NHỮNG BÀI VIẾT CỦA HÒA THƯỢNG LÊ KHÁNH HÒA
TRÊN BÁO CHÍ PHẬT GIÁO TỪ 1929-1939
NGUYỄN LÂM*
Trọng tâm phong trào chấn hưng ở Nam kỳ, Hòa thượng Khánh Hòa tập trung vào công tác mở Thích học đường đào tạo tăng tài. Ngài rất quan tâm tới việc tuyên truyền giáo lý của Đức Phật tới tăng ni Phật tử.
Từ năm 1929 đến 1939, Hòa thượng Lê Khánh Hòa đã viết một số bài báo sau:
1. Tạp chí Pháp âm số 1 ra ngày 13-08-1929.
1.“Tự trần” nói về sự dấn thân vào con đường chấn hưng Phật giáo của Hòa thượng Lê Khánh Hòa từ năm 1926-1929.
2.Hành trình nhật ký nói về hành trình đi cổ động cuộc sáng lập tòng lâm Phật giáo hội.
Bài báo kể về hành trình đi vận động Phật giáo các tỉnh miền Tây Nam Bộ hưởng ứng và ủng hộ công cuộc chấn hưng Phật giáo của ngài Khánh Hòa. Khởi hành từ ngày 27 tháng giêng năm Kỷ Tỵ (1929), sau hơn một tháng đi vận động, Hòa thượng Khánh Hòa trở về Bến Tre, kết quả là: “Đi thì nhiều chỗ mà kết hợp (nguyên văn “kiết hiệp”) không
được mấy, ở Châu Đốc thì có Hòa thượng An Phước và sư ông chùa Pháp Võ, Bạc Liêu có Hòa thượng Long Phước”.
2. Tạp chí Từ bi âm
Năm 1931, Hòa thượng Khánh Hòa và các đồng chí của mình như Hoà thượng Từ Phong, Hòa thượng Huệ Quang,… cùng một số cư sĩ có tâm với đạo Phật thành lập Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học. Ngày 01 tháng 01 năm 1932, bán nguyệt san Từ bi âm, cơ quan hoằng pháp của Hội ra số đầu tiên do Hòa thượng Lê Khánh Hòa, Phó Hội trưởng kiêm Chủ nhiệm tạp chí, Hòa thượng Bích Liên làm Chủ bút. Đây là thời kỳ Hòa thượng Khánh Hòa viết nhiều bài đăng báo nhất, nhằm phổ biến giáo lý của Đức Phật như Tứ Đế, Bát chánh đạo…hay nghi lễ Phật giáo và pháp tu Tịnh độ mà Hòa thượng tu tập.
1. Duyên khởi Từ bi âm ra đời, số 1 ra ngày 1-1-1932.
2. Luận về các pháp Tứ đế, số 4 ra ngày 15-2-1932.
3. Luận về Đạo bát chánh, số 5 ra ngày 1-3-1932.
4. Phép Sám hối, số 13 ra ngày 1-4-1932;
5. Phép Sám hối (tiếp theo và hết), số 14 ra ngày 15-7-1932.
6. Biện nghĩa Vô thỉ (vô thủy), số 15 ra ngày 1-8-1932.
7. Biện nghĩa vô thỉ (tiếp theo và hết), số 16 ra ngày 15-8-1932.
8. Luận về thân khổ, cảnh khổ, số 22 ra ngày 15-11-1932.
9. Lời vấn đáp và pháp tu Tịnh độ, số 24 ra ngày 15-12-1932.
10. Lời vấn đáp và pháp tu Tịnh độ (tiếp theo), số 25 ra ngày 1-1-1933.
11. Lời vấn đáp và pháp tu Tịnh độ (tiếp theo), số 26 ra ngày 15-5-1933.
12. Hòa thượng Khánh Hòa 1 ngày truyền thụ Giới cho 153 người tu Tịnh độ tại chùa Thiên Phước, Mỹ Tho, số 26 ra ngày 15-1-1933.
