Thông tin

NHỚ MÙA XUÂN CỦA TUỔI TRẺ THANH NIÊN PHẬT GIÁO

 

DƯƠNG KINH THÀNH

 

 

Duyên khởi đầu tiên của tôi phải nói đến là do được sanh ra trong một gia đình có niềm tin và tu học Phật đạo trong một chừng mực nhất định, nên các ý niệm bước vào con đường thiện lành này đã sớm được nảy mầm tươi tốt và thuận lợi. Từ những bước chân đầu tiên đó, mỗi một mùa xuân, ngoài việc thêm một tuổi mới lớn cũng đồng thời mừng thêm mỗi cánh cửa Phật học được mở thêm ra. Luôn rộn rã tươi vui như chính mùa xuân của cuộc đời. Mãi đến sau này, khi lớn lên và cho đến hôm nay mỗi khi nhìn nhớ lại trong lòng mỗi anh em cũng cảm thấy được niềm vinh hạnh, không nuối tiếc cho một thời thanh xuân của mình đã không uổng phí. Trong những niềm vui đó, sự hân hoan, rộn rã của mùa xuân vẫn luôn ngập tràn trong các lần lễ hội trọng đại của Phật giáo như Xuất Gia, Phật Đản, Vu Lan và Thành Đạo, chưa kể đến các ngày lễ vía xen kẽ; đặc biệt trong các kỳ trại, các khóa huấn luyện các cấp theo từng bước trưởng thành. Mỗi một lần như thế, dường như thời gian không còn đủ để dành riêng cho những thú vui của tuổi trẻ ngoài xã hội, dù mùa xuân không dành cho riêng một ai hay thành phần xã hội nào. Bởi vì, như đã thưa: Mùa xuân đã luôn hằng hữu với tuổi trẻ Thanh niên Phật giáo.

Sống và tu học với sự hân hoan của từng mùa xuân như thế, sự trọn vẹn niềm hân hoan cũng đủ đầy trong ước nguyện dấn thân mà dù với sắc áo của tổ chức hội đoàn nào đều được thể hiện qua ý nghĩa chiếc áo đồng phục mình đang mặc thường khi. Đạo lý Tứ Ân sâu xa cho đến hai vai gánh nặng lý tưởng Dân tộc và Đạo pháp cũng được hiện diện bên mình qua chiếc áo đồng phục (Hai chiếc cầu vai bên trên hai vai áo đồng phục).

Tất nhiên, khi nhắc tới mùa xuân cũng tức là nói đến niềm vui trong cuộc sống, điều đó ai cũng thừa hiểu và nhìn thấy. Với tuổi trẻ Phật giáo thì niềm vui cũng không khác nhiều, nhưng sẽ có khác khi cái tuổi mỗi một mình theo mùa xuân chở đến được tăng lên thì trong lý tưởng phụng sự cũng như tu học. Trong đó, trình độ Phật học, hiểu biết Phật pháp cũng được tăng cao, mà trong đó mỗi một nghịch duyên của cuộc sống mình và ảnh hưởng của xã hội, cũng không làm mùa xuân của chúng ta bị xao động. Ngược lại, nó còn giúp làm tăng thêm giá trị đích thực của cuộc sống một thời tuổi trẻ.

Anh em chúng tôi qua mỗi một lần lễ, ngày vía hay những kỳ trại, hoặc những nhiệm vụ quan trọng khác của Đạo pháp và Dân tộc cần đến sức lực và niềm tin tuổi trẻ, đều là mỗi một mùa xuân, mang mhiều dáng vẻ và ý nghĩa khác nhau. Vì tất cả đều hân hoan, vui tươi chính là mùa xuân trong cuộc sống đạo vậy. Chính lời kệ của Mãn Giác Thiền Sư (1052-1096) thời nhà Lý cũng đã minh chứng cho mùa xuân như thế: “Đêm qua sân trước một nhành mai”.

Chưa nhắc đến nghĩa vụ của một người con đất nước trong trách nhiệm Đạo pháp - Dân tộc của người Thanh niên Phật giáo đang mang nặng trên vai, anh em cũng đã lo tròn trách nhiệm của mình khi hòa nhập với cuộc sống xã hội theo từng giai đoạn chuyển mình. Ở đây, theo tìm hiểu được, với bề dày lịch sử hàng ngàn năm văn hiến của đất nước, hiện đã tạm thống kê các dòng chày văn hóa của 54 dân tộc với 7.038 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%); 332 lễ hội lịch sử (chiếm 416%); 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%) và khác (chiếm 0,5%). Trong hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, thì đã có hơn hai ngàn năm văn hóa Phật giáo phát triển và đồng hành theo từng bước đi lên của đất nước. Lịch sử và ảnh hưởng ra sao và đồng hành theo từng bước vui buồn với dân tộc mình ra sao, hẳn trong chúng ta đều đã nhìn thấy. Chỉ riêng các lễ hội của mùa xuân thôi cũng bàng bạc trong đó hình bóng xa hoặc gần của Phật giáo hai ngàn năm. Do vậy, người Thanh niên Phật giáo sống và hòa nhập một cách rất tự nhiên, không cần có một sự gò ép hay khó khăn nào để có thể phân biệt giữa đạo và đời. Đây là điều tuyệt vời nhất, tự hào nhất để mỗi người Thanh niên Phật giáo cống hiến hết mình cho lý tưởng Dân tộc và Đạo pháp mà người đi trước đã luôn khéo nhắc nhở.

Từ khả năng chuyên môn của từng cá nhân, đoàn thể anh em đang mặc màu áo, hỗ trợ cho Phật giáo mỗi nơi hoàn thành các Phật sự, tạo lập được niềm hân hoan cho mỗi kỳ lễ lớn. Các anh chị từng bảo rằng “Mùa Xuân Phật Đản”, “Mùa Xuân Thành Đạo” hay những mùa xuân của các ngày lễ vía, các kỳ trại, gặt hái được nhiều niềm vui khó có thể phai mờ trong muôn một.

Ngoài những thời gian tu học, sinh hoạt, khi cởi chiếc áo đồng phục của đoàn thể mình ra, phần nhiều anh chị em lại khoác lên mình chiếc áo tràng lam, hòa nhập vào hàng cư sĩ Phật tử tuyệt vời nhất, với các anh các chị và các bác lớn tuổi khác, tham gia vào các hoạt động Phật sự địa phương, nhất là công việc hộ trì Tam bảo một cách chắc chắn và thường xuyên, trở thành gương tốt điền hình nơi trú xứ có ngôi chùa đang hoằng hóa.

Ngôi chủa lúc này với ngôi nhà mình đang trú ngụ một lần nữa trở thành mối dây khắng khít, là trục đi về rất thong dong với nhiều trách nhiệm lớn khác của một người cư sĩ Phật tử trẻ tuổi. Ngày trước, thời tuổi trẻ chúng tôi, khi chưa có phương tiện thông tin, điện thọai cầm tay, thì giữa vị trụ trì hay Ban hộ trì đều thông qua nhắn gởi trực tiếp; có khi là các bác lớn tuổi hay các chú điệu với nhau, mà vẫn hoan hỷ, vui tươi chi lạ! Rộn ràng, chật kín nhiệm vụ Phật sự thường khi là như vậy, huống chi những ngày giáp Tết, ngôi chùa với nhiệm vụ những anh em Thanh niên Phật giáo càng trở nên tất bật hơn mọi khi.

Không sao quên được có những ngày 30 Tết từ trưa cho đến chiều tối ngày ngày lễ Phật, sám hối đầu tiên để chuẩn bị cho đêm giao thừa. Anh em Thanh niên Phật giáo được tin tưởng giao phó nhiệm vụ túc trực, chia sẻ trách nhiệm với vài Tăng chúng trong chùa, như túc trực giữ phần đánh chuông trống Bát Nhã. Những nhiệm vụ đó còn được giữ nguyên cho đến giờ khắc làm lễ vía sanh thần Di Lặc Tôn Phật và chính thức đón giao thừa tại ngôi chùa mình nơi xóm thôn mình cư ngụ. Những tràng pháo dài, những hồi trống Bát Nhã rộn ràng khi đó là do chính những người Thanh niên Phật giáo, tuổi trẻ chúng mình đảm nhiệm.

Bây giờ lớn lên, trải qua nhiều giai đoạn thời gian với nhiều gam màu khác nhau; có anh chị đã chọn cho mình mỗi một cách sống tùy vào điều kiện hay hoàn cảnh riêng, nhưng ý chí và tâm hồn vẫn còn nguyên vẹn những mùa xuân của tuổi trẻ tuyệt vời Thanh niên Phật giáo. Những đoàn thể chưa hoặc không có điều kiện được tái thành lập để thu hút nhiều thành phần tuổi trẻ, thì vẫn còn giữ nguyên vẹn trong lòng nhiều ký ức và thành quả tuổi thanh xuân của mình đã cống hiến cho Dân tộc và Đạo pháp trong thời gian khó. Nhiều anh chị cựu huynh trưởng, đoàn sinh còn muốn tiếp tục nuôi giữ tuổi thanh xuân của mình bằng cả tấm lòng tin yêu Đạo pháp, khuyến khích trao gởi cháu con của mình và sinh hoạt trong tổ chức GĐPT. Có anh chị thì chuyên tu hạnh Bồ tát giới, chuyên làm người cư sĩ Phật tử nhờ vào quá trình sinh hoạt, tu học ngày trước, tạo lập thêm nhiều công hạnh mới cống hiến cho đạo tràng, làm vẻ vang thêm danh xưng những người Phật tử gương mẫu.

Bên chén trà thanh nhã của tuổi hoàng hôn, mùa xuân của tuổi trẻ Thanh niên Phật giáo vẫn còn phảng phất quanh đây với từng hương vị cuộc đời không kém phần thi vị. Dù bàn tay anh, bàn chân chị nào đó có yếu mòn theo thời gian và ánh mắt có còn xa xăm nhìn về phía chân trời chưa tắt nắng, nhưng trong lòng mỗi anh em vẫn là ý chí kim cương bất hoại, được kết tinh bằng chuổi dài của chính tuổi thanh xuân tươi đẹp của mình dành cho Đạo pháp và Dân tộc ngày nào còn đó. Mùa xuân này, mùa xuân của mấy mươi năm sau nữa, mặc cho tuổi đời chồng chất, thì ý chí cũng như tinh thần dấn thân ngày nào vẫn còn nằm nguyên vẹn, không nhạt phai.

Cảm ơn quãng thời thanh xuân với những mùa xuân tuyệt vời nhất của tuổi trẻ Thanh niên Phật giáo, đã kiến tạo nên nền tảng ký ức rất đẹp mà rồi đây sẽ còn truyền lại cho cháu con tuổi Oanh Vũ hồn nhiên cũng đang từng bước tung tăng theo ba mẹ, theo anh chị đến chùa học làm người con Phật có nền tảng chắc chắn nhất.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 26
    • Số lượt truy cập : 6920763