Thông tin

NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA THIỀN PHÁI LÂM TẾ CHÚC THÁNH

CHO PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẠI BÌNH DƯƠNG

 

NGUYỄN BÁ HOÀN

 


 

Khoảng giữa thế kỷ thứ 17, là giai đoạn chuyển tiếp giữa hai triều đại Minh - Thanh, xã hội Trung Hoa xảy ra nhiều biến cố, trong cuộc loạn lạc dẫn tới việc nhiều bậc cao Tăng di cư sang Việt Nam và chọn phương Nam làm nơi tu hành, hoằng hóa. Thời kỳ này, các thiền sư Trung Hoa đã đến Đàng Trong như thiền sư Viên Cảnh và Viên Khoan (Quảng Trị), thiền sư Giác Phong khai sơn chùa Thiên Thọ (Thuận Hóa), thiền sư Từ Lâm khai sơn chùa Từ Lâm (Thuận Hóa), thiền sư Minh Hoằng Tử Dung khai sơn chùa Ấn Tôn (Thuận Hóa), thiền sư Minh Hải Pháp Bảo khai sơn chùa Chúc Thánh (Quảng Nam), thiền sư quốc sư Hưng Liên Quả Hoằng trụ trì chùa Tam Thai (Quảng Nam), thiền sư Pháp Hóa khai sơn chùa Thiên Ấn (Quảng Ngãi), thiền sư Tế Viên khai sơn chùa Hội Tông (Phú Yên), thiền sư Siêu Bạch Nguyên Thiều khai sơn chùa Thập Tháp - Di Ðà (Bình Ðịnh), thiền sư Thạch Liêm Đại Sán khai sơn chùa Thiền Lâm (Thuận Hóa), thiền sư Minh Dung Pháp Thông, thiền sư Minh Vật Nhất Trí, thiền sư Minh Lượng Thành Đẳng… Theo lịch sử Phật giáo, ngoại trừ thiền sư Thạch Liêm, thiền sư Hưng Liên và thiền sư Giác Phong thuộc dòng thiền Tào Ðộng, còn lại tất cả các vị thiền sư nêu trên đều thuộc dòng thiền Lâm Tế.

Sau khi đến Việt Nam, các vị thiền sư dòng thiền Lâm Tế đã đặt nền móng cho sự phát triển của Phật giáo Đàng Trong, trong đó có sự đóng góp đáng kể của thiền sư Minh Hải Pháp Bảo, đặc biệt, thiền sư Minh Hải Pháp Bảo đã xuất biệt kệ truyền thừa, hình thành và phát triển thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh trong suốt dòng chảy lịch sử tại miền Trung và các tỉnh thành Nam Bộ. Thiền sư Minh Hải Pháp Bảo được tôn vinh là bậc Tổ sư khai sáng của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh và là Tổ khai sơn Tổ đình Chúc Thánh ở Hội An (Quảng Nam).

Nhằm tri ân công đức sâu dày của một bậc Tổ sư, đồng thời nhận chân vai trò, giá trị lịch sử của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh trong quá trình đóng góp cho sự phát triển của Phật giáo Đàng Trong và Phật giáo cả nước nói chung, hôm nay Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam kết hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo và Ban Điều hành thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tổ chức Hội thảo khoa học “Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh: Lịch sử hình thành và phát triển”, trước mục đích tri ân nguồn cội, với ý nghĩa nhân văn sâu sắc này, tôi nhiệt liệt hưởng ứng và mạo muội đóng góp cùng Hội thảo bài tham luận: “Những đóng góp của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh cho Phật giáo Việt Nam tại tỉnh Bình Dương”.

1. Những đóng góp của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh cho Phật giáo Việt Nam tại tỉnh Bình Dương

Xuất phát từ nhị vị thiền sư Gia Tiền và Gia Linh tại chùa Thiên Tôn, dòng của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đã có mặt sớm nhất tại Bình Dương từ đó các thế hệ kế thừa từ Tổ đình Thiên Tôn đã khai sơn ra các chùa Tây Tạng, chùa Thiên Chơn, chùa Phước Thạnh, chùa Bình Long, nhất là sự xuất hiện của thiền sư Toàn Tánh Chánh Đắc ở chùa Hội Khánh, đã khiến cho thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh phát triển mạnh mẽ rộng khắp tại tỉnh Bình Dương.

1.1 Đóng góp của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại chùa Thiên Tôn

Khoảng năm 1773, hai vị thiền sư Gia Tiền và Gia Linh thế hệ thứ 37 thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, đến vùng An Thạnh (Thuận An) truyền đạo và xây dựng chùa Thiên Tôn, lúc đó, vua Gia Long chạy trốn quân Tây Sơn đã trú ẩn nơi này và được hai vị thiền sư che chở, nên khi lên ngôi vào năm 1802, vua Gia Long đã sắc phong là “Sắc Tứ Thiên Tôn Tự”, từ đó chùa Thiên Tôn trở nên quan trọng trong việc sinh hoạt Phật giáo tại địa phương.

Vào năm Quý Dậu (1933), thiền sư Từ Phong và Từ Lương tổ chức đại giới đàn Chúc Thọ tại chùa Thiên Tôn được nhiều danh tăng đương thời đến chứng minh, như Hòa thượng Thiện Tòng chùa Trường Thạnh làm pháp sư; Hòa thượng Thạnh Đạo chùa Giác Lâm, Hòa thượng Quảng Chơn chùa Long Thạnh làm chứng minh; Hòa thượng Thanh Tịnh chùa Sắc Tứ Long Huê làm Chứng đàn; Hòa thượng Hoằng Tiên chùa Sùng Phước làm Tuyên Luật Sư và nhiều vị cao Tăng khác ở Sài Gòn - Gia Định đến tham dự. Đại giới đàn này, do Hòa thượng Từ Phong làm Đàn đầu, Hòa thượng Thiện Hương trụ trì Tổ đình chùa Hội Khánh làm Yết ma A xà lê, phải nói đây là một đại giới đàn được tổ chức lớn nhứt thời bấy giờ ở tỉnh Thủ Dầu Một quy tụ hàng trăm giới tử về thọ giới.

Vào năm 1885, với đức độ của thiền sư Chương Phụng Phước Lịch, nên Hòa thượng thiền sư Ấn Long Thiện Quới trụ trì chùa Hội Khánh cung thỉnh vào hàng chứng minh để khắc bộ mộc bản in kinh tại chùa Hội Khánh. Vào năm 1888, ngài Chương Phụng Phước Lịch còn đứng ra đúc một đại hồng chung để làm pháp khí cho chùa Thiên Tôn1. Đến đời thiền sư Ấn Nhâm Từ Lương làm trụ trì, ngài đã cho trùng tu xây dựng lại chùa Thiên Tôn khang trang và xiển dương Phật pháp rất thịnh hành, ngài cùng thiền sư Ngộ Định Từ Phong khai mở đại giới đàn Chúc Thọ vào tháng 8 năm 1933, thiền sư Ấn Nhâm Từ Lương nổi tiếng khoa “Ứng phú đạo tràng” của vùng miền Đông Nam Bộ.

Vào năm 1945, lúc đó thiền sư Chơn Tân Thiện Khoa làm trụ trì, quân Pháp thấy nơi đây có đồi cao thuận lợi cho việc tiến quân, nên định chiếm cứ nơi đây làm đồn bót. Biết được ý đồ đó, ngài theo lệnh tiêu thổ kháng chiến đã thiêu hủy toàn bộ ngôi chùa2 sau khi đốt chùa, ngài cùng Tăng chúng phải về chùa Phước Tường (An Thạnh) và chùa Bửu Nghiêm (Thủ Dầu Một) trú ngụ. Hòa thượng thiền sư Chơn Tân Thiện Khoa là vị cao tăng có uy tín trong vùng nên vào năm 1953, ngài được suy cử làm Tăng phó Giáo hội Lục Hòa Tăng tỉnh Thủ Dầu Một. Đến năm 1955, Hòa thượng đứng ra tổ chức xây dựng lại chùa và lễ khánh thành được tổ chức trọng thể trong hai ngày 14 và 15 tháng 02 năm Bính Thân (1956). Vào ngày 11 tháng 10 năm Giáp Thìn (1964), ngài viên tịch, đệ tử lập tháp thờ trong khuôn viên chùa. Tiếp đến vào năm Mậu Thân (1968), chùa lại xảy ra một biến cố đau thương nữa, đó là lính Mỹ thấy nơi đây thuận lợi cho việc trấn thủ, nên chúng quyết định buộc chùa phải nhường phần đất trong khuôn viên chùa cho quân đội Mỹ và lính địa phương xây dựng đồn canh để kiểm soát tình hình trong khu vực. Trong giai đoạn này, thầy Như Khiêm Bửu Thanh được tăng chúng cử làm trụ trì, ngài là một trong những vị ứng phú sư nổi tiếng ở vùng Thủ Dầu Một lúc bấy giờ.

Trong sự đóng góp của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại chùa Thiên Tôn ở Bình Dương, đã sản sinh ra thế hệ kế thừa tài năng xuất chúng, trong đó có thể kể đến thiền sư Chơn Phổ - Nhẫn Tế (hiệu Minh Tịnh) với hành trạng nổi bật là chuyến đi Ấn Độ tham cứu giáo lý vào năm 1935, và sang Tây Tạng học về Kim Cang thừa Mật giáo với Đức Lạt ma Quốc vương vào năm 1936, được Lama Quốc vương ấn chứng sở đắc thiền quán, truyền tâm pháp Kim Cang thừa và ban cho pháp danh là Thubten Osall Lama. Trong công tác Phật sự, ngài xây dựng lại chùa Thiên Chơn ở làng An Thạnh và đổi tên chùa Bửu Hương, vốn thuộc giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương, thành Tây Tạng tự.

 


Thiền sư Chơn Phổ - Nhẫn Tế

 

Về đóng góp cho dân tộc, năm Ất Dậu (1945), hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, thiền sư Minh Tịnh tham gia tổ chức Phật giáo cứu quốc tại địa phương và được đề cử làm Chủ tịch Hội Phật giáo cứu quốc Thủ Dầu Một. Tháng 6 năm Bính Tuất (1946), ngài là thành viên Mặt trận Việt Minh tỉnh Thủ Dầu Một tại khu Thuận An Hòa, ngài đã đóng góp nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam. Lúc bấy giờ thâm tâm ngài rất muốn xây dựng lại chùa Tây Tạng, nhưng với tấm lòng yêu nước và ủng hộ kháng chiến, ngài từng nói: “Khi còn chiến tranh thì một viên ngói, một viên gạch cũng không được sử dụng xây chùa”... Trong cuộc đời tu học và hoằng đạo, ngài hóa độ rất nhiều đồ chúng xuất gia và tại gia, đệ tử truyền thừa của ngài là Hòa thượng Như Trạm - Tịch Chiếu, ngài có hai tác phẩm lưu lại hậu thế đó là Lăng Nghiêm tông thông (1997) và Nhật ký tham bái Ấn Độ, Tây Tạng (1999).

Trên đây là vài điển hình về sự đóng góp cho đạo pháp và xã hội của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại chùa Thiên Tôn

1.2 Đóng góp của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại chùa Hội Khánh

Năm 1815, thiền sư Chánh Đắc Toàn Tánh thuộc thế hệ thứ 37 thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh là đệ tử của thiền sư Pháp Nhân Thiên Trường (trụ trì chùa Tập Phước ở Gia Định) đến lưu trú và trụ trì chùa Hội Khánh, kể từ đây thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh chính thức hình thành tại Tổ đình chùa Hội Khánh. Năm 1861, quân Pháp đánh chiếm Thủ Dầu Một, chùa Hội Khánh bị quân Pháp đốt cháy, đến năm 1868, thiền sư Toàn Tánh Chánh Đắc mới cho xây dựng lại chùa Hội Khánh trên một nền đất mới ven chân đồi và tọa lạc từ đó cho đến ngày nay. Ngài có các đệ tử truyền thừa theo biệt kệ của thiên phái Lâm Tế Chúc Thánh như Hòa thượng Chương Nhân (chùa Hội Sơn), Hòa thượng Chương Lịch (chùa Bửu Nghiêm), Hòa thượng Chương Đắc (chùa Hội Khánh), có thể nói rằng, thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh phát triển khá sớm ở Bình Dương là xuất phát từ thiền sư Toàn Tánh Chánh Đắc và bắt nguồn từ Tổ đình chùa Hội Khánh. Đến đời thiền sư Chương Đắc Trí Tập làm trụ trì chùa Hội Khánh, ngài đã cho đúc một đại hồng chung vào năm 1883 (Quý Mùi) do một bổn đạo tên Dương Văn Lúa ở hạt Phước Tuy, tổng An Phú Thượng, thôn Long Điền hiến cúng cho chùa3. Đây là một trong các đại hồng chung được đúc khá sớm ở Thủ Dầu Một. Đặc biệt, thiền sư Ấn Long Thiện Quới thuộc đời thứ 39 thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh rất uyên thâm kinh luật, trong thời gian trụ trì chùa Hội Khánh, ngài đứng ra triệu tập chư sơn thiền đức chứng minh cho ngài phát tâm khắc bộ Kinh Tam Bảo để in ấn phát hành cho những ngôi chùa lân cận hoặc xa hơn4. Đây là bộ kinh ra đời sớm nhất được in tại chùa Hội Khánh. Bộ Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Tri Âm, gọi tắt là Pháp Hoa Tri Âm, gồm 7 tập, bằng chữ Hán, do Tam Trạng pháp sư Cưu Ma La Thập dịch. Khi được đưa vào Đàng Trong, bộ kinh đã được in ấn lại, vì ngoài việc ghi tên người dịch sang chữ Hán là Cưu Ma La Thập, trang đầu còn cho biết đã được trụ trì chùa Hộ Quốc và chùa Kim Cang (Đồng Nai) tạng bản: “Hộ Quốc, Kim Cang tự, trụ trì Như Ngu Trữ”5. Bộ kinh là di sản của chùa Hội Khánh hiện nay, đã chứng minh ảnh hưởng khá sâu rộng của Phật giáo đối với tu sĩ Phật tử ở Bình Dương. Đây là bộ kinh có tiêu đề khá đặc biệt, cho thấy sự gắn bó và ảnh hưởng mạnh mẽ của bộ kinh này, bộ kinh Pháp Hoa Tri Âm là một tư liệu quý, hiếm hoi, ngày nay ít thấy còn được lưu giữ tại các chùa ở Nam Bộ. Vào ngày 9 tháng 11 năm 1891, ngài đứng ra trùng tu lại chùa Hội Khánh và khởi đầu tôn tạo gồm các bộ tượng, hoa văn có giá trị về đường nét mỹ thuật trong giai đoạn đầu thế kỷ 20, tiếp nối cho sự ra đời các bộ tượng, bao lam, hoa văn của chùa Hội Khánh cho đến đời Hòa thượng Chơn Thanh Từ Văn. Đến đầu năm 1906, ngài tổ chức tôn tạo trang nghiêm ngôi chánh điện6. Hiện nay, chùa còn lưu giữ được bản ghi năm trùng tu đại hùng bửu điện chùa Hội Khánh. Thiền sư Ấn Long - Thiện Quới đã để lại nhiều giá trị còn lưu lại cho chùa Hội Khánh, đặc biệt là ngài đã đào tạo nên một đệ tử sau này trở thành bậc danh Tăng có uy tín lớn trong giai đoạn phát triển Phật giáo ở Thủ Dầu Một, đó là Hòa thượng Chơn Thanh - Từ Văn.

Hòa thượng Chơn Thanh - Từ Văn thuộc đời thứ 40 thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, ngài là bậc thạch trụ tòng lâm, là hàng long tượng của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại các tỉnh thành Nam Bộ nói chung và tại Bình Dương nói riêng. Sau khi thiền sư Ấn Long - Thiện Quới viên tịch, Hòa thượng Chơn Thanh Từ Văn đảm nhiệm chức trụ trì Tổ đình Hội Khánh, và cũng từ đây, bằng đức độ uy tín và tài trí của mình, Hòa thượng Từ Văn đã có những đóng góp lớn lao cho đạo pháp và xã hội, khiến cho thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh ngày càng phát triển.

Năm 1909, ngài được cung thỉnh đứng trong hàng chứng minh để trùng tu lại ngôi tháp Tổ Nguyên Thiều ở chùa Kim Cang, tỉnh Biên Hòa, đến năm 1913, ngài lại được quý Hòa thượng miền Tây Nam Bộ cung thỉnh làm pháp sư tại Trường hương chùa Tam Bảo ở Rạch Giá. Một sự kiện nổi tiếng đáng ghi nhớ, đó là vào năm 1920, tại Thủ Dầu Một nổ ra cuộc đấu tranh của đồng bào yêu cầu nhà cầm quyền Pháp phải có chính sách đối với những gia đình có con đi lính thuê cho Pháp, đáp lại, nhà cầm quyền Pháp có tổ chức buổi lễ cầu siêu tại thành phố Marseille. Lúc đó, để mượn uy tín của Hòa thượng Từ Văn, nhà cầm quyền Pháp ở Thủ Dầu Một đã cậy nhờ Hòa thượng sang Pháp làm sám chủ cuộc lễ này. Đồng thời với năng khiếu mỹ thuật bẩm sinh, nhân dịp này, Hòa thượng Từ Văn vừa quản lý vừa chỉ đạo nhóm thợ thủ công ở Thủ Dầu Một mang mô hình chùa Hội Khánh và một số tượng Phật của chùa sang Marseille để triển lãm.

Trong chuyến đi sang Pháp lần đó, có một giai thoại đáng nhớ, khi đó vị đại diện nhà chức trách ở thành phố Marseille hỏi ngài: “Hòa thượng sang đây với ai?”. Ngài trả lời: “Tôi sang đây cùng với vợ con tôi”. Người Pháp đó vô cùng ngạc nhiên hỏi lại: “Hòa thượng có vợ con sao?”. Khi đó ngài trả lời: “Vợ con tôi tức là Kim Cang và Bồ đề” (Kim cang thê, Bồ đề tử), dụng ý ngài muốn nói với người Pháp đó rằng, người tu phải có từ bi và trí tuệ, qua cuộc đối thoại này ngài đã làm cho nhà chức trách Pháp càng thêm kính nể. Từ đây, ở cương vị Tăng Thống, Hòa thượng thiền sư Chơn Thanh Từ Văn đóng một vai trò chủ đạo trong giới Phật giáo nước nhà, và từ đó trở đi, các nhà chức trách cũng như Tăng sĩ tín đồ đều gọi ngài là Hòa thượng Cả, thậm chí trong giấy tờ tùy thân, nhà chức trách Pháp thời bấy giờ cũng xác nhận trong giấy ngài là Hòa thượng Cả.

Hòa thượng Chơn Thanh Từ Văn là bậc tôn túc trong thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh thời bấy giờ đã tiên phong trong công cuộc chấn hưng Phật giáo từ buổi bình minh khi phong trào này vẫn chưa được Tăng già phát động. Trong “Lịch sử Phật giáo Bình Dương”7 ghi nhận, ngay từ những năm 1920 của thế kỷ trước, Hòa thượng thiền sư Chơn Thanh Từ Văn là vị đầu tiên đứng ra mở các lớp dạy giáo lý, quy tụ tất cả các Tăng sĩ trong tỉnh Thủ Dầu Một lúc bấy giờ đến tham dự khóa học. Lúc bấy giờ ngài đã sớm khơi dậy ý chí cho giới Tăng sĩ Phật giáo Nam miền Đông Nam Bộ nói chung và Phật giáo Bình Dương nói riêng trong công cuộc chấn hưng Phật giáo và các phong trào đấu tranh bảo vệ bản sắc dân tộc.

Hòa thượng Từ Văn là bậc cao tăng giàu lòng yêu nước, ngài rất tâm huyết với sự nghiệp giáo dục đào tạo tăng tài cho Phật giáo nước nhà. Vào năm Nhâm Tuất (1922), ngài làm chủ kỳ thi tại Trường hương chùa Giác Lâm ở Gia Định, cũng trong năm này, xuất phát từ tinh thần yêu nước và nhiệt thành với công cuộc chấn hưng Phật giáo từ buổi bình minh nên ngài đứng ra thành lập Hội Lục Hòa Liên Xã, đây là một tổ chức được xem là có mối quan hệ sâu sắc với tổ chức Phật giáo cứu quốc Nam Bộ, vì thành phần nhân sự chủ chốt của tổ chức Phật giáo cứu quốc các tỉnh thành ở Nam Bộđương thời có xuất thân là hàng môn đồ đệ tử của ngài cũng như của quý Hòa thượng trong tổ chức Lục Hòa Liên Xã.

Vào năm 1923, do có tiếng tăm và đức độ cũng như tinh thần yêu nước của Hòa thượng, nên nhà sĩ phu yêu nước Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Hồ Chủ tịch) và cụ Tú Phan Đình Viện (nhà cách mạng yêu nước), hai vị đã tìm đến Hòa thượng Từ Văn. Do cùng chung lý tưởng trên tinh thần yêu nước bảo vệ dân tộc nên 3 vị đã thành lập Hội danh dự yêu nước tại chùa Hội Khánh. Theo đó, Hội chủ trương giáo dục đồng bào sống đúng với đạo lý con người, truyền bá tư tưởng yêu nước chống ngoại xâm trong đồng bào cũng như Tăng sĩ Phật giáo ở Thủ Dầu Một8. Cũng trong năm này (tức năm Bính Dần - 1926), Hòa thượng Từ Văn được ông Ba hội đồng Lương Khắc Minh đứng ra xây dựng chùa Trường Thạnh ở Sài Gòn đến cung thỉnh về trụ trì chùa Trường Thạnh. Hòa thượng nhận lời và cử sư Thiện Tòng về trụ trì. Gắn bó tâm huyết với Phật sự giáo dục Tăng Ni, giữa năm 1926, Hòa thượng làm pháp sư ở trường hạ chùa Hội Phước, Mỹ Tho, rồi năm Mậu Thìn (1929), làm chứng minh tại trường hương chùa Long Phước. Vào năm 1930, Hòa thượng Từ Văn đứng ra tổ chức khắc bản in kinh để ấn tống cho khắp cả vùng Đông và Tây Nam Bộ. Hiện nay, bút tích của Hòa thượng Từ Văn còn lưu lại tại nhiều chùa ở TP. Hồ Chí Minh như chùa Giác Lâm, Giác Viên, Sắc Tứ Từ Ân, Trường Thạnh. Hòa thượng Từ Văn đã đào tạo nhiều thế hệ Tăng sĩ nổi danh như Hòa thượng Từ Tâm, Hòa thượng Thiện Hương, Hòa thượng Mỹ Định, trong đó Hòa thượng Từ Tâm tài đức song toàn và là một nhà sư yêu nước, đã tham gia phong trào Nam Kỳ khởi nghĩa và bị giặc Pháp phát hiện bắt vào đêm 15 tháng 7 năm 1940 tại chùa Bình Long, đày ra Côn Đảo.

Các đời trụ trì kế tục sự nghiệp của Hòa thượng Từ Văn tại chùa Hội Khánh đều là bậc thạch trụ tòng lâm và cũng là bậc pháp khí của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, đặc biệt quý ngài đều tham gia vào các tổ chức Phật giáo yêu nước như Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng, Phật giáo cứu quốc… điển hình như Hòa thượng Thị Huệ Thiện Hương thuộc thế hệ thứ 42 thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, làm Tăng trưởng Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng tỉnh Bình Dương, Phó Tăng giám Trung ương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam; hay Hòa thượng Đồng Bửu Quảng Viên thuộc thế hệ thứ 43 thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh làm Thư kýhội viên Hội Phật giáo Cứu quốc Thủ Dầu Một (1945), tham gia Ủy ban kháng chiến hành chánh xã, phụ trách ngành văn hóa xã hội và thương binh (1947), Thư ký Phật giáo Lục Hòa Tăng Thủ Dầu Một, xử lý thường vụ Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng tỉnh Bình Dương. Đặc biệt, Hòa thượng Quảng Viên rất am tường kinh luật, ngài dịch bộ Kinh Lăng Nghiêm theo tư tưởng thiền học nhưng do điều kiện chưa thuận lợi nên Hòa thượng không in được bộ kinh này và hiện nay bị thất lạc chỉ còn lại một vài quyển chép tay của Hòa thượng.

Thay lời kết

Ngay từ những năm đầu công nguyên, các phái thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, cùng với thiền phái Trúc Lâm Yên Tử hình thành vào thế kỷ 15, đã đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển của Phật giáo tại miền Bắc, đồng thời đặt nền tảng văn hoá nghệ thuật Phật giáo cho nước nhà.

Đến giữa thế kỷ 17, cùng với bước chân Nam tiến của người dân Việt, các thiền sư người Trung Hoa, chủ yếu thuộc tông Lâm Tế, đã từ Phước Kiến, Quảng Đông tiến vào dải đất Đàng Trong hoằng hóa, đầu tiên có thiền sư Nguyên Thiều Hoán Bích, sau đó các vị thiền sư khác lần lượt tiếp bước, như thiền sư Minh Vật Nhất Trí, Minh Lượng Thành Đẳng, Minh Dung Pháp Thông, Minh Giác Kỳ Phương, Minh Hoằng Tử Dung, đặc biệt trong đó có thiền sư Minh Hải Pháp Bảo đã đến đất Hội An (Quảng Nam) hoằng hóa, khai sơn Tổ đình Chúc Thánh và xuất kệ biệt truyền một dòng thiền độc lập mang tên thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh. Từ đó đến nay đã trên 300 năm, trải qua 12 đời truyền thừa, với tiến trình liên tục và sâu rộng, đã nói lên sự phát triển vượt bậc của thiền phái này trong sinh hoạt đạo pháp của Phật giáo tại dải đất Đàng Trong.

Chỉ riêng tại Bình Dương, từ thời nhị vị thiền sư Gia Tiền và Gia Linh đến lập chùa Thiên Tôn vào năm 1773, đến thời thiền sư Toàn Tánh Chánh Đắc về tu hành và trụ trì chùa Hội Khánh vào năm 1815 (Ất Hợi) thì thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh được hình thành, len lỏi vào đời sống tu học của Tăng tín đồ Phật tử, cho đến năm 1920 của thế kỷ trước, thì vai trò và vị thế của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh mới được khẳng định vững vàng trên mảnh đất Bình Dương, qua những cống hiến to lớn của Hòa thượng thiền sư Chơn Thanh Từ Văn cho đạo pháp và dân tộc…. Nhân đây thiết nghĩ, chúng ta là con cháu các bậc thiền sư tiền bối tông Lâm Tế nổi tiếng lẫy lừng, các ngài đã tâm huyết tận tụy vì sự nghiệp hoằng hóa độ sanh, xương minh Phật pháp. Do vậy, khi chúng ta đã được truyền thừa theo dòng kệ thiền phái Lâm Tế thì điều quan trọng là qua những bài học lịch sử về chân dung và hành trạng của quý ngài, chúng ta cần lập chí hành trì theo tâm tông yếu chỉ, như vậy chúng ta mới xứng đáng một đời không uổng phí và không cô phụ quý ngài… Vài ý thô thiển từ nhận định chủ quan, nhưng đây là tình cảm thiêng liêng nhất mà tôi tôn kính hướng đến chư vị Tổ sư thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh nói riêng và lịch đại Tổ sư nói chung, nếu sơ suất kính mong các bậc cao minh lượng thứ, vì đây chỉ là vài cảm nhận trong phạm vi một tham luận cho phép.

 


1. Đại hồng chung này, hiện nay vẫn còn đang được sử dụng tại chùa Thiên Tôn.

2. Trong lần đốt chùa này mà sắc phong của chùa cũng bị thiêu hủy.

3. Đại hồng chung này hiện vẫn còn tại chùa Hội Khánh, đặc biệt là có giấy chứng nhận của quan chức địa phương thời bấy giờ.

4. Bộ mộc bản này gồm các bộ Kinh Di Đà, Hồng Danh, Vu Lan Bồn và Bát Dương Kinh, hiện vẫn còn được lưu giữ bảo quản tại chùa Hội Khánh.

5. Bộ kinh này hiện được lưu giữ tại chùa Hội Khánh.

6. Hiện nay, chùa còn lưu giữ được bản ghi năm trùng tu đại hùng bửu điện chùa Hội Khánh.

7. Lịch sử Phật giáo Bình Dương, Thích Huệ Thông, Nxb Văn hóa Văn nghệ TPHCM, 2019.

8. Hội hoạt động đến năm 1926 thì bị nhà cầm quyền Pháp giải tán.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 42
    • Số lượt truy cập : 6111813