Thông tin

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM NỔI BẬT CỦA NI GIỚI PHẬT GIÁO BẾN TRE

 

Tỳ kheo ni THÍCH NỮ NHƯ NGUYỆT*

 

Bến Tre là một “ốc đảo” được bao bọc bởi sông nước ở miền Tây của Việt Nam. Trước năm 2009, để đến được với “ốc đảo” xứ dừa này là vô cùng khó khăn bởi không có con đường hay cây cầu nào kết nối Bến Tre với các tỉnh lân cận và con đường duy nhất để đến Bến Tre là qua phà. Tuy nhiên, chính sự tách biệt của Bến Tre với các vùng xung quanh tạo nên những đặc điểm đặc trưng của vùng đất này. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ cứu nước dân tộc, người dân Bến Tre nổi tiếng với sự anh hùng, quả cảm, ý chí kiên cường, bất khuất. Những phong trào như Đồng Khởi Bến Tre vẫn âm vang trong lịch sử dân tộc. Nơi đây đã sinh ra những nhân tài hào kiệt như: Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản, Phan Văn Trị, Ca Văn Thỉnh, Trần Hữu Nghiệp,…

Phật giáo Bến Tre từ trong lịch sử

Bên cạnh việc tham gia vào phong trào dân tộc, những người con của Bến Tre cũng đóng góp tích cực cho phong trào chấn hưng Phật giáo nước nhà ở thế kỷ XX. Chính tại nơi đây, Tổ đình Khánh Hòa đã xuất hiện. Từ Nam kỳ, phong trào đã lan ra Trung kỳ (Bình Định, Thừa Thiên – Huế), rồi Bắc Kỳ. Nhờ có phong trào chấn hưng Phật giáo, các Hội Phật giáo bắt đầu được thành lập, nhiều tờ báo, tạp chí của Phật giáo cũng ra đời. Báo chí Phật giáo trở thành bàn đạp đẩy mạnh phong trào chấn hưng Phật giáo bằng cách quảng bá sâu rộng tư tưởng giáo lý của Phật giáo đến mọi tầng lớp trong xã hội.

Chính trong không khí của phong trào chấn hưng Phật giáo của Hòa thượng Khánh Hòa mà Ni giới Phật giáo tỉnh Bến Tre đã xuất hiện và cũng để lại những dấu ấn đậm nét. Năm 1934, tại chùa Vĩnh Bửu ở Bến Tre, Hòa thượng Khánh Hòa đã tổ chức một Phật học đường cho ni chúng và đây là trường học đầu tiên cho ni giới tại miền Nam. Trường sơ cấp Phật học cũng xuất hiện ở Bến Tre từ rất sớm, vào năm 1959. Nhiều vị Ni giỏi là đệ tử của Hòa thượng. Tiếp thu và phát triển tinh thần chịu khó, ham học hỏi, sự kiên cường và dũng khí của thầy, những vị đệ tử ni này cũng đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, giúp duy trì, gìn giữ truyền thống ni giới Phật giáo Bến Tre được liên tục phát triển từ thời chiến cho đến thời bình.

Quả thực, Bến Tre đúng là một vùng đất “địa linh nhân kiệt”, một vùng đất thể hiện đầy đủ ba khía cạnh của Phật giáo, đó là Bi – Trí – Dũng, tạo nét riêng cho Phật giáo Bến Tre. Nếu như Bi – Trí là những nét có thể dễ dàng tìm thấy ở nhiều nơi thì “Dũng” không phải ở đâu cũng được bộc lộ một cách nổi bật như ở Bến Tre. Ở Bến Tre không thiếu những tấm gương sáng về sự hi sinh anh dũng của những vị ni Bến Tre, sẵn sàng xả thân để bảo vệ chùa (chẳng hạn nhiều vị ni và nữ cư sĩ ở chùa Vĩnh Bửu – ngôi chùa ni đầu tiên của Bến Tre). Ni giới Bến Tre, cùng với chư Tăng và những ngôi chùa Phật giáo chính là nơi che chở, nuôi dưỡng linh hồn, khí phách dân tộc.

Phật giáo Bến Tre đương đại

Phân ban Ni giới tỉnh Bến Tre được thành lập sớm hơn so với một số tỉnh thành trong cả nước. Vào năm 2009, được sự quan tâm giúp đỡ và cho phép của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bến Tre, Phân ban Ni giới trực thuộc Ban Tăng sự Phật giáo tỉnh được chính thức thành lập ngày 10- 11-2009. Sự ra đời của Phân ban Ni giới Bến Tre là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhằm khuyến khích Ni giới phát huy tiềm năng, tạo điều kiện để Ni giới cống hiến năng lực của mình cho Giáo hội cũng như cộng đồng xã hội.

Hiện nay, Ni giới Bến Tre có trên 300 vị đang tu học, số lượng tương đối lớn so với các tỉnh thành trong cả nước. Ni trẻ chiếm một số lượng lớn ở đây. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Bến Tre có 6 vị Ni trưởng, 13 vị Ni sư, 245 Tỳ kheo Ni, 17 vị Thức xoa ma na, 36 vị Sa di Ni1. Nhiều chư Tôn đức Ni đã được Nhà nước trao tặng huân chương, huy chương, bằng khen, như: Ni trưởng Thích Nữ Giác Hạnh, Ni trưởng Thích Nữ Như Ngọc, Ni trưởng Thích Nữ Như Chơn, Ni trưởng Thích Nữ Như Tâm,…

Ni giới Bến Tre tích cực thực hiện công tác từ thiện xã hội, hưởng ứng mọi cuộc vận động cứu trợ đồng bào gặp thiên tai, tặng nhà tình nghĩa, tình thương, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khám chữa bệnh nhân đạo, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, khó khăn,… Ni giới luôn tự tin vào khả năng tu tập chính mình, tự phấn đấu nỗ lực vươn lên, có tinh thần dấn thân phụng sự Đạo pháp và tha nhân, biết nương tựa, học hỏi, đoàn kết và hỗ trợ chư Tôn đức Ni để cùng chung lo phát triển ngôi nhà Phật pháp trên 3 đảo dừa xanh mát.

Ngày 6-2-2015, chư Tôn đức trong Ban Trị sự đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Phân ban Ni giới long trọng tổ chức Lễ giỗ Thánh Tổ Kiều Đàm Di và chư vị Thánh Tổ Ni tiền bối, nhằm tưởng niệm đến công đức cao dày của quý ngài đã hiến trọn đời mình cho Đạo pháp. Buổi lễ được hàng ngàn Tăng Ni cùng Phật tử cả nước tham dự, không khí vô cùng trang nghiêm trọng thể. Đây là niềm khích lệ lớn lao đối với Ni giới Bến Tre trên bước đường thừa hành Phật sự.

Hiện nay, có 52 tự viện do chư ni quản lý được chính quyền công nhận là Nơi thờ tự Văn minh ở Bến Tre. Trong năm 2015, 2016, tổng giá trị từ thiện xã hội được quy thành tiền khoảng 12 tỷ đồng/ năm2.

Ni giới Bến Tre nổi tiếng hiếu học và đóng góp tích cực cho công tác giáo dục và đào tạo của Học viện Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh. Từ khóa 1 đến Khóa 12, ni giới Bến Tre đều có mặt trong các khóa học của Học viện, góp phần thúc đẩy công tác giáo dục của Học viện nói riêng, của Phật giáo nói chung.

Một số nhân vật xuất chúng ở Bến Tre có thể kể đến: Sư bà Diệu Huệ (chùa Vĩnh Bửu), Ni trưởng Như Chơn, Ni trưởng Như Ngọc...

