NHỚ BÀI CHÚ VÃNG SINH TỪ NGƯỜI GIẾT MỔ HEO
NHỚ BÀI CHÚ VÃNG SINH TỪ NGƯỜI GIẾT MỔ HEO
VU GIA
Là phúc thì không phải họa, là họa thì không tránh khỏi. Phật ma đều là không, lòng có niệm thiện tức là Phật, một ý niệm sai tức là ma. Có ánh sáng tất có bóng râm. Thiên hạ này nào có chuyện thập toàn thập mỹ, làm sao có chuyện tốt đều là của mình.
Trong kho tàng văn chương bình dân còn ghi lại lời người thầy bói: “Số cô chẳng giàu thì nghèo/ Ngày ba mươi Tết có thịt heo trong nhà/ Số cô có mẹ có cha/ Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông/ Số cô có vợ có chồng/ Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai”… Điều này cho thấy ở đâu chưa biết, chứ ở Việt Nam, ngày Tết, số lượng đầu heo giảm mạnh, bởi bà con vùng miền nào cũng sử dụng thịt heo trong ba ngày Tết. Chắc theo quan niệm người xưa “trư nhục vị chi đại tôn” (thịt heo là tôn kính nhất), nên ngày Tết mà không có thịt heo trong nhà xem như… thiếu Tết.
Ngày ba mươi Tết, làng trên xóm dưới, tiếng heo rên xiết vì bị thọc huyết nghe mà rợn người. Ngày nhỏ, tôi rất sợ tiếng heo rên xiết này, nên thường bịt tai nhưng cứ lẩn quẩn gần đó để mong được cái bọng đái heo, đem về bỏ chung với muối chà xát một hồi vừa sạch mùi hôi vừa mỏng lớp màng để thổi làm bong bóng. Ở quê tôi, những người có cuộc sống sung túc thì ăn Tết cả một con heo, còn những gia đình khó khăn thì cùng nhau chung một con heo, để ngày Tết có được vài ba ký thịt heo trong nhà. Người chủ heo thì được cái đầu heo. Người giết mổ thuê thì được cái xương o (xương sườn con heo). Sau đó, chia ra bao nhiêu phần thì những người chung đụng nhờ người giết mổ heo chia giúp tại chỗ. Ở quê tôi, thông thường, phần thịt heo này được tính ra lúa, tới mùa trả lúa cho người nuôi heo. Nếu ngày 30 Tết gặp ngày hợi, thì ai nấy cũng phải giết mổ heo vào ngày 29. Theo quan niệm dân gian, giết mổ heo vào ngày hợi thì sau đó nuôi heo không thuận lợi.
Những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, khói lửa chiến tranh tràn đến quê tôi, nên nhiều người tản cư đến những nơi yên bình hơn để sinh sống, trong đó có gia đình tôi. Khi dọn tới căn nhà mới, tôi mới biết mình ở sát nhà một người làm nghề bảy đáp (giết mổ heo). Người giết mổ heo này, lớn hơn ba tôi chừng 5-7 tuổi, tên thường gọi là Nhị, nên anh em tôi gọi bác là bác Nhị.
Sáng sáng, mẹ tôi thường qua nhà bác Nhị mua về một đĩa thịt heo luộc và một ít lòng heo luộc để ăn cơm sáng. Chỗ giết mổ heo ở ngay vạt đất sau nhà tôi, nhưng tôi không hề nghe tiếng heo rên xiết như thuở ở quê nhà vào những ngày giáp Tết. Thắc mắc này của tôi, được mẹ tôi giải thích là người ta lấy nghề giết mổ làm kế sinh nhai, khác với mấy người nông dân ở quê. Nói như ngôn ngữ bây giờ là người giết mổ chuyên nghiệp khác với người giết mổ không chuyên. Nghe vậy biết vậy, nhưng một hôm tôi dậy sớm học bài, vô tình bước ra phía sau nhà, thấy trên bàn mổ đã có con heo đã bị cột hai chân trước, hai chân sau; phía dưới bàn mổ, nơi phần đầu con heo đã có sẵn cái thau nhôm móp méo.
Một lát sau, bác Nhị đi ra với con dao thọc huyết trên tay. Con heo dường như biết mình sắp bị giết nên cặp chân trước và cặp chân sau cọ quậy rất dữ, miệng thì rên ư ử nghe rất thương. Tôi định quay vào thì thấy bác Nhị lấy tay xoa nhẹ lên mình con heo với tiếng lâm râm không rõ ràng giống như những lời khấn cầu. Dường như nghe được mấy lời này, con heo nằm yên không còn vùng vẫy cũng không còn tiếng rên la. Dứt lời “khấn cầu” ấy, bác tiến hành giết mổ.
