NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý TRÊN HÀNH TRÌNH TRỞ VỀ
MINH QUANG
Trong đời sống, mỗi một việc làm chúng ta đều luôn có mục đích rõ ràng, vậy khi đến với Phật pháp thì mục đích của chúng ta là gì, nhu cầu đích thực của chúng ta là gì, mục tiêu cụ thể của chúng ta hướng đến điều gì? Có thể nói đây là vấn đề then chốt rất quan trọng cần phải xác định rõ ràng đúng với nhu cầu học Phật, chứ chúng ta không thể đến với Phật pháp một cách mơ hồ chung chung được, vì điều này sẽ là cơ sở giúp chúng ta đi đúng hướng và cũng là kim chỉ nam giúp chúng ta giải quyết rốt ráo những nhu cầu thật của đời sống tâm linh một cách có chánh kiến.
Song song đó, chúng ta cũng cần phải hiểu rõ mục đích sự ra đời của đức Phật, cũng như vấn đề cốt lõi trong nội dung giáo pháp của Ngài. Nếu như không tường tận những điều này, thì chúng ta sẽ dễ bị cuốn theo hệ thống giáo điều, mà ở đó nội dung nào cũng thiết thực tuyệt vời cả. Một khi đã như vậy chúng ta sẽ không biết lấy đâu làm chỗ y cứ phù hợp với từng tâm bệnh trong mỗi chúng ta, nhất là việc nhìn nhận bản chất căn bệnh “luân hồi sanh tử” đúng với mục đích tối hậu của Phật pháp là khai thị “Tri kiến Phật” trong hệ thống kinh tạng mà đại diện là kinh Diệu Pháp Liên Hoa, đức Phật đã chỉ dạy.
Như chúng ta đã biết, những khổ đau trong vòng luân hồi sanh tử là một bức bách luôn hiện hữu trong đời sống con người, bên cạnh những nhu cầu thứ yếu mà một bộ phận người đời tìm đến Phật pháp như hoàn cảnh bất hạnh hay gặp biến cố trong đời sống, thì đa phần đến với Phật pháp là để giải quyết rốt ráo vấn nạn “luân hồi sanh tử”, nói nôm na là để được “Giác ngộ” và “Giải thoát”.
Giác ngộ ở đây chính là thông suốt cốt lõi yếu chỉ Phật pháp, biết rõ chân tướng của tấm thân Ngũ uẩn và tâm bệnh của mình... Giải thoát ở đây là không còn bị câu thúc trói buộc bởi tấm thân Ngũ uẩn và vượt thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử… Tuy nhiên, một khi đã thông suốt yếu chỉ Phật pháp và biết rõ tâm bệnh của mình, nhưng chúng ta chưa có sự tin tưởng tuyệt đối vào lời đức Phật dạy, cũng như không nỗ lực thiết tha trong việc tự chữa lành tâm bệnh của mình, nghĩa là không có sự tu hành thiết thực, thì chúng ta sẽ không thể nào đạt đến sự giải thoát viên mãn. Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng, giữa “Giác ngộ” và “Giải thoát” luôn có một gạch nối, và gạch nối cực kỳ quan trọng đó chính là sự tu hành có chánh kiến.
Nói về sự tu hành có chánh kiến, thì những điều cốt lõi về phương tiện thiện xảo mà đức Phật hướng đến ba hạng người học Phật là Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát đã được dàn trải trong tam tạng kinh điển. Đây là hệ thống giáo lý hoàn hảo đã đáp ứng nhu cầu giác ngộ giải thoát của hàng Tam thừa học Phật. Để nói rõ hơn vấn đề này, trong tác phẩm “Bản Đồ Tu Phật”, Hòa thượng Thích Thiện Hoa đã tóm gọn con đường tu của các thừa một cách mạch lạc như sau: “Tiểu thừa tức Thanh văn thừa, mục tiêu là chứng được A la hán; Trung thừa tức Duyên giác thừa mục tiêu là chứng quả Độc giác hay Bích chi Phật; Đại thừa tức Bồ tát thừa mục tiêu là chứng quả Bồ tát… Nếu đem phân loại tóm tắt, thì chỉ còn Nhị thừa, tức là Tiểu thừa và Đại thừa; nhưng Tiểu thừa hay Đại thừa, thì mục đích cuối cùng cũng là hướng đến quả Phật. Mọi Phật tử dù khởi hành từ một điểm nào đi nữa, cuối cùng cũng gặp nhau ở một điểm duy nhất là quả vị Phật… Do đó, sau khi loại ra tất cả những sự dị biệt, những màu sắc sai khác, Phật giáo chỉ còn một con đường rộng lớn duy nhất, đó là Phật thừa”.
