Thông tin

NHỮNG ƯU VIỆT ĐẶC THÙ

CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH KHÁNH HÒA

TRONG PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO

 

TT. TS. THÍCH KIÊN ĐỊNH*

 

Đức tính cần cù và kiên nhẫn của Hòa thượng Khánh Hòa nói riêng, chư tôn đức và các nhân sĩ trí thức đương thời nói chung đã gióng trống chánh pháp, thổi loa đại pháp ngõ hầu cứu giúp mạng mạch Phật pháp khỏi bị tiêu diệt.

Thời nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam từng bước chuyển mình theo đà tiến hóa các cộng đồng Phật giáo trên thế giới là nhờ phần lớn phong trào chấn hưng Phật giáo miền Nam nói riêng và các phong trào chấn hưng Phật giáo trên cả nước nói chung. Phong trào chấn hưng tại miền Nam, miền Trung và miền Bắc trong những thập niên đầu thế kỷ XX là mở đầu công cuộc vận động thống nhất Phật giáo vài thập niên sau đó vào năm 1951. Trong vài ba thập niên đầu thế kỷ XX, vô số khó khăn và chướng ngại, rất nhiều trở lực rào cản và bất cập hoặc không phù hợp với chánh pháp; do đó, việc chấn hưng chiếm vai trò vô cùng quan trọng trong công cuộc cải cách và chỉnh đốn cho phù hợp với đà tiến hóa tâm linh Phật giáo thế giới mà không bị lỗi thời và tụt hậu.

Bất luận là tăng hay tục, khi được sinh ra và lớn lên đều phải cưu mang và đền đáp Tứ trọng ân. Không những là cá nhân mà gia đình, dòng tộc, các tổ chức, các ban ngành trong xã hội từ trung ương đến địa phương đều phải niệm ân những bậc tiền bối hữu công, niệm ân những bậc Cao tăng Thạc đức, những vị tiền nhân đã hy sinh vì đạo pháp, dân tộc Việt Nam.

“Đồng hóa tôn giáo” và “Diệt chủng Văn hóa” bản địa

Vài thập niên đầu thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam còn bị Pháp thống trị, chúng đã âm mưu biến Việt Nam thành thuộc địa và thực hiện chiến dịch “Đồng hóa Tôn giáo” để biến tín ngưỡng dân tộc Việt thành tín đồ Thiên Chúa giáo, đồng thời chủ trương tận diệt văn hóa bản địa Việt Nam. Chiến tranh xâm lăng Việt Nam như một viên đạn được bắn đến hai đích: “Đồng hóa Tôn giáo” và “Diệt chủng Văn hóa”. Thấy rõ âm mưu độc hại và vô cùng nguy hiểm của thế lực ngoại xâm, những bậc danh Tăng nổi bật đương thời đã xuất hiện như cứu nguy cho đạo pháp và dân tộc, như Thiền sư Khánh Hòa tại miền Nam, Thiền sư Phước Huệ tại miền Trung, và Thiền sư Thanh Hanh tại miền Bắc. Rất nhiều bậc danh Tăng cả ba miền đã vượt mọi chướng duyên nhằm liên kết các phong trào đi đến thống nhất tổ chức Phật giáo trên cả nước sau này.

Âm mưu “Đồng hóa Tôn giáo” là diệt sạch tàn dư truyền thống tâm linh của Phật giáo và “Diệt chủng Văn hóa” bản địa là diệt chủng cả dân tộc Việt Nam: con Rồng cháu Tiên, con cháu vua Hùng… Âm mưu “Đồng hóa Tôn giáo” là chiêu bài độc tôn tôn giáo, nghĩa là khiến cho tất cả dân Việt cải đạo và trở thành tín đồ Thiên chúa giáo. Một chiến lược vô cùng nguy hiểm và cực kỳ độc hại. Sau chính sách ngu dân và độc tôn tôn giáo là mưu toan nắm toàn quyền trên khắp lãnh thổ Việt Nam.

