Thông tin

NHỮNG NGÔI CHÙA CỦA SƠN MÔN XIỂN PHÁP

 

NGUYỄN ĐẠI ĐỒNG
TRỊNH NGHĨA

 

I. Những ngôi chùa đầu tiên

1- Chùa Xiển Pháp, ngõ 20, phố Cát Linh, Hà Nội

Sau khi thụ Bồ tát giới với Tổ Quang Lư ở chùa Mễ Trì Thượng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, thiền sư Tính Định-Tâm Châu liền mua lại trại cũ của Tổng đốc Hà Thành ở phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương. Năm Ất Hợi (1875) ngài dựng chùa Xiển Pháp, khai tràng thuyết pháp, thu nhận đệ tử chính thức khai sáng Sơn môn Xiển Pháp.

 

 

Hai tấm bia được lập cùng một thời gian năm Tân Tỵ (1881) niên hiệu Tự Đức thứ 34.

Chùa đã bị phá hủy trong năm đầu kháng chiến chống Pháp. Ngôi chùa xưa tọa lạc trong khuôn viên rộng hàng chục nghìn mét vuông, nay dấu tích chùa chỉ còn hai tấm bia gắn trên tường căn nhà nhỏ (rộng gần 2m, dài gần 6m) trong ngõ 20 phố Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội. (Một tấm bia tên “Xiển Pháp tự bi ký”, một tấm không có tên gắn trên tường nhà dân).

Lịch đại Tổ sư:

1) Tổ Tính Định-Tâm Châu

2) Hòa thượng Thanh Tri.

3) Hòa thượng Thanh Nhân.

2- Chùa Đồng Dương, quận Hà Đông, Hà Nội

Chùa Đồng Dương được Tổ Tính Định - Tâm Châu dựng năm 1885 tại xã Đồng Mai, quận Hà Đông để hoằng dương pháp môn Tịnh Độ tại quê cha cũng là để báo ân thân phụ ngài.

Lịch đại Tổ sư:

1) Tổ Tính Định - Tâm Châu.

2) Thiền sư Thích Thanh Thức (đệ tử trưởng của Tổ Tính Định).

3) Hòa thượng Thích Thanh Tâm.

4) Hòa thượng Thích Thanh Chân (chùa Hương)

Đương kim trụ trì: Hòa thượng Thích Thanh Chính. Hiện là Phó Trưởng Ban Trị sự GHPG Việt Nam TP Hà Nội. Ngài có đệ tử là Tỷ khiêu Thích Minh Trí ở tại chùa với sư phụ.

 

Nhà Tổ chùa Đồng Dương  


Các Tổ thờ tại chùa Đồng Dương

 

3- Chùa Ước Lễ, huyện Thanh Oai, Hà Nội

Chùa Ước Lễ (Sùng Phúc tự), xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, được Tổ Tính Định dựng năm 1890 để hoằng dương pháp môn Tịnh Độ tại quê mẹ cũng là để báo ân thân mẫu ngài.

Lịch đại Tổ sư:

1) Tổ Tính Định-Tâm Châu.

2) Thiền sư Thích Cần Mẫn (đệ tử thứ 4 của Tổ).

3) Hòa thượng Thích Thanh Hạt (đệ tử thiền sư Thích Cần Mẫn)

4) Hòa thượng Thích Thanh Nhân (đệ tử Hòa thượng Thích Thanh Hạt)

Đương kim trụ trì là Thượng tọa Thích Tâm Đức.

 

Phật điện chùa Ước Lễ

 

Đường vào chùa Ước Lễ

 

4- Chùa Đồng Tỉnh, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên

Năm 1893, Tổ Tính Định xây chùa Đồng Tỉnh tại quê ngoại ở xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên để xiển dương pháp môn Tịnh Độ cũng là để báo ân quê ngoại. Sau, Tổ giao cho đệ tử thứ 7 của mình là Hòa thượng Thích Thanh Hợp về trụ trì chùa này.

Chùa đã bị phá hủy trong kháng chiến chống Pháp. Nay đã được dựng lại, hiện còn tháp và di ảnh Hòa thượng Thích Thanh Hợp thờ tại chùa, do một vị Ni sư của Sơn môn khác trụ trì.

