NHỚ TỤC CHẠP MẢ QUÊ
DƯƠNG HOÀNG LỘC
Phong tục chạp mả gần Tết ở quê nhà đã đi vào ký ức của tôi như hạt phù sa lắng đọng, bồi đắp cho tình cảm sâu nặng với mảnh đất Ba Tri - nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Những hồi ức của hai, ba mươi năm về trước bỗng nhiên ùa về trong sáng nay, bên tách trà còn nóng và ngoài sân những nụ mai vàng đang chớm nở trong nắng vàng tươi. Nó làm tôi sống lại nhiều kỉ niệm ngày Tết của tuổi thơ vốn nằm sâu trong tâm khảm.
Ở quê tôi, chạp mả hay còn gọi là quét mộ. Sau ngày rằm tháng Chạp, nhiều gia đình và dòng họ tất bật chuẩn bị cho nhiệm vụ thiêng liêng này. Nhà ngoại tôi quét mộ ngày mười sáu tháng Chạp, còn bên nội đi chạp mả ngày hai mươi hai Tết. Hồi nhỏ, tôi tham gia tảo mộ cả hai bên nội, ngoại trong niềm thành kính và hân hoan khó tả! Khác với bây giờ, tuổi con nít chẳng phải lo toan nghĩ ngợi gì nhiều!
Lúc ông nội tôi còn sống và kể cả những năm sau khi ông mất, việc chạp mả cuối năm được gia đình chuẩn bị chu đáo. Lúc ông còn, cha tôi và các bác tuân thủ theo sự hướng dẫn của ông. Ngày đó, mọi người thức sớm, tụ tập chừng bốn giờ sáng để đi. Chiều hôm trước, ông nội đã mua sẵn chổi, vôi và gói ghém dao, cuốc, xẻng ở một góc nhà. Ông thức sớm, pha bình trà nóng rồi lấy gói thèo lèo, ít vàng mã, nhang, cái đèn hột vịt bỏ vào cái giỏ nhựa cẩn thận. Cha tôi chở ông đi trước bằng xe máy. Ông giữ chặt cái giỏ đựng đồ cúng này. Các bác và mấy anh em tôi chạy theo sau, kẻ vác cuốc xẻng, người cầm dao, chổi, bột vôi, bông cỏ. Cho đến giờ, tôi còn nhớ rõ đó là mảnh đất nằm phía sau bệnh viện huyện, muốn đến phải đi qua hàng dừa một đỗi. Mảnh đất này rậm rạp, đồng thời có trên ba chục cái mộ bằng đất lẫn xi măng nằm theo từng cụm. Mỗi gia đình có nhiệm vụ chăm sóc phần mộ tổ tiên, họ hàng của họ. Đồng thời, theo tôi nghĩ, chắc cả năm mới có người đến thăm nom, quét dọn mồ mả ở đây. Lúc này, mặt trời mới hé, hơi sương vẫn còn đọng trên cỏ cây, không khí lành lạnh. Đầu tiên, cả nhà bắt tay vào việc dọn cỏ bằng dao, giẫy gốc cây dại bằng cuốc và xẻng xung quanh những phần mộ thân tộc. Sau đó, mấy anh em chúng tôi mang cái thùng đến cái ao kề bên xách nước lên để rửa sạch các phần mộ. Bác Năm tôi hòa vôi với nước rồi mọi người lấy bông cỏ lau quét vôi, nhờ đó nấm mộ trắng tinh. Lúc này, ông nội bày lễ vật chuẩn bị sẵn ở ngôi mộ lớn nhất, đó là ngôi mộ của bà cố, theo lời ông kể lại. Ông thành kính thắp ba cây nhang khấn vái. Hình ảnh mái tóc lốm đốm bạc và mình mặc cái áo gió phai màu của ông trong buổi sớm chớm lạnh cuối năm làm tôi nhớ mãi. Lần nào cũng vậy, cúng xong, ông lấy tay chỉ cho mấy anh em danh tánh các phần mộ để chúng tôi nhớ rõ. Ông hay nhắc với anh em chúng tôi: “Mai mốt tao chết sợ tụi bây quên mồ mả ông bà!”. Cuối cùng, đoàn đi quét mộ chia nhau ăn mấy cục thèo lèo, đốt ít vàng mã rồi đi về trong cái nắng hửng cùng cảnh nhộn nhịp của chợ Tết cuối năm. Thực sự ra, trước đây, gia đình tôi đi chạp mả vào ngày hai mươi bốn Tết. Sau này, bà nội tôi mất ngày hăm mươi hai tháng Chạp, nên cả nhà thống nhất dời ngày chạp mả sang ngày này cho tiện việc cúng kiếng, giỗ chạp. Hoàn tất việc quét mộ xong, chúng tôi nhanh chóng quay về nhà lo chuẩn bị lo cúng giỗ bà nội. Ngày nay, lề lối xưa vẫn giữ và không có gì khác. Chỉ khác là công việc này hầu hết do chúng tôi đảm nhiệm, bác và cha tôi đã qua đời hơn mười năm nay.