Theo quan niệm Phật giáo, thì Tam thừa là ba con đường giúp hành giả đạt đến sự giải thoát, chứng được Niết bàn ở các cấp độ khác nhau. Tuy nhiên, theo kinh Diệu Pháp Liên Hoa, hành trình đến sự giải thoát chỉ duy nhất Phật thừa, song do căn cơ chúng sinh khác nhau mà từ Phật thừa, đức Phật tạm phân biệt giảng nói thành ba thừa giáo, ngõ hầu giúp chúng hữu tình đều có thể giác ngộ. Điều này, trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Phẩm “Tựa” Thứ Nhứt, đức Phật dạy: “Phật, vì người cầu đạo Thanh văn, nói pháp Tứ đế thoát khỏi sanh, già, bịnh, chết cứu cánh Niết bàn; vì hàng cầu quả Duyên giác, nói pháp Thập nhị nhơn duyên, vì hàng Bồ tát nói sáu pháp Ba la mật…” và “Các người cầu ba thừa, nếu có chỗ nghi hối, Phật sẽ dứt trừ cho, khiến hết không còn thừa”. Cũng trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Phẩm “Phương Tiện” thứ hai, đức Phật dạy: “Các đức Phật Thế Tôn, chỉ do một sự nhơn duyên lớn mà hiện ra nơi đời… Các đức Phật Thế Tôn vì muốn cho chúng sanh khai tri kiến Phật để đặng thanh tịnh mà hiện ra nơi đời; vì muốn chỉ tri kiến Phật cho chúng sanh mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sanh tỏ ngộ tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sanh chứng vào đạo tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời... Xá Lợi Phất! Đức Như Lai chỉ dùng một Phật thừa mà vì chúng sanh nói pháp, không có các thừa hoặc hai hoặc ba khác”… Tóm tắt nội dung cốt lõi của Phật pháp được đức Phật khai thị trong Phẩm “Phương Tiện” thứ hai của kinh Diệu Pháp Liên Hoa như sau: “Phật dùng sức phương tiện, dạy cho ba thừa giáo, chúng sanh nơi nơi chấp, dắt đó khiến ra khỏi”.
Như lời đức Phật dạy, thì Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ tát thừa, chỉ là phương tiện thiện xảo mà đức Phật đã khéo léo diệu dụng dẫn dắt chúng hữu tình ra khỏi nhà lửa tam giới, nên đó chỉ là “quyền biến” chứ không phải “thật pháp”. Các quả vị của Tam thừa cũng chỉ là “Hóa thành” chứ chưa phải là “Bảo sở”, cho nên rốt sau đức Phật dạy “Vì muốn cho chúng sanh tỏ ngộ tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sanh chứng vào đạo tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời”. Văn kinh này hàm ý, đức Phật chỉ thẳng vào tự tánh của chúng ta và muốn chúng ta “chứng vào đạo tri kiến Phật”, chứ không phải ngộ nhận chấp lấy “Hóa thành” cho là “Bảo sở”. Đức Phật muốn chúng ta chứng vào đạo tri kiến Phật, nghĩa là muốn chúng ta phải thật sự thấy tánh của mình và rốt ráo của việc tu Phật là mỗi chúng ta quyết định phải “Kiến tánh”. Bởi một khi đã kiến tánh, thì chúng ta sẽ không còn chấp tâm, không còn chấp pháp, không còn dính mắc vào sắc thân ngũ uẩn, khi đó chúng ta sẽ hoàn toàn sáng suốt. Khi đó, mỗi mỗi đều liễu liễu thường minh, các pháp hiển hiện trước mắt mỗi mỗi đều như thị.
Trong môi trường tu hành của Phật giáo, chúng ta thường nghe “Kiến tánh thành Phật”, nhưng trên thực tế và từ cổ chí kim, thì sự thật không phải vậy. Bởi kiến tánh thật ra đó chỉ là bước đầu của sự giác ngộ, tức là, dù kiến tánh là đã rõ con người thật của mình, dù khi đó không còn mê lầm trước vạn pháp, nhưng nơi hành giả vẫn còn tập khí nhiều đời, vẫn còn câu sanh nghiệp và gông cùm kiết sử, cho nên kiến tánh chỉ mới là cái “Nhân” ban đầu (chánh nhân) của việc tu hành. Điều này, các bậc cổ đức thường nói “Kiến tánh khởi tu”, tức là người nào đã “Kiến tánh” rồi, thì mới thật sự biết rõ việc tu hành của mình.
Căn cứ lời đức Phật dạy được dàn trải trong hầu hết kinh tạng, điển hình trong Bát Nhã Tâm kinh ghi rõ: “… Thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm; thị cố không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức; vô nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý; vô sắc thanh hương vị xúc pháp, vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới; vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận; vô khổ, tập, diệt, đạo; vô trí diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố. Bồ đề tát đõa y Bát nhã Ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn…”.
Trong đoạn văn kinh trên, liên hệ đến nội dung thể nhập tự tánh, tức nội hàm kiến tánh, thì cụm từ “Vô trí diệc vô đắc, Dĩ vô sở đắc cố” đã nói lên tất cả vấn đề then chốt yếu chỉ thể nhập Tri kiến Phật như đức Phật đã dạy trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Trong đó, “Vô trí” tức là “không có người đắc Pháp (không còn Năng), “Vô Đắc” nghĩa là không có “Đắc” cái gì cả, và “Dĩ vô sở đắc cố” nghĩa là không có chỗ để Đắc (tức không còn Sở). Một khi Năng sở đều vong, thể tánh tịch lặng, tuệ giác sáng soi thấu suốt, thì nơi hành giả nóng lạnh sẽ tự biết, không thể dùng lời nói diễn đạt, cho nên trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Phẩm Phương Tiện thứ hai, đức Phật dạy: “Trí huệ của các đức Phật rất sâu vô lượng, môn trí huệ đó khó hiểu khó vào, tất cả hàng Thanh văn cùng Bích chi Phật đều không biết được… Thôi Xá Lợi Phất! Chẳng cần nói nữa. Vì sao? Vì pháp khó hiểu ít có thứ nhứt mà Phật trọn nên đó, chỉ có Phật cùng Phật mới có thể thấu tột tướng chơn thật của các pháp, nghĩa là các pháp: Tướng như vậy, tánh như vậy, thể như vậy, lực như vậy, tác như vậy, nhơn như vậy, duyên như vậy, quả như vậy, báo như vậy, trước sau rốt ráo như vậy...” và “Pháp đó không chỉ được, vắng bặt tướng nói năng, các loài chúng sanh khác, không có ai hiểu đặng, trừ các chúng Bồ tát, người sức tin bền chắc…”.
Theo lời đức Phật dạy, do đây là pháp khó hiểu, vắng bặt tướng nói năng, không thể chỉ được, chỉ có sức tin bền chắc mới có thể lãnh hội. Đức Phật dạy sức tin bền chắc ở đây chính là khẳng định rằng Phật tại Tâm, ngoài Tâm không có Phật, tức Tâm tức Phật. Tin vào đó để sớm nhận ra chúng ta nhiều đời nhiều kiếp do vọng động chạy theo trần cảnh mà lìa bỏ Phật tâm rồi trở thành gã cùng tử lang thang phiêu dạt trôi lăn khắp sáu nẽo luân hồi. Chính vì vậy, mà chúng ta cần phải nhận thức rõ điều này để mau chóng “Trở về Tự tánh”.
Tuy nhiên, nếu muốn “Trở về Tự tánh”, thì trước mắt chúng ta cần phải “Nhận diện chơn tâm”. Một khi đã “Nhận diện rõ chơn tâm” ắt phải “Thể nhập Tự tánh” và “An trú Vô sanh”. Tiến trình này, hoàn toàn không có một pháp để tu, mà cũng chẳng gì là chẳng tu cả. Thật ra, dùng chữ “Tu” trong trường hợp này, chính là khéo dụng tâm không vọng tưởng để tiêu trừ tập khí và gông cùm kiết sử nhiều đời nhiều kiếp. Thuật ngữ Thiền gọi là thong dong tiêu nghiệp cũ, là nuôi dưỡng Thánh thai, cũng gọi là tùy duyên bảo nhậm. Nói nôm na, đây chính là “Đốn Ngộ” rồi mới “Tiệm Tu”. Nhằm cảnh sách về nội dung này, trong kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, Phẩm thứ tư Nghiệp Cảm Của Chúng Sanh, ghi rất rõ: “Những chúng sanh mà chưa được giải thoát, tánh thức của nó không định, hễ quen làm dữ thời kết thành nghiệp báo dữ, còn quen làm lành thời kết thành quả báo lành. Làm lành cùng làm dữ tùy theo cảnh duyên mà sanh ra, lăn mãi trong năm đường không lúc nào tạm ngừng ngớt, mê lầm chướng nạn trải đến kiếp số nhiều như vi trần”…
Trên tinh thần “đốn ngộ”, dù nói là “Trở về Tự tánh”, nhưng chúng ta nên hiểu ”Trở về” ở đây cốt yếu là đừng đi nữa, nghĩa là đừng động niệm nữa, đừng dong ruỗi hướng ngoại tìm cầu nữa, chứ không phải ngoài sự thấy biết sáng suốt hiện tiền còn có một chỗ để quay về, như trong Pháp Bảo Đàn kinh, Lục Tổ Huệ Năng dạy: “Bồ đề tự tánh xưa nay thanh tịnh, chỉ dùng tâm này, thẳng đó trọn được thành Phật”. Cũng trong Pháp Bảo Đàn kinh, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn dạy Đại sư Thần Tú: “Vô thượng Bồ đề phải ngay nơi lời nói mà biết bản tâm mình, thấy được bản tánh mình chẳng sanh chẳng diệt, đối trong tất cả thời mỗi niệm mỗi niệm tự thấy, muôn pháp đều không kẹt, một chân tất cả đều chân, muôn cảnh tự như như, tâm như như đó tức là chân thật, nếu thấy được như thế tức là tự tánh Vô thượng Bồ đề”… Đồng thời “Trở về” chẳng phải là hướng vào trong để tìm tâm, cũng chẳng phải để nương theo một pháp nào đó tu hành như phương cách của hàng Tam thừa học Phật. “Tự tánh” nơi mỗi chúng ta vốn tự thanh tịnh, vốn không sanh diệt, vốn tự đầy đủ, vốn không dao động và hay sanh muôn pháp, thật đúng như lời Lục Tổ Huệ Năng cảm thán sau khi được Ngũ Tổ khai thị kinh Kim Cang, đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, thì ngài triệt ngộ nhận thấy tất cả muôn pháp chẳng lìa tự tánh.
Ngoại trừ bậc thượng căn có chủng tử Bát nhã sâu dày dưới một cơ một cảnh liền thừa đương, thì việc trực nhận chân tâm không phải từ nơi thông minh của tâm ý thức nhận thấy, không phải sự bén nhạy của nghiệp tánh lanh lợi thể hội, không thể tính thời gian, vì có thể là một đời, hai đời, thậm chí nhiều đời, nhưng cũng có thể chỉ là trong khoảnh khắc. Nội hàm này chư Tổ thường nói: “Một niệm nghĩ suy mây bay ngàn dặm”, nên hành giả phải vạn duyên buông bỏ, một niệm bất sanh, tức không sanh tâm động niệm1. Thường hằng tôn trọng tánh linh, trịnh trọng chuyên chú thuần nhất không tạp đến khi bặt ý thức chết phan duyên, thì mới có phần tương ưng. Khi nhân duyên chín muồi hoát nhiên khế hội, thì kết quả cũng chỉ một câu thường tình là “nóng lạnh tự biết”. Nếu không như vậy, hành giả rất dễ nhận lầm tâm ý thức là chân tánh, nhận bóng dáng của mình là “chủ nhân ông” rồi tự cho mình có sở đắc, sanh tâm cống cao ngã mạn liền rơi vào cảnh giới của Ngũ ấm ma trong khi bản thân mình thì đang “nhận giặc làm con”. Điều này người học Phật chúng ta cần phải hết sức cẩn trọng…
[1] Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, Phẩm thứ bảy Lợi Ích Cả Kẻ Còn Người Mất, mục Khuyên Tu Thánh Đạo ghi: “Bạch Đức Thế Tôn! Con xem xét chúng sanh trong cõi Diêm Phù sanh tâm động niệm không chi là chẳng phải tội”...
Bình luận bài viết