Thông tin

NHỮNG LÀ RÀY ƯỚC MAI AO

 

GS. NGND. NGUYỄN ĐÌNH CHÚ

 

Trong quá khứ, cùng với các địa phương khác của cả nước, Nghệ An ta đã có một đời sống tâm linh đậm đặc với nhiều hình thức tín ngưỡng, với các tôn giáo Nho, Phật, Đạo, và thêm Thiên chúa đến sau. Ở đây chỉ nói về Phật giáo. Theo nhà Nghệ An học tiên phong Bùi Dương Lịch trong Nghệ An ký thì “người Nghệ An không mê đạo Phật lắm”. Nói thế có phần đúng bởi lẽ Nghệ An là  đất học, nên có phần coi trọng đạo Nho hơn. Vả chăng đó là tâm lý của từng lớp Nho sĩ chứ đâu phải toàn dân. Thực tế, đạo Phật vẫn thịnh hành trên đất Nghệ An xưa. Cứ đọc vào một số sách Địa chí văn hóa của nhà Nghệ Tĩnh học nổi tiếng thời nay là Ninh Viết Giao sẽ thấy trong quá khứ đạo Phật đã có mặt ở đây là thế nào.

Địa chí văn hóa Quỳnh Lưu cho biết:“… Chùa chiền có mặt trên đất Quỳnh Lưu từ đời Bắc thuộc, vào thế kỷ nào thì chưa xác định rõ được… Đến đời Hậu Lý, chùa chiền trên đất Quỳnh Lưu đã nhiều rồi… Có thể kể chùa Trà ở Dị Nậu, chùa Bảo Minh ở Thiện Kỵ, chùa Đông Bạc ở Thọ Vinh,… cho đến thế kỷ XX, ở Quỳnh Lưu có khoảng tám chục chùa lớn nhỏ. Đáng kể là chùa Lão ở Quỳnh Trang, chùa Nổ ở Hải Lệ, chùa Bà ở Hữu Lập, chùa Bát Nhã ở Quỳnh Tụ, chùa Bảo Long ở Quỳnh Bảng, chùa Hung ở Thọ Vực, chùa Bèo ở Bảo Hậu, chùa Võng ở Lam Cầu, chùa Yên Thái ở Nhân Sơn, chùa Sơn Đôi ở Bào Chu, chùa Càn Môn ở Phương Cần…”.

Sách Diễn Châu 1380 năm: Lịch sử - văn hóa- nhân vật cho biết:“… Hầu như làng nào, nếu không thì xã, cũng có một cái chùa mà nổi tiếng là các chùa Diệc, chùa Phật Hoàng Tử, chùa Bốn,... Chúng tôi đã liệt kê được 47 làng có chùa. Rất ít  chùa có sư trụ trì mà thường có ông thầy chùa trông coi chùa, giữ việc hương khói lễ bái các Đức Phật từ bi. Người cúng Phật ở Diễn Châu theo phái Đại Thừa tức Bắc Tông, nhưng trong khi cầu kinh niệm Phật, họ cũng không cần biết đó là Đại Thừa hay Tiểu Thừa… Họ chỉ biết các Đức Phật bác ái, có lòng hỉ xá lớn lao, cứu khổ cứu nạn,, cúng Phật là mong tránh được điều ác, gặp được điều lành… cũng có những người ăn chay giữ giới, tụng kinh, phóng sinh và chẩn tế nhưng đó là những người muốn tu nhân tích đức cho bản thân và cho gia đình… Những đức tính ấy thống nhất với đạo lý cổ truyền của nhân dân là hiếu thuận, thương người, nhận nhục, tha thứ…”.