Nguyên nhân và Mục đích tối thượng công cuộc Chấn hưng Phật giáo

Ngay cả trong thời Phật còn tại thế, tinh thần chấn hưng Phật giáo có thể được hiển rõ trong đoạn văn sau mà chúng ta có thể tìm thấy rải rác nhiều nơi trong kinh tạng Nikaya (hay A-hàm). Đức Phật dạy: “Hãy dựng đứng lại những gì bị quăng ngả xuống, hãy đem đèn sáng vào nơi bóng tối cho những ai có mắt có thể thấy. Cũng vậy, giáo pháp đã được đức Thế Tôn khéo thuyết giảng sơ thiện, trung thiện và hậu thiện”.

Sở dĩ phải chấn hưng là vì chánh pháp thì nhiều người cho là tà, tà pháp lại cho là chánh; tiêu cực làm ác thì cho là đúng, tích cực hành thiện lại bảo là sai. Như chuyện ngài Da Xá hành đúng theo giới luật đã bị nhóm tân Tỳ kheo (Tỳ kheo xứ Bạt Kỳ) tẩn xuất ra khỏi trú xứ; do bất đồng quan điểm về việc tổ chức quyên tiền của nhóm tân Tỳ kheo. Công cuộc chấn hưng Phật giáo trong thời kỳ đầu của thế kỷ XX không ngoài ý nghĩa: Hoàn thiện, chỉnh đốn, vực dậy và thống nhất quan điểm, ý chí và hành động, đường lối và chủ trương trên mọi lãnh vực nhằm mở ra tiêu chí mới ích đạo lợi đời. Phong trào chấn hưng Phật giáo không chỉ ở Việt Nam mà còn rất nhiều nước Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền trên thế giới, như Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện (Myanmar), Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản… đã khiến cho các nhà nghiên cứu phương Tây lưu tâm đến Phật giáo1. Nói theo thông tin khoa học thời nay, do các dữ liệu bị nhiễm hoặc bị virus xói mòn nên phải thường xuyên cập nhật Anti virus để đối trị và bảo quản tốt. Cũng vậy, trong thời đại văn minh khoa học phát triển không ngừng, nếu không duy trì và thường cập nhật năng lượng tâm linh để đối trị và bảo trì thì sẽ dễ bị lôi cuốn và đồng hóa vào thế giới vật chất thời nay. Chính vì thế, việc chấn hưng chiếm vai trò vô cùng quan trọng trong công cuộc cải cách và chỉnh đốn cho phù hợp với đà tiến hóa của nhân loại mà không bị lỗi thời và tụt hậu.

Nước Việt Nam trong thời Pháp thuộc, chính sách ngu dân và đồng hóa tôn giáo nhằm biến Việt Nam thành thuộc địa. Chính quyền thực dân từng bước xóa bỏ chữ Nho, mà các tu sĩ Phật giáo chưa bắt kịp nền tân học, nên chưa đủ điều kiện để phiên dịch Tam tạng Thánh điển Phật giáo sang Việt ngữ, nên nhiều tu sĩ lẫn Phật tử ngày càng xa dần Phật pháp và đạo mầu vi diệu của đấng Giác ngộ Như Lai Phật Tổ dẫn đến đạo pháp suy đồi. Một khi đạo pháp suy đồi thì phải chấn hưng, nhưng chấn hưng như thế nào, làm sao chấn hưng, đó là điều không đơn giản đối với bối cảnh lúc bấy giờ.

Thích ứng và bất cập của phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Nam

Trong phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Nam đầu thế kỷ XX, những tiêu chí và mục đích chính đã thúc đẩy dẫn đến phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Nam không ngoài các vấn đề quan yếu như sau:

1- Lòng tự ti dân tộc bộc phát vì không chịu khuất phục bị nô lệ.

2- Thắp sáng và củng cố niềm tin Tam bảo, bảo trì và tôn vinh lý tưởng cao cả thế giới tâm linh thiêng liêng của Phật giáo.

3- Vực dậy và chỉnh đốn mọi hoạt động Phật giáo tại miền Nam của các Tăng Ni và Phật tử nhằm hợp nhất tổ chức Phật giáo theo Chánh pháp.