13. Lời vấn đáp và pháp tu Tịnh độ (tiếp theo), số 27 ra ngày 1-2-1933.
14. Lời vấn đáp và pháp tu Tịnh độ (tiếp theo), số 31 ra ngày 1-3-1933.
15. Trả lời thư ông Phạm Văn An, số 32 ra ngày 15-4-1933.
16. Lời vấn đáp và pháp tu Tịnh độ (tiếp theo), số 33 ra ngày 1-5-1933.
17. Lời vấn đáp và pháp tu Tịnh độ (tiếp theo và hết), số 34 ra ngày 15-5-1933.
18. Bức thư của Hòa thượng Lê Khánh Hòa trả lời về bài cải chính đề tên Ngài đứng trong Tiếng chuông sớm, số 109 ra ngày 1-7-1936.
19. Biện minh cái chân tướng Minh Đảo Sa môn Khánh Hòa không thiếu, không đủ, số 116, ra ngày 1-10-1936.
20. Phúc đáp thư thỉnh của cư sĩ Trạm Thanh Chợ Lớn, số 160 ra tháng 4-1939.
3. Tạp chí Duy Tâm Phật học
Do Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học bị Phó Hội trưởng thứ nhì commis Trần Nguyên Chấn thao túng, không thực hiện mở các Thích học đường như tôn chỉ đã đề ra, tháng 11 năm 1933 Hòa thượng Khánh Hòa từ chức Phó Hội trưởng thứ nhất và Chủ nhiệm Từ bi âm rút về Trà Vinh để cùng các Hòa thượng Huệ Quang, Khánh Anh tiếp tục con đường chấn hưng Phật giáo của mình.
Năm 1934, quý ngài thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học tiến hành mở trường đào tạo tăng tài.
Tháng 10 năm 1935, Hội xuất bản nguyệt san Duy tâm, sau đổi là tạp chí Duy tâm Phật học để hoằng dương Phật pháp. Ngài Huệ Quang làm Chánh Tổng lý Hội kiêm Chủ nhiệm, cư sĩ Trần Huỳnh làm Chủ bút.
Thời gian này, Hòa thượng Khánh Hòa làm Đốc học sư, rồi làm Đại đạo sư, ngài dành hết tâm sức vào công cuộc mở trường Phật học đào tạo tăng tài của Hội nên viết ít. Tạp chí Duy tâm đăng các bài giảng tại chùa Hội quán Hội Lưỡng Xuyên Phật học của Hòa thượng:
1. Vũ trụ nhơn sanh, số 6 ra ngày 1-3-1936.
2. Vũ trụ nhơn sanh (tiếp theo), số 7 ra ngày 1-4-1936.
3. Vũ trụ nhơn sanh (tiếp theo và hết), số 8 ra ngày 1-5-1938.
4. Linh hồn hay là cái Thức hay cái Biết, số 8 ra ngày 1-5-1936.
5. Linh hồn hay là cái Thức hay cái Biết (tiếp theo và hết), số 9 ra ngày 1-6-1936.
6. Cái Hồn, số 10 ra ngày 1-7-1936.
7. Đôi lời phản biện bức thư hỏi đạo của ông Lê Thành Hội, số 12 ra tháng 9-1936.
8. Người mượn chữ Lục hòa cách 10 năm về trước, số 16 ra tháng 1-1937.
9. Cải chính, số 18 ra tháng 3-1937.
Vũ trụ nhân sinh, linh hồn là vấn đề cơ bản của giáo lý Phật đà. Bấy giờ (từ 1935 đến 1939), trên văn đàn nước ta đã diễn ra cuộc tranh luận giữa phái Nghệ thuật vị nghệ thuật do nhà thơ Hoài Thanh cầm đầu và phái Nghệ thuật vị nhân sinh do Hải Triều Nguyễn Khoa Văn là chủ soái. Thiện Chiếu, người đã cởi áo tu sau khi được Hải Triều giác ngộ đã đưa cuộc tranh luận này vào giới Phật giáo dưới các cuộc tranh luận Có hay không có Tây phương Cực lạc (tức có hay không Tịnh độ); có hay không có linh hồn…
4. Tiếng chuông sớm
Sau ngày Hội Phật giáo Bắc Kỳ thành lập (06 tháng 11 năm 1934) Bắc Kỳ Cổ sơn môn gồm hai sơn môn Bà Đá và Hồng Phúc (tức Hoè Nhai) với hàng chục chùa1, do Hòa thượng Đinh Xuân Lạc (Thanh Tường) làm Chánh Duy na lại chủ trương đường lối của Bắc Kỳ Phật giáo Cổ sơn môn là phát triển Phật giáo trong tinh thần duy trì truyền thống sinh hoạt cổ điển của Thiền môn (tức là duy trì trường Hạ, phản đối việc mở trường tăng học đào tạo tăng tài… của Hội Phật giáo Bắc Kỳ). Hòa thượng cũng không đồng ý việc các cư sĩ tham gia Hội Phật giáo, cho rằng chấn hưng là chuyện “nội bộ” của Tăng già.
Bắc Kỳ Cổ sơn môn xuất bản tờ Tiếng chuông sớm để hoằng dương giáo lý Đức Phật. Báo đăng hai bài của Hòa thượng Khánh Hòa:
1) Cảm tưởng đối người chủ trương học Phật mà chưa biết đạo Phật, Lê Khánh Hòa, chùa Tiên Linh, làng Minh Đức, tổng Minh Quới, Mỏ Cày (Nam kỳ), Tiếng chuông sớm, số 14 ra ngày 26-12-1935.
2) Cải chính lại bài “Cái cảm tưởng đối với người chủ trương Phật học mà chưa biết học Phật” của tôi đã đăng trong Tiếng chuông sớm số 14 và Từ Bi Âm số 95, Sa môn Lê Khánh Hòa. Tiếng chuông sớm số 22 ra ngày 1 tháng 3 nhuận năm Bính Tý (1936).
5. Tiến hóa
Năm 1936, Thiện Chiếu (lúc đó đã hoàn tục) tìm về Rạch Giá với Hòa thượng Trí Thiền (Nguyễn Văn Đồng 1882-1943) trước đây là cộng sự của Hòa thượng Lê Khánh Hòa ở Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học để thành lập một tổ chức Phật giáo thực sự tiến bộ: Hội Phật học Kiêm Tế ra đời đặt trụ sở tại chùa Tam Bảo ở làng Vĩnh Thanh Vân. Ngày 23 tháng 3 năm 1937, Điều lệ Hội được phê chuẩn và tháng 1 năm 1938, tạp chí Tiến hóa – cơ quan truyền bá Phật pháp và cứu tế xã hội của Hội ra số đầu tiên do Đốc phủ sứ hồi hưu Đỗ Kiến Triệu làm chủ nhiệm, cư sĩ Phan Thanh Hà làm chủ bút. Linh hồn của Tiến hóa là Thiện Chiếu, viết nhiều bài nhất dưới các bút hiệu: Giác Tha, Tự Giác, Tiến Hóa, Như Thị Kiến Văn mang màu sắc “cánh tả”.
Tạp chí Tiến hóa số 12 ra tháng 12 và tháng 1 năm 1939 đăng bài Như vầy mới rõ mặt thiệt của kẻ vu cáo là Trần Nguyên Chấn Phó nhì Hội trưởng Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học Sài Gòn của Hòa thượng Lê Khánh Hòa gửi ông Hội trưởng Hội Phật học Kiêm Tế Rạch Giá ngày 7 tháng 2 năm 1939.
