Thông tin

NHỮNG NỮ TU PHẬT GIÁO TIÊU BIỂU THỜI LÝ - TRẦN

 

LÊ THỊ HẰNG NGA*
NGUYỄN ĐẠI ĐỒNG**

 

Chùa Phúc Thánh, Phú Thọ

 

Mở đầu

Trong suốt quá trình phát triển của lịch sử Phật giáo Việt Nam, Phật giáo thời Lý - Trần là những mốc son sáng chói. Trong thời kỳ này, giáo lý vi diệu và đường lối tu hành của đạo Phật đã dung hợp với văn hóa bản địa để tạo thành nét đặc thù cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Đóng góp cho Phật giáo Việt Nam thời kỳ này không chỉ có những ông vua, những tăng sĩ mà còn có nhiều vị Nữ tu, Nữ Phật tử xuất chúng. Thời Lý có Ni sư Diệu Nhân - Lý Thụy Kiều (1041- 1113), Phụng Thánh Phu nhân (1109-1171)… Thời Trần có Công chúa Phụng Dương (1241-1294), Công chúa Túc Trinh, Công chúa Huyền Tư, Đại sư Tuệ Thông, Gia Huệ hoàng hậu Lê thị, Công chúa Trần Thị Bạch Hoa… Bài viết sau đây tìm hiểu một số vị Nữ tu tiêu biểu của Phật giáo thời Lý - Trần, những người góp phần làm cho Phật giáo Việt Nam thời kỳ này sáng rạng.

I. Những Nữ tu Phật giáo tiêu biểu thời Lý

1. Ni sư Diệu Nhân - Lý Thụy Kiều (1041-1113)

Cụ húy là Ngọc Kiều, là trưởng nữ của hoàng thân Phụng Quỹ (vợ ngài người làng Phù Đổng, huyện Tiên Du) thiên tư hiền hậu, nói năng phép tắc được vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072) nuôi ở trong cung từ nhỏ. Đến tuổi trưởng thành, vua gả bà cho quan Mục châu Đăng là Lê Thị.

Lê Thị mất sớm, Lý Thụy Kiều thề quyết đứng góa, không chịu lấy ai nữa. Một hôm công chúa than rằng: “Chao ôi! Ta xem hết thảy mọi pháp trong thế gian, đều như mộng ảo, huống gì là những thứ vinh hoa phù phiếm mà có thể trông cậy được hay sao?”1.

Từ đó, có bao vốn riêng, công chúa đem làm phúc hết rồi cắt tóc xuất gia, vào thụ Bồ tát giới với Thiền sư Chân Không (1046-1100) - đời thứ 16 thiền phái Tỳ ni đa lưu chi) ở chùa Chúc Thánh, núi Phả Lại, [trại] Phù Lan, được ban pháp danh Diệu Nhân và đưa đi trụ trì Ni viện Hương Hải, hương Phù Đổng, huyện Tiên Du là quê hương Thiền sư. Ni sư giữ luật tinh nghiêm, tu thiền thân mật, thấy tỏ đạo mầu, nổi tiếng trong Ni chúng. Có ai đến học, Ni sư đều truyền cho phép Đại thừa và bảo rằng: “Chỉ cần đưa tự tính về nguồn thì đốn hay tiệm đều có thể tùy cơ mà tiến”2.

Cụ thường ngồi yên lặng, ghét nói nhiều. Ngày mồng một tháng sáu năm Hội Tường Đại Khánh thứ tư (1113) cụ trở bệnh, mới đọc bài kệ rằng:

Sinh, già, ốm, chết,

Tự xưa thường thế,

Muốn tìm lối ra,

Càng thêm chằng chịt,

Mê cầu đạo Phật,

Hoặc cầu phép thuyền,

Thiền Phật không cầu,

Im miệng không nói3.

Đọc xong tắm gội sạch sẽ, ngồi kết già mà hóa, thọ 72 tuổi.

Cụ là vị Ni nổi bật nhất - một nét son sáng chói Ni giới thời Lý.