4- Đào tạo tăng tài, lập Phật học đường, phiên dịch, diễn giải, chú thích, trước tác và xuất bản kinh sách chữ Việt.

5- Phát huy và phổ biến rộng phương tiện thông tin, báo chí, tạp chí, nguyệt san, tập san, v.v. của Phật giáo trong nhân gian.

6- Việc hoằng pháp phải nhắm đến thế hệ trẻ thanh thiếu niên (sau này thành lập Thanh niên Phật hóa phổ, tiền thân của Gia đình Phật tử).

7- Lấy Phật giáo thời Lý, Trần làm thượng đích nhằm bảo vệ tự do tín ngưỡng, vượt trên chủ nghĩa vị kỷ, phe nhóm, bè phái, thực thi tinh thần vô ngã vị tha, vì lợi đời ích đạo và an lạc cho số đông.

Đối lập lại với những thích ứng trên, dưới đây lược nêu lên một số mấu chốt khách quan và những bất cập chủ quan liên quan đến phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Nam sau vài thập niên đầu của thế kỷ XX.

Những mấu chốt khách quan

1. Miền Nam đương thời bị Pháp xâm chiếm, khiến mọi hoạt động liên kết của phong trào rất khó khăn bởi không gian giới hạn do thế lựcn goại xâm.

2. Khủng hoảng kinh tế, sĩ - nông - công - thương nghiệp chưa phát triển, dân sinh cơ cực và lạc hậu.

3. Trình độ dân trí còn thấp; văn hóa bản địa và văn hóa Phật giáo chưa phát huy mạnh như trong thời kỳ Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần; giáo dục chưa quy mô, v.v…

4. Đối tác ngoại giao bị bế tắc, hàng không, đường bộ và đường thủy bị tê liệt.

5. Chiến dịch “Đồng hóa Tôn giáo” và “Diệt chủng Văn hóa” bản địa của Pháp lúc ấy là tại họa khủng đối với phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Nam.

Những bất cập chủ quan

1. Tín ngưỡng dân gian đa số tin thần quyền mặc khải, mê tín dị đoan, bói toán cát hung, đồng bóng, tục đốt vàng mã, v.v… Đức tin Tam bảo chóng mờ nhạt.

2. Phật giáo ít phổ cập trong nhân gian, Tam tạng giáo điển chưa có tiếng Việt, thông tin, báo chí, kinh sách Phật giáo xoay quanh vấn đề nhân quả, Phật học sơ cơ, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, v.v… với số lượng quá khiêm tốn.

3. Tăng ni và tín đồ Phật giáo đương thời rất ít, trình độ Phật học sơ cơ. Số Phật tử biết Pháp ngữ và Nho học thì rất hiếm, hoạt động tự phát, mang tính vị kỷ và có tính cách cạnh tranh.

4. Đa số thanh thiếu niên – chưa dự vào Gia đình Phật tử và Câu lạc bộ thanh thiếu niên như ngày nay – chưa được giới lãnh đạo Phật giáo quan tâm.

Những điểm ưu việt và tâm huyết phụng đạo của thiền sư Khánh Hòa

Xuất phát từ ý chí thiêng liêng “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh” của bậc danh Tăng nổi bật, cũng như liễu ngộ lý tưởng cao thượng “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long Thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu”, Thiền sư Khánh Hòa (1878-1947) đã không ngừng cống hiến tâm lực, trí lực, tuệ lực và sức lực cả đời mình nhằm vực dậy các hoạt động cho sự phát triển của Phật giáo đương thời. Một bậc Tôn sư, tấm gương xuất thế sáng ngời, thật xứng đáng cho thế hệ hậu lai niệm ân và đảnh lễ.

Đức tính cần cù và kiên nhẫn của Hòa thượng Khánh Hòa nói riêng, chư tôn đức và các nhân sĩ trí thức đương thời nói chung đã gióng trống chánh pháp, thổi loa đại pháp ngõ hầu cứu giúp mạng mạch Phật pháp khỏi bị tiêu diệt. Vì thế, những năm đầu thế kỷ XX là những năm được cho là vô cùng khó khăn và có nhiều chướng ngại của phong trào. Tài liệu liên quan đến hành trạng của Thiền sư Khánh Hòa và phong trào chấn hưng Phật giáo thời này rất khan hiếm, nếu tham khảo các bài viết đăng trên các trang web và số ít thư tịch thì khó am tường hết tâm huyết của ngài Khánh Hòa và những bậc danh Tăng thời bấy giờ. Tuy nhiên, cứ vào các nội dung bài viết trên các trang web liên quan, chúng ta có thể rút tỉa ra một vài ưu khuyết qua các hiện trạng và các kết quả của phong trào nhằm nêu lên một số kinh nghiệm đặc thù cho Phật giáo thời nay.

Thấy rõ mầm móng hủy diệt Phật pháp

Ngoài mưu đồ biến Việt Nam thành thuộc địa của Pháp, còn có ý tàn độc là “Đồng hóa Tôn giáo” và “Diệt chủng Văn hóa”. Song hành mưu đồ này, chủ trương “Đồng hóa Tôn giáo” là thực hiện chính sách và chiến lược ngu dân, chủ trương hủy diệt truyền thống văn hóa bản địa và truyền thống văn hóa tâm linh của Phật giáo trải qua cả ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Dĩ nhiên, ở đây nếu chúng ta ghép vào cùng tình huống “tức nước vỡ bờ” hoặc “ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh” thì chưa phản ánh trung thực với tâm huyết phụng đạo của Thiền sư Khánh Hòa. Nhưng tình huống đấu tranh trong thời điểm này có lẽ phải nên nói như Parminides, triết gia cổ đại của Hy Lạp: “Đấu tranh giữa hai mặt đối lập để đi đến sự hài hòa thống nhất”. Cũng vậy, đã thấy rõ mầm móng hủy diệt Phật pháp của thế lực ngoại xâm và sự tê liệt của Phật giáo đương thời, ngài Khánh Hòa đã gióng lên pháp cổ, kích pháp âm, thổi loa đại pháp để cứu giúp cho sự sống còn của mạng mạch Phật pháp. Phi trí tuệ siêu phàm thì khó có thể thấy rõ mầm mống và mưu đồ thế lực ngoại xâm hủy diệt Phật pháp; nếu có trí tuệ mà thiếu tâm huyết phụng đạo giúp đời thì cũng khó có thể dấn thân vào những hoàn cảnh trớ trêu, chướng duyên và đầy khó khăn gian khổ. Thiền sư Khánh Hòa đã làm được điều đó mà đặc biệt là bậc tiên phong trong ngọn cờ đầu. Tâm huyết cống hiến của ngài cho chúng ta thấy rằng ngài là nhân vật hy hữu, “biết nhìn ra trông rộng”, có tầm nhìn sâu sắc, sẵn sàng hy sinh đời mình cho đạo pháp và dân tộc Việt Nam.

Quảng bá giáo lý Phật đà

Thấy rõ chiến lược và chính sách ngu dân cũng như mưu đồ của thế lực ngoại xâm, ngài Khánh Hòa đã phát động và đẩy mạnh quảng bá giáo lý Phật đà. Kết quả là vào năm 1928, Thích Học Đường và Phật Học Thư Xã tại chùa Linh Sơn (Cầu Muối - Sài Gòn) được thành lập. Năm 1929, Tạp chí Pháp Âm được xuất bản do ngài và những pháp hữu cộng sự. Khi số lượng khiêm tốn có thể hợp thành tổ chức hội đoàn, năm 1931, lập Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, trụ sở đặt tại chùa Linh Sơn – Sài Gòn, đứng đầu là Thiền sư Khánh Hòa, Thiền sư Phước Huệ, ngoài ra còn có trợ duyên đắc lực của các Thiền sư Thiện Niệm, Từ Nhã, Chơn Huệ... và được số đông hưởng ứng. Kết quả, ra đời Tạp chí Từ Bi Âm năm 1932 với chủ trương đấu tranh bất bạo động.

