Thông tin

NHỮNG ĐÓNG GÓP CHO PHẬT SỰ CỦA

NI TRƯỞNG THÍCH ĐÀM SOẠN

 

NGUYỄN ĐẠI ĐỒNG

 

Chùa Thanh Nhàn (Linh Sơn Tự), nơi sư Đàm Soạn trụ trì

 

Vào nửa đầu thế kỷ XX, Phật giáo xứ Bắc xuất hiện một danh ni suốt đời vì sự nghiệp đào tạo Ni tài, đó là Ni trưởng Thích Đàm Soạn.

Bà tên đời là Trịnh Thị Soạn, sinh năm 18861, quê ở làng cổ Cự Đà - tên gọi của một trong ba thôn Khúc Thủy, Khe Tang, Cự Đà, thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông nay thuộc Hà Nội. Bà là người con duy nhất trong một gia đình họ Trịnh khá giả theo Nho học, thân phụ là cụ Trịnh Văn Trình, thân mẫu là cụ Đinh Thị Nhung.

Đang tuổi thiếu niên, song thân của Trịnh Soạn bệnh duyên rồi lần lượt qua đời, người chú ruột thương cháu đón về nuôi, tiếp tục cho đi học.

Năm 1903, một lần, theo bà thím có việc ở chùa Đống Đồ, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, tỉnh Sơn Tây nay thuộc Hà Nội, Trịnh Thị Soạn đã cảm thấy quyến luyến ngôi chùa xinh xắn rợp bóng mát cây xanh và sư thầy trụ trì hiền dịu.

Về nhà, cô Soạn xin phép vợ chồng người chú cho mình xuất gia đầu Phật, thế phát quy y với sư cụ chùa Đống Đồ2 là Tổ Đàm Kiên.

Hơn một năm sau, thấy tiểu Soạn ngày đêm chấp tác phụng sự bổn sư mà vẫn say mê đọc kinh sách tìm hiểu những điều thâm thúy cao siêu của Phật pháp, Tổ Đống Đồ gửi tiểu Soạn đến chùa Trung Hậu ở xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, tỉnh Phúc Yên (nay thuộc Hà Nội) theo học Hòa thượng Thích Trừng Thanh (Tổ Trung Hậu 1861-1940)3.

Năm tháng qua đi, tiểu Soạn tu học ngày một tinh tiến, lần lượt thụ Sa di Ni giới (1904) và Tỷ khiêu Ni giới (1907) được Tổ Trung Hậu ban pháp danh Thích Đàm Soạn. Từ đây, sư được dự vào hàng cập đệ, hội đủ duyên lành, noi theo dấu chân của Tôn giả Kiều Đàm Di, nghiêm trì Bát kỉnh pháp, giữ gìn oai nghi tế hạnh trong sự nghiệp hoằng pháp.

Sau một thời gian ở lại phục vụ thầy tổ, sư xin phép nghiệp sư cho mình đi tham vấn du học ở các tổ đình nổi tiếng ở miền Bắc lúc bấy giờ như chốn tổ Tam Huyền (Sùng Phúc tự) với Tổ Thích Đàm Quang, chùa Bình Vọng huyện Thường Tín với Hòa thượng Phan Trung Thứ, chùa Hoàng Mai (Nga Mi thiền tự), chùa Hai Bà Trưng (Viên Minh tự)…

Nhờ nỗ lực ham học và tự học, sư đã tinh thông Tam tạng kinh điển và chữ Hán, biết tiếng Pháp, sư nhận lời về trụ trì chùa Thanh Nhàn (Linh Sơn tự)4 kiêm trụ trì chùa Từ Hàng5, quận Hai Bà Trưng. Tại đây, sư bắt đầu đăng đàn thuyết pháp thu nhận đệ tử. Với tầm nhìn xa, sư cử đệ tử của mình vào Huế, Sài Gòn-Gia Định làm Phật sự.

Năm 1927, sư là vị ni đầu tiên được mời vào hoàng cung (Huế) dạy đạo cho hoàng hậu, phi tần, các nữ quan triều Nguyễn. Năm 1929, sư tham dự vào việc xem đất để xây cất chùa Diệu Viên - Ni tự đầu tiên ở Huế. Ni sư Hương Đạo sau này là Viện chủ chùa Diệu Viên, là đệ tử lớn của Ni trưởng6.

Sau đó, sư thường hay vào Huế mỗi năm 3 tháng để làm Phật sự7.

Năm 1930, sư về trụ trì chùa Cự Đà (Linh Minh tự)8, thôn Cự Đà nơi quê cha đất tổ ở xã Cự Khê, huyện Thanh Oai. Sư đã cùng bà con địa phương trùng tu ngôi cổ tự, hướng chùa từ tu Đại Đạo sang tu thiền Lâm Tế9. Cũng tại đây, sư đã nhận nuôi các đệ tử Đàm Lựu, Đàm Tiết, Đàm Đức…10

Ngày 9 tháng 9 năm 1949 (tức 27 tháng 7 năm Canh Dần, Thượng tọa Tố Liên chiêu tập 146 vị tăng ni họp tại chùa Quán Sứ, Hà Nội để cải tổ Hội Tăng ni Chỉnh lý Bắc Việt thành Hội Tăng già Bắc Việt. Sư Đàm Soạn được bầu làm Ủy viên Tài chính Hội đồng Tổng Trị sự.

Bấy giờ Hội đã mở trường Tăng học Khuông Việt tại chùa Quán Sứ dạy theo chương trình thế học, mỗi tuần lại có dạy mấy tiết về Phật học, rất đông trẻ theo học, giải quyết phần nào tình trạng thất học của các trẻ nữ. Thấy kết quả tốt, được nhân dân hưởng ứng, ủng hộ, Hòa thượng Tuệ Tạng-Thích Tâm Thi cùng các Thượng tọa Tố Liên, Thượng tọa Trí Hải quyết định mở thêm trường Ni học ở chùa Vân Hồ (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Trường cũng mang tên là trường Ni học Khuông Việt có 50 học sinh do Tổ Trịnh Xá (Nguyên Doanh) là luật sư bạn học Tổ Tuệ Tạng làm Đốc giáo, Ni sư Đàm Soạn làm Duy Na quản chúng và Tổ Phùng Khoang (thày dạy sư bà Hải Triều Âm) làm Phó Đốc giáo. Giáo thụ là Hòa thượng Tuệ Tạng, Thượng tọa Trí Hải, Thượng tọa Tổ Liên, Thượng tọa Tâm Nguyệt…Sau, Ni sư Đàm Soạn mời Ni sư Đàm Đậu - Phó Ủy viên Giáo dục Ni học Giáo hội Tăng già Bắc Việt thay thế để bà chuyên lo việc giảng dạy và làm Phật sự.

Năm 1950, dân làng Phương Viên, quận Hai Bà Trưng lên chùa Quán Sứ bạch Thượng tọa Tổ Liên Chủ tịch Hội đồng Tổng Trị sự Hội Tăng già Bắc Việt thỉnh một vị sư về làm trụ trì chùa Đức Viên. Ngài Tố Liên đã cử Ni sư Đàm Soạn từ chùa Từ Hàng sang trụ trì chùa Đức Viên (Hồng Đức tự) ở số 4 phố Trần Xuân Soạn. Thấy cảnh chùa hoang phế, Ni sư đã dốc hết tài sản của mình để tôn tạo chùa cảnh và làm mới nhà Tổ. Công việc hoàn mãn, Ni sư tiếp tục khai tràng thuyết pháp thu nhận học Ni, bà và Ni trưởng Đàm Tâm ở chùa Đồng Thiện làm thầy Giáo thụ.

Năm 1951, Ni sư là Giới sư bên Ni tại giới đàn tổ chức ở chùa Quảng Bá, quận Tây Hồ, Hà Nội. Trong hàng Giới sư tăng lúc bấy giờ có Hòa thượng Thích Mật Ứng, Tổ Tuệ Tạng, các Thượng tọa Phạm Đức Nhuận, Thượng tọa Tố Liên, Thượng tọa Trí Hải v.v… Bên Ni có Tổ Trịnh Xá, sư cụ chùa La Hán, sư cụ Đàm Soạn v.v… Thấy sức học và chí tu của đệ tử mình khá vững chãi Ni sư Đàm Soạn đã hướng dẫn sư Đàm Lựu đi đảnh lễ quý Tổ xin quý ngài Yết Ma cho thêm tuổi để được thụ đại giới vì bấy giờ đệ tử của Ni sư là Thích Đàm Lựu mới 19 tuổi. Sau khi đắc giới, sư Đàm Lựu được Ni sư Đàm Soạn cho hầu cận làm thị giả.

Đầu năm 1952, Ni sư Đàm Soạn được Hội Phụ nữ Phật tử Dược Sư thỉnh vào Nam thăm viếng chùa Dược Sư ở quận Gò Vấp. Chùa Dược Sư buổi đầu được xem là nơi cư trú của chư ni miền Bắc tản cư vào Nam. Tiếp nhận xong chùa Dược Sư, bà đã đi thỉnh chư tôn đức tăng ni tại địa phương góp công của đưa chùa này thành một Ni trường lớn, đào tạo Ni tài ở Sài Gòn, Ni sư ở lại đây an cư 3 tháng, sau đó ra Hà Nội an cư tại chùa Đức Viên.

Năm 1954, hòa bình được lập lại, đất nước chia hai miền, mặc dầu được các đệ tử ở Sài Gòn mời vào Nam, Ni sư vẫn quyết tâm ở lại Hà Nội, cùng các bậc trưởng thượng như Tổ Cồn, Thượng tọa Trí Hải, Thượng tọa Tố Liên… để giữ gìn mạng mạch Phật giáo ở miền Bắc.

Năm 1963, Ni trưởng lên làm Phật sự tại chùa Bổ Đà (Tứ Ân tự), xã Tiên Phong, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Năm 1965, Ni trưởng bệnh duyên, phải đưa về chùa Đức Viên, Hà Nội dưỡng bệnh.

Năm Mậu Thân (1968), Ni trưởng viên tịch tại chùa Đức Viên, thọ 83 tuổi.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, Nxb Văn học, 1994.

2. Tỷ khiêu Ni Thích Như Nguyệt, Hành trạng chư Ni Việt Nam, Nxb Tôn giáo, 2007.

3. Nguyễn Đại Đồng, Những người con gái tiêu biểu của đức Phật, Nxb Tôn giáo, 2013.

4. Thích Nguyên Toàn, Hành trạng chư ni miền Bắc từ cuối thế kỷ XIX đến nay, Nxb Tôn giáo, 2015.

5. Lời kể của TT.TS Thích Tiến Đạt, trụ trì chùa Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội, ngày 12 tháng 7 năm 2019.

6. Thích Đồng Bổn (chủ biên), Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập 1, Nxb Tôn giáo, 2017.


Chú thích:

1. Các bài viết về Ni trưởng Đàm Soạn như: Việt Nam Phật giao sử luận tập 3 của Nguyễn Lang, Nxb Văn học, 1994; sách Hành trạng chư Ni Việt Nam của Tỷ khiêu ni Thích Như Nguyệt, Nxb Tôn giáo, 2007 đều không xác định được năm sinh của Ni trưởng Đàm Soạn. Năm 2011, sách Những người con gái tiêu biểu của đức Phật, tác giả Nguyễn Đại Đồng đã xác định năm sinh của Ni trưởng là năm 1886.

2. Theo Thượng tọa Tiến sĩ Thích Tiến Đạt ở chùa Đại Từ Ân, huyện Đan Phượng, Hà Nội, chùa Đống Đồ đã bị tiêu hủy trong kháng chiến chống Pháp.

3. Thích Nguyên Toàn, trong sách Hành trạng chư Ni miền Bắc, Nxb Tôn giáo, cho rằng sư Đàm Soạn theo học Hòa thượng Thanh Khoát trụ trì chùa Tây Thiên thuộc sơn môn Trung Hậu. Chúng tôi tra thời điểm Ni trưởng theo học và thụ Đại giới tại Tổ đình Trung Hậu năm 1905-1906 thì lúc đó Hòa thượng Thanh Ất (tức thiền sư Trừng Thanh - Tổ Trung Hậu) đang trụ trì chùa này. Hòa thượng Thanh Khoát là đệ tử Tổ Trung Hậu.

4. Chùa Thanh Nhàn tọa lạc ở ngõ số 331 đường Trần Khát Chân, được dựng từ năm 1721, là di tích Kiến trúc-nghệ thuật cấp thành phố năm 2003 và được gắn biển Di tích Lịch sử cách mạng vì chùa là nơi nuôi giấu cán bộ hoạt động nằm vùng, nơi in ấn tài liệu của Đảng. (Theo Lịch sử Đảng bộ phường Thanh Nhàn 2004).

5. Chùa Từ Hàng không còn khi người Pháp quy hoạch thành phố Hà Nội.

6. Chùa Diệu Viên không còn khi mở rộng Huế.

7. Tỷ khiêu ni Thích Như Nguyệt, Hành Trạng chư Ni Việt Nam, Nxb Tôn giáo, 2007, tr. 37.

8. Chùa Cự Đà dựng từ thế kỷ XVIII, là Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp quốc gia.

9. Đại đạo-Tam giáo: Tu làm đạo sĩ, thầy cúng, pháp sư mang tính chất Đạo giáo.

10. Đặc biệt có sư Đàm Lựu năm 1935 mới 2 tuổi gia đình đã cúng cho Ni trưởng Đàm Soạn nuôi. Năm 1945 sư thấy tiểu Lựu là một người nhỏ tuổi nhưng chí nguyện cao vời, tâm nguyện bao la nên được truyền giới Sa Di ni lúc mới 16 tuổi; 19 tuổi được thụ đại giới và năm 1952 được Nghiệp sư cho theo vào Sài Gòn ở chùa Dược Sư. Sau này trở thành một Ni trưởng nổi tiếng. (Tỷ khiêu ni Thích Như Nguyệt, Hành trạng chư Ni Việt Nam, Nxb Tôn giáo, 2007, tr56-58)

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 38
    • Số lượt truy cập : 6951828