Sách  Địa chí văn hóa Nghi Lộc‘ (chuẩn bị in) cho biết: “… Ở Nghi Lộc, chung tôi đã tìm hiểu thống kê được gần sáu chục chùa. Hầu như làng hoặc xã nào cũng có, chùa có bia như chùa Lữ Sơn ở La Nham (Nghi Yên), chùa Ông Đột ở Đông Chử (Nghi Trường), chùa Phổ Môn ở Kim Chi (Nghi Liên), chùa Mộc ở Kiều Mộc (Nghi Thái), chùa Vua ở Cao Xá (Nghi Vạn), chùa Bụt ở Thượng Xá (Nghi Hợp),… Chúng tôi cho rằng vào đời Trần ở Nghi Lộc đã có chùa. Đó là chùa Am trong khuôn viên đền Cửa, xã Nghi Khánh, chùa Dơi ở Phượng Cương (Nghi Phong), chùa Song Ngư (Thị xã Cửa Lò), chùa Mây Quây, chùa Vóc, chùa Bách, chùa Việt ở hai xã Nghi Công Bắc, Nghi Công Nam,…”.  

Sách Địa chí văn hóa Hưng Nguyên cho biết: “ … 30 làng có chùa, nhiều chùa hơn cả vãn là những làng ở chân núi và quanh núi Lam Thành. Những chùa có sư trụ trì không nhiều… Chỉ thấy chùa An Quốc ở Hưng Lam, chùa Vạn Lộc ở Hưng Thịnh, chùa Vĩnh Lạc ở Hưng Thắng, chùa Hến ở Hưng Trung, chùa Phúc Mỹ ở Hưng Châu… có sư trụ trì…”.

Bản thảo sách Địa chí thành phố Vinh (chưa ghi tên các tác giả mà tôi được mời góp ý) cho biết: “… Dấu tích xưa nhất về Phật giáo trên đất Vinh là một ngôi chùa ở Yên Trường xưa là chùa Linh Vân có từ đời nhà Đường”. Sách cũng cho biết (không kể số chùa thuộc các xã vốn là của Nghi Lộc mới nhập vào thành phố Vinh gần đây) thì có các chùa: Nhật Hoa (Phường Hưng Binh), chùa Giáp (Phường Cửa Nam), Chùa Đá (Vinh Tân), chùa Âu Cơ (Hưng Hòa), chùa Yên Xá (Nghi Phú), chùa An Lạc (Hưng Lộc), chùa Lưu Khánh (Hưng Hòa), chùa Đá (Phường Hồng Sơn), chùa Cần Linh (còn gọi là chùa Sư Nữ ở phường Cửa Nam), chùa Diệc  (Phường Quang Trung), …”.

