Thông tin

NHỚ BÓNG DÁNG NHỮNG NGƯỜI CƯ SĨ

 

DƯƠNG KINH THÀNH

 

Hai vị cư sĩ Cấp Cô Độc và Thái tử Kỳ Đà

 

Trước đây, khi mở quyền kinh Hiền Nhân ra đọc, thoạt đầu nhiều người có thắc mắc sao một quyền kinh mang tư tưởng Phật giáo sâu đậm, lại trích dẫn một câu danh ngôn nổi tiếng của giới Hán học, trong khi với vô vàn nền tảng luân lý Phật học có rất nhiều điều tương xứng để nêu ra: “Trường đồ tri mã lực, sự cửu kiến Hiền Nhân” (Nhân Tâm)! Đó cũng là một trong những câu danh ngôn, mà tôi rất thích mỗi khi có dịp trao đổi với bạn bè trong cuộc sống. Dần dà về sau, thắc mắc đó tan dần khi đem những kiến giải trong quá trình thực nghiệm, mới hiểu ra được phần nào và vì sao các Ngài phải trích dẫn câu đó ngay đầu trang sách kinh nói nhiều về cách xử thế và chọn, tìm bạn để giao du.

Tất cả chúng ta đang sống đây trong cõi người ta. Những thương yêu, buồn vui, giận hờn luôn pha trộn lẫn nhau, làm màu sắc cho một tầm nhìn xa rộng từ chân lý Phật học ngàn xưa cho cảnh giới này: Cõi Ái Lụy! Do đó, đem yếu chỉ, tông môn, trường phái, hình sắc ra để cố gắng khẳng định đúng - sai, mà quên đi mình đang đứng và tồn tại trên nền tảng thực chất nào đây, quả là điều đáng tiếc! Nói một cách khác, tất cả chúng ta hiện vẫn là những chủng tử hãy còn đang vướng đọa trầm luân (vì còn đang trầm luân, nên chúng ta mới tiến tu để giải thoát), chưa phải là hàng Bồ tát thoát tục, đang sống ở trên tầng mây cao vời nào đó, đang có mối tiếp xúc hoặc giao thoa với cuộc sống hàng ngày với cái cõi trầm luân đầy sệt chất ái dục này.

Cách xử thế của các bậc hiền nhân đã để lại vô vàn bài học quý giá cho các thế hệ sau soi gương mà vẫn không hề làm hao mòn đi tính chất tinh túy nhân bản; nói chi đến nhiều lời dạy sâu sắc hơn trong kinh tạng Phật học mà kinh Hiền Nhân là một ví dụ. Trong cõi đời lao xao đầy thương giận vô thường này, hai trong bốn loại kết bạn được đề cao là hãy kết bạn như núi kết bạn như đất, sau khi lướt qua và điểm mặt tận tường hai loại kết bạn như hoa kết bạn như cân. Chuyện thường ngày ở đời thường gặp phải, nên trích dẫn một câu của Nho giáo trên, âu cũng là ẩn ý rất thâm thúy bên cạnh nền tảng chân lý Phật học sâu xa.

Cũng từ trong kinh Hiền Nhân, chúng ta đã bắt gặp hình ảnh hai vị cư sĩ Tu Đạt (Cấp Cô Độc) và Thái tử Kỳ Đà. Họ gặp và kết thân với nhau qua chiếc cầu phụng sự chánh pháp rất mạnh mẽ và quyết liệt, chứ không bằng sự khoe mẽ hơn thua, mà ngỡ rằng đó là duyên cớ ban đầu. Điều này, cho thấy đó là điềm hội tụ, giao thoa với nhau của những cánh chim phượng hoàng cao quý, những loài hoa dị thảo đặc sắc chỉ có ở những duyên hạnh cao vời trong cuộc sống, là ngọn núi cho tất cả các ý chí thiện lành. Từ đó, với tâm hạnh từ bi và ý niệm tu chứng của mình, họ đối xử với nhau một cách bình đẳng, thương yêu và sẵn sàng dung nạp những muộn phiền từ xã hội ái dục luôn ve vãn. Kết bạn như núi, kết bạn như đất, quả thâm thúy và sâu sắc dường nào.

Trong công cuộc hoằng hóa, bóng dáng người cư sĩ luôn nói lên tính chất Phật học ở một đẳng cấp bình đẳng được tận dụng để phổ cập vào từng bước đi của chánh pháp, trong mọi thời đại, và ngay trong những điều kiện khó khăn, trắc trở nhất. Một gương sáng của Cư sĩ Duy Ma Cật luôn là ngọn đuốc rực rỡ chứng mình giáo pháp Đức Thế tôn không nằm trong định kiến và đẳng cấp.

Lịch sử phát triển Phật giáo xưa nay cho thấy, giai đoạn nào cũng có bóng dáng những người đệ tử Phật hỗ trợ và song hành với chư tăng trong công cuộc hoằng hóa, đóng góp vào cuộc sống nhân gian những thành tựu rất đáng kể.

Bước vào thời cận đại, Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám (1897-1966) là một điểm sáng, khơi dậy tiềm năng và thành tựu đáng kể trong công cuộc chấn hưng Phật giáo nước nhà. Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền (1905-1973), xứng đáng với tầm vóc của mình khi được tín nhiệm mời giữ chức Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo. Với Hội Phật Học Nam Việt, ông tiếp tục cống hiến cho Phật giáo Việt Nam bằng những khả năng, uy tín của mình. Ngay cả ngôi chùa Xá Lợi, trụ sở Hội Phật Học Nam Việt của ông, cũng luôn đóng vai trò hàng đầu trong nhiều hoàn cảnh khó khăn nhất của Phật giáo Việt Nam. Thật là đáng ngưỡng mộ và tự hào biết bao!

Năm 1981, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, thì Cư sĩ Võ Đình Cường (1918-2008) được cử giữ chức Trưởng Ban Văn hóa. Vị cư sĩ này xuất thân từ phong trào Gia đình Phật tử cùng thời với nhiều vị tôn túc khác, và giữ nhiều cương vị kế thừa ngay từ thời mới thành lập trong danh xưng ban đầu “Gia Đình Phật Hóa Phổ” cùng thời với Cư sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám. Cư sĩ Võ Đình Cường cũng có nhiều tác phẩm văn học Phật giáo nổi tiếng tồn tại với thời gian.

Sau ngày đất nước đổi mới, nhiều cư sĩ đã có những đóng góp tích cực cùng chư tăng hoằng dương chánh pháp. Đó cũng là một tín hiệu vui cho bước đường hoằng hóa của Phật giáo Việt Nam mai sau.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 27
    • Số lượt truy cập : 6793311