Khác với bên nhà nội, chạp mả bên nhà ngoại thì đông đúc và vui hơn. Ngày mười sáu tháng Chạp là ngày quét mộ của họ hàng nhà ông ngoại. Các anh em của ông đã mất từ lâu, nên ông là người đứng đầu cả họ. Nhiều con cháu của ông từ vùng quê An Hiệp hay tận bên Thạnh Phú đi đò sang thị trấn Ba Tri trước đó một ngày để chuẩn bị. Bác Sáu Tới gái gánh trên vai lủng lẳng hai thúng bánh tét đến nhà ngoại để cúng ông bà ngày chạp mả. Bánh tét nước tro gói rất ngon mà tôi sau này ít được ăn lại! Tội nghiệp bác Sáu, nhà chẳng khá giả gì mà vẫn gói bánh đều đặn, đi đò vượt sông gánh sang Ba Tri. Tối hôm trước, cả họ hàng quây quần uống trà, ăn mứt và bánh phồng nói chuyện, thăm hỏi rôm rả và bàn việc ngày mai đi quét mộ thật sớm. Đêm đó, tôi thường ngủ lại nhà ngoại để tháp tùng theo đoàn. Ông ngoại tôi thức sớm, mới ba giờ đã dậy pha trà rồi thắp nhang, sau đó kiểm tra dụng cụ cuốc, xẻng, dao, đồ cúng mang đi quét mộ. Lúc này, mọi người lục đục thức giấc. Chừng bốn giờ sáng, tất cả đã ra khỏi nhà. Lúc này, trời vẫn còn tối mịt, người này chở người kia trên chiếc xe đạp cót két, vai vác thêm cuốc, xẻng. Quê ông ngoại tôi ở xã An Bình Tây nên đoàn đi khá xa, mất cả tiếng đồng hồ mới đến. Mảnh đất nằm giữa đồng, rất nhiều ngôi mộ đắp bằng đất và xung quanh cỏ mọc rậm rạp. Mọi người hì hục dọn cỏ dại cùng những lùm cây rậm rạp. Sau đó, mấy cậu, dượng tôi móc đất bùn dưới ao đắp xung quanh phần mộ cho chắc chắn và phía trên cho đầy đặn để tránh bị sụp. Ông ngoại tôi hay nói để mộ phần ông bà sụp lún thì con cháu làm ăn không khấm khá nổi. Đến chín, mười giờ sáng, nhiệm vụ của con cháu đối với tổ tiên mới hoàn tất. Lúc này, ai cũng thấm mệt, mồ hôi đổ lã chã trên mặt và thấm ướt mem vào áo. Ông ngoại tôi thắp hương ở phần mộ bà cố rồi chia cho con cháu mỗi người một cây nhang để thắp các phần mộ khác trong khu đất. Nhìn kỹ, các ngôi mộ hoàn toàn sạch sẽ, không còn cảnh cỏ dại và dây leo um tùm như trước. Sau đó, mọi người chia nhau miếng bánh, viên thèo lèo rồi đạp xe về nhà. Ở nhà, thức ăn đã dọn sẵn trên bàn thờ. Ông ngoại tôi tắm rửa sạch sẽ và thắp hương khấn vái bàn thờ tổ tiên. Nhang gần tàn, mọi người cùng ngồi vào bàn để ăn bữa cơm đoàn viên họ hàng. Ông ngoại tôi đã đi theo tổ tiên cách đây vài năm. Những năm cuối đời, ông không thể đi quét mộ cùng con cháu, nhưng vẫn nhắc nhở cẩn thận và luôn ngồi ở nhà đợi đoàn đi về để ăn bữa cơm sum họp. Ngày này, ông rất vui, nhất là con cháu ở xa tụ tập về đông đủ. Giờ đây, thay ông là cậu Sáu tôi đứng ra tổ chức, dẫn đầu đoàn đi chạp mả ông bà.