Phương tiện quảng bá giáo lý Phật đà được cứ vào cơ sở Thích Học Đường và Phật học Thư Xã tại chùa Linh Sơn và Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học cũng như thông tin qua tạp chí Pháp Âm Từ Bi Âm. Những cơ sở và các phương tiện này đã thể hiện rõ định hướng và tâm huyết phụng đạo giúp đời của Thiền sư Khánh Hòa ngày càng rõ nét. Tiếc rằng kết quả chưa mấy khả quan thì chướng duyên thời vận mạt pháp xảy ra. Đó là mọi hoạt động của hội bị chi phối và đình chỉ bởi Trần Nguyên Chấn, với quyết tâm “y pháp bất y nhân”, ngài Khánh Hòa đã bãi nhiệm và hồi quy Trà Vinh.

Giáo dục và đào tạo Tăng tài

Muốn quảng bá giáo lý Phật đà, điều kiện tối thiểu là phải có nhân sự, cán bộ và lực lượng giảng sư cơ hữu. Khổ thay, Tăng ni thời ấy không phải như thời nay. Thật đúng là thời buổi “Củi quế, gạo châu”, “Tuấn kiệt như sao buối sớm, nhân tài như lá mùa thu”. Trước tình hình khó khăn này khiến Thiền sư Khánh Hòa đẩy mạnh hướng giáo dục và đào tạo Tăng tài, và được thể hiện rõ tại Trà Vinh. Nơi đây, Hội Lưỡng Xuyên Phật học được thành lập năm 1934 dưới sự chỉ đạo của Thiền sư Khánh Hòa, Thiền sư Khánh Anh và Thiền sư Huệ Quang, kết quả là mở được 3 lớp học đầu tiên cho Tăng Ni sinh tại bản xứ. Chúng ta có thể nói rằng “trong cái rủi có cái may”. Rủi ro là vì không đúng theo chí nguyện mà các hoạt động của hội bị gián đoạn và giải tán bởi ông Trần Nguyên Chấn; còn may mắn là mở được 3 lớp học cho Tăng Ni. Một năm sau (1935), Hội đã cho ra đời tạp chí Duy Tâm, và kêu gọi chư Tôn đức sớm tìm cách thống nhất Phật giáo trên cả nước, đồng thời kêu gọi các bậc thức giả phổ cập thư tịch Phật giáo bằng quốc ngữ cho những người hiếu học.

Quả thật, nếu không phải là bậc “xuất trần thượng sĩ” lo cho sự an nguy sống còn của mạng mạch Phật pháp thì uất khí và tự ái vị kỷ có thể ngán chân và làm chùn bước. Đâu phải vậy, Thiền sư Khánh Hòa rõ ràng đã nuôi chín chí khí và lập nguyện độ sinh nên đã tiếp tục định hướng “truyền đăng tục diệm”, mong sao cho có nhân sự, cán bộ và giảng sư; vì thế đẩy mạnh giáo dục và đào tạo Tăng tài là việc cần thiết và vô cùng quan trọng trong thời buổi đương thời cũng như tương lai lâu dài sau này.

Ứng dụng Duyên sinh - Tạo thế liên kết thống nhất Phật giáo trên cả nước

Nắm rõ bí quyết các pháp trùng trùng duyên khởi trong Kinh Hoa Nghiêm và bài kệ của ngài Ác Bệ (Assaji) đọc cho tôn giả Xá-lợi-phất nghe: “Chư pháp tùng duyên sinh, diệt tùng nhân duyên diệt, Ngã Phật đại Sa-môn, thường tác như thị thuyết”, (Các pháp từ duyên sinh, cũng từ nhân duyên diệt, Đức Phật Đại Sa-môn, thường thuyết giảng như vậy). Cũng như lời Phật dạy trong kinh Tiểu Bộ: “Do cái này có, nên cái kia có. Do cái này không, nên cái kia không. Do cái này sinh, nên cái kia sinh. Do cái này diệt, nên cái kia diệt”, Thiền sư Khánh Hòa đã ứng dụng giáo lý duyên sinh vào hoạt động liên kết phong trào chấn hưng. Theo các tài liệu và một vài trang web cho biết, năm 1923, khi tổ chức Lục Hòa Liên Hoa Xã ra đời, chùa Long Hòa được đặt làm trụ sở chính dưới sự chủ tọa của Hòa thượng Thích Huệ Quang. Mục đích của tổ chức này nhằm tạo thuận duyên cho những vị có tâm huyết đối với tiền đồ của Phật giáo Việt Nam. Do đó, công cuộc chấn hưng Phật giáo được lập cước trên “ba vấn đề chính: Chỉnh đốn Tăng già; kiến lập Phật học đường; phiên dịch, diễn giải và xuất bản kinh sách chữ Việt”. Chư vị tiền bối trong công cuộc chấn hưng này là Hòa thượng Thích Huệ Quang, Hòa thượng Thích Khánh Hòa và Hòa thượng Thích Khánh Anh.