Mới lướt qua bốn huyện và thành phố Vinh như thế cũng đã có thể hình dung được phần nào tình hình đạo Phật trên đất Nghệ An ta thuở trước là gì rồi. Nhà Nghệ Tĩnh học Ninh Viết Giao trong một tài liệu khác còn cho biết Nghệ An từng có 400 chùa. Vậy mà sau này là thế nào? Xin mời quí vị đọc tạm mấy dòng sau đây trong bài Di tích-Danh thắng Nghệ An: Lịch sử và hiện trạng của ông Hồ Hữu Thới, lúc còn là Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Nghệ An, in trong sách Nghệ An- Di tích Danh thắng, Sở Văn hóa Thông tin Nghệ An xuất bản năm 2001, trang 38: “ Theo thống kê năm 1964, toàn tỉnh Nghệ An có 1948 di tích, sau kiểm kê năm 1996 còn lại 872 di tích”. Như thế là chỉ trong vòng 32 năm, đã có 1076 di tích trong đó có  chùa chiền đều đã không cánh mà bay.  Ai gây nên sự thật mất mát khủng khiếp này? Giặc Mỹ ư? Có, nhưng ít thôi. Chính chúng ta, nhân danh những người đang ra sức xây dựng đời sống mới đấy, xây dựng chủ nghĩa xã hội đấy. Cũng theo nhà Nghệ Tĩnh học Ninh Viết Giao  thì trên đất Nghệ An sau 1996 , chỉ còn lại chùa Sư Nữ ở thành Phố Vinh và chùa Phượng ở Quỳnh Lưu. Chùa Sư Nữ (Cẩn Linh) sở dĩ còn là nhờ còn Sư Niệm trụ trì. Bà quê ở Huế nhưng sống ở Vinh, vốn là hoa khôi của thành phố Vinh, đã học đến năm đệ tứ, sắp thi thành chung (diplôme) nhưng đã cắt tóc vào chùa Sư Nữ đi tu. Học sinh các trường Quốc học  Vinh, Thuận An, Lễ Văn tại Vinh thuở ấy không ít chàng thường rủ nhau lên chùa Sư Nữ xem mặt ni cô hoa khôi Niệm, đến nỗi Sư Cụ đã phải dấu ni cô Niệm không cho tiếp xúc với thiện nam tín nữ. Quả thật không dễ gì có một nữ tu sĩ vừa đẹp vừa có trình độ học vấn và khả năng nói năng thuyết giáo nghe như mật rót vào tai của Sư Niệm. Những năm 80 của thế kỷ trước, nhiều lần về Vinh, tôi vẫn đến chùa và được trò chuyện với bà thật là thú vị. Tiếc là sư Niệm đã viên tịch, để lại một khoảng trống không dễ có người lấp được cho chùa Cẩn Linh này. Nghĩ đến tình trạng phá đền phá chùa ở quê hương, không ít lần tôi cứ muốn hỏi người Nghệ An ta hôm nay, từ lãnh đạo đến nhân dân, nghĩ gì trước sự thật  đau lòng  đó? Vẫn biết đây đâu chỉ là chuyện riêng một Nghệ An. Chuyện của cả miền Bắc xã hội chủ nghĩa một thời. Nhưng xem ra ở đây, “giải nhất, chi nhường cho ai” đã thuộc về Nghệ An ta, bởi người Nghệ ta vốn có cá tính  làm gì cũng hết mình do đó mà hay thì cũng nhất thiên hạ còn dở thì cũng nhất thiên hạ, đúng không? Vả nữa, đây đâu phải chuyện riêng gì miền Bắc Việt Nam thời đó mà còn ít nhiều là chuyện của cả phe xã hội chủ nghĩa một khi đã thấm nhuần quan điểm “tôn giáo là thuốc phiện”(?). Chính tôi chẳng phải ai khác tuy không “được vinh hạnh”(!) tham gia công cuộc phá đền phá chùa tại quê mình là xã Thượng Xá, huyện Nghi Lộc vì đã ra sống ở Thủ đô Hà Nội trong môi trường giáo dục, nhưng ngày còn ở quê cũng không phải không chớm bị ảnh hưởng chủ nghĩa vô thần trái khoáy. Nhớ lại ngày đó, sống trong gia đình Nho giáo, ngày rằm mồng một vẫn ăn chay niệm Phật (nhờ đó đến nay vẫn nhớ một số câu như “Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan thế âm bồ tát ma ha tát”), vẫn thường theo cha đi lễ Phật tại chùa Bụt, mà chính cha là người đã đứng đầu trong việc xây chùa xong trước ngày Cách mạng tháng Tám chỉ sáu bảy tháng. Nhưng sau ngày Cách mạng thành công, được tham gia lớp huấn luyện Mác xít 40 ngày thì quay ra chán đạo Phật. Một bận, theo cha đến chùa và khi làm lễ thi bỗng nhiên bật tức cười vì tự thấy mình đang làm điều vô nghĩa, nên bị vị sư trụ trì chùa yêu cầu cha lần sau đừng cho con đến chùa nữa. Đã thế, sau đó lại quá ngây ngất với Mác xít mà nói năng gì đó đụng đến tôn giáo, không nhớ nữa, chỉ nhớ  đã bị một vị theo đạo Phật tố cáo lên lãnh đạo huyện Nghi Lộc, may cũng không can gì. Kể lại câu chuyện của bản thân như thế là để thấy cái chuyện phá đền phá chùa một thời đó là chuyện thời đại mà chủ nghĩa vô thần vốn là sản phẩm tít tận trời Tây đã được du nhập vào nước ta. Tất nhiên, với tôi, cái chuyện dở hơi đó chỉ thoáng qua ở tuổi trẻ bồng bột. Chứ trên đường trưởng thành, được học hành, được trải nghiệm, và nghề nghiệp lại gắn bó với lịch sử tư tưởng của dân tộc và rộng hơn nữa ít nhiều là của phương Đông, của thế giới, nên càng ngày càng có nhận thức mà tự thấy là đúng đắn về tôn giáo, về thế giới tâm linh trong sự sống của loài người. Với cái đà nhận thức này, tôi đặc biệt sùng bái đạo Phật và mong nó được phục hưng mãnh mẽ, thậm chí được trở lại vị trí quốc giáo trong trạng thái Tam giáo đồng nguyên trên phương diện tinh thần của đất nước  như ở thời đại Lý - Trần. Bài viết này có nhan đề Những là rày ước mai aochính là sự thể hiện khát vọng thiết tha sâu nặng đó của tôi. Khát vọng của tôi là với cả nước, với cả nhân loại, nhưng trước  hết là với xứ Nghệ nơi mà cái dốn của tôi đã để lại đó, mà gia đình tôi bao đời đã sinh sống, mà mồ mả tổ tiên tôi còn đó, họ hàng thân thích, bạn bè của tôi còn ở đó để mà thương mà nhớ, mà tự hào, mà buồn vui cùng buồn vui với nó. Mỗi lần nghĩ lại chuyện phá hoại đền chùa trên đất Nghệ, bài hát dựa trên dân ca xứ Nghệ "Giận thì giận mà thương thì thương” cứ như văng vẳng bên tai tôi. Thương cho quê nhà đã để mất cái thế vững chãi của sự sống trần gian. Giận về sự phá hoại nhưng vẫn thương cái khát vọng đổi đời ngay trong khi làm điều dại dột. Đúng là bi kịch giữa động cơ và hiệu quả, giữa con tim và khối óc. Nhưng phúc cho quê tôi lại đã bắt đầu tỉnh ngộ. Trong vòng mươi năm trở lại đây, đã  tái thiết được chùa Ấn ở Nghi Đức, được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cử một vị Thượng tòa giàu uy tín về trụ trì, chùa Song Ngư ở Hòn Ngư thuộc thị xã Cửa Lò hứa hẹn sẽ có nhiều thiện nam tín nữ đến chiêm bái, tham quan du lịch trong mùa nghỉ mát ở Cửa Lò. Đang tái thiết chùa Đại Huệ ở Nam Đàn… Năm 2011 vừa qua đã thành lập Tỉnh Hội Phật giáo sau bao nhiêu năm là tỉnh duy nhất trong cả nước không có hội Phật giáo. Cũng theo nhà Nghệ Tĩnh học Ninh Viết Giao thì ở Nghệ An gần đây đã tái thiết khoảng ba chục đền chùa mà phần chủ động thuộc về người dân... Quá thật, với tôi, những tin tức đó đã như những liều thuốc bổ trong tuổi già mặc dù tôi biết là so với nhiều địa phương khác vẫn chưa bằng. Ví như tỉnh Phú Thọ mà bốn năm trước, tôi có dịp đi làm phim với Truyền hình Việt Nam về lãnh tụ phong trào Cần vương ở Tây Bắc là Nguyễn Quang Bích, khắp năm huyện, đến đâu cũng được nghe Bí thư huyện ủy, hoặc Chủ tịch huyện khoe về thành tích tái thiết chùa chiền của huyện mình. Rõ là họ đã có khí thế, đã có sự đồng tâm nhất trí từ lãnh đạo đến nhân dân trong việc xây đắp lại cuộc sống tinh thần dựa trên một sự nhận thức đúng đắn về cuộc sống tâm linh cho quê hương xứ sở cùng một lúc chăm lo cuộc sống vật chất  cho nhân dân một cách cân đối, hài hòa. Thật là không ngờ chỉ một Nguyễn Quang Bích mà trên đất Phú Thọ, chỉ trong vòng mấy năm, mọc lên ba đền thờ khá đẹp đã và sẽ là Di tích quốc gia, trong khi ở Nghệ An ta, xin được nói thật, khu lưu niệm Phan Bội Châu còn nhếch nhác lắm, trong khi khu lưu niệm Lê Hồng Phong đã có trên ba héc ta đất còn đang xin Chính phủ thêm bốn héc ta đất nữa để mở rộng theo báo cáo của Chủ tịch huyện Hưng Nguyên trong dịp kỷ niệm 540 năm có danh xưng Hưng Nguyên. Và bên Hà Tĩnh, không biết nhà thờ lãnh tụ cần vương Phan Đình Phùng hôm nay đã có đến đâu, trong khi khu mộ Trần Phú thì đã vô cùng hoành tráng. Xin cảm ơn quê hương đã cho tôi niềm vui nhưng cũng xin nói thật đó mới là niềm vui ban đầu và có điều vẫn còn phải bức xức, không chỉ khi nghĩ đến đạo Phật mà còn là đời sống tâm linh nói chung.