6. Những bài viết liên quan đến Hòa thượng Khánh Hòa
Hoạt động của Hòa thượng Khánh Hòa tại Hội Lưỡng Xuyên Phật học và những bài thuyết pháp, bài viết của ngài trên tờ Duy tâm đã được dư luận quan tâm, nhất là loạt bài Lời vấn đáp và pháp tu Tịnh độ và Linh hồn hay là cái Thức hay cái Biết. Ngay Thiện Chiếu (từ năm 1936 đã hoàn tục nhưng vẫn là linh hồn của tạp chí Tiến hoá, cơ quan ngôn luận của Hội Phật học Kiêm Tế Rạch Giá) từng là đồng chí của Hòa thượng Khánh Hòa từ 1926 nay công khai đả kích Hòa thượng trên mặt báo Tiến hóa số 12 với lời lẽ khá gay gắt. Điều này khiến cho Sa di Hiển Thụy, một đệ tử của Hòa thượng Khánh Hòa đã có bài tranh luận với Thiện Chiếu, đăng trên tạp chí Tiến hóa số 14 +15 ra năm 1939.
1. Lại hỏi Hòa thượng Lê Khánh Hòa Chánh chủ bút Duy Tâm, Từ bi âm số 108 ra ngày 15-6-1936.
2. Lời bình phán của Từ bi âm về việc Hòa thượng Lê Khánh Hòa phúc đáp thư thỉnh, Từ bi âm số 162 ra tháng 6-1939.
3. Hòa thượng Lê Khánh Hòa thật là một nhà trung thành ít có, Giác Tha, tạp chí Tiến hóa, số 12 ra tháng 12-1938.
4. Cuộc diễn thuyết có tranh biện tại Hội quán Hội Phật học Kiêm Tế Rạch Giá hôm 5-2-1939, Như Thị Kiến Văn, Tiến hóa số 13 ra tháng 2+3-1939.
5. Xung quanh vụ Tây phương Tịnh độ: Trả lời cùng Giác Tha về bài phê bình Hòa thượng Lê Khánh Hòa, đăng trên tạp chí Tiến hóa số 12, Sa di Hiển Thụy, tạp chí Tiến hóa số 14 +15 ra năm 1939.
Như vậy, mặc dù bận lo việc tổ chức các Hội Phật học để gánh vác trách nhiệm dẫn dắt phong trào chấn hưng ở Nam kỳ mà trọng tâm là tập trung vào công tác mở Thích học đường đào tạo tăng tài, Hòa thượng Lê Khánh Hòa vẫn dành thời gian từ năm 1929 đến năm 1939 viết nhiều bài đăng các báo Phật giáo. Ngài rất quan tâm tới việc tuyên truyền giáo lý của Đức Phật tới tăng ni Phật tử. Những bài báo nói trên chắc chắn giúp quý vị độc giả hiểu được sự nghiệp chấn hưng Phật giáo của Hòa thượng Lê Khánh Hòa - người có công đầu trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ nói riêng và cả nước nói chung.
* Trung tâm NCPG Việt Nam, Văn phòng miền Bắc.
1. Ở Hà Nội có: chùa Hòe Nhai, Võ Thạch, Châu Long, Trấn Quốc, Bà Đá, Đế Thích, Hàm Long, Trường Tín; ở Hà Đông có: chùa Đồng Lâm, Triệu Khánh, Hưng Khánh, Mễ Sơn, Hương Tuyết, Bảo Phúc, Trầm, chùa Hương Tích; ở Bắc Ninh: chùa Đại Tráng, Cổ Bi, Phú Thị, Đại Dương; Kiến An có chùa Phương Lăng (Thuỷ Nguyên), Hải Phòng: chùa Dư Hàng. Nghĩa là Bắc Kỳ Phật Giáo Cổ Sơn Môn có ảnh hưởng rất lớn ở các tỉnh Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Đông và thành phố Hà Nội.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết