NHỮNG MẢNH GHÉP KHÔNG CÂN XỨNG
HT. THÍCH THIỆN ĐẠO
1. Lương tâm đi vắng
Nhìn vào hiện trạng cuộc sống xã hội hiện nay, không ai không lo âu cho một tương lai đầy thảm nạn bất an, mọi trật tự xã hội sẽ bị đảo lộn, các giá trị đạo đức truyền thống sẽ bị biến thái.
Đời sống nhân loại được cải thiện, được nâng cao rất nhiều, con người đang được hưởng thụ nhiều thành quả của khoa học kỹ thuật do những bộ óc vĩ đại đem lại.
Nhưng bên cạnh những tiến bộ vượt bậc về kỹ thuật vật chất, thì cũng rất nhiều di chứng về tinh thần đang tăng lên rất nhanh. Cuộc sống đang luỹ tiến về những bất cập: Suy thoái đạo đức, tha hóa cách sống, đam mê cuồng loạn, cực đoan mất nhân cách…
An ninh nhân loại chưa bao giờ bị thử thách, bị đối đầu, bị khủng hoảng trầm trọng như hiện nay.
Khắp nơi trên thế giới, mỗi ngày có hằng trăm người bị giết chết, bị thương tật, bị đày đọa, bị đói khát do chiến tranh, do khủng bố, do bạo lực, rồi thiên tai dịch bệnh…, và thật đáng hổ thẹn vì những khổ đau nêu trên do con người gây ra cho nhau nhiều hơn do thiên nhiên. Như vậy, nền văn minh kỹ thuật có thật sự đem lại hòa bình, hạnh phúc cho nhân loại chưa, hay còn thiếu một khía cạnh nào khác? Phải chăng yếu tố đó chính là lương tâm, là đạo đức, là một nền văn hóa nhân bản? “Một nền khoa học thiếu lương tâm chỉ hủy diệt con người, hủy diệt cuộc sống”. Nhiều bậc thức giả đã thấy như thế!
“Tâm bình thế giới bình”, đức Phật đã long trọng tuyên bố như thế. Dưới nhãn quan của đạo Phật, thế giới được hiển bày như là một phản ánh từ tâm thức con người. Một người giàu lòng nhân ái, biết yêu thương tôn trọng người khác, sẽ được nhiều người yêu thương giúp đỡ. Một đất nước, mọi người đều yêu thương, đoàn kết, chung lòng chung sức xây dựng bảo vệ cuộc sống, đất nước đó sẽ giàu mạnh, nhân dân sẽ ấm no hạnh phúc, xã hội sẽ văn minh tiến bộ.
Nền văn minh kỹ thuật vật chất mà nhân loại đã tốn rất nhiều thời gian công sức để phát triển, nếu không được điều khiển và sử dụng một cách khôn ngoan trên nền tảng lương tâm tiến bộ, sẽ trở lại hủy diệt nhân loại một cách không khoan nhượng. Lửa tham vọng, lửa hận thù, sự manh nha của trí óc, sự băng hoại của tâm hồn, thái độ xem thường các giá trị truyền thống văn hóa tâm linh sẽ đẩy nhân loại vào bế tắc không lối thoát, đã biến cuộc sống thành bãi chiến trường, đã biến môi trường thành bãi rác khổng lồ, và sự đen tối của hành tinh này chỉ còn là vấn đề thời gian, nếu lương tâm và ý thức con người vẫn còn mê ngủ trong đêm dài vô thức.
2. Trái tim băng giá
Ngày nay, con người có khả năng chinh phục vũ trụ, làm chủ địa cầu, khai thác đại dương, nhưng họ lại thiếu khả năng khám phá khắc phục cái yếu đuối nhỏ bé trong tâm hồn.
Cuộc sống đang thừa thải vật chất, nhưng quá nghèo nàn văn hóa đạo đức.
- Họ rất thông thạo về giá cả từng sản phẩm vật chất, nhưng lại biết quá ít về giá trị từng sự vật.
- Họ mua sắm cất giữ quá nhiều thứ, nhưng chia sẻ cảm thông thì quá ít.
- Họ đang chơi trò lừa đảo, láo khoét gạt gẫm dân lành, nhưng lại rất ít khi thể hiện sự thành thật biết chăm lo xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
- Họ đang ở trong tòa nhà cao sang, nhưng tư cách rất thấp kém, rất tối đen.
Nói chung, họ đang ở vào thời đại hoàng kim của nền văn minh khoa học kỹ thuật muôn màu muôn vẻ, nhưng cũng là thời điểm có quá nhiều bóng đen bao phủ, nhiều tội phạm đang lộng hành, đạo đức đang xuống cấp thê thảm…
Theo quan điểm của đạo Phật, chừng nào con người biết trở về với chính mình, biết phát huy các giá trị nhân bản nội tại thì chừng đó cuộc sống mới thật sự có tiến bộ đúng hướng, và nhân loại mới có hòa bình hạnh phúc thật sự, bởi vì con người là chủ nhân, là hạt nhân của mọi thành công cũng như mọi thất bại.
Nguyện cầu bóng tối tiêu tan, tình thương thể hiện.
3. Cái đẹp vĩnh cửu
Văn hóa là nét đẹp là linh hồn, là chỗ dựa, là niềm tự hào của một dân tộc. Bản chất của văn hóa là đoàn kết, là nhân ái, là tự trọng mình và tôn trọng người, là biết hy sinh vì cộng đồng, biết tránh xa, đẩy lùi cái xấu cái ác ra khỏi cuộc sống.
Ở đâu và lúc nào các hiện tượng phi đạo đức xuất hiện như tranh chấp, bảo thủ, vô cảm, tha hóa, lừa đảo, manh động, thì ta biết rằng ở đó văn hóa đã xuống cấp, đã suy đồi, thậm chí còn bị tàn phá và hủy diệt nữa. Thiếu văn hóa, người ta đối xử với nhau thô lỗ, mất lịch sự, mất tư cách, thậm chí còn chà đạp lẫn nhau vì những cái tầm thường.
Trước sự cám dỗ của vật chất, trước sức mạnh của nhu cầu hưởng thụ không giới hạn, mỗi người trong chúng ta cần phải có tư duy chuyển biến sâu xa về nội tâm để duy trì và phát triển xã hội lên tầm cao mới trên nền tảng văn hóa đạo đức tâm linh. Xã hội chỉ thật sự được ổn định phát triển, con người chỉ thật sự có an lạc hạnh phúc, khi mọi thành phần xã hội biết trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống, biết tôn trọng sức mạnh của đạo đức tâm linh, biết lo sợ ưu tư về một cuộc sống xô bồ phi đạo đức.
Trong mọi sự phá sản, phá sản tâm hồn là nguy hại nhất. Trong mọi sự mất mát, mất mát đạo đức là tàn bạo nhất. Trong mọi cái đẹp, cái đẹp nào bền vững nhất, giá trị nhất, hữu ích nhất, được mọi người tôn trọng nhất, là cái đẹp nào? Xin mời câu trả lời của tất cả quý vị.
Bình luận bài viết