Thì ra, heo không rên la khi bị giết mổ, chắc nhờ những lời khấn cầu ấy. Tôi nghĩ vậy sau khi theo dõi cả tuần việc giết mổ heo của bác Nhị.
Thời gian đi qua, hai nhà thân thiết hơn. Bác Nhị cũng quý tôi vì hay nhờ tôi viết thư giúp gửi cho bà con đi tản cư nơi xa. Dựa vào chỗ thân quen ấy, tôi hỏi bác khấn cầu điều gì mà con heo bị giết mổ không có vùng vẫy, rên la trước khi chết. Bác cho biết không phải lời khấn cầu mà là đọc bài chú Vãng sinh: “Trần quy trần, thổ quy thổ. Sinh chung tương tử, linh chung tương diệt, vạn vật chung tương tiêu vong. Tại huy hoàng, bất quá nhất bồi hoàng thổ, nhất phủng thanh hôi! Nhân sinh bách niên, như nhược nhất mộng, khởi hữu vĩnh hằng bất diệt giả. Tịch dương mạt thế, kinh phố khả văn, bất quá quang âm nhất sát...”. Hỏi nghĩa của bài chú Vãng sinh ấy nói gì, bác cũng chẳng biết. Bài chú Vãng sinh ấy, bác học từ ông thầy cúng trong làng. Theo lời người thầy cúng, đã là chú thì không giải thích được. “Úm ba ni bát ni hồng” là cái gì chẳng ai biết, song từ xưa tới nay, người người dặn nhau, đi đêm thì nhớ nắm chặt tay, miệng đọc “úm ba ni bát ni hồng”, ma quỷ sẽ tránh xa. Chuyện tốt mà không mất tiền thì cứ làm theo, hơi đâu mà hỏi ngọn nguồn cho mệt óc. Bác nói bài chú này, người ta thường đọc cho người chết, nhưng bác thử áp dụng vào nghề giết mổ của mình thấy có kết quả, nên dùng suốt mấy năm qua. Mình “vãng sanh” cho nó là giúp nó thoát kiếp trần gian, đầu thai làm kiếp khác tốt đẹp hơn thì nó sẽ “vui vẻ ra đi”, phần mình cũng tích được chút công đức. Con người cũng vậy, ai thoát khỏi cái chết. Nếu mình thành tâm “vãng sanh” cho họ thì cũng tích được phần công đức. Bác tin như vậy và đọc cho tôi chép bài chú Vãng sinh ấy, rồi khuyên tôi học thuộc lòng để khi viếng tang ai, nên “vãng sanh” cho họ. Theo bác, so với đất trời bao la, con người chẳng khác nào thứ dây leo nhỏ bé, yếu đuối, trâu bò đạp cũng chết, thậm chí gà vịt giẫm cũng chết. Nếu có chỗ dựa thì dây leo ấy sẽ được lên cao. Bài chú Vãng sinh ấy chính là chỗ dựa để mình có giấc ngủ yên, còn chuyện đúng sai tới đâu thì không cần nghĩ tới, bởi nó vượt quá tầm nghĩ nhỏ bé của mình.
Người ta nói trẻ con dễ dạy, ngày ấy tôi cũng tin như thế và làm theo lời bác. Viếng tang ai, tôi cũng lâm râm đọc bài chú ấy và tin mình góp phần giúp họ luân hồi vào kiếp sau tốt đẹp hơn. Lớn lên được học hành đôi chữ, tôi hiểu bài chú ấy về cơ bản có nghĩa như vầy: “Bụi về bụi, đất về đất. Sống cuối cùng sẽ chết, linh cuối cùng sẽ diệt, vạn vật cuối cùng sẽ tiêu vong. Ở huy hoàng, chẳng qua một nắm đất vàng, một vốc tro! Đời người trăm năm, như một giấc mơ, há có kẻ vĩnh hằng bất diệt. Ánh chiều tà tận thế, kinh kệ có thể nghe, chỉ là tích tắc thời gian...”.
