NHỮNG VẦN THƠ XUÂN TÂM ĐẮC NHẤT
NHỮNG VẦN THƠ XUÂN TÂM ĐẮC NHẤT
TUỆ THÔNG-TUỆ KHƯƠNG
Trong “Tam Tổ Trúc Lâm Giảng Giải” (Hòa-thượng Thích Thanh Từ – Thiền viện Thường Chiếu, 1997) có giới thiệu bình giảng ba bài Thơ Xuân của Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Đó là các bài Xuân Hiểu, Xuân Cảnh và Xuân Vãn. Cả ba bài thơ đều ngắn gọn, mỗi bài chỉ gồm bốn câu theo thể ngũ ngôn hoặc thất ngôn, diễn tả mùa Xuân ở những thời điểm, ngữ cảnh khác nhau; nhưng hàm chứa nhiều nội dung ý nghĩa rất sâu sắc. Người viết xin ghi lại để quý vị cùng thưởng ngoạn, trải nghiệm trong những ngày đầu Xuân Quý Tỵ - năm 2013 này.
I- XUÂN HIỂU
Thụy khởi khải song phi,
Bất tri xuân dĩ qui.
Nhất song bạch hồ điệp,
Phách phách sấn hoa phi.
Dịch (Trần Lê Văn):
Buổi sớm mùa xuân
Ngủ dậy mở cửa sổ
A, xuân về rồi đây!
Kìa một đôi bướm trắng,
Nhằm hoa phơi phới bay.
II- XUÂN CẢNH
Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì,
Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi.
Khách lai bất vấn nhân gian sự,
Cộng ỷ lan can khán thúy vi.
Dịch (T.T.T):
Cảnh Xuân
Dương liễu hoa dầy, chim hót thưa,
Bóng thềm, nhà vẽ, cụm mây chiều.
Khách sang chẳng hỏi việc nhân thế,
Cùng tựa lan can ngắm bầu trời.
- Trong Thơ Văn Lý-Trần (Tập II-t460), in lời dịch thơ của Huệ Chi :
Chim nhẩn nha kêu, liễu trổ dầy,
Thềm hoa chiều rợp bóng mây bay.
Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế,
Cùng tựa lan can nhìn núi mây.
III- XUÂN VÃN
Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,
Nhất xuân tâm sự bách hoa trung.
Như kim khám phá Đông hoàng diện,
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.
Dịch (T.T.T):
Cuối Xuân
Thuở bé chưa từng rõ sắc không,
Xuân về hoa nở rộn trong lòng.
Chúa xuân nay bị ta khám phá
Chiếu trải giường thiền ngắm cánh hồng.
- Với bài Xuân Vãn, trong Thơ Văn Lý – Trần ( Tập II-t264 ), dịch đầu đề là Xuân Muộn (Theo Ngô Tất Tố – Văn học đời Trần), toàn văn như sau:
Tuổi trẻ chưa tường lẽ sắc không,
Xuân sang, hoa nở, rộn tơ lòng.
Chúa xuân nay đã thành quen mặt,
Nệm cỏ ngồi yên ngó rụng hồng.
- Trong “Thơ Thiền Lý Trần” (Hội Nghiên cứu và giảng dạy Văn học-Nhà Xb VN Tp HCM, 1998, t261) Đoàn thị Thu Vân, cũng lấy lời dịch Thơ của Ngô Tất Tố, nhưng lại dịch đầu đề là “Buổi Chiều Xuân”.
Tôi xin được ghi thêm cả các bài dịch của nhiều học giả, để các bậc thức giả cùng bạn đọc rộng đường nghiên cứu tham khảo.
Qua ba bài Thơ Xuân trên đây, chúng ta thấy cảm nhận của tác giả về mùa Xuân đã có sự chuyển biến từng bước. Ở bài I, chỉ là sự diễn tả cảnh sắc một buổi sớm mùa Xuân, giống như cảm nhận của nhiều người.
Sang bài II, vẫn là khung cảnh một ngày Xuân: trong khóm hoa dương liễu rậm, điểm xuyết tiếng chim hót lảnh lót dịu dàng; bên ngôi nhà chạm vẽ, mây chiều lướt bay làm ẩn hiện bóng đậm nhạt bên thềm. Nhưng cảnh sắc không còn là khung cảnh mùa xuân thông thường nữa, mà đã thắm đượm đạo vị của Phật giáo cùng Lão Trang, giữa các Đạo hữu, Huynh đệ, Thầy trò đồng cảm tương ưng. Vì vậy khi khách đến thăm không hỏi han nhau chuyện nhân tình thế thái của đời thường mà cùng nhau thanh tịnh, tựa lan can ngắm cảnh sắc thi vị trên bầu trời - “Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế, Cùng tựa lan can nhìn núi mây.”
Đến bài Thơ Xuân thứ III: Xuân Vãn-Cuối Xuân-Xuân muộn., theo Thiền sư Thanh Từ: “Bài này nói theo từ ngày xưa là đắc ý nhất, nói theo từ thời nay là tâm đắc nhất của tôi, nên tôi đã từng giải thích qua nhiều bài rồi.”. Một số vị Tăng ni và một vài vị cư sĩ - thiện hữu trí thức, là đệ tử thuần thành gần gũi của Ngài cũng đã lĩnh hội được tinh thần này và tu tập rốt ráo theo ý chỉ của Đức bổn sư.