Cùng đợt về trụ trì Đồng Tỉnh, ngài Thích Thanh Hợp còn tiếp nhận trụ trì và tiến hành trùng tu chùa Cầu Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Sau ngày Hòa thượng viên tịch, ngài không có đệ tử kế đăng, sư ở Sơn môn khác về trụ trì.

 

Tam quan chùa Đồng Tỉnh

 

Chính điện và nhà Tổ chùa Đồng Tỉnh

 

5- Chùa Đông Tân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Sau ngày Tổ Tính Định viên tịch (1901), thiền sư Thanh Chư-Mật Nghĩa (1863-1937) thấy làng Đông Tân, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương, Hà Nội là nơi dân nghèo sinh sống, không có chùa chiền, ngài liền đến đó lập am tu hành, sau đó mua mảnh đất cạnh đền Đông Tân, năm Thành Thái thứ 15 (Quí Mão-đầu năm 1904) dựng chùa Đông Tân đặt tên là Tân Khánh tự, nay ở 87 phố Triệu Việt Vương, phường Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng.

Lịch đại Tổ sư:

1) Tổ Thanh Chư-Mật Nghĩa (từ 1904-1937)

2) Thiền sư Thanh Thuần-Hạnh Nhã (1937-1949)

3) Thiền sư Thanh Viên-Nhân Từ (1949-1951)

4) Ni sư Thích Đàm Chức đệ tử cụ chùa La Hán, huyện Thường Tín trông coi chùa (1952-1993)

5) Ni sư Thích Đàm Thắng (1993-2014)

Đương kim trụ trì là Ni trưởng Thích Đàm Tính (cháu gọi Hòa thượng Thích Thanh Viên là chú ruột).

 

Cổng vào chùa Đông Tân

 

Phật điện chùa Đông Tân

 

6. Chùa Giải Áo, xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ, Hà Nội

Chùa tọa lạc ở thôn Đạo Ngạn, xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ - quê hương của thiền sư Thanh Chư-Mật Nghĩa đời thứ 2 và thiền sư Thanh Thuần-Hạnh Nhã đời thứ 3 Sơn môn Xiển Pháp.

Năm 1912, ngài Thanh Chư chấp cảnh trụ trì chùa Giải Áo và khi viên tịch (1937) di cốt của ngài được nhập tháp tại chùa này, tháp hiệu Đông Quang.

Từ 1937-1945, chùa chỉ có chú tiểu trông coi. Năm 1946, Hòa thượng Thanh Thuần - Hạnh Nhã cùng đệ tử là sư Thích Thanh Viên - Nhân Từ (1921-1993) về trụ trì chùa Giải Áo

Lịch đại Tổ sư:

1) Tổ Thanh Chư - Mật Nghĩa

2) Hòa thượng Thanh Thuần-Hạnh Nhã

3) Hòa thượng Thanh Viên - Nhân Từ

4) Ni sư Đàm Điên

Đương kim trụ trì là Ni sư Thích Đàm Miên (là em cụ chùa Bộc, quận Đống Đa, Hà Nội).

 

Tam quan chùa Giải Áo

 

Thượng điện chùa Giải Áo

 

II. Những ngôi chùa do hậu duệ đời II, III, IV Sơn môn tiếp quản

1. Chùa Võ Lăng, huyện Thanh Oai, Hà Nội

Năm 1949, Tỷ khiêu Thích Thanh Viên được sư phụ Thanh Thuần - Hạnh Nhã cử về trụ trì chùa Võ Lăng ở xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông.

Hòa thượng Thích Thanh Viên độ được 3 đệ tử:

1) Tỷ khiêu Đức Phong - Tiến Thịnh

2) Tỷ khiêu Đức Nguyên - Tiến Đạt

3) Tỷ khiêu Đức Bản - Tiến Thông

Thượng tọa Thích Tiến Thịnh, kế đăng Hòa thượng Thích Thanh Viên - Nhân Từ trụ trì chùa Võ Lăng. Thượng tọa độ được 2 đệ tử:

1) Đại đức.TS Thích Di Sơn, trụ trì chùa Thanh Lương và trụ trì chùa Vĩnh Quang, huyện Thanh Oai.

2) Đại đức Thích Di Thuận, trụ trì chùa Văn Quán, xã Đỗ Động.

 

Tam quan chùa Vũ Lăng

 

Bia ghi việc trùng tu chùa Vũ Lăng

 

2. Chùa Lại Yên (Nhạ Phúc tự), huyện Hoài Đức

Chùa Nhạ Phúc, xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội do vua Trần Anh Tông xây (1293-1314) cho công chúa Thắng Đức tu hành. Đến đầu thế kỷ XIX có thiền sư Khoan Thiện, Sơn môn Tào Động Hồng Phúc - Hòe Nhai lên tiếp nhận và tiến hành trùng tu chùa.

Sau thời gian dài vắng bóng sư trụ trì, năm 1950, Sơn môn cử ngài Thanh Thuần - Hạnh Nhã (1902-1974) đời thứ 3, đệ tử của Tổ Thanh Chư - Mật Nghĩa ở chùa Giải Áo, làng Đạo Ngạn, xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông về trụ trì chùa Lại Yên. Sau ngày thiền sư viên tịch, HT.Thích Thanh Viên đời thứ 4 kế đăng trụ trì chùa Lại Yên. Sau ngày Hòa thượng về cõi Phật (1993), Đại đức Thích Tiến Đạt đời thứ 5 kế đăng. Đến năm 2002, Đại đức giao lại chùa cho sư đệ là sư Thích Tiến Thông.

Thượng tọa Thích Tiến Thông là đệ tử thứ ba của Hòa thượng Thích Thanh Viên. Ngài xúc dưỡng được 4 đệ tử xếp đời thứ 6: Thích Di Quảng, Thích Di Tuyên hai vị đang du học nước ngoài, các sư Thích Di Đạo, Thích Di Pháp đang học ở Trường Trung cấp Phật học Đại Từ Ân, huyện Đan Phượng, Hà Nội, đều ở với sư phụ tại chùa Lại Yên.

 

Tam quan chùa Lại Yên

 

Gác chuông chùa Lại Yên

 

3. Chùa Kim Bài, thị trấn Thanh Oai

Đầu thế kỷ XX, thiền sư Thích Thanh Mai (1880-1951), đệ tử thứ 5 của Tổ Tính Định - Tâm Châu khai sáng chùa Kim Bài tại thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai.

Lịch đại Tổ sư:

1) Thiền sư Thích Thanh Mai

2) Hòa thượng Thích Thanh Tiến

3) Hòa thượng Thích Thanh Minh

Hòa thượng Thích Thanh Minh, sinh năm 1938, hiện là người cao tuổi nhất Sơn môn, có 2 đệ tử:

1) Một vị đi trụ trì chùa Định Hóa, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

2) Tỷ khiêu Thích Minh Thịnh, trụ trì chùa Phù Lưu Thượng (Đại Bi tự), huyện Ứng Hòa, Hà Nội.

Tổ Thanh Mai còn khai sáng các chùa: Chùa Quang Minh, chùa Văn Điển (Quang Minh tự), chùa Quỳnh Đô.

 

Chùa Kim Bài, thị trấn Thanh Oai

 

Tam bảo chùa Kim Bài (Bạch Hoa tự)

 

1) Chùa Quang Minh, số 10, phố Y Miếu, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

Tương truyền chùa Quang Minh được xây vào cuối thời Hậu Lê. Theo tư liệu trên 3 tấm bia “Tao Tự Bi Ký”, “Kỷ Niệm Bi Ký”, “Hậu Phật Bi Ký” ở chùa, thì đến đời vua Thành Thái (1893) chùa vẫn ở tại thôn Văn Tần (tức phố Sinh Từ, nay là Nguyễn Khuyến). Năm Duy Tân thứ 2 (1908), thiền sư Thích Thanh Mai trụ trì mới tổ chức di chuyển chùa sang vị trí hiện nay để có diện tích rộng hơn.

Tổ Thanh Mai độ được 5 đệ tử:

1- Hòa thượng Thanh Vân, xây chùa Bằng A, khu Linh Đàm

2- Hòa thượng Minh Tâm, chùa Văn Điển

3- Hòa thượng Thanh Ý

4- Hòa thượng Thanh Huân (chùa Hưng Giáo bị Pháp đốt, về chùa Kinh Bài)

5- Hòa thượng Thanh Tiến

Hiện nay chùa Quang Minh do một vị sư Tăng thuộc Sơn môn khác trụ trì.

 

Tam quan chùa đã xuống cấp

 

Chính điện chùa Quang Minh

 

2) Chùa Quỳnh Đô (Linh Thông tự), thôn Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Chùa và đình được dân làng dựng năm Quý Hợi (1923) do Phật tử Trương Văn Diệp trông nom chùa. Năm 1928, cụ Diệp qua đời, dân làng thỉnh thiền sư Thích Thanh Mai, thế danh Nguyễn Văn Thồ, ở chùa Quang Minh, phố Ngô Sĩ Liên, Hà Nội về trụ trì chùa Quỳnh Đô.

Lịch đại Tổ sư:

1- Tổ Thích Thanh Mai (1929-1951)

2- Hòa thượng Thích Minh Tâm (Trần Văn Hàm, 1952-1963)

3- Tỷ khiêu Thích Thanh Duy (Nguyễn Văn Lễ, 1963-1988)

4- Tỷ khiêu Thích Thanh Tiến (Lê Văn Tiến, 1988-1996)

5- Ban Hộ tự trông coi (1997-2006)

Đương kim trụ trì là TT.TS. Thích Trí Như (2009 - nay) thuộc Sơn môn Tào Động Kim Liên-Đồng Đắc, Ninh Bình.

3) Chùa Văn Điển, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì

Tương truyền chùa được dựng từ thời Lê trung hưng. Trải qua thời gian thăng trầm, hàng nhãn khổng lồ khi xưa giờ chỉ còn lại 7 cây rải rác trong khuôn viên chùa. Năm 1929, thiền sư Thích Thanh Mai trong lần về nhận và trùng tu chùa Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh, ngài đã tiếp quản chùa Văn Điển. Thiền sư cùng lúc trụ trì 4 chùa: Kim Bài, Quang Minh, Quỳnh Đô, Văn Điển. Năm 1947, quân Pháp chiếm đóng chùa. Đến năm 1950, quân Pháp rút đi, Thiền sư cử đệ tử của mình là sư Thích Minh Tâm về trụ trì. Hiện nay, trụ trì chùa là Tỷ khiêu Ni Thích Giác Minh sinh năm 1963, xuất gia năm 1972, thuộc Sơn môn khác.

III. Ngôi chùa do hậu duệ đời thứ 5 Sơn môn tiếp quản và trùng tu

Chùa Đại Từ Ân, huyện Đan Phượng

Ngày 9 tháng 5 năm 2010, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển DIA-Hà Tây đã long trọng tổ chức Lễ khởi công xây dựng chùa Đại Từ Ân, trên diện tích 2 ha nằm trong quần thể Khu Đô thị sinh thái cao cấp Đan Phượng thuộc thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội. Chùa do TT.TS.Thích Tiến Đạt trụ trì.

Tới năm 2015, chùa hoàn thành, bàn giao cho Trường Trung cấp Phật học Thành phố Hà Nội và là nơi quy tụ, sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân cùng Phật tử gần xa.

 

Toàn cảnh chùa Đại Từ Ân

 

IV. Những ngôi chùa do hậu duệ đời thứ 6 Sơn môn tiếp quản và trùng tu

a. Các đệ tử của Thượng tọa Thích Tiến Thịnh

1) Chùa Thanh Lương (Hộ Quốc Tự) tọa lạc tại phía Bắc thôn Thanh Lương, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, Thành phố Hà Nội. Chùa được xây dựng vào thời Hậu Lê cuối thế kỉ XVII, trở thành trung tâm tôn giáo của nhân dân, Phật tử trong vùng là nơi gắn liền với cuộc sống người dân nơi đây trong tâm thức tín ngưỡng tâm linh. Chùa Thanh Lương trong thời kháng chiến chống Pháp là trụ sở hoạt động bí mật của cán bộ và là căn cứ địa phương. Năm 2009, được sự cho phép của chính quyền địa phương, sư thầy trụ trì cùng chính quyền sở tại đứng lên tu bổ ngôi đại hùng bảo điện (lần đại trùng tu toàn bộ khuôn viên chùa như ngày nay). Tháng 11/2011 (âm lịch), chốn Già Lam uy nghiêm được tu bổ viên mãn, tổ chức đại lễ khánh thành chùa Thanh Lương - (Hộ Quốc tự).