Nghĩ người rồi ngẫm đến ta. Qua giấc mơ ấy, mình sẽ ra sao? Người ta thường nói ai không vì mình, trời tru đất diệt, nhưng trong lục đạo luân hồi, mình sẽ vào đạo nào? Sau thời gian suy nghĩ lung tung như thế, tôi thấy biết nhiều về mình chưa hẳn đã tốt. Một người đã sớm biết được quá khứ và tương lai làm sao có thể được hạnh phúc thuộc về bọn họ. Và tôi chẳng còn mấy tin ai ngoài tin vào chính mình. Là phúc thì không phải họa, là họa thì không tránh khỏi. Phật ma đều là không, lòng có niệm thiện tức là Phật, một ý niệm sai tức là ma. Có ánh sáng tất có bóng râm. Thiên hạ này nào có chuyện thập toàn thập mỹ, làm sao có chuyện tốt đều là của mình. Có lợi tất có hại, có vui ắt có buồn, phải hiểu như thế thì mới có cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thoát. Nói xa xôi một chút, thì đó là lời cảnh tỉnh của tạo hóa dành cho con người. Nhưng với bài chú Vãng sinh được khai tâm bởi người làm nghề giết mổ heo trong xóm từ thuở nhỏ, tôi vẫn sử dụng cho tới bây giờ. Và sau khi lâm râm bài chú vãng sanh ấy, thắp nén nhang trước di ảnh và linh cữu người quá cố, tôi thấy lòng thanh thản với hy vọng nếu có kiếp sau thì họ được tốt lành hơn, bởi ai ai cũng phải “bụi về bụi, đất về đất”, “chẳng qua một nắm đất vàng, một vốc tro!”…
Lớn tuổi, tôi có đọc một số kinh Phật và biết đạo Phật có chú Vãng sinh, nhưng qua mấy bản tiếng Phạn, chữ Hán, tiếng Việt, tôi thấy không giống bài chú Vãng sinh mà tôi học được từ người giết mổ heo thuở nào.
Qua bài chú Vãng sinh của Phật giáo, tôi thấy nhiều người giảng giống nhau, viết giống nhau. Nhân dịp Xuân về Tết đến, tôi xin dẫn lại phần cuối bài dịch “Chú Vãng sanh” của Viên Ngộ trên trang mạng https://www.niemphat.vn: “Chú Vãng sinh, gọi đầy đủ là “Bạt nhất thiết nghiệp chướng căn bổn đắc sinh Tịnh Độ Đà La Ni”, được lấy từ “Vô Lượng Thọ Kinh” (Cầu Na Bạt Đà La đời nhà Tống dịch) cùng với “Phật thuyết A Di Đà Căn Bổn Bí Mật Thần Chú Kinh” (Tam Tạng Bồ Đề Lưu Chi dịch đời Ngụy Tấn). “Bạt nhất thiết nghiệp chướng căn bổn đắc sinh Tịnh Độ Đà La Ni” còn gọi là “A Di Đà Phật Căn Bổn Bí Mật Thần Chú”, thông thường gọi là “Vãng Sinh Chú”.
Bạt nhứt thiết nghiệp chướng căn bổn đắc sinh Tịnh Độ: Tại sao chúng sinh phải lưu chuyển trong sinh tử, và ở trong tam giới lục đạo luân hồi không ngừng? Là vì nghiệp chướng nặng nề, nghiệp chướng này từ đâu đến? Là do nơi phiền não tham sân si v.v., đã tạo những nghiệp giết hại, trộm cắp, và nói dối, những chủng tử ác nghiệp này từ từ tăng trưởng, hình thành sự thọ khổ của chúng sinh, tuần hoàn không dừng, không có thời gian chấm dứt. Chúng ta muốn dẹp trừng những phiền não không cho sinh khởi, không thọ luân hồi khổ đau, thì chúng ta phải một dạ chí thành trì tụng chú này. Vãng sinh thần chú trợ giúp chúng ta bạt trừ những nghiệp căn bổn, không cho phiền não sinh khởi, hiện thế được nhiều an lạc hạnh phúc, tương lai nhứt định được vãng sinh về cõi Tây phương Cực lạc. Đà La Ni là tiếng Phạn, dịch thành là thần chú, có nghĩa là “tổng trì”. “Tổng” là gồm thâu tất cả pháp, “Trì” là vô lượng nghĩa. Có nghĩa là thần chú tuy chỉ có vài chữ, nhưng có thể bao gồm hết thảy ý nghĩa của Phật pháp, cho nên thần chú có công đức vô lượng”.
Tết này, dù đã ngấp nghé đẳng tuổi “cổ lai hy”, nhưng mỗi lần đọc bài chú Vãng sinh được thuộc nằm lòng từ thuở thiếu thời, tôi vẫn xúc động, bởi nó gần gũi với những gì quanh tôi và luôn nhắc nhở tôi sống làm sao coi cho được, bởi cuối cùng cũng “chẳng qua một nắm đất vàng, một vốc tro!”…
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 25 – THÁNG 7 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 24 – THÁNG 4 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 23 – THÁNG 1 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 22 – THÁNG 10 NĂM 2017 (PL. 2561)
Bình luận bài viết