“Niên thiếu hà tằng liễu sắc không”. Ý nói lúc còn nhỏ chưa hiểu biết về lý Bát nhã: “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc..”, cho nên “ Xuân về hoa nở rộn trong lòng”.
“ Như kim khám phá Đông hoàng diện”, Đông hoàng diện hay Đông quân là vị Thần mùa Xuân, nhưng nói Chúa xuân thì nghe dễ hiểu hơn. Chúa Xuân không phải là vị thần ở bên ngoài mà để chỉ cái Tâm thanh tịnh chân thật của chính mình. Khi đã nhận ra được cái Tâm của chính mình thì không phải tìm cầu ở đâu xa cả, tự nhiên lòng ta thanh thản, hoa tàn-hoa nở, xuân đi-xuân đến là theo quy luật của tạo hóa, lòng ta vẫn an nhiên, không mảy may rúng động. Đúng là khi đã khám phá được quy luật, thực trạng, nội hàm, ngoại biên của Chúa Xuân rồi, thì mặc cho thế sự thăng trầm, âu cũng là do nhân duyên thời vận, lòng ta đều nhận biết, nên dù ta đi-đứng.. hay ngồi trên bồ đoàn vẫn hoàn toàn thanh thản, tự tại ngắm hoa tàn, hoa nở và trước các đổi thay của cuộc sống quanh ta, cũng giống như nội dung một câu khác mà ta thường được nghe: Xuân đến xuân đi lòng tự tại, Trăng tròn trăng khuýêt dạ thênh thang.
Là người đã bước vào tuổi “thất thập”, đã nếm trải qua sáu mùa đông của những năm Thìn (Canh Thìn-Canh Thìn) với biết bao biến đổi, bất cập của thiên nhiên- xã hội. Song cũng do cơ duyên may mắn, từ khi nghỉ hưu đến nay, đã qua một con giáp (Canh Thìn-Nhâm Thìn), tôi gặp được Minh Sư, Chánh Pháp, được cùng nhiều bậc thiện hữu trí thức, nghiên cứu-tu tập trong Đại gia đình Thiền học - Phật giáo Việt Nam; học hành nghiêm cẩn theo tinh thần “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” mà Tuệ Trung Thượng Sỹ đã chỉ dạy từ xa xưa và phương châm “Tri túc tâm thường lạc, vô cầu phẩm tự cao” của Đại lão Tướng quân Võ Nguyên Giáp thời nay thường quan niệm.. Nhờ vậy mà Thân-Tâm luôn được bình an, như trong một buổi chiều Xuân được ngồi bên Đồi Tự Tại trước Thiền viện Trúc Lâm Chơn Không - nơi Thiền sư Thanh Từ đã khởi nghiệp khôi phục lại “Thiền Tông Việt Nam” từ nửa cuối thế kỷ XX. Thật đúng là:
Thiếu thời chưa tỏ Sắc Không,
Mỗi khi Xuân đến trải lòng trăm hoa.
Nay xuân đã hiện rõ ra,
Thiền sinh thanh thản trước hoa nở- tàn...
Tôi trân trọng ghi lại đôi dòng cảm nhận này, trước Lễ tưởng niệm 704 năm nhập Niết-bàn của Đức Vua-Phật Hoàng Trần Nhân Tông, để tỏ lòng tri ân về Sơ Tổ Trúc Lâm. Cũng là để kính mừng Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Thanh Từ - Người đã thọ ký cho tôi Pháp hiệu Tuệ Thông- trước khi Người nhập thất dài hạn từ mười năm trước đây (2002). Và nay Người thanh thản bước sang tuổi Trường thọ Chín mươi vào dịp đầu Xuân Quý Tỵ – PL 2557, năm 2013 này.
Ô Cấp, Cuối Đông Nhâm Thìn – 12/12/2012.
Tài liệu tham khảo:
- Tam Tổ Trúc Lâm Giảng giải: TV Thường Chiếu – 1997.
- Tuệ Trung Thượng sỹ...: TV Thường Chiếu - 1997.
- Thơ Văn Lý – Trần, TII. : Nxb KHXH, HN – 1989.
- Thơ Thiền Lý-Trần...: Nxb Văn nghệ TP HCM.
Tin tức khác
- KÝ ỨC MỘT THỜI - Cư sĩ THIỆN MINH
- TỪ QUANG Tập 14 - Tháng 10 năm 2015 (P.L.2559)
- TỪ QUANG Tập 13 - tháng 8 năm 2015 (P.L.2559) SỐ ĐẶC BIỆT VỀ ĐẠI LỄ VU LAN
- TỪ QUANG Tập 11 Xuân Ất Mùi - Tháng 1 Năm 2015 (PL. 2558)
- TỪ QUANG Tập 12 - Tháng 04 năm 2015 (P.L.2559)
- Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX - Tập II
Bình luận bài viết