Năm 2009, Đại đức Thích Di Sơn đời thứ 6 sơn môn Xiển Pháp, đệ tử của TT Thích Tiến Thịnh Viện chủ Tổ đình Võ Lăng về tiếp nhận chùa Thanh Lương.

 

Chùa Thanh Lương

 

2) Chùa Vĩnh Quang, xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai

Chùa Vĩnh Quang, thôn Úc, xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai, Tp. Hà Nội, do Tỷ khiêu ni Thích Đà Đà Diệu Viên (thế danh Trịnh Thị Ngọc Trinh) xây dựng từ thời vua Lê Huyền Tông (1663-1671).

Ngày 12 tháng 8 năm 2018 tức 02/7 năm Mậu Tuất, chùa làm lễ Tưởng niệm lần 300 Tổ sư khai sáng và làm lễ động thổ tượng Địa Tạng Bồ tát cao 48m.

 

Chùa Vĩnh Quang

 

3) Chùa Văn Quán, xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai

Chùa được xây dựng từ lâu nhưng không xác định rõ niên đại. Chùa ở gần đình Tam giáo, trước là nơi thờ Phật, sau dời tượng Phật sang chùa bây giờ. Trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954) chùa là cơ sở hoạt động của cán bộ, hiện còn hầm bí mật. Trong kháng chiến chống Mỹ (1955-1975) chùa là nơi trường học sơ tán. Chùa Văn Quán đã nhiều năm không có sư trông coi. Mãi đến năm 2007, dân làng mới thỉnh TT.Thích Tiến Thịnh - viện chủ Tổ đình Võ Lăng về trụ trì. Ngài đã giao cho đệ tử là Đại đức Thích Di Thuận về trực tiếp chăm sóc chùa này.

 

Giếng nước, sân chùa - đình Văn Quán

 

Tam quan chùa - đình Văn Quán

 

b. Các đệ tử của Thượng tọa Thích Tiến Đạt

Các chùa sau đây đều do Thượng tọa Thích Tiến Đạt nhận và trùng tu, tôn tạo (trừ chùa Vĩnh Khang của sư Thích Di Hiển, đệ tử trưởng của Thượng tọa):

1) Đại đức Thích Di Hiển, Đương gia chùa Vĩnh Khang, thôn Bùi Xá, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai.

 

Tam bảo chùa Vĩnh Khang

 

Cây đa tại sân chùa

 

2) Chùa Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội

Chùa Cự Đà có tên chữ là Linh Minh tự, được xây dựng từ thời Hậu Lê.

Trước đây, chùa tu theo Đại đạo Tam giáo. Năm 1930, Ni sư Đàm Soạn về trụ trì chùa quê hương mình, hướng tu theo thiền Lâm Tế. Các sư Ni tiếp tục trụ trì chùa đến năm 1985, chùa lại rơi vào tình trạng không có sư.

Bấy giờ, HT.Thích Thanh Viên (1921-1993) đang là Phó Trưởng ban Trị sự Chi hội Phật giáo Thống nhất tỉnh Hà Tây, Viện chủ Tổ đình Võ Lăng, đã cử Tỷ khiêu Thích Thanh Phúc thuộc Sơn môn về trụ trì chùa Cự Đà. Ít lâu sau, sư đi học trong Tp Hồ Chí Minh, HT.Thanh Viên cử đệ tử Thích Tiến Đạt về trông coi hương khói chùa vào ngày rằm và mồng Một. Năm 1988, học xong, sư Phúc bạch với Hòa thượng rằng ngài cho sư đi trụ trì chùa Triệu Khánh, ở huyện Thanh Trì. Chùa Cự Đà nên giao hẳn cho Đại đức Thích Tiến Đạt vì Đại đức đã quen việc ở đây.

Hiện nay, TT.Thích Tiến Đạt trụ trì, Đại đức Thích Di Kiên là     Đương gia.

 

Tam quan chùa Cự Đà

 

Tượng Bồ tát trong chùa

 

3) Chùa Thụy Ứng, thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng

Tương truyền, thiền sư Khoan Hòa thuộc sơn môn Tào Động Hồng Phúc - Hòe Nhai khi lên hoằng hóa trên chùa Hưng Long, huyện Đan Phượng đầu thế kỷ XIX đã khai sáng chùa Thụy Ứng (Sùng Phúc tự). Đến năm 1978, Hòa thượng trụ trì chùa viên tịch, ngài không có đệ tử, Tỉnh hội Hà Tây cử Ni trưởng về làm Đương gia chùa. Năm 2006, Ni trưởng giao lại chùa cho Thượng tọa Thích Tiến Đạt trụ trì.

Hiện nay, Thượng tọa cử đệ tử là Đại đức Thích Di Hưng về làm Đương gia chùa Thụy Ứng.

 

Tam quan chùa Thụy Ứng

 

Sân chùa Thụy Ứng

 

4) Chùa Cổ Ngõa Thượng, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng

Chùa Cổ Ngoã (Sùng Quang tự), có tên Nôm là chùa Thoá. Chùa, lư hương, đài rương… đều là những hiện vật của thời Nguyễn. Chùa do Đại đức Thích Di Long trông coi. Đại đức đang học ở Đài Loan.

 

Tam bảo chùa

 

Tam quan chùa Cổ Ngõa Thượng

 

5) Chùa Vĩnh Lạc, xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Đức. Thượng tọa Thích Tiến Đạt về nhận chùa năm 2018, xoay lại hướng cổng chùa. Năm 2019, Thượng tọa cử đệ tử là Đại đức Thích Di Hạnh học Trung cấp Phật học về làm đương gia.

 

Cổng chùa Vĩnh Lạc

 

Tượng Phật bà Quan Âm

 

Chùa Ninh Dương (Quảng Hàn tự), xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, Ban đầu Thượng tọa nhận chùa có ngôi Tam bảo. Ngài cho xây nhà Tổ và các công trình trong khuôn viên chùa. Năm 2018, Thượng tọa cử Đại đức Thích Di Khải về làm Đương gia. Năm 2020, Đại đức sang học ở Đài Loan, tới 2024 mới về. Đại đức Thích Di Hoằng đang học Học viện Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh được cử về trông coi chùa từ năm 2021.

 

Thượng điện chùa Ninh Dương

 

Ban Tam bảo

 

6) Đại đức Thích Di Trường, Đương gia chùa Bãi Thụy, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng.

Số còn lại (Di Hoằng, Di Nhật, Di Đăng, Di Nhẫn… ở chùa Đại Từ Ân với Thượng tọa.

 

Chùa Sùng Phúc

 

Kết luận

Từ 4 ngôi chùa thuở ban đầu (Xiển Pháp, Đồng Dương, Ước Lễ, Đồng Tỉnh) do Tổ Tính Định - Tâm Châu khai sáng và 7 đệ tử, sau hơn 120 năm tồn tại và phát triển, hiện nay Sơn môn Xiển Pháp đã có 19 chùa mà Tổ đình là chùa Võ Lăng (Đồng Dương, Đông Tân, Ước Lễ, Kim Bài, Võ Lăng, Lại Yên, Cự Đà, Phù Lưu Thượng, Đại Từ Ân, Thanh Lương, Vĩnh Quang, Vĩnh Khang, Văn Quán, Thụy Ứng, Bãi Thụy, Cổ Ngõa Thượng, Ninh Dương, Vĩnh Lạc thuộc quận, huyện Hà Nội và chùa Định Hóa tỉnh Hà Nam), với 30 Tăng Ni1 thu hút hàng nghìn Phật tử hành đạo theo phương châm: “Đạo pháp - Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”.

 


1. Trong Quy ước của Sơn môn (trang 8): không cho phép người nào bỏ Nội điển theo học Ngoại điển, không được độ Ni, không lấy ứng phó đạo tràng làm sự nghiệp. Nhưng đến đời thứ 4 Sơn môn, Tổ Thanh Viên đồng ý để Ni trưởng Thích Đàm Tính, cháu gọi ngài là chú ruột kế đăng trụ trì chùa Đông Tân, nên vẫn tính chùa này thuộc Sơn môn Xiển Pháp.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 14)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 136
    • Số lượt truy cập : 7076540