NHỮNG ĐIỀU THÚ VỊ VỀ “ÔNG BA MƯƠI”
TRẦN THÁI HỌC
(tổng hợp nhiều nguồn)
Hổ Đông Dương
1.Hổ có nhiều tên gọi, trong đó có tên dân gian tại Việt Nam là “Ông ba mươi”. Hổ là loài mèo lớn nhất trên Trái đất.
2.Thế giới có 9 phân loài hổ. Đó là hổ Java, hổ Bali, hổ Đông Dương (hổ Corbett), hổ Caspi (hổ Ba Tư), hổ Sumatra, hổ Bengal, hổ Siberia (hổ Amur), hổ Hoa Nam (hổ Hạ Môn), hổ Mã Lai. Hổ Hoa Nam được coi là tổ tiên của loài hổ, riêng châu Phi không hề có hổ. Thế nhưng ba phân loài đã tuyệt chủng. Hổ Bali không còn có trong thiên nhiên từ những năm 1940, hổ Caspi và hổ Java “biệt tăm” vào những năm 1970.
3.Hiện nay, nguy cơ tuyệt chủng của hổ thuộc loại cao nhất trong muôn loài. Hổ Hoa Nam chỉ còn khoảng 60 con trong các vườn thú và khoảng 20 con trong thiên nhiên (và đã hai thập kỷ qua, chưa ai trông thấy con nào).
4.Một con hổ nuôi có thể sống đến 20 năm, trong khi sống trong tự do chỉ thọ từ 10 đến 15 năm.
5.Do tuyết lạnh, hổ Siberia lông rất dày và to lớn nhất. Chúng dài trung bình 2,75m và nặng chừng 245kg. Tiếp đó là hổ Bengal, dài 2,7m và nặng 218kg. Hổ Sumatra nhỏ nhất, chỉ dài 2,4m và nặng 113kg. Nặng kỷ lục là một bác hổ Siberia, những 465kg.
6.Về dân số thì hổ Bengal đông nhất, khoảng 3.000 con. Và ít nhất là hổ Hoa Nam, khoảng 60 con.
7.Nước bọt hổ là chất sát trùng rất mạnh, được chúng dùng làm sạch và chữa vết thương.
8.Hổ sống đơn độc, theo kiểu “Rừng nào cọp nấy” trên một lãnh địa riêng. Trung bình một con hổ cần 160km2 để sống. Chúng đánh dấu lãnh thổ của mình bằng cách tưới nước tiểu lên gốc cây rất khai hoặc cào mạnh lên thân cây. Mùi nước tiểu đánh dấu lãnh thổ là một “mật mã” mà chỉ những con hổ khác mới hiểu được. Nó thông báo “không cho phép vượt qua” hoặc “cho phép” khi muốn tìm vợ (hoặc chồng) trong mùa giao phối. Lãnh địa của hổ đực bao trùm lên lãnh địa của nhiều con hổ cái.
9.Hoa văn vằn vện trên thân mỗi con hổ một khác, như dấu vân tay của người vậy. Nếu cạo lông hổ đi thì khi mọc lại, bộ trang phục vẫn y như cũ.
10.Trong các giác quan, tai hổ thính nhất. Mắt hổ vào ban đêm tinh hơn mắt người đến 6 lần. Nanh hổ dài 8-9cm, hàm hổ khỏe, có thể ngoạm sâu và làm gãy xương sống bất cứ con mồi nào. Vuốt hổ sắc, gân chân hổ rất dai và bền (để giữ mồi và làm nó vẫn đứng vững khi đã bị bắn chết). Đuôi hổ dài bằng nửa thân, giữ thăng bằng khi nó lao vào con mồi (cũng như để thông tin cho đồng loại).
11.Hổ săn mồi chẳng khéo lắm đâu. 20 lần đuổi theo con mồi, may ra mới 1 lần thu được chiến lợi phẩm. Chúng khoái nhất là thịt lợn, hươu nai, trâu bò, sau mới đến thỏ và cá. Để no nê, một bữa phải 27,2kg thịt. Khi ăn thừa, hổ giấu hoặc chôn vùi nơi nào đó để dành cho bữa sau. Nhưng cũng có thể nhịn cả tuần liền. Chỉ hổ Ấn Độ là thích ăn thịt người. Mỗi năm ở đây có chừng 50 người bị hổ ăn thịt.
12.Hổ thường ngủ 18 tiếng mỗi ngày, thích bơi lội và đắm mình trong dòng nước mát.
13.Hổ cái mang thai 102-106 ngày và thường sinh 2-3 con, nhưng tỷ lệ tử vong rất cao. Tỷ lệ đực/cái là 1/1, hổ con mới đẻ chưa mở mắt và lớn rất nhanh, tăng khoảng 100g/ngày. 12-13 tuần bắt đầu biết rượt đuổi và vật lộn nhau để học cách săn mồi. Nhưng vẫn bám đuôi mẹ khi đã 2, 3 tuổi, để được mẹ bảo vệ, nếu không có thể bị các hổ đực khác ăn thịt. Khi 3 tuổi, hổ bắt đầu trưởng thành. Một gã hổ đực có thể "yêu" 6 lần trong một giờ. Có lẽ đó là lý do để Đông y coi sản phẩm từ hổ là thuốc bổ dương chăng?
14.Ngày quốc tế về bảo tồn hổ hay còn gọi là Ngày quốc tế hổ, là ngày 29/7 hàng năm (bắt đầu từ năm 2010).
15.Trong Đông y, các bộ phận của hổ được dùng làm ra các thứ thuốc quý dựa trên những lời đồn đại đã trên 1.000 năm nay, nhưng chẳng có dẫn chứng khoa học nào chứng minh cho những điều đó. Nanh và vuốt hổ dùng làm đồ trang sức hoặc trừ tà.
16.Xưa nay, hổ đều bị tiêu diệt một cách tàn nhẫn. Từ đầu thế kỷ XX đến nay, ít nhất 100.000 con hổ đã bị bắn hạ.
17.Từ năm 1959, hầu như ở những nước có hổ sinh sống đều có đạo luật bảo vệ hổ, phạt nặng việc buôn bán hổ để thỏa mãn đòi hỏi của “thị trường hổ”. Từ năm 1960 đến 1984, tại Hoa Nam, người ta đã tịch thu 3.000 bộ da hổ. Hổ Bengal trung bình mỗi ngày bị giết một con.
18.Thế nhưng nạn săn bắt trộm vẫn diễn ra. Những nước tiêu thụ các bộ phận cơ thể hổ chủ yếu là Trung Quốc (và Đài Loan), Hàn Quốc, Nhật Bản. Còn thuốc và sản phẩm Đông y từ hổ có thể mua tại khắp nơi trên thế giới kể cả Anh, Mỹ, Tây Âu, Australia… Một nhà máy rượu ở Đài Loan mỗi năm nhập khoảng 2.000kg xương hổ, tương đương 100 đến 200 con hổ bị giết hại và sản xuất ra 100.000 sản phẩm rượu ngâm cao hổ cốt..
19.Hổ trong các sở thú trên thế giới hiện nhiều hơn hổ trong thiên nhiên hoang dã. Riêng tại nước Mỹ, số hổ nuôi nhiều gấp đôi số hổ sống tự do trong rừng hiện nay. Ngoài số hổ nuôi công khai, nhiều nước châu Á còn nuôi hổ bất hợp pháp vì mục đích thương mại.
20.Hổ đóng vai trò văn hóa tâm linh sâu sắc ở nhiều quốc gia châu Á nên dân có tục thờ hổ ở miếu, chùa, đình. Hổ xám (hùm xám) được xem là loài hổ dũng mãnh nhất đi vào huyền thoại.
Bình luận bài viết