Thông tin

NHỮNG VỊ KHAI SƠN PHÁ THẠCH ĐẶT NỀN MÓNG

CHO PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN TRÊN ĐẤT GIA ĐỊNH

 

Cư sĩ NGUYÊN QUÂN

 

Trong hàng ngũ lưu dân người Việt và số người Trung Hoa bài Thanh phục Minh sau đồng hóa với người Việt vào Đồng Nai - Gia Định lập nghiệp, ngoài những trường hợp đi lẻ tẻ do làm nghề đánh ca, hoặc buôn bán, hoặc quan quân đi công vụ trên biển, bị gió bão đấy thuyền xuống phía Nam, rồi không về được có những đợt di dân tập thể đông người như sau:

Đợt đầu tiên là lực lượng vũ trang của nhà Hậu Trần chống quân Minh bị thua trận cuối cùng ở Thuận Hóa, phải dong buồm chạy xuống phía Nam để khỏi bị rơi vào tay quân địch.

Đợt thứ hai là dưới triều chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả công chúa Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp Chey Chetta để kết tình thông gia, được vua Chân Lạp trả ơn bằng cách cho triều đình Thuận Hóa mở hai trạm thu thuế ở Bến Nghé và Sài Côn, và cho lưu dân người Việt sang làm ăn ở Nam Vang và vùng Bến Nghé.

Đợt thứ ba là năm 1658, vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân bức hại lưu dân người Việt ở vùng Mô Xoài, chúa Nguyễn Phúc Tần sai tướng sĩ vào đánh, bắt được vua Chân Lạp giải về ra Quảng Bình là nơi hành tại chúa đang chỉ huy đánh quân Trịnh. Nặc Ông Chân được chúa Nguyễn tha cho về tiếp tục làm vua, với cam kết xin làm phiên thần của Đại Việt, không cản trở lưu dân người Việt và cho thêm di dân vào Nam lập nghiệp.

Đợt thứ tư là dưới triều chúa Nguyễn Phúc Trú, 3.000 tướng lĩnh và binh sĩ người Minh không chịu khuất phục nhà Thanh, bỏ nước sang xin làm thần dân Đại Việt, được chúa Nguyễn cho vào định cư tại Đồng Nai và Mỹ Tho.

Đợt thứ năm là dưới triều chúa Nguyễn Phúc Thuần, anh em nhà Tây Sơn khởi nghĩa ở Quy Nhơn, giao tranh với quân chúa Nguyễn trên các tỉnh từ Quảng Ngãi tới Bình Thuận. Khi mới nổi dậy, lực lượng quân Tây Sơn chưa đông. Nay muốn đủ sức chống lại quân chúa Nguyễn, tất nhiên phải mộ và bắt thêm nhiều người vào lính mới đủ quân số. Do đó khiến một số đông dân chúng các tỉnh nói trên bỏ chạy vào Gia Định.

Trên đường tìm vào vùng đất mới, phương tiện di chuyển duy nhất của luu dân là dùng thuyền, bè đi dọc theo bờ biển. Vào tới đây, nơi đổ bộ thuận tiện duy nhất là vùng Mộ Xoài tức vùng Bà Rịa ngày nay. Do đó, nơi định cư đầu tiên là vùng Mộ Xoài, sau theo thời gian năm tháng và làm quen dần với vùng đất mới, lưu dân mới lần hồi tiến sâu vào vùng Gia Định - Bến Nghé.

Trong số lưu dân nói trên, đại đa số là người thuộc giới bình dân, theo Phật giáo, trong đó có một ít nhà sư cả người Việt và người Hoa đi theo vì nhiều lý do khác nhau, nhưng mục đích chính là tạo môi trường thuận lợi cho việc tu hành của riêng mình, phần khác là lo cho đời sống tinh thần của bá tánh nơi vùng đất mới. Tới đây, các nhà sư cũng cùng chung cảnh ngộ như những đồng bào khác, chịu thiếu thốn nhiều mặt. Ngoài việc tụng kinh niệm Phật, công phu sớm tối, các ngài cũng phải xách rựa vào rừng chặt cây, cắt cỏ đem về chọn nơi trống trải dựng ngôi thảo am đơn sơ để có chỗ thờ Phật, cư trú, cũng phải vác cào vác cuốc ra đồng hoang cuốc đất gieo mạ, trồng khoai, trồng bắp, trồng đậu đế có cái ăn qua ngày. Cũng phải chăn nuôi trâu bò để có vật kéo cày, kéo bừa thay cho nhân lực. Cũng phải kết bè, kết mảng để làm phương tiện di chuyển trên sông rạch, vì đường bộ chưa có.

Trải qua một thời gian dài lao động cực nhọc như thế của các nhà sư cũng như đồng bào Phật tử lao động, mới có của dư của để, mới cùng nhau chung sức cải tạo những ngôi thảo am nhỏ hẹp thành những chốn già lam khang trang rộng rãi, làm nơi thuyết pháp nghe kinh vào những ngày sóc vọng. Chính đó là những ngôi chùa xưa những Tổ đình đã đào tạo được biết bao nhiêu Tăng tài truyền thừa đạo pháp, lãnh nhiệm vụ đi tỏa khắp các tỉnh miền Tây xa xôi của Nam Bộ, đem ánh sáng của Phật pháp rải khắp muôn phương. Lớp trước qua đi, lớp sau kế thừa, duy trì mạng mạch, ngày một đơm hoa kết trái, huy hoàng sáng lạn, mà cuộc hội thảo ngày hôm nay là một bằng chứng. Không những các vị cao Tăng tiền bối có công truyền bá Phật pháp, giác ngộ chúng sinh bỏ ác làm lành, quy y Tam Bảo, mà những lúc Tổ quốc gặp nạn, đạo pháp gặp nạn, chính các ngài đã đích thân đứng vào hàng ngũ chiến đấu chống quân thù, có vị đã phải bỏ mình trên chiến trường, có vị đã phải chịu cực hình tra tấn đến hy sinh tính mạng trong nhà tù đế quốc, chính các vị đã xung phong đứng mũi chịu sào, lãnh đạo đồng đạo và quần chúng đấu tranh bất bạo động chống lại chính sách kỳ thị tôn giáo, để đạo pháp được trường tồn, như chúng ta đã chứng kiến suốt 100 năm dưới chế độ thực dân Pháp, 20 năm dưới sự xâm lược của đế quốc Mỹ và Pháp nạn năm 1963.

Chính những vị cao Tăng thạc đức cách nay trên 300 năm, tay nải đeo vai, nón lá che nắng, chân mang dép mo, chống gậy đi theo từng đoàn lưu dân vào vùng đất mới truyền bá Phật pháp, chính các ngài là những vị khai sơn phá thạch, đặt nền móng cho Phật giáo trên đất Gia Định, để ngày nay chúng ta có được phong trào Phật giáo phát triển rực rỡ, với hàng ngàn ngôi chùa, tự viện, hàng vạn Tăng, Ni, hàng triệu tín đồ. Chúng ta phải thành kính đảnh lễ tri ân.

Theo sử sách ghi lại và những gì chúng ta còn thấy, trên địa bàn Gia Định, có một số chùa cổ xưa nhất và các Tổ đình khai sơn, trong đó có chùa Hội Khánh mà chúng ta đang tổ chức cuộc hội thảo hôm nay. Sau đây là một số chùa và tổ đình tiêu biểu:

1. Chùa Hoa Nghiêm

Đến triều Thiệu Trị chùa Hoa Nghiêm đổi tên gọi là chùa Huê Nghiêm vì húy tên Hoàng thái hậu là Hồ Thị Hoa. Chùa tọa lạc tại thôn Linh Chiểu, tổng Bình An, huyện Phước Long, dinh Trấn Biên, nay ở đường Nguyễn Văn Bi thị trấn Thủ Đức. Chùa do Thiền sư Thiệt Thoại - Tánh Tường thành lập vào cuối thế kỳ 18. Thiền sư thuộc phái Lâm Tế đời thứ 35, là đệ tử của Hòa thượng Minh Vật - Nhất Tri ở chùa Kim Cang, ấp Bình Thảo, dinh Trấn Biên. Thiền sư Tánh Tường có nhiều đệ tử đạo hạnh rất cao, trong đó có Tế Giác - Hải Châu hay còn gọi Tiên Giác - Hải Tịnh trụ trì chùa Giác Lâm (sẽ nói sau).

Đặc biệt, ngài có một đệ tử là Ưu bà di Liễu Đạo, tự Thành Tâm, tên tục Nguyễn Thị Hiên là người giàu có nổi tiếng ở địa phương, rất mộ đạo, hết lòng hộ trì Phật pháp, cúng dường Tam Bảo, bố thí người nghèo. Trước kia chùa Hoa Nghiêm ở nơi trũng thấp, mưa lụt thường bị ngập, bà cúng đất nơi gò cao để dời chùa đến đó là chỗ hiện nay. Khi bà mất, bài vị được thờ tại chùa.

Có truyền thuyết kể rằng, một thời gian sau, hoàng phi vua Đạo Quang nhà Thanh có sinh một công chúa, hai bàn tay nắm chặt, không mở ra được. Nhà vua thỉnh chư Tăng đến tụng kinh niệm Phật cầu nguyện, bàn tay công chúa mới mở được, trong lòng bàn tay bên trái có chữ Liễu Đạo, tay kia có 4 chữ Hoa Nghiêm - Gia Định. Vua nhà Thanh gửi thư sang triều đình Huế nhờ truy tìm tung tích, mới biết được sự thật, bèn gửi sang cúng cho chùa Hoa Nghiêm một bức tượng Phật bằng đồng hiện nay vẫn còn.1

