NHỚ BÀ, NHỚ MẸ
TRẦN THÁI HỌC
Một mùa Vu Lan nữa chạm vào nỗi đau trong con. Vu Lan này, con lại không được ở bên cạnh mẹ vì bôn ba xứ người. Bao năm rồi, cứ mỗi lần nào nghe bài “Bông hồng cài áo” là con òa khóc ngon lành. Nhớ mẹ quá, thương mẹ quá mà chẳng biết nói gì và diễn tả ra sao. Từ điển tiếng Việt có rất nhiều mỹ từ để bộc lộ yêu thương, nhưng con lại quên mất. Lần nào gọi điện cho mẹ, con chỉ biết dặn mẹ ăn uống cẩn thận, đừng làm nhiều kẻo bị đau lưng. Đến một câu nói “Mẹ ơi, con nhớ mẹ quá” cũng không thể thốt thành lời…
Mùa Vu Lan này, con thì cài hoa hồng đỏ, còn mẹ lại cài hoa hồng trắng. Giờ này, mẹ đang lên chùa làm lễ cho bà ngoại, và con biết, chắc mẹ cũng đang khóc vì nhớ bà. Ngày bà mất, mẹ chỉ thốt lên “Con ơi, mẹ mồ côi mẹ rồi!”. Cái ngày bà đi xa, dù mẹ và cả nhà đã xác định trước, nhưng mẹ vẫn hụt hẫng, ngồi khóc như mưa. Mẹ hay nói với con từ khi được sinh ra, ai cũng nghĩ có mẹ là một điều hiển nhiên, và đôi lúc không ý thức được về cái mình đang có. Chỉ đến khi mẹ đi xa rồi, mẹ mất rồi chúng ta mới nhận ra rằng mình vừa mất mát một điều thiêng liêng mà không bao giờ lấy lại được. Cuộc đời này, con có thể mất tất cả rồi đứng dậy lấy lại đủ đầy, nhưng chỉ có mẹ cha là chỉ có một trên đời mà thôi. Có ai yêu con, thương con, lo cho con bằng mẹ bằng cha chứ?
3 ngày bà mất, một bát muối và gừng luôn được thay mới và đặt trên bàn thờ của bà. Con tự hỏi “tại sao”. Mẹ rưng rưng nước mắt “Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”. Bà dù đã mất, nhưng sẽ luôn ở trong tim của mẹ không thể thay thế. Và bà có phiêu lạc xứ nào, xin bà hãy lắng nghe lời sám hối và yêu thương từ những đứa con, đứa cháu của bà… Con hiểu rồi mẹ ơi, sự ra đi chỉ là thể xác, và dù thế nào đi chăng nữa thì bà vẫn luôn hiện hữu trong tim mẹ và chúng ta, phải không mẹ?
7 tuần làm lễ cầu siêu cho bà, con được đọc kinh sám hối - Bồ tát Mục Kiền Liên. Con đã từng đọc kinh rất nhiều lần ở chùa, nhưng chưa lần nào mà con đọc say mê và xúc động đến thế. Từng dòng chữ, từng câu trong quyển kinh chân thật, dung dị, ngấm và thâm thúy đến vậy. Con thầm nhủ trong lòng những lời đức Phật đã dạy về công cha, nghĩa mẹ và bổn phận làm con cái. Bà mất chưa được một giỗ. Lần nào nhớ tới bà, mẹ cũng khóc. Những giọt nước mắt lăn dài và thổn thức như trẻ nhỏ. Con đã thấy mẹ khổ, mẹ vất vả thế nào trong suốt mấy chục năm, nhưng chưa thấy mẹ khóc yếu đuối như thế này. Con hiểu, dù ta ở tuổi nào, thì trước cha mẹ, ta cũng vẫn chỉ là một đứa trẻ mà thôi. Nhớ bà… và thương mẹ quá, mẹ ơi!
Nhớ đến bài viết “Bông hồng cài áo” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, con khóc và con hiểu: Mẹ mất mẹ - Mẹ bất hạnh. Con còn mẹ - Con hạnh phúc, vui sướng. Lại thêm một mùa Vu lan nữa. Con kiêu hãnh và tự hào vì được cài bông hồng đỏ trên áo. Vì con còn có mẹ có cha, còn có mẹ để mà yêu thương, mà thở than, mà khóc vùi, mà trở về. Có mẹ là có cả bầu trời. Còn mẹ là còn tất cả. Con muốn cảm ơn mẹ vì tất cả những gì mẹ đã cho con không kể công, kể sức. Con muốn nói lên với mẹ là con thương và nhớ mẹ lắm, mẹ ơi!
Nhưng mùa Vu lan này, con xin chọn 2 bông hồng đỏ, Một bông cài áo mình và một bông cài áo mẹ. Con tin, màu hoa, dù trắng hay đỏ, chỉ là mang ý nghĩa tượng trưng. Dù mẹ có mất bà đi chăng nữa thì trong tim mẹ vẫn luôn hiện hữu và lung linh màu hoa đỏ thắm, như có bà bên cạnh. Và trên đời cũng lắm người hạnh phúc khi còn cha mẹ, nhưng bông hoa trên áo đã bạc thếch vì đối xử tệ bạc với đấng sinh thành.
Bình luận bài viết