2. Phụng Thánh Phu nhân (1109 - 1171)

Bà họ Lê, húy là Xuân Lan, sinh năm 1109, là con gái út của Phụ Thiên Đại vương họ Lê, mẹ là công chúa Thuỵ Thánh (con gái của Dự Tông chính hoàng - em trai Lý Thái Tông.

Năm Giáp Dần, Thiên Chương Bảo Tự thứ 2 (1134), lúc đã 26 tuổi, còn vua Lý Thần Tông mới 18 tuổi, do chị được kén vào cung làm vợ vua Lý Thần Tông rồi được lập là Cảm Thánh hoàng hậu mà Xuân Lan được đón vào cung. “Khi đón về làm phi, mới vào cung là đã hiểu rõ đạo làm vợ, trước lên tông miếu, giữ bền phong độ nữ lưu, ăn mặc điểm trang thì đúng nghi lễ, nói năng cử chỉ thì đúng khuôn phép”.

Năm Thiên Chương Bảo Tự thứ 4, được sắc phong là Phụng Thánh phu nhân, thì “vẫn giữ bền tâm hạnh, bớt việc trang điểm, việc thờ cũng đãi đằng không thiếu, mà ơn huệ bé mọn cũng thấm đến gia nhân”. Tới lúc vua Lý Thần Tông mất vào năm 1137, thì Phu nhân “gào khóc đưa tiễn xe vua, thề ở lại lăng tẩm để trông coi, lòng biếng nhác không bao giờ thấy được, dù không tu được đạo Thượng thừa, mà sự giáo hóa vẫn đủ”.

Khi vua Anh Tông lên ngôi thì Phu nhân cùng với chị mình là Cảm Thánh giúp vị vua thơ ấu. Dù sống hiển vinh mà lòng thường không quên cội nguồn tổ tiên, muốn dựng chùa để trả ơn tri ngộ của Thần Tông mà cũng để làm nơi gửi nắm xương tàn, khi từ giã cõi đời, cho gần gũi với cha mẹ mình. Thế rồi, thể theo nguyện vọng đó, vua Lý Anh Tông đã sai chọn đất để dựng một ngôi chùa thờ Phật tại nơi bà đã sinh ra. Năm Ất Sửu (1145), tại hương Tuế Phong (nay thuộc xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) một ngôi chùa đã được dựng lên. Chùa có tên là Phúc Thánh đúng như mong ước của Bà. Đó là một ngôi chùa cổ nằm trên một vùng đồi núi thanh tú vây quanh: sông hồ biếc trong bao bọc, có hướng nhìn sông dựa núi, được thế rồng ấp hổ chầu... chùa làm xong khói hương không dứt.

Nhờ chùa mà văn bia Phụng Thánh Phu nhân đã được giữ gìn và truyền lại cho chúng ta hôm nay, dù có chữ bị khắc sai, khắc lộn. Cũng nhờ văn bia này mà chúng ta mới có được một số thông tin mới về sinh hoạt gia đình, xã hội và Phật giáo của tổ tiên ta gần cả nghìn năm trước nói chung và về bản thân Ni sư Diệu Nhân nói riêng.

Phu nhân Phụng Thánh viên tịch tháng 9 năm Chính Long Bảo Ứng thứ 9 (1171), hưởng thọ 63 tuổi. Mộ táng tại núi Phác Sơn ở phía Tây chùa Phúc Thánh Diên Linh.

Chùa Phúc Thánh hiện vẫn còn, cách phía Tây chùa 78 mét, người ta tìm thấy ngôi mộ nhưng không biết có phải mộ Phụng Thánh Phu nhân hay không? Phía sau bia có ghi lại một số ruộng do bà chị là Cảm Thánh cúng cho chùa để kỵ giỗ Phu nhân và tu bổ chùa.

II. Những Nữ tu Phật giáo tiêu biểu thời Trần

Nếu thời Lý mới ghi lại được 2 công chúa xuất gia tu Phật nói trên thì đến thời Trần số sư Ni xuất thân từ hoàng tộc đã nhiều lên:

1. Công chúa Phụng Dương (1241 - 1294)

Theo văn bia thờ công chúa Phụng Dương do Lê Củng Viên viết thì Bà có thể là con gái thái sư Trần Thủ Độ và là vợ của thượng tướng Chiêu Minh vương Trần Quang Khải. Bà hành xử: “Sản nghiệp của cha mẹ để lại, công chúa chia đều cho anh em còn mình không một chút tơ hào. Lại dốc cả gia sản để bố thí cho sư và cúng dàng Phật; kẻ đói thì cho ăn, kẻ rét thì cho mặc, đem của cải cầu phúc cho cha mẹ...”, “Đến khi lớn tuổi, công chúa đặc biệt thích học sách nhà Phật. Tuy chưa hiểu cặn kẽ từng câu chữ, nhưng nét khái quát về cái tâm “đại giác” thì cũng hiểu được. Ngoài ra những giới luật lặt vặt thì không câu nệ”4.

2. Công chúa Túc Trinh (?-?)

Tương truyền bảy năm sau chiến thắng quân Nguyên lần thứ nhất (1258) tức là vào năm 1266, để phát triển sản xuất làm cho đất nước giàu mạnh, vua Trần đã xuống chiếu “cho các vương hầu, công chúa, phò mã, cung tần khai khẩn ruộng bỏ hoang, lập thành điền trang”5.

Công chúa Túc Trinh, con gái vua Trần Thái Tông đã rời cung điện ra vùng phía Bắc kinh thành Thăng Long, lúc đó còn là hoang địa, lập dinh điền. Công chúa đã bỏ tiền của phát chẩn, cấp giống vốn cho dân nghèo dựng nhà, khai khẩn làm ăn sinh sống. Sau khi lập được làng Cổ Nhuế Viên, công chúa Túc Trinh đã về miền đất hoang hóa này, tức An Nội6 để làm việc công đức đó.

Thấy công chúa có lòng nhân từ nên dân phiêu bạt khắp nơi kéo đến ngày càng đông. Khi đã thành làng, công chúa đặt tên làng, xây chùa Thánh Quang và tu hành ở đó. Bà nói: Ban đầu, vâng lệnh vua cha, ta mới chiêu được mười nhân khẩu, thấy mảnh vườn bên bờ sông vừa đẹp vừa tiện đi lại nên ta cho lập ấp nhỏ ở xứ vườn, sau đông thành làng. Làng đó, ta đặt là Cổ Nhuế Viên.

Nay ta thấy thêm làng mới này, thấy dân chúng chịu khó làm ăn, biết nghe lời phải, bây giờ đất đã sạch cỏ, thế là từ Cổ Nhuế lại có Cổ Nội. Nay dân an cư lạc nghiệp, ta đặt cho làng tên là An Nội. An Nội có sau, Cổ Nhuế Viên có trước. Cổ Nhuế Viên là anh, An Nội là em. Hai làng biết yêu thương nhau, quí trọng nhau thì ta mới yên lòng. Ta đã xin triều đình khoanh khu đất làng ta hình quạt giấy mở7, mong cho làng ta mãi mãi mát mẻ phong quang”.

Nhân dân vô cùng phấn khởi, hứa làm theo lời dạy bảo của bà, xin được muôn đời thờ cúng theo di chúc khi bà trăm tuổi chầu cảnh Phật.

Sau ngày công chúa Túc Trinh từ trần, nhân dân An Nội ngoài việc thờ cúng ở nhà tổ chùa Thánh Quang, còn lập đền riêng thờ bà chúa. Hiện ở đền thờ, trong các câu đối có hai đôi ghi rõ lai lịch của bà và lai lịch của chùa do bà Túc Trinh xây dựng, đặt tên:

Tích thác Hoàng gia tiên hiển chúa,

Danh lưu thánh tự Phật như thần

Phái diễn Đông A truyền tự điển

Hương lưu quang tự ấn từ tâm.

Chuông chùa Thánh Quang hiện nay, nguyên là chuông do công chúa Túc Trinh cho đúc từ thời Trần Anh Tông (1293 - 1314) sau khi lập làng An Nội. Sau lần bị mất, dân làng cho đúc chuông mới vào năm Ất Hợi (1875) tuy nhỏ hơn nhưng bài Di chúc của công chúa Túc Trinh ghi trong chuông cũ vẫn được khắc theo nguyên bản.

“Vua thứ tư triều Trần, nước Việt. Công chúa Túc Trinh đúc hồng chung nặng 400 cân để ở hương Từ Liêm, chùa Thánh Quang. Thiết nghĩ ta đây:

Suốt đời chẳng trồng quả tốt

Nay sinh chẳng sửa duyên lành

Lo đã chịu là hữu than

Tôi lại gặp là vô hậu

Mắt dẫu chưa nhắm

Tình đời đã thương.

Cho nên phải chia ruộng đất cho nô tỳ và cả anh em trong họ. Ai cũng phải giữ gìn phần mộ cùng với quí vật của Tam bảo... vì cớ ấy:

Ta ghi lời dặn lúc còn sống

Thay làm chúc thư sau khi chết

Khắc ở chuông này

Truyền để đời sau

Trên nhờ phép thường của nhà nước

Dưới mong lòng thuận của anh em.

Nếu trái lời trong chuông,

Khó tránh khỏi lưới pháp luật.

Từ nay, ruộng đất chia cấp cho hương hoả, nô tỳ cấy cầy sinh sống và ruộng đất tiến làm của Tam bảo đã có phân biệt. Nếu trong nô chúng có người không chịu phụng sự hương hoả lại tự tiện xâm chiếm ruộng đất của Tam bảo thì nô chúng phải cùng nhau tố cáo lên triều đình luận tội.

Nếu anh em người nhà ta cậy thế chiếm đoạt ruộng đất của Tam bảo, trễ nải việc hương hoả thì nô chúng phải cùng nhau tố cáo lên triều đình luận tội.

Và “ghi chú: Nguyên chuông chùa cũ bị phá mất không biết duyên cớ và từ năm nào. Nhân dân địa phương cho đúc chuông mới, đồng 300 cân, thiếc 8 cân, vàng 28 phân, lời văn y như chuông cũ, treo ở Tam quan.

Tự Đức, Ất Hợi, tháng hai, đúc thành quả chuông khắc bài văn chuông làm ghi”8.

Nhớ ơn công chúa Túc Trinh, theo truyền thống, làng An Nội thường tổ chức ngâm thơ tại đền trong hội làng vào tối ngày 14-8 âm lịch hàng năm gọi là hát tứ phiên. Trong nhiều bài thơ xưa và nay, người An Nội thuộc lòng bài ca viết bằng chữ Nôm ghi tại đền thờ bà chúa thôn Viên (Cổ Nhuế Viên):

“Chúa phụng chiếu khai hoang lập ấp,

Mộ nhân dân chiêu tập thành gia.

Thổ, điền quân cấp mỗi nhà,

Đội công đức Chúa biết là đến đâu...”

Trong hội làng xuân Bính Tý (1996) nhân ngày giỗ Chúa, người An Nội lại ngân vang lời ca ngợi:

“Ơn chúa ban cho lập xóm làng,

Dày công vun đất được khang trang,

An cư từ đó ngày tươi tốt,

Lạc nghiệp đến giờ mãi vẻ vang.

Nhớ cũ ghi lòng ân Túc chúa,

Biết nay tạc dạ đức Trần Hoàng,

Lưu truyền hậu thế ngày kỵ chúa,

Hội quên An Nội rộn ca vang!”

(Nguyễn Tọa, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 6 năm 1998)

3. Công chúa Huyền Tư (?-?)

Theo Nam sử tiền biên Thái Vi ngọc phả, hiện lưu giữ tại xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư thì khi quân Nguyên - Mông sang xâm lược nước ta lần thứ hai năm 1285, trước sức mạnh hùng hậu của giặc, triều đình dưới sự chỉ huy của vua Trần Nhân Tông đã tạm rời bỏ Kinh thành Thăng Long để tránh cái thế mạnh ban đầu của chúng. Nhà vua xuống chiếu dời đô về căn cứ địa Trường Yên thuộc phủ Trường Yên (nay là các xã Ninh Hải, Ninh Thắng, Ninh Vân, Ninh An huyện Hoa Lư) để lập căn cứ chống giặc cứu nước.

Lúc đó, Hoàng tử Ngự Câu Vương được lệnh của triều đình đem quân về trấn giữ miền duyên hải phía Nam căn cứ địa. Hoàng tử lấy địa thế khu Mả Lăng cạnh chùa Dầu làm nơi đóng bản doanh, chiêu tập hiền tài, tuyển lựa sĩ tốt, củng cố đồn lũy, tích tụ lương thảo, rèn luyện thủy bộ để bảo vệ mặt Đông Nam căn cứ địa Thái Vi, nơi cung vua cùng cả triều đình đóng giữ.

Lần theo lịch sử, được biết: sau chiến thắng giặc Nguyên - Mông lần thứ 2 (1285), đến năm 1287, công chúa Huyền Tư được lệnh triều đình xuống úy lạo quân sĩ và thăm em. Thấy cảnh quan nơi đây cây cối xanh tươi, hòa khí thịnh vượng, bốn bề tĩnh mịch, có một ngôi chùa nhỏ cổ kính núp dưới tán lá rừng muỗm, rừng thị xanh tươi, lại gần kề chỗ quân doanh của Hoàng tử em mình. Huyền Tư công chúa cho là nơi hợp với chốn tu hành nên về xin phép vua cha xuống chùa Dầu quy y Phật đạo. Được vua cha chuẩn y, lại cho đem theo hai ông Thái học sinh là Tống Văn Triều tự Huệ Nhân, Tạ Như Thủy tự Phúc Độ, một cung phi là Nguyễn Thị Tú, một nội các viên là ông coi vườn ngự uyển, giữ chức Thái giám, một bà nhũ mẫu Phạm Thị Vinh.

Nhà Trần thực thi chính sách đại điền trang thái ấp, nên nhà vua cấp cho hai chị em Huyền Tư công chúa và Hoàng tử Ngự Câu vương 173 mẫu lộc điền làm tư điền, tu sửa lại con đường từ chùa Dầu vào chùa phủ theo hình rồng uốn khúc, tu sửa từ đường, tứ thời bát tiết phụng sự khói nhang. Lại nói, Hoàng tử Ngự Câu Vương sau khi đại thắng quân Nguyên - Mông cũng xin cha cho  ở lại tu hành cùng chị. Từ đó, hai chị em đêm ngày kinh kệ, tu sửa Thiền môn, tính đến nay đã hơn 700 năm, chùa Dầu trở thành trung tâm Phật giáo Trúc Lâm khắp vùng Yên Khánh-Yên Mô tỉnh Ninh Bình.

4. Đại sư Tuệ Thông (?-?)

Đến giữa thế kỷ XIV, có sư ni Tuệ Thông. Bà họ Phạm, con gái một gia đình nhiều đời làm quan, xuất gia đầu Phật từ trẻ, tu ở trong am núi Thanh Lương, giới hạnh tinh tiến, định tuệ viên thông, diện mạo giống hệt La hán. Danh tiếng vang khắp miền, được xem là bậc lãnh đạo của Ni giới lúc bấy giờ, được vua Trần Nghệ Tông (1370 - 1372) ban hiệu là “Tuệ Thông Đại sư", tên tuổi ngang hàng với các bậc cao tăng.

Về già, sư dời về ở Đông Sơn. Một hôm, sư bỗng bảo với đệ tử rằng:

- Ta muốn đem tấm thân hư ảo này thí cho hổ lang một bữa no.

Bèn vào xếp bằng giữa núi sâu, không ăn uống 21 ngày, hổ lang ngày ngày tới ngồi chung quanh nhưng không dám đến gần. Đồ đệ cố mời nhà sư trở về am. Sư đóng sập cửa nhập định qua một mùa hè, rồi tập hợp đám đệ tử lại để giảng đạo, bỗng nhiên ngồi mà hóa tuổi ngoài 80, lúc hỏa táng có rất nhiều xá lị. Quan sở tại đã xây tháp cho sư ngay trên núi. Trước đó sư dặn các đệ tử:

- Sau khi ta đi, nên chia bớt xương ta lại đây để mài mà rửa tật bệnh cho người đời.

Đến lúc nhặt xương, mọi người thấy không nỡ, bèn cho hết vào hộp niêm lại. Qua một đêm, bỗng được một xương cùi tay trên bàn, bên ngoài hộp, mội người đều ngạc nhiên về sự linh nghiệm của nhà sư. Về sau, phàm có người mắc bệnh đến khẩn cầu, đệ tử đem chiếc xương này mài với nước cho bệnh nhân rửa, không ai là không khỏi bệnh9.

5. Gia Huệ hoàng hậu Lê thị (?-?)

Bà là vợ vua Trần Duệ Tông (1337-1377), mẹ của Trần Phế Đế (tức Trần Nghiễn 1361-1388).

Tháng 12, năm Bính Thìn (1376), khi vua Duệ Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành và tử trận tháng 5 năm Đinh Tỵ (1377), bà xuất gia đầu Phật, dốc chí tu hành. Gặp lúc thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông chọn con trai bà để nối ngôi, bà cố sức chối từ thay cho con mà vẫn không được, nên thường hay than thở với người thân rằng con trai mình phúc mỏng, còn vận nước thì đang hồi khó khăn, chỉ chuốc vạ vào thân thôi.

Con đường tu hành của bà tinh tiến, được thụ giới và từng đốt cánh tay để cúng dàng10, bày tỏ quyết tâm tu trì, sau thị tịch khi đang nhập định. Đến hồi Trần Phế Đế bị phế, ai cũng khen Ni sư là người sáng suốt, nhìn xa, lại khen ngợi nhiều hơn nữa về sự tu tập của Ni sư11.

6. Công chúa Trần Thị Bạch Hoa (?-?)

Mùa xuân, tháng 3 ngày 15 năm Mậu Dần (1398), Lê Quý Ly bắt ép vua Trần Thuận Tông phải nhường ngôi cho hoàng thái tử Án (có sách chép là An), ngầm sai đạo sĩ là Nguyễn Khánh vào cung nói với vua rằng: “cõi tiên thanh nhã thơm tho, khác hẳn với cõi phàm trần, các tiên đế bản triều ta đều thờ đạo Phật, chưa từng ai theo chân tiên. Bệ hạ ở ngôi vua tôn quý, nhưng muôn việc khó nhọc, chi bằng truyền ngôi cho thái tử để tu dưỡng khí thanh hoà”. Vua nghe lời Khánh, Khánh bèn tâu sổ phụng đạo nhập tiên. Quý Ly cho làm cung Bảo Thanh ở phía Tây Nam núi Đại Lại, mời vua đến ở đấy.

Thái tử Trần Án là cháu ngoại của Quý Ly lúc đó mới 3 tuổi. Trần Thị Bạch Hoa, chị của Thái tử, lúc đó mới 17 tuổi phản đối việc trên. Quý Ly hết sức tức giận. Hồ Nguyên Trừng (con cả của Hồ Quý Ly) thấy vậy thương tình cho người đem thuyền chở Bạch Hoa đi lánh nạn.

Tới Kẽm Trống, thấy phong cảnh sông núi hữu tình, công chúa cho thuyền dừng lại, chọn đất dựng chùa ở lưng chừng núi Trinh Tiết, nằm bờ trái sông Đáy, thôn Đông Xuyên, xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Từ đó, dốc lòng thờ Phật, làm việc công đức cho dân. Bà mất tại đây.

Có lẽ, trên núi có dấu tích Phật nên chùa có tên chữ “Phật Tích tự”. Phải chăng do người tạo dựng chùa là công chúa chưa lập gia đình nên núi mới mang tên là núi Trinh Tiết và chùa có tên Nôm là “Trinh Tiết Sơn tự”. Nhân dân trong vùng quen gọi là chùa Trinh Tiết hoặc chùa Kẽm Trống - Trinh Tiết.

Kết luận

Như vậy, có thể thấy, thời Lý - Trần đã sản sinh ra những bậc Nữ tu, Nữ Phật tử xuất chúng, góp phần vào sự hưng thịnh của Phật giáo nước nhà. Là những hậu duệ được thừa hưởng gia sản quý báu của các bậc tiền bối, mỗi chúng ta hôm nay cần có bổn phận gìn giữ, nuôi dưỡng và phát huy những giá trị vĩnh cửu của Phật giáo nói chung, Phật giáo Việt Nam nói riêng, góp phần xây dựng cho quê hương một môi trường sống thiện lành, một nền văn hóa tự chủ, từ bi, và trí tuệ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đỗ Thị Hảo, Trần Duy Vôn dịch, Thơ văn Lý Trần III, Nxb KHXH, 1978.

2. Viện Lịch sử, Biên niên lịch sử cổ trung đại Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, 1987.

3. Đỗ Thỉnh, Di tích và văn vật vùng ven Thăng Long, Nxb Hội Nhà văn, 1995.

4. Trần Trương, Danh nhân Yên Tử, Nxb Văn hóa Thông tin, 1998.

5. Hồ Nguyên Trừng, Nam ông mộng lục, Nxb Văn học, 2001.

6. Nguyễn Đại Đồng, Những người con gái tiêu biểu của Đức Phật, Nxb Tôn giáo (tái bản), 2013.

7. Thiền uyển tập anh, Ngô Đức Thọ - Nguyễn Thúy Nga dịch và chú giải, Nxb Hồng Đức, 2014.

 


* Lê Thị Hằng Nga, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.

** Nguyễn Đại Đồng, Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam.

1. Thiền uyển tập anh, Ngô Đức Thọ - Nguyễn Thúy Nga dịch và chú giải, Nxb Hồng Đức, 2014, tr.213.

2. Sách đã dẫn.

3. Sách đã dẫn

4. Đỗ Thị Hảo, Trần Duy Vôn dịch, Thơ văn Lý Trần III, Nxb Khoa học Xã hội, 1978.

5. Xem “Biên niên lịch sử cổ trung đại Việt Nam”, Nxb Khoa học Xã hội, 1987, tr.173.

6. Nay là thôn Yên Nội, xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

7. Đôi câu đối cổ ở cổng làng An Nội xưa tương truyền do công chúa Túc Trinh viết: Nhất lộ an phú nội ngoại tàm tang cốc đệ hiến xuân thu. Bán luân thượng ha trì viên điểu lộng ngư du giai cảnh sắc (bán luân tức nửa bánh xe tức nửa hình tròn như chiếc quạt giấy mở).

8. Đỗ Thỉnh, Di tích và văn vật vùng ven Thăng Long, Nxb Hội Nhà văn, 1995.

9. Hồ Nguyên Trừng, Nam ông mộng lục & những truyện khác, Nxb Văn học, 2001.

10. Đốt cánh tay (nhiên tỷ) đốt đỉnh đầu không phải là cách thức tu luyện của đạo Phật, mà chỉ là một vài nghi thức trong lễ giới đàn. Trong giới đàn, các giới tử dù là tăng hay ni cũng đều đốt hương ở đỉnh đầu để thụ giới (Tỷ khiêu hay Sa di). Có một số trường hợp các giới tử phát nguyện đốt thêm ở tay hay vai v.v... nữa để cúng dàng chư Phật, bày tỏ ý chí sắt đá của mình về con đường tu hành.

11. Hồ Nguyên Trừng, Nam ông mộng lục, Nxb Văn học, 2001.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 26
    • Số lượt truy cập : 6494859