Đúng là tôi đang mong muốn sao cho công cuộc phục hưng đời sống tâm linh trong đó có đạo Phật trên quê hương một cách khẩn trương, sôi động, bề thế, thuần khiết và công bằng hơn nữa một khi mà sự sống vốn dĩ là không đơn giản, cũng có thế nói là hỗn tạp, là đang có chiều hướng sa đà vào con đường vô đạo. Muốn thế, không thể không bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức về thế giới tâm linh, về tôn giáo nói chung, đạo Phật nói riêng. Từ ước nguyện thiết tha nóng bổng này, hơn vài chục năm qua, tôi đã có nhiều bài viết trực tiếp hoặc gián tiếp đụng đến vấn đề như: Sự áp đảo của phương Tây đối với phương Đông trên phương diện văn hóa và tinh thần; Mối quan hệ cân đối giữa sự giàu có và đạo lý – một bài toán khó của văn hóa Việt Nam ở thế kỷ XX; Hôm nay với Nho giáo; Vấn đề văn hóa dòng họ nhìn từ đất Nghệ; Vấn đề gia phong trên đất Nghệ quê nhà; Từ di tích đền Cờn nghĩ về đời sống tâm linh trên đất Nghệ quê ta; Từ thực tiễn của đất nước hôm nay, nghĩ về vai trò của Phật giáo… hầu hết đã được trình bày trên các diễn đàn quốc gia, kể cả quốc tế và đã đăng trên nhiều sách báo, trong đó có Tạp chí  Văn hóa Nghệ An, Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn Nghệ An. Nay tôi xin được rút ra một  số ý chính trực tiếp liên quan và cần thiết cho việc phục hưng Phật giáo trên đất Nghệ quê ta là như sau:

1. Trước hết phải làm sao cho mọi người Nghệ An ta từ lãnh đạo đến toàn dân có được một nhận thức tường minh, chuẩn xác, sâu sắc và cần thiết về tôn giáo nói riêng, đời sống tâm linh nói chung trong sự sống loài người, vượt qua tình trạng đểnh đoảng, vô cảm, thậm chí là nhận thức sai lầm từng có, kể cả tình trạng nhận thức cảm tính, trực giác của cha ông thưở trước. Đây là cả một vấn đề đã và đang vô cùng phức tạp trong nhận thức của loài người, của người Việt Nam ta, của người Nghệ An ta. Tôi chỉ muốn nhắc lại, đây cũng trước hết là ý kiến của Anhxtanh, nhà bác học vĩ đại nhất của thế giới ở thế kỷ xx rằng: “Khoa học mà không có tôn giáo thì tê liệt. Tôn giáo mà không có khoa học thì mù quáng”. Và tôi muốn nói thêm: Loài vật không có tôn giáo, chỉ loài người có tôn giáo. Tôn giáo là một năng lực người. Còn loài người thì còn tôn giáo. Loài người mà không có tôn giáo thì không chừng  trở thành động vật, đành rằng có người không tôn giáo. Tôn giáo nào thì bản chất cũng là hướng thiện mặc dù không ôm hết cuộc sống trần gian, nhưng giáo hội thì không đơn giản, thường là có mặt phải mặt trái. Lịch sử nhân loại cả xưa và nay chẳng đã có chiến tranh tôn giáo phi nhân bản. Cái cần có là một tôn giáo thuần khiết với phương châm:Đẹp đời tốt đạo, Tất cả vì đạo pháp vì dân tộc.