2. Chùa Kim Chương

Ở phía Tây Nam trấn Phiên An hơn 4 dặm, về phía Bắc đường Thiên lý phía Nam, thuộc thôn Tân Triêm, huyện Bình Dương, nay thuộc phường Nguyễn Cư Trinh quận 1. Ở gian giữa chùa là Phật điện, phía trước và phía sau có Đông, Tây đường, sơn môn, phương trượng, kinh thất, hương viện và phạn đường. Chùa được chạm trổ, tô sơn, tốt đẹp rộng cao. Phía Bắc chùa có suối nước ngọt, bốn mùa dưới đất chảy tràn ra ướt đầm cả đường đi. Chùa được thiết lập năm Ất hợi (1755) đời chúa Thế Tông Hiếu Võ hoàng đế (Nguyễn Phúc Khoát) bởi thiền sư Đạt Bản người Quy Nhơn vân du tới đây. Chúa ban tấm biển đề là “Kim Chương tự”.2

Khi Hòa thượng Đạt Bản viên tịch, giao chùa lại cho đệ tử là Quang Triệt. Năm Ất mùi (1775) tướng Lý Tài của đạo quân Hòa Nghĩa phò Đông cung Nguyễn Phúc Dương từ Quảng Nam vào tạm đóng tại chùa này và được tôn lên làm Tân Chính Vương để lãnh đạo quân dân chống quân Tây Sơn. thay chúa Nguyễn Phúc Thuần được tôn lên làm Thái Thượng Vương. Năm 1776 Nguyễn Huệ đem quân vào đánh Gia Định, bắt được Thái Thượng Vương Nguyễn Phúc Thuần, đem tới chùa Kim Chương xử tử.

Niên hiệu Gia Long năm thứ 12 Đinh dậu (1813) Cao hoàng hậu tỏ nhớ chùa Kim Chương, xin vua cho trùng tu chùa. Nhà vua cử Thần võ quân Phó tướng Trần Nhân Phụng, đem 10.000 quan tiền vào Gia Định lo việc trùng tu chùa và chỉnh lý những kinh tạng, trống chuông cho thêm vẻ trang nghiêm tráng lệ.

Sau khi quân Pháp đánh chiếm Gia Định năm 1859, chúng phá chùa, cải thành trại đóng quân gọi là thành Ô Ma (Aux Mares). Chùa Kim Chương ngày nay không còn nữa.

3. Chùa Giác Lâm

Ở trên gò Cẩm Sơn, tục danh gò Cẩm Đệm, cách phía Tây lũy Bán Bích 3 dặm thuộc xã Phú Mỹ Thọ3 huyện Bình Dương, nay thuộc phường 9 quận 10. Gò ấy bằng phẳng trăm dặm, đột khởi gò đất hình tròn như bức bình phong, như cái nón, như cái màn, rộng 3 dặm, có cây cao như rừng, lại có thứ cỏ mềm mọc dày trên mặt đất như tấm nệm, lại có hoa nở như gấm, do đó mà có tên gò Cẩm Sơn hay Cẩm Đệm. Sáng chiều mây khói nổi bay quanh quất, địa thế tuy nhỏ nhưng có dã thú.

Mùa xuân năm Giáp tý (1744) đời vua Thế Tông, năm thứ 7 (Nguyễn Phúc Khoát), người xã Minh Hương là Lý Thụy Long quyên của xây dựng ngôi chùa trang nghiêm, cửa thiền u tịch, tục gọi là chùa Cẩm Đệm. Những thi nhân, mặc khách mỗi lần đến tiết Thanh Minh, Trùng Cửu thảnh thơi, rủ nhau năm, ba người đến mở tiệc để thưởng hoa, chuốc chén mà ngâm vịnh, ngó xuống chợ búa rộn ràng4 xa cách ngoài tầm mắt. Thật là một nơi đáng dành cho du khách thưởng ngoạn. Bấy giờ ngôi chùa coi như chùa tư nhân.

Mãi đến năm Nhâm thìn (1772) bổn đạo chùa Giác Lâm đến chùa Từ An phía công viên Văn hóa Tao Đàn nay, xin Hòa thượng Phật Ý- Linh Nhạc bổ xứ Tăng Ni đến trụ trì để hướng dẫn thiện nhân tu hành. Hòa thượng Linh Nhạc đã cử đệ tử là Thiền sư Viên Quang vào trụ xứ chùa Cẩm Đệm và đổi tên chùa là Giác Lâm tự. Từ đó chùa Giác Lâm mới có thiền sư trụ trì và được coi như là vị Tổ khai sơn Tổ đình Giác Lâm.

Ngài nhận thấy bấy giờ ở vùng đất mới Gia Định còn có ít tăng sĩ hoằng hóa và các vị này cũng chưa được đào tạo nghiêm túc để có đủ khả năng trụ trì các chùa. Do đó, ngài lấy chùa Giác Lâm làm nơi tu học cho chư Tăng trẻ. Chