hành nghiêm, không còn được người trong cuộc quan tâm thì những hệ lụy đưa đến làm cho Phật giáo suy đồi là điều tất yếu.

Phật dạy: “Giáo pháp của Ta, không phải đến để tin, mà đến để thấy và thực hành” (Kinh Trung Bộ III). Nhưng bước vào thế kỷ XX, chữ Hán đã dần quên lãng, nhất là khi các khoa thi chữ Hán chính thức được bãi bỏ (khoa thi Hương cuối cùng vào năm 1915; khoa thi Hội cuối cùng vào năm 1919). Lời của vua Khải Định được chép nhiều lần trong sách Khải Định chính yếu: “Kỳ thi năm nay là khoa thi cuối cùng, đường khoa cử từ đây dứt hẳn”. Trước đó, Tú Xương cũng đã nói lên hiện trạng:

Cái học nhà Nho đã hỏng rồi,

Mười người đi học, chín người thôi”.

Như vậy, chữ Hán đã xa dần, không còn ai học. Lớp trẻ thì mạnh dạn “Vứt bút lông đi, giắt bút chì” (thơ Tú Xương), nên tu sĩ trẻ Phật giáo ngày ấy không thể không lúng túng trên bước đường tu hành, vì không có kinh sách. Kinh sách Phật giáo ngày đó đều in, khắc ván bằng chữ Hán. Nhưng chữ Hán dù học tới nơi tới chốn cũng chưa chắc có thể hiểu hết lý nghĩa của kinh sách, huống gì đọc chưa thông, viết chưa thạo. Không có kinh sách để đọc, để học thì làm sao “để thấy và thực hành” như lời Phật dạy?

Học chữ Hán là học ngoại ngữ. Người xưa “thập niên đăng hỏa” vẫn chưa tới đâu, có người lều chõng cả đời vẫn chưa một lần “vinh quy bái tổ”. Tài hoa như cụ Tú Xương, ấy mà nhìn chữ “Kiện” ra chữ “Tiệp” (Kiện trông ra Tiệp hỡi trời ơi!) để “Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy”, chứ nào có đơn giản đâu. Tam Tạng giáo điển ngày đó chưa được phổ biến bằng chữ Quốc ngữ, nên các tu sĩ trẻ muốn tìm hiểu đạo Phật qua kinh điển cũng không biết tìm đâu để hiểu.

Một khi tu sĩ không đọc được kinh Phật, thì không thể hiểu đạo Phật. Không hiểu đạo Phật thì không thể tiếp tăng độ chúng. Không tiếp tăng độ chúng được thì họ xa dần đạo Phật. Tu sĩ thì tìm đến tín ngưỡng dân gian với thần quyền mặc khải, với mê tín dị đoan, với bói toán cát hung… và tự an ủi là mình phục vụ chúng sinh, thậm chí… cứu nhân độ thế (?); quần chúng thì tìm đến với niềm tin khác để làm chỗ dựa tinh thần. Đó là chuyện hiển nhiên, và dẫn đến Phật giáo suy đồi. Bên cạnh đó, triều đình nhà Nguyễn lo thân chưa xong, còn sức đâu quan tâm tới việc thịnh suy tôn giáo, dẫu Hoàng Việt Luật lệ vẫn còn giá trị: Y phục của tăng sĩ, “chỉ cho phép dùng lụa thô, vải, không được dùng lụa là thứ láng mịn đẹp, thêu bông hoa. Ai trái lệnh phạt 50 roi, buộc hồi tục, y phục gom về nhà quan. Cà sa, đạo phục thì không ở trong luật lệ này”1. Tu sĩ Phật giáo cũng như tu sĩ Đạo giáo mà “léng phéng” cũng không xong, bởi luật đã quy định: “Phàm tăng, đạo cưới thê thiếp thì phạt 80 trượng, hồi tục… Trụ trì chùa chiền biết mà không báo lên thì cũng tội, liên lụy vì người, không buộc hồi tục”2.

Khi luật đời, luật đạo không được chấp hành nghiêm, không còn được người trong cuộc quan tâm thì những hệ lụy đưa đến làm cho Phật giáo suy đồi là điều tất yếu. Tạp chí Duy tâm, số 18, tháng 3 năm 1937, trong bài “Phật giáo ở nước ta vì đâu chịu cái hiện trạng suy đồi?”, Cư sĩ Khánh Vân phản ánh từ thực tế cuộc sống lúc bấy giờ và cho rằng nhân hư, pháp bất hư, đạo Phật suy đồi vì thầy chùa không hiểu đạo Phật hoặc khinh thường giới luật. Ông viết: “Có kẻ mượn Phật làm danh, cũng ngày đêm hai buổi công phu, thọ trì, sóc vọng, cũng sám hối như ai, nhưng lại thủ dị cầu kỳ, học thêm bùa ngải, luyện roi thần, làm bạn với thiên linh cái, đồng nhi, khi ông lên bà xuống, ngáp vắn ngáp dài như phù niệm chú, gọi là cứu nhơn độ thế, nhưng thực ra là lợi dụng lòng mê muội của thiện nam tín nữ, mở rộng túi tham vơ vét cho sạch sành sanh. Than ôi! Họ phải ma vương sao mà làm chuyện trò cười cho ngoại đạo? Vậy mà cũng lên mặt trụ trì! Hiện trạng như thế, bảo sao chẳng suy đồi, làm cho tấm bia các nhà duy vật mỉa mai!”.

Trước đó, Hòa thượng Khánh Hòa đã nhìn thấy thực trạng và nhìn ra Phật giáo suy đồi lúc bấy giờ do phần lớn tăng sĩ vì DỐT mà dẫn đến HƯ. Ngài phát động Phong trào Chấn hưng Phật giáo, kêu gọi sự đồng tình, ủng hộ của tăng sĩ, cư sĩ với ba phương châm:

1- Chỉnh đốn Tăng già.

2- Kiến lập Phật học đường.

3- Diễn dịch và xuất bản kinh sách bằng chữ Quốc ngữ.

Và báo chí Phật giáo bằng chữ Quốc ngữ “lãnh ấn tiên phong”. Từ những tờ báo này, Hòa thượng Khánh Hòa đã viết rất nhiều bài phổ biến Phật pháp. Với tôi, những bài báo này đến nay vẫn còn giá trị. Chẳng hạn, để hướng dẫn Phật tử (kể cả tu sĩ) hiểu thêm về niệm Phật, Hòa thượng Khánh Hòa, cho rằng:

“Trong phép niệm Phật có đủ Lý niệm và Sự niệm…

1- Sự niệm, là… làm cho chữ nào chữ nấy đặng phân minh, câu trước câu sau đặng tiếp tục. Hễ tâm phân minh thì tâm không hôn mê, còn tiếp tục thì tâm không tản loạn, thì sẽ thành tựu được phép “Niệm Phật tam muội”;

2- Lý niệm là nói mình rõ thấu cái tâm “năng niệm” và ông Phật “sở niệm”… đương thể vốn thiệt tánh không. Ấy gọi là niệm mà không niệm… Song tuy là tánh không, mà cái tâm “năng niệm” và ông Phật “Sở niệm” hiển hiện ở trước rõ ràng, ấy gọi là không niệm mà niệm… Nhưng nên biết rằng: Niệm mà không niệm, tức là “không quán”, không niệm mà niệm tức là “giả quán”, không với giả chẳng phải hai, pháp thân hiển hiện, tức là “Trung Đạo quán”3.

Bây giờ, vẫn không thiếu Phật tử băn khoăn giữa phương pháp Thiền định và pháp niệm Phật của Tịnh Độ. Nhưng ngày ấy, Hòa thượng Khánh Hòa giải thích khá rõ và khá lý thú: “Tham thiền với niệm Phật, đều là một con đường phương tiện của Phật tổ dắt người nhập đạo, chứ nguyên không phải hai pháp, chỉ tùy theo căn khí của người mà vào lấy môn nào cũng đặng”4. Ngài còn bàn thêm: “Những người tu Thiền hay là tu Tịnh Độ, chẳng luận là tại gia hay xuất gia, chỉ coi chỗ… phát tâm có chân thật hay không mà thôi. Nếu quả như phát tâm chân thật… thì chẳng thể gì mà ngăn ngại con mắt “trí nhãn tinh minh” kia được… Những kẻ tại gia đắc đạo mà tai nghe mắt thấy nhiều biết bao nhiêu; chớ cần gì phải xuất gia mới là tu được”5. Bên cạnh đó, Hòa thượng Khánh Hòa khuyến cáo: “… phát tâm không chân thật, thì chẳng những tại gia không đắc đạo, mà dẫu có xuất gia cũng chỉ là một người giữ Phật coi chùa, chứ chẳng ích gì cho bổn phận cả”6.

Bây giờ, nhìn lại ba phương châm của Hòa thượng Khánh Hòa kêu gọi sự đồng tình, ủng hộ của tầng lớp tăng sĩ, cư sĩ cách nay gần 90 năm, khi phát động Phong trào Chấn hưng Phật giáo, thì việc:

1)“Kiến lập Phật học đường”, chúng ta làm rất bài bản với các trường Phật học Cơ bản; Trung cấp Phật học; Lớp Cao đẳng Phật học; Học viện Phật giáo tại Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, thành phố Hà Nội và Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ.

2) Việc “Diễn dịch và xuất bản kinh sách bằng chữ Quốc ngữ”, chúng ta làm rất tốt;

3) Việc “Chấn chỉnh Tăng già”, chúng ta có làm và làm thường xuyên, nhưng đây đó vẫn còn nhiều chuyện chưa mấy tốt, như không ít tu sĩ chạy theo bằng cấp, địa vị, danh vọng, bất chấp liêm sỉ; mong muốn “kỷ lục”; vướng vào tệ đoan, mê tín… Do đó, tưởng nhớ tới Hòa thượng Khánh Hòa, tôi mong Phật giáo Việt Nam có thêm một Hòa thượng Khánh Hòa mới.

 


* Trung tâm NCPGVN, Viện Nghiên cứu Phật học VN.

1. Nguyễn Văn Thành – Vũ Trinh – Trần Hựu, Hoàng Việt Luật lệ, T.3, Nxb Văn hóa Thông tin, H, 1994, tr. 443.

2. Nguyễn Văn Thành – Vũ Trinh – Trần Hựu, Hoàng Việt Luật lệ, T.3, Nxb Văn hóa Thông tin, H, 1994, tr. 340.

3, 4, 5. Hòa thượng Lê Khánh Hòa, Lời vấn đáp về pháp tu Tịnh Độ (tiếp theo), tạp

chí Từ bi âm, số 33, ngày 1-5-1933.

6. Hòa thượng Lê Khánh Hòa, Lời vấn đáp về pháp tu Tịnh Độ (tiếp theo và hết), tạp chí Từ bi âm, số 34, ngày 15-5-1933.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 77
    • Số lượt truy cập : 6952453