- Sư bà Diệu Huệ (Ni trưởng Diệu Ninh):

Sư bà Diệu Huệ còn được biết đến với tên gọi Ni trưởng Diệu Ninh. Ni Trưởng là đệ tử của Tổ Khánh Hòa. Hòa thượng Khánh Hòa mong muốn xây dựng chùa Vĩnh Bửu thành một ni viện để đào tạo ni tài góp sức cho phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX. Năm 1940, Hòa thượng Khánh Hòa đã giao chùa Vĩnh Bửu cho vị đệ tử ni tài đức là Ni trưởng Như Huệ - Diệu Ninh làm trụ trì. Với năng lực tổ chức chu toàn, Ni trưởng Diệu Ninh đã quy tụ được nhiều vị ni từ các tỉnh miền Tây về Vĩnh Bửu để học Phật. Dưới sự trụ trì của Ni trưởng Diệu Ninh, chùa Vĩnh Bửu được mở rộng, hoạt động cũng phong phú hơn. Ngoài việc hoằng Pháp, chùa còn tham gia vào các công tác xã hội như nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, mở nhà hộ sinh để giúp dân nghèo. Sư bà Diệu Ninh còn bí mật ủng hộ phong trào đấu tranh cách mạng tại địa phương bằng nhiều hình thức khác nhau.

Vào năm 1954, trước tình thế chiến tranh ngày càng lan rộng và khốc liệt, Sư bà Diệu Huệ nhận thấy ngôi chùa Vĩnh Bửu không còn an toàn cho việc tổ chức các lớp học của chư ni nên đã phải tạm thời giải tán lớp học, lên Sài Gòn nhập Hạ tại chùa Huê Lâm. Sư bà Diệu Huệ là một trong những người tham gia thành lập Ni bộ Bắc Tông, dưới sự lãnh đạo của Sư trưởng Như Thanh. Sư bà còn đảm nhiệm vị trí Quản viện Tổ đình Từ Nghiêm cho đến ngày viên tịch3.

Mặc dù công việc bận rộn tại Sài Gòn, Sư bà Diệu Huệ luôn quan tâm đến việc duy trì và phát triển chùa Vĩnh Bửu. Về sau, Sư bà giao chùa Vĩnh Bửu cho hai đệ tử ni là Như Đắc và Như Tâm. Trong những năm cuối thập niên 60, chiến tranh đã hủy hoại ngôi chùa Vĩnh Bửu tan hoang, bản thân Ni sư Như Tâm và người mẹ ruột bị quân Mỹ bắn tử vong trong một trận càn quét ngay tại chùa năm 1968.

Với quyết tâm giữ gìn ngôi chùa được thầy Tổ Khánh Hòa giao phó, Sư bà Diệu Ninh đã cử người đệ tử thứ tư là người gốc Bến Tre, Thích Nữ Như Chơn, đang tu học tại chùa Dược Sư (Sài Gòn) về tiếp tục bám trụ và giữ gìn Ni viện Vĩnh Bửu vào năm 1970. Ni trưởng Như Chơn cũng đã có công lớn trong việc giữ gìn tôn tạo chùa Vĩnh Bửu và là một danh ni của Phật giáo Bến Tre.

- Ni trưởng Như Chơn:

