NHỮNG NỤ CƯỜI THIỀN XỨ HUẾ
(Trích dẫn từ bài phát biểu tại Tọa đàm Thơ thiền Việt Nam)
TRẦN ĐÌNH SƠN
Ngoài thơ văn chữ NHO, các vị cao tăng ở cố đô Huế còn lưu truyền nhiều bài thơ NÔM trào phúng để cảnh tỉnh giới tu hành, tín đồ đạo Phật được phổ biến trong chốn thiền môn. Tiêu biểu như:
THIỀN SƯ PHƯỚC HẬU (Lê Văn Gia, 1866-1953)
Sư sinh trưởng tại xã An Tiêm (huyện Đông Quan, tỉnh Thái Bình), vào kinh đô Huế sinh sống. Nhân duyên gặp Hòa thượng Tâm Truyền chỉ dạy Phật pháp nên phát tâm xuất gia tu học tại Quốc tự Diệu Đế. Dưới triều Bảo Đại (1926-1945), Ngài được công cử chức vụ Tăng Cang kiêm trụ trì quan tự Báo Quốc. Năm 1933, Hội An Nam Phật học thỉnh ngài làm Chứng minh Đạo sư cho đến ngày viên tịch.
Ngài để lại nhiều thơ văn được truyền tụng, tiêu biểu:
VIẾNG ĐÀN TRÀNG
QUỐC TỰ THIÊN MỤ (1925)
Úy chà chà tháp cao!
Trèo lên thử thế nào?
Chùa vua thầy chúc tụng
Cửa Phật chúng ra vào
Chuông trống vang lừng núi
Đuốc đèn rạng tợ sao
Của tiền làm thế ấy,
Công đức biết là bao?
BÁT TUẦN CẢM TÁC
Kinh điển lưu truyền tám vạn tư,
Học hành không thiếu cũng không dư
Đến nay tính lại đà quên hết
Chỉ nhớ trên đầu một chữ NHƯ.
THIỀN SƯ VIÊN THÀNH (Công Tôn Hoài Trấp, 1879 - 1928)
Thuộc phòng Định Viễn Quận Vương, hoàng tử thứ sáu của vua Gia Long. Sư xuất gia làm đệ tử của Thiền sư Viên Giác, người khai sơn chùa Ba - La -mật. Năm 1923, ngài lên lập Tra Am dưới chân núi Ngũ Phong để tịnh tu.
CẢM TÁC
Ba mươi tuổi biết sáu mươi nơi,
Thẩn thẩn thơ thơ ở với đời
Nỏ giận hờn ai cho mệt dạ
Chớ đua tranh miệng khỏi hao hơi
Dại khôn cũng hoá ra thành đất
Suy tính chi qua đặng với trời
Chán biết nhơn tình là tệ bạc
Cũng trò cũng chuyện cũng cười chơi.
TỰ TRÀO
Ai thăm ơn lắm, biết thăm ai?
Ai mời xin đến, biết mời ai?
Nhà dột lá che, không đợi lợp
Phên xiêu gió đỡ, chẳng lo gài
Phải chăng mặc thế, hơi nào nghĩ
Hơn thiệt thây đời cũng chẳng nài
Dễ có công đâu ngồi quẹt mũi
Nay còn chưa kể huống là mai?
CƯỜI THẦY TU CƯỚI VỢ
Chuyện lạ lùng thay chẳng thấy mô
Bỗng nhiên thấy cóc mọc đuôi lò
Lom khom vọt trước không ra vọt
Lận đận bò sau khó nỗi bò
Theo đuổi làm chi thành vấn vít
Dứt đi không hết huống lò thò
Như mầy đã muốn thay lòng tục
Mượn phép từ bi cởi lốt cho
THIỀN SƯ BÍCH PHONG (1901-1968)
Xuất thân trong gia đình theo truyền thống “Cư Nho Mộ Thích”. Năm lên 14 tuổi được phụ thân đưa đến lễ Hoà thượng NGỘ TÁNH trú trì chùa KIM QUANG xin xuất gia. Trưởng thành, sư rời Huế vào Bình Định cầu học với Hoà thượng PHƯỚC HUỆ tại chùa Thập Tháp. Từ năm 1934 về sau, ngài làm giảng sư Hội AN NAM PHẬT HỌC, giữ chức Tăng Cang kiêm trú trì Quốc tự DIỆU ĐẾ, tọa chủ chùa QUY THIỆN.
Thiền sư BÍCH PHONG làm nhiều bài thơ chế giễu hạng người giả dạng tu hành kiếm ăn:
Công ơn của Phật nói không nổi,
Mà kẻ tu hành bạc quá vôi
Nợ chúng còn nhiều đồ khó tưởng
Đài sen chín phẩm phóc lên ngồi.
***
Cửa Phật vô ra để kiếm ăn
Mang chuông cắp mõ chạy lăng xăng
Tam thân tứ trí đành không biết
Thợ tụng thầy tu cũng một thằng
***
Mũ len tràng hạt cũng như ai,
Phe phẩy cho ra cái giọng ngài
Sống mấy trăm năm mà giả dối,
Cột đồng giường sắt khó kêu nài.
THIỀN SƯ THIỆN TRÍ (1907-2000)
Pháp tử của Hòa thượng PHƯỚC HẬU. Theo học giáo lý với Thiền sư Viên Thành, Thiền sư Giác Viên, Hòa thượng Phước Huệ. Ngài rất tinh thông nghi lễ, cổ nhạc, nổi tiếng thơ văn đương thời tại kinh đô Huế.
CẢM TÁC TUỔI GIÀ
Tuổi già lẩm cẩm chịu rằng hư,
Hay giỏi mần chi với buổi chừ
Ăn nói lờ khờ nghe họ bực
Vui chơi biếng nhác thấy mình dư
Người quen trước mắt nhìn ngơ ngẩn
Vật nắm trong tay kiếm mệt đừ
Theo lẽ vô thường là phải rứa
Bà con những tưởng tớ đang cừ.
PHÊ BÌNH CHUYỆN MÊ TÍN ĐỒNG BÓNG
LAN VÀO CỬA PHẬT
Yêu quái ốp đồng nhảy đó a?
Nương cây ẩn bóng nhát người ta
Ra oai hùm hét ông, cô, cậu
Giả giọng linh thiêng cố, mệ, bà?
Xác lính chân hầu cheo cái nộm
Bùa hay phép lạ nực mùi ma
Bày nhiều chuyện nhảm gieo tà khí,
Cám dỗ lương dân thủ lợi mà!
Bình luận bài viết