2. Thứ đến phải thấy rằng trong quá khứ, nước Việt ta, xứ Nghệ ta cũng như phương Đông ta, chưa bao giờ sa vào chủ nghĩa vô thần, ngược lại đã có một đời sống tâm linh đậm đặc, phong phú, huyền diệu, tồn tại song song với chế độ đức trị vốn là một đặc sản vô cùng quí báu, làm nên bản lĩnh văn hóa của phương Đông trong đó có Việt Nam ta, Nghệ An ta với tư cách là nền tảng của sự sống xứ Nghệ, sự sống Việt Nam, sự sống phương Đông. Nhưng từ ngày có cuộc đụng độ với phương Tây thì đã bị áp đảo, bị cho ra rìa sự sống. Riêng Việt Nam ta trong đó có xứ Nghệ ta lại thêm có chuyện thay đổi chữ viết Hán Nôm sang chữ quốc ngữ Latinh hóa, tuy cái được rất lớn nhưng cái mất cũng không nhỏ ở chỗ tạo ra sự gián cách lịch sử rất tai hại. Chính Toàn quyền Đông Dương là Decoux, năm 1943 đã phải nhận tội của người Pháp là “chủ trương thay chữ Hán chữ Nôm bằng chữ quốc ngữ làm cho người Việt Nam không còn hiếu cha ông tổ tiên của họ nữa”. Hiện tượng đi theo chủ nghĩa vô thần một cách không tỉnh táo dẫn đến phá đền phá chùa ở miên Bắc, ở Nghệ An trước đây chính là một biểu hiện rõ nét nhất về sự bị áp đảo của phương Tây và cũng là kết quả tai hại của sự gián cách lịch sử đó. Con cháu Việt Nam, con cháu xứ Nghệ hôm nay cần biết rõ để noi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là người không hề bị ảnh hưởng của chủ nghĩa vô thần. Chính Người đã viết: “Gần 20 thế kỷ trước, một vị thánh nhân (chúa Zésu) đã ra đời. Cả đời Người chỉ lo cứu thế, độ dân, hy sinh cho tự do bình đẳng”[1], “ Tín đồ Phật giáo tin ở Phật, tín đồ Gia tô giáo tin ở Đức chúa Trời, cũng như chúng ta  tin ở đạo Khổng. Đó là những vị chí tôn nên chúng ta tin tưởng”[2].

3. Riêng đối với đạo Phật thì cần nhận thức sâu sắc về tính ưu việt của nó như sau:

3.1. Đây là tôn giáo có tình thương bao la bát ngát nhất, có tinh thần dân chủ tuyệt đối nhất so với các tôn giáo khác. Đặc biệt là chưa bao giờ gắn với chiến tranh, bởi lẽ với Phật giáo chiến tranh nào cũng là cốt nhục tương tàn, nồi da nấu thịt trong khi tứ hải giai huynh đệ.

3.2. Phật giáo đã đến với Việt Nam ta từ rất sớm và đặc biệt là không liên quan gì đến các cuộc xâm lăng như Nho giáo với cuộc xâm lăng của nhà Hán, Thiên chúa giáo với  cuộc xâm chiếm thị trường ở phương Đông của chủ nghĩa tư bản phương Tây trên đường phát triển.

3.3. Phật giáo đến Việt Nam, được Việt Nam hóa theo tinh thần “cư trần lạc đạo” chứ không là "thoát trần lạc đạo". Đã từng là quốc giáo của Việt Nam để từ đó cùng dân tộc tạo ra thời đại vẻ váng, sáng chói nhất trong lịch sử dân tộc, thời đại Lý Trần. Sau đó, tuy mất địa vị quốc giáo nhưng vãn gắn bó với dân tộc, đặc biệt là với những người Việt Nam bất hạnh, khổ đau, vẫn là thành tố tinh khiết nhất  trong phần hồn Việt Nam.