Ni trưởng Thích Nữ Như Chơn là một vị tôn đức ni cao niên, kế thừa xuất sắc truyền thống của Ni giới Bến Tre. Ni trưởng Như Chơn, thế danh Thái Thị Kiều, sinh năm 1943 tại Mỏ Cày, Bến Tre. Bà lớn lên trong bối cảnh đất nước trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt. Hoàn cảnh khó khăn gian khổ của cuộc chiến chỉ càng làm cho Ni trưởng Như Chơn thêm kiên cường, bất khuất. Ni trưởng đã bí mật tham gia cách mạng, đóng góp tích cực cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ni trưởng là thương binh hạng 4/4. Trong sự nghiệp phát triển Phật giáo và Ni giới Bến Tre, Ni trưởng có những đóng góp nổi bật. Ni trưởng tiếp nhận trụ trì chùa Vĩnh Bửu vào những năm chiến tranh chống Mỹ đang diễn ra ác liệt (1970). Chính Ni trưởng là người đã giúp lưu giữ và “nối truyền mạng mạch Phật pháp” tưởng chừng như đã chấm dứt do bom đạn chiến tranh4. Khi đất nước thống nhất, Ni trưởng Như Chơn tiếp tục có những đóng góp lớn cho Phật giáo Bến Tre và cộng đồng. Ni trưởng từng giữ vị trí Ủy viên Ban Trị sự, kiêm Phó Phân Ban Ni giới Bến Tre và hiện nay là Chứng minh Phân ban Ni giới Bến Tre, Ủy viên Ủy ban MTTQVN huyện Mỏ Cày Bắc. Ni trưởng luôn tích cực tham gia hoạt động từ thiện, phục vụ cộng đồng như xây cầu, cất nhà tình thương, nuôi dưỡng người nghèo, nấu cơm từ thiện hàng tháng cho Bệnh viện Cù Lao Minh… Vào năm 2004, trước tình cảnh chùa Vĩnh Bửu, ngôi chùa cổ nhất ở Bên Tre, ngày càng xuống cấp trầm trọng, Ni trưởng Như Chơn đã ra sức vận động chư huynh đệ trong tông môn ở nhiều tỉnh và phật tử ở Tp. HCM tiến hành đại trùng tu chùa. Hiện nay, chùa Vĩnh Bửu – Ni viện Vĩnh Bửu đã trở nên khang trang và tiếp tục là niềm tự hào của Phật giáo Bến Tre.

- Ni trưởng Như Ngọc:

Ni trưởng Như Ngọc hiện là Chứng minh Phân ban Ni giới tỉnh Bến Tre, Phó Ban Trị sự kiêm Trưởng Phân ban Ni giới tỉnh Bến Tre nhiệm kỳ 2012-2017. Ni trưởng xuất gia từ lúc 7 tuổi tại chùa Hưng Phước, nay thuộc xã Châu Hưng, huyện Bình Đại. Năm nay, Ni trưởng đã gần 90 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn và khỏe mạnh. Là người tu hành miên mật, sáng ngời đạo hạnh, đồng thời hết sức khiêm cung và giản dị, luôn ủng hộ chư Ni trẻ trong mọi Phật sự, nên chư Ni Bến Tre rất kính trọng và học hỏi nhiều điều đáng quí từ Ni trưởng. Ni trưởng Thích Nữ Như Ngọc xứng đáng là “cội tùng của Ni giới tỉnh Bến Tre”5.

Ngoài ra, còn có những bậc Ni nổi bật nhưng do dung lượng hạn chế của tham luận chúng tôi không thể nhắc đến một cách chi tiết, như Ni trưởng Thích Như Đán (Phó Ban Trị sự kiêm Trưởng Phân ban Ni giới tỉnh Bến Tre); Ni trưởng Thích Như Tâm (Chứng minh Phân ban Ni giới tỉnh Bến Tre, trụ trì chùa Bạch Vân); Sư cô Thích Như Nguyệt (Ủy viên Ban Trị Sự, Phó Thư ký kiêm Phó Văn phòng GHPGVN tỉnh Bến Tre); Sư cô Như Uyên, Uỷ viên Ban Trị Sự, Phó Phân ban kiêm Chánh Thư ký Phân ban Ni giới tỉnh Bến Tre. Chùa Từ Huệ, nơi Sư cô Như Uyên trụ trì, đã mở lớp học giáo lý đầu tiên cho nam nữ cư sĩ. Sư cô Thích Tâm Ngọc (Ủy viên Thường trực Phân ban Ni giới tỉnh Bến Tre)…

Đánh giá và kết luận

Tìm hiểu về Ni giới Phật giáo Bến Tre giúp chúng ta làm sáng tỏ những đặc điểm nổi bật của Ni giới nói riêng, Phật giáo Bến Tre nói chung.