Ba năm kế (1927), sư Tâm Lai đã nêu lên quan điểm và xu hướng trong phong trào chấn hưng và thống nhất Phật giáo qua bài báo của mình. Được tin này, ngài Khánh Hòa đã gửi sư Thiện Chiếu ra Bắc gặp sư Tâm Lai, nhưng chẳng may thiếu duyên và bất thành; vì tình hình đương thời đang biến động trong cả nước. Thế nhưng, các xu hướng và quan điểm chấn hưng thời bấy giờ dần dần đã kết tụ trong thời điểm thuận duyên mà sau này lớn mạnh thành phong trào phát triển ngày càng rộng hơn.

Tuy rằng kết quả điều phối sư Thiện Chiếu ra Bắc nhằm diện kiến sư Tâm Lai đã bất thành, nhưng cho thấy rằng ý nghĩ liên kết được phát minh tạo nên thế lực hỗ tương duyên sinh thành sức mạnh cho phong trào sớm được thống nhất. Bất thành mà vẫn có tiếng vang, như con én không làm nên mùa xuân mà nó có thể báo hiệu mùa xuân. Mùa xuân én báo hiệu đó là dấu hiện liên minh tổ chức thống nhất Phật giáo đã được Thiền sư Khánh Hòa thực hiện từ lúc phong trào mới bắt đầu. Quan điểm và đường lối của ngài rõ ràng đi trước thời đại cả dăm ba thập kỷ trước thời kỳ đó rồi. Thật đáng trân trọng bậc Cao Tăng thật sự có tâm huyết.

Tiếng vang lan rộng ba miền

Phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Nam đã gây tiếng vang lớn, ảnh hưởng và lan xa đến các phong trào tại miền Trung và miền Bắc. Kết quả là Hội An Nam Phật học được thành lập vào năm 1932 (từ đó, Hội Tăng già Trung Việt được thành lập sau này vào năm 1949), dưới sự chỉ đạo của chư vị Thiền sư đầy tâm huyết cho sự sống còn của đạo pháp, như ngài: Giác Tiên, Phước Huệ, Tịnh Khiết, Giác Nhiên, Tịnh Hạnh, Trí Thủ, Mật Khế, Mật Nguyện, Mật Thể, Đôn Hậu, Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám,… trụ sở đặt tại chùa Trúc Lâm - Huế). Đặc biệt là báo “Viên âm” được ra đời với sự ủng hộ và hưởng ứng của số đông mọi tầng lớp. Với sự cộng tác của những vị trí sĩ có trình độ Pháp ngữ và Nho ngữ và các vị đã từng “giữ chức cao trong triều đình như: Nguyễn Đình Hòe, Nguyễn Khoa Tân, Phạm Quỳnh hay hoàng tộc như Ưng Bình, Viễn Đệ, các trí thức như Lê Thanh Cảnh, Lê Đình Thám, Trương Xướng, Nguyễn Khoa Toàn, và một số phụ nữ như Cao Xuân Xang, Công Tôn Nữ Thị Bân, Hồ Thị Thể Anh…”. Ngoài ra, Phật giáo cũng được gây tiếng vang lớn nhờ các Nho sĩ khoa bảng nổi tiếng như cụ Phan Châu Trinh, cụ Phan Bội Châu và các văn sĩ nổi tiếng như: Trần Trọng Kim, Phan Khôi, Nữ sử Đạm Phương…

Tại miền Bắc, Hội Phật giáo Bắc Kỳ được thành lập năm 1934 do Nguyễn Năng Quốc làm Hội trưởng, suy tôn Thiền sư Thích Thanh Hanh (Tổ Vĩnh Nghiêm) làm thiền gia Pháp chủ (nhờ đó, Hội Chỉnh lý Tăng Ni Bắc Việt được thành lập sau này vào năm 1949, sau đổi thành Hội Tăng già Bắc Việt năm 1950, tôn Thiền sư Thích Mật Ứng làm Thiền gia Pháp chủ) dưới sự chỉ đạo của Thượng tọa Tố Liên, Thượng tọa Trí Hải… và các danh Tăng tâm huyết nơi địa linh nhân kiệt tại miền Bắc. Đặc biệt là báo “Đuốc tuệ” được cho ra đời trong niềm hân hoan của Tăng Ni và Phật tử. Vai trò của các nhà Tân học và Cựu học nổi tiếng như: Nguyễn Năng Quốc, Thiều Chửu, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ… cũng đã đóng góp nhiều công tâm trong công cuộc chấn hưng Phật giáo tại miền Bắc.

Ngoài các hội trên, các hội khác cũng được thành lập như: Hội Phật học Kiêm Tế tại Rạch Giá, cho ra đời tạp chí “Tiến hóa”. Hội Thiên Thai Thiền giáo Tông Liên Hữu do Thiền sư Huệ Đăng thành lập tại Bà Rịa năm 1934. Hội Tịnh Độ Cư sĩ tại Chợ Lớn năm 1936, cho ra đời tạp chí “Pháp âm”. Hội Phật giáo Tương Tế do Lê Phước Chí - trụ trì chùa Thiên Phước tại Sóc Trăng. Hội Bắc Kỳ Phật giáo Cổ Sơn Môn tại Bắc Kỳ2. Từ năm 1945 đến 1954 có rất nhiều Hội Phật giáo dần dần tiếp tục được thành lập...

Xây đắp niềm tin Tam bảo

Trong kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật dạy: “Tín vi đạo nguyên công đức mẫu, trưởng dưỡng nhất thiết chư thiện căn, thoát ly sinh tử, xuất mê lưu, trực vãng Niết bàn vô thượng đạo” (Tin đạo là mẹ của rừng công đức, nuôi lớn tất cả các căn lành, ra khỏi dòng mê, thoát hẳn sinh tử, thẳng đến Niết bàn đạo quả vô thượng). Na ná nghĩa này, Tổ Long Thọ cũng nói: “Phật pháp như đại hải, Tín vi năng nhập, Trí vi năng độ” (Pháp Phật như biển lớn, hễ tin thì có thể vào được đạo, có trí tuệ thì có khả năng vượt thoát khỏi sinh tử).

Trong tình hình đương thời tại miền Nam của những năm đầu của thế kỷ XX cũng như sau này, chúng ta có thể nói rằng Nho giáo đóng góp rất lớn trong việc gìn giữ trật tự trị an của xã hội, đó là điều mà tự cổ chí kim khó phủ nhận. Với đạo lý “Tam cương” (Vua tôi, cha con, chồng vợ), “Ngũ thường” (Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín), Nho giáo chú trọng và nhấn mạnh vào lòng nhân. Lòng “Nhân” trong Nho giáo có nhiều cấp độ khác nhau, như là lòng nhân của người thường, của hạng quan văn quan võ ở triều đình, và của vua tôi, thì lòng nhân của đức vua là trên hết; vì vua được tôn xưng là “Thiên tử” (con Trời). Thế nhưng, với Phật giáo dẫu là “Thiên tử” vẫn bị đọa lạc trong tam giới (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới), lục đạo (Trời, A tu la, người, địa ngục, súc sinh và ngạ quỷ). Duy Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hàng Bồ tát đã đạt đến Thập địa, đến địa vị Đẳng giác và Diệu giác hay các bậc Thánh đã đạt đến Tứ quả Sa môn (Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, và A la hán), tùy vào cấp độ thọ sinh (như quả Tu đà hoàn, bảy lần; Tư đà hàm, một lần), thì mới có thể thoát khỏi ba cõi.