Bên nhà bà ngoại tôi quét mộ vào ngày hai mươi bốn âm lịch. Hồi nhỏ, tôi cũng tham gia đều đặn. Đặc biệt, chiều hai mươi ba Tết là mấy người bà con ở Thành phố Hồ Chí Minh về. Mọi người tập trung ở ngôi nhà từ đường dòng họ Thái Hữu để thăm hỏi, ăn uống với nhau. Không khí đông và vui, ấm cúng. Sáng sớm, mọi người đi ăn cháo lòng rồi mới lên khu mộ của dòng họ thắp hương cúng bái. Đặc biệt, ở ngôi mộ lớn nhất được xây bằng đá xanh, tất cả mọi người quy tụ về đó để ăn đồ cúng, thông thường có dưa hấu, bánh mứt và đặc biệt luôn có món bánh hỏi lòng heo-món ăn có gốc gác miền Trung đưa vào vùng đất Ba Tri từ thuở khai khẩn. Cánh đàn ông thích nhất món này. Họ vừa trò chuyện vừa nhâm nhi thêm vài chung rượu. Nhưng với tôi, quan tâm lớn nhất là một ngôi mộ khá lớn nằm gần đó. Đó là ngôi mộ quan trọng nhất của khu đất này: Mộ của Ông Già Ba Tri Thái Hữu Kiểm, quê ở Quảng Ngãi vào đây khai phá và lập Ba Tri Cá Trại rồi Chợ Ba Tri sung túc đến ngày nay. Dân gian Nam bộ nói chung và Bến Tre nói riêng hay nhắc đến câu chuyện Ông Già Ba Tri, do không chịu được cảnh oan ức, đã đi ra Huế kiện đến triều đình và được vua xử thắng kiện. Tên tuổi ông nổi danh cả vùng từ đó. Lần nào cũng vậy, tôi cũng đến thắp hương cho ông - con người thể hiện phẩm chất trung thực, hiên ngang, dám nói dám làm. Đến giờ, ông mãi là niềm tự hào của vùng đất Ba Tri địa linh nhân kiệt. Cúng bái xong, mọi người trở về nhà từ đường, vui vẻ dùng nhau bữa tiệc mặn ngon lành. Mấy bà con thân tộc từ thành phố đi ra chợ mua hột vịt, mấy đùm củ hành tím, chổi tàu dừa,… để mang về Sài Gòn ăn Tết. Dĩ nhiên, không thể thiếu mấy hủ mứt gừng, mứt khóm, mắm tép, vài chục bánh phồng, bánh tráng… được nhà ông Tám chuẩn bị trước đó làm quà biếu. Đó là thứ quà ngon lành, mộc mạc của quê tôi ngày Tết. Nhờ đó mà tình họ hàng thắt chặt lẫn nhau qua nhiều thế hệ. Tôi còn nhớ, bà ngoại tôi và ông Tám-em của bà hồ hởi trò chuyện từng người, tay bắt mặt mừng, nhắc đủ thứ chuyện đời xưa. Giờ đây, bà và ông Tám đã trở thành người thiên cổ. Ngày này, con cháu hay hồi tưởng lại chuyện của thế hệ trước. Mộ bà ngoại và ông Tám nằm trên mảnh đất dành cho việc chôn cất của dòng họ. Có lẽ nhìn con cháu cuối năm về chạp mả đông, nghi ngút khói hương chắc hương hồn các cụ vui, ấm áp lắm!
Đặc biệt, chiều ngày hai mươi lăm Tết, ở quê tôi còn có tục nhiều vị cao niên hướng dẫn cánh đàn ông trong xóm, ấp mang cuốc, xẻng đi quét dọn, đắp đất những ngôi mộ chưa được con cháu thăm nom, cúng kiếng. Nhờ vậy, vong hồn bớt quạnh quẽ và buồn bã vì tủi thân lúc năm hết Tết đến. Người ta gọi đây là quét mộ thí.
Phong tục chạp mả ở quê tôi đến giờ vẫn còn giữ gìn theo nếp xưa truyền lại. Giá trị nổi bật của phong tục này là sự gắn kết giữa con người với gia đình, họ hàng và quê hương bản quán. Ngoài ra, con người trước khi ăn Tết, vui vầy để sum họp gia đình thì phải làm tròn trách nhiệm thiêng liêng với tổ tiên của mình, mồ mả các cụ phải được dọn dẹp và chăm sóc chu đáo, cẩn thận. Đó là tinh thần uống nước nhớ nguồn, đồng thời thể hiện niềm tin tưởng sâu sắc vào đạo ông bà của bao thế hệ sinh sống trên mảnh đất Ba Tri giàu truyền thống lịch sử - văn hóa.
Những kí ức về tục chạp mả ở quê trong tôi vẫn còn tươi nguyên! Nó lắng đọng như những hạt phù sa để bồi đắp cho những kỉ niệm đẹp về Tết của tuổi thơ ở một miền quê yên bình, con người nhân hậu, nghĩa tình đậm đà.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết