Thông tin

NHỮNG HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ CỦA TỔ ĐÌNH VẠN ĐỨC - ĐỔ BÊ TÔNG

NHỮNG HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ CỦA TỔ ĐÌNH VẠN ĐỨC:

ĐỔ BÊ TÔNG        

HOẰNG TÔN

 

Tại sao tôi gọi những buổi “Đổ bê tông” là hoạt động Phật sự của Tổ đình Vạn Đức? Theo lời kể của Thượng tọa Thích Hoằng Tri, đương kim Tri sự chùa Vạn Đức, vào năm 1990, Hòa thượng Viện chủ trùng tu và xây dựng thêm Tịnh Thất của Ngài, rất nhiều nam nữ Phật tử đề nghị với Hòa thượng cho làm công quả khi đổ bê tông và Ngài rất hoan hỷ.

Theo thiển nghĩ của tôi, Hòa thượng luôn luôn hướng dẫn cho Phật tử tạo phước báo bằng những việc làm rất nhỏ, rất cụ thể…, và việc đổ bê tông cũng là gieo mầm trên ruộng phước chăng?

Khi ấy, việc đổ bê tông còn bằng thủ công, từ khâu trộn, chuyền lên lầu v.v…, tất cả đều được làm bằng tay, đích thân Hòa thượng chỉ đạo ban Hành đường chuẩn bị thức ăn sáng,cho những người làm công quả, cứ hai tiếng thì nghỉ ngơi để giải khát, ăn giữa giờ v.v…, có lẽ vì đây là những người không chuyên, Ngài e rằng quá sức của mọi người chăng? Và việc làm công quả đổ bê tông đã trở thành truyền thống của Phật tử chùa Vạn Đức – Vạn Linh suốt từ ngày ấy đến nay.

Tôi đã một lần tham gia đổ bê tông không thành ở chùa Vạn Linh vào năm 1999, sở dĩ không thành vì buổi sáng đổ bê tông thì tôi đi lên đỉnh Bồ-Hông với Thầy Hoằng Chí, dự định trở về sẽ tham gia công tác này nhưng Thầy Hoằng Chí đã dẫn chúng tôi đi lạc trên núi đến 5g chiều mới về đến chùa và mọi chuyện đã hoàn tất.

Ngày ấy chưa có đường nhựa lên đến chùa như hôm nay, những người như tôi phải mất gần bốn tiếng đồng hồ từ chân núi mới lên đến chùa Vạn Linh, tất cả những vật liệu đều được sức người vận chuyển lên chùa, tôi muốn nói đến công sức vô cùng to lớn của những vị công quả thời ấy.

Tôi lại có mặt tại chùa Vạn Linh vào trung tuần tháng ba (2012) để tìm hiểu thêm về công tác Phật sự này, theo Thầy Hoằng Xưng, đương kim Tri sự chùa Vạn Linh, thì: “….Chánh điện mới được sự chỉ thị của Hòa thượng Viện chủ (thượng Trí hạ Tịnh) cho xây dựng để cân xứng với “Bảo Các Quan Âm”, đây là lần thứ sáu đổ bê tông Chánh điện này, mỗi lần như thế có khoảng 300 đến 400 người, Chánh điện cũ được di dời làm nhà Tổ bởi ông Lương Thành Lũy. Hiện nay có khoảng 80 người, vừa thợ vừa phụ, thường xuyên ở đây để thi công, tất cả đều ăn chay và được chùa lo toàn bộ từ việc ăn ở, tắm giặt…đến thủ tục hành chính với chính quyền địa phương. Ẩm thực thì do Thầy Hoằng Huệ, hiện đang giữ chức vụ Tri Khố với khoảng 20 người dưới sự điều động của Thầy. Để giảm bớt thời gian cũng như người phục vụ, hiện nay chùa Vạn Linh đang thực hiện chế độ ăn tự chọn…”.

Cũng theo Thầy Hoằng Xưng thì những anh em thợ hồ xây dựng ở đây ít nhiều gì cũng bỏ được các thói hư tật xấu như nhậu nhẹt, chửi thề, v.v…, thậm chí có một số anh em sau giờ làm việc còn tham gia những thời khóa tụng kinh, niệm Phật. Thì ra đây cũng là môi trường rèn luyện đạo đức, tạo thêm duyên lành cho anh em đến với Phật Pháp. Thật đáng trân trọng!