Thiền sư Khánh Hòa lúc còn sinh tiền lưu tâm rất nhiều đến công cuộc chấn hưng Phật giáo. Chính ngài đã thống thiết kêu gọi chư Tăng ni và nhân sĩ trí thức Phật giáo sớm tìm mọi cách để thống nhất Phật giáo trên cả nước, đồng thời kêu gọi các bậc thức giả dịch giải các kinh sách Phật giáo ra chữ quốc ngữ cho những người hiếu học tìm đọc và hành đúng chánh pháp.

Trong việc tu tập nếp sống văn hóa tâm linh thiêng liêng vi diệu của Phật giáo, Thiền sư Khánh Hòa chắc hẳn ít thích luận bàn suông triết lý Đông Tây kim cổ, không thích mất thì giờ hàn huyên đàm tiếu, cũng không ưa nói đến những chuyện thánh thần siêu hình diệu vợi, mà chỉ thích đề cập những gì thiết thực trong cuộc sống hiện tại. Như Kinh Trung Bộ III, đức Thế Tôn đã dạy: “Giáo pháp của Ta, không phải đến để tin, mà đến để thấy và thực hành” (“My dharma teachings, not come to belive, but come to see and to practise”). Chính vì lý do này, ngài giành thời gian tìm phương thức vực dậy nếp sống tâm linh của Phật giáo trong hiện tại, bằng cách nhấn mạnh đến vấn đề nhân quả, thiện ác, và thường khuyên mọi người ăn chay niệm Phật để làm tư lương và hành trang lúc lâm chung, tâm lý khỏi bị bồn chồn, lo âu sầu khổ. Phật giáo rất thiết thực trong hiện tại, như được cố Hòa thượng Thích Thiền Tâm kể rằng: “Nhớ lại hồi xưa cụ Khánh Hòa còn tại thế, có một Phật tử hỏi về đạo lý “vô thủy vô chung”. Sư Cụ mỉm cười đáp: ‘Hỏi chi xa vời vậy? Gắng ăn chay và niệm Phật cho đều đều là tốt lắm rồi"3. Ngài không những thông rõ đạo lý nhân quả, mà còn khuyên người nên tinh tấn tu tập, siêng tu niệm Phật. Nếu nhiếp tâm niệm Phật, thì nhân gần sẽ diệt các điều ác, thành tựu hạnh lành là tam nghiệp được thanh tịnh lúc niệm Phật.

Đạo lý Nhân quả là “Cán cân công lý”, là “Tòa án lương tâm” của mỗi con người chúng ta trong xã hội. Bạn có thể lừa dối một, hai người, cho đến có thể ma mị hay mê hoặc mà có thể lừa dối cả trăm người, chứ không thể lừa dối tất cả mọi người, lại càng không thể lừa dối chính lương tâm bạn. Tòa án lương tâm của chính bạn, cũng là thước đo Phật tâm của mình ở mức độ nào. Có lẽ ngài Khánh Hòa đã từng xiển dương đạo lý nhân quả ấy, phát huy tòa án lương tâm ấy nhằm xây đắp và thắp sáng niềm tin Tam bảo, vực dậy nếp sống tâm linh thiêng liêng vi diệu của Phật giáo trong công cuộc phát động liên kết phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Nam nói riêng và thống nhất Phật giáo trên cả nước nói chung.

 


* Giáo thọ sư Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.

1. Xem Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo Sử Luận, I, II, III, Nxb Văn Học, Hà Nội, 2000, tr. 758-9; xem “Phong Trào Chấn Hưng Phật Giáo trên Thế giới và Việt Nam”, Website; và xem NSGN, “Tính Tất yếu của Lịch sử Phật giáo Việt Nam – Từ Phong trào Chấn hưng (1928-1945) đến Phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam”.

2. Website: Wiki.document.

3. HT. Thích Thiền Tâm, Kinh Nhân Quả Ba Đời, Nhà xuất bản Tôn giáo, 2007, tr. 6.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 17
    • Số lượt truy cập : 6508297