3.4. Phật giáo  Việt Nam từng có vai trò lớn nhất trong việc tạo nên nhữnggiá trị ngườicao đẹp nhất của Việt Nam. Đó là tình thương người mênh mông bát ngát nhất để có Truyện Kiều của Nguyễn Du, mà tình thương người là vô địch trong văn chương nhân loại. Đó là khả năng đã tạo ra một vĩ nhân có đầy đủ nhất về tiêu chuẩn “tam bất hủ” (lập đức, lập công, lập ngôn.Trong đó đứng đầu là lập đức, thứ đến là lập công, thứ nữa là lập ngôn) trong lịch sử dân tộc: Thánh đế Trần Nhân Tông. Đó là khả năng tạo ra một khí thế đoàn kết dân tộc mà chưa một tôn giáo nào, một học thuyết nào khác làm được trên đất nước Việt Nam. Chuyện nhị vị Thánh đế Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông sau khi chiến thắng giặc Nguyên Mông đã ra lệnh đốt các tài liệu về những quan lại nhà Trần từng đầu hàng giặc, mở đường cho họ quay về với dân tộc với chính nghĩa, không để xảy ra nạn người chiến thắng trả thù kẻ chiến bại, quan trọng hơn là tạo ra một khí thế đoàn kết kỳ diệu, phi thường, một đi không trở lại, để đưa dân tộc đến con đường phát triển, thịnh vượng một thời mà gốc rễ của vấn đề là đặc sản tình thương bao la bát ngát của đạo Phật, tiếc là hậu thế đã không học nổi.

 3.5. Đất nước ta, Nghệ An ta, hôm nay, đang giàu có lên, đang có nhiều mặt văn minh hơn so với cha ông thuở trước nhưng cũng lại đang suy thoái đạo đức dường như chưa cưỡng lại được, cái thiện vẫn còn nhưng lại không lấn át được cái ác, thậm chí lại một ngày một hao hụt mặc dù cũng đã có những quyết sách này khác. Để cứu vãn tình hình, dĩ nhiên phải có cuộc ra quân tổng lực từ phía lãnh đạo đến toàn dân. Nhưng không thể không tính đến vai trò của tôn giáo mà tốt nhất không gì bằng phực hưng Phật giáo. Không phải đối với Việt Nam, với tỉnh Nghệ An ta, mà với thế giới, nhiều người  đã nghĩ vậy. Cũng chính nhà bác học thiên tài số một của nhân loại ở thế kỷ XX Anhxtanh trong dịp trò chuyện với Thủ tướng Ấn Độ là Nérhu năm 1947 trên đất Mỹ đã nói: “ nếu cần một tôn giáo cho toàn vũ trụ thì không gì bằng Phật giáo”.

3.6. Phật giáo không chỉ cứu rỗi phần hồn mà còn có thể chăm lo phần xác cho nhân loại hôm nay trong đó có người Việt Nam ta, người Nghệ An ta vốn đang sống với nhịp độ hiện đại gấp gáp, hối hả, căng thẳng thần kinh, kéo theo nhiều bệnh tật không kém phần nguy hiểm bằng các phương pháp tu hành của các vị thiền sư như đốn ngộ, nhập diệu, thiền định, ngồi thiền… vốn là chuyện vừa là tôn giáo vừa là y học đích đáng. Trên thế giới, cũng như ở Việt Nam, ở  Nghệ An đang có nhiều người làm theo điều đó một cách vô cùng hiệu quả trong việc chữa bệnh. Đó là sự thật 100%. Không ai có thể chối cãi. Sao chúng ta lại bỏ phí.

Rút cục lại, tôi xin thắp hương cầu nguyện cho quê hương muôn vàn yêu quí phen này đã thức tỉnh sẽ thức tỉnh nhanh hơn nữa để đạo Phật đã có cơ may hồi sinh và sẽ hồi sinh nhanh chóng, thuần khiết, cường tráng hơn nữa, sao cho ngang với nhiều địa phương khác trên đất nước Việt Nam ta, sao cho xứ Nghệ ta thực sự trở thành đất hứa, có cuộc sống yên bình, hài hòa, cân đối giữa hai phương diện vật chất và tinh thần một cách đích thực và bền vững.

 

Yên Hòa thư trai, Mậu Thìn, trọng hạ
(27 tháng 6 năm 2012)     



[1] Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 5, tr.197;  Ngô Trần Đức. Cụ Hồ - con người và phong cách. Viét-studies. 8. 5.2012.       

[2] Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 4, tr.148; Ngô Trần Đức. Cụ Hồ - con người và phong cách.Viet-studies . 8. 5. 2012.      

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 181
    • Số lượt truy cập : 6947979