Thứ nhất, tính kiên cường, bất khuất của Ni giới Bến Tre trong thời kỳ chiến tranh là điểm sáng của Phật giáo Bến Tre. Ở Ni giới Bến Tre bộc lộ rõ cả ba giá trị của Phật giáo, đó là Bi – Trí – Dũng. Nếu như tính chất Từ bi và Trí tuệ có phần phổ quát trong Phật giáo của nhiều nơi, thì tính chất Dũng mãnh, kiên cường là nét nổi bật Phật giáo Bến Tre.

Thứ hai, Ni giới Bến Tre có lịch sử hình thành khá sớm, từ những năm đầu thế kỷ XX đã có Phật học đường cho Ni giới tại chùa Vĩnh Bửu, và có sự phát triển liên tục, không đứt quãng từ đầu thế kỷ XX đến nay, bất kể tình trạng chiến tranh loạn lạc. Sự phát triển liên tục của Phật giáo Bến Tre thể hiện tinh thần yêu nước, luôn đồng hành cùng dân tộc của cộng đồng Phật giáo, trong đó có cộng đồng ni giới.

Thứ ba, Ni giới có vai trò tích cực trong phong trào chấn hưng Phật giáo tại tỉnh Bến Tre và hiện nay tiếp tục đóng góp đáng kể vào sự phát triển và hiện đại hóa của Phật giáo tỉnh nhà. Những bậc danh ni của Bến Tre là những tấm gương về đạo hạnh, tiếp tục là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần cho các thế hệ ni sau này tiếp nối và phát huy truyền thống.

Tóm lại, theo lời của Ni trưởng Như Ngọc, “truyền thống nổi bật của Ni giới Bến Tre là vừa lo tu học vừa lo làm Phật sự để phát triển Phật pháp ở địa phương”. Nhiều vị ni Bến Tre tham gia hoạt động cách mạng, đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, mang lại hạnh phúc ấm no cho nhân dân. Không thể không nhắc đến tên tuổi của quí Sư bà Diệu Ninh, Sư bà Diệu Minh, Sư bà Như Tâm, Sư bà Giác Hạnh là những tấm gương trong lĩnh vực hoằng pháp, đào tạo Ni chúng và tích cực hoạt động từ thiện xã hội qua việc nhận nuôi trẻ mồ côi, thậm chí còn phải lo tự túc kinh tế nhà chùa để đại chúng an tâm lo tu học. Trước năm 1975, có nhiều vị Ni không ngại khó khăn về Sài Gòn để chuyên tâm học nội điển nhằm phát triển đạo lực bản thân, tiêu biểu là các vị Ni trưởng Thích Nữ Như Tâm, Thích Nữ Như Chơn. Từ ngày thành lập GHPGVN tỉnh Bến Tre, nhiều vị Ni trẻ đã tích cực tham gia Lớp Trung cấp Phật học tại quê nhà và nỗ lực học hành tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM ngay từ khóa 1 đến khóa 12. Đây là niềm tự hào của Ni giới Bến Tre qua những thăng trầm của thời gian.

 


* Biên tập viên báo Hoa Đàm (tiếng nói của Ni giới Phật giáo Việt Nam), Phó ban Quản viện Ni Học viện Phật giáo Tp. HCM cơ sở Lê Minh Xuân, giảng viên Khoa Sử, Học viện Phật giáo Tp. HCM.

1. Sư cô Thích Nữ Như Nguyệt, Uỷ viên Ban Trị sự, Phó Thư ký GHPGVN tỉnh Bến Tre.

2. Thích Nữ Như Uyên, Ni giới Bến Tre trên đường phát triển.

3. Theo Tư liệu thành lập Ni bộ Bắc Tông tại Tổ đình Huê Lâm.

4. Dương Hoàng Lộc, Ni viện Vĩnh Bửu, ngôi chùa Ni đầu tiên của Bến Tre.

5. Theo Minh Phúc, cộng tác viên báo Hoa Đàm.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 99
    • Số lượt truy cập : 6952493