Lần đổ bê tông này, Phật tử chùa Vạn Đức đi khoảng 250 người với ba chiếc xe đò lớn và nhiều xe nhỏ khác, lực lượng công quả tại địa phương khoảng 100 người. Đặc biệt, có một đội ngũ thường xuyên đổ bê- tông do Hoằng Trương điều động từ khi thi công thất của Hòa thượng Vạn Đức đến nay (đã trên 20 năm) và không khi nào bỏ sót dù là một lần, lực lượng này khoảng 50 người. Hoằng Trương tâm sự: “…Lúc đầu mọi chi phí di chuyển do Hoằng Trương đài thọ (số tiền cho vài mươi người từ Châu Đốc đi Thủ Đức và từ Châu Đốc đi Núi Cấm), sau đó nhiều Phật tử có lòng hảo tâm đã chia sẻ phần này với Hoằng Trương…”. Tôi thắc mắc tại sao khi hữu sự Hoằng Trương lại vận động được số người công quả nhiều, thường xuyên và thời gian dài như vậy? “…Cũng do thói quen làm “vần công” của địa phương, vả lại, Hoằng Trương là người bản xứ nên có sự quen biết khá rộng rãi, nhận xét được những người nào muốn làm công quả thật sự và những người nhân dịp này muốn đi chơi miễn phí…”. Thêm một chi tiết đáng trân trọng mà Hoằng Trương cho biết: “….Có những anh em ở địa phương thiếu công ăn việc làm sanh ra nhậu nhẹt, bê tha…, Hoằng Trương khuyên bảo và đưa những người này đi công quả cũng là dịp rèn luyện bản thân…”


Ngoài lực lượng “đổ bê tông”, Hoằng Trương còn tham gia vào những việc như làm bếp, hành đường v.v…cho những ngày lễ lớn như đám giỗ của Hòa thượng khai sơn chùa Vạn Linh (Hòa thượng thượng Thiện hạ Quang, là Bổn sư của Hòa thượng Viện chủ thượng Trí hạ Tịnh), với lực lượng khoảng 20 người, Hoằng Trương đã điều hành đãi khách từ 5g sáng đến 7g tối không ngừng nghỉ để phục vụ cho gần 5000 lượt người. Tôi thực sự khâm phục tài điều hành cũng như sự linh hoạt của đội ngũ không chuyên này.

Lần đổ bê tông này ở tấm viền thứ năm của bố cục Chánh điện, dự kiến khoảng 4g sáng sẽ khởi sự nhưng do trời mưa dai dẳng từ chập tối đến gần sáng, rất may là khoảng 5g sáng thì trời tạnh hẵn và mọi việc bắt đầu….

Với khoảng 400 người nhưng mọi việc lại sắp xếp hết sức khoa học, đội ngũ trộn bê tông được sự hướng dẫn của những người thợ, người công quả chỉ việc chuyển cát, đá, xi-măng v.v…đến bốn máy trộn đặt ở bốn góc và công thức trộn bê tông được những người thợ trực tiếp quản lý. Bê tông đã được trộn do hai dây chuyền cùng bốn thang máy dã chiến (ở đây gọi là “tời”) chuyển lên tấm sàn. Tôi như bị cuốn hút bởi không khí làm việc rất tích cực và tự nguyện ở nơi đây và chính không khí làm việc bất vụ lợi ấy đã khiến cho nhân viên theo tôi cũng hăng hái tham gia vào việc chuyển cát đến máy trộn.

Tôi xin phép theo thang máy tự tạo để lên tấm sàn đang được đổ, điều thú vị ở đây là tuy không có thù lao nhưng nữ vẫn không chịu thua nam ở bất cứ việc gì, từ khâu chuyển cát đá, đứng ở giàn giáo để chuyền từng sô bê tông cũng như trên tấm sàn cao ngất ngưỡng…, không nơi nào vắng mặt những “bóng hồng”. Điều đáng chú ý là an toàn lao động đã được quí Thấy ở đây xem trọng, từ những lan can trên cao cũng như giàn giáo…, tất cả đều được thiết kế kỹ lưỡng.

Không khí “công trường” vẫn khẩn trương làm việc nhưng tôi có cảm giác đây là buổi vui chơi trong kỷ luật của một đội hình, sự đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái cũng như sự hòa nhã, giúp đỡ lẫn nhau của từng thành viên tham gia đã để lại trong tôi ấn tượng thật sâu sắc.

Phải chăng điều kỳ diệu của Phật Pháp đã gắn kết tình thương yêu của con người thể hiện qua những hành động thiết thực? Và mọi người có ý thức rằng chúng ta đang gieo những hạt mầm trên mảnh ruộng phước không?

Những hạt mầm rồi đây sẽ đâm chồi nảy lộc và mảnh ruộng phước sẽ đơm hoa kết trái minh chứng cho Chánh pháp đã được lưu truyền từ ngàn đời nay…

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 16
    • Số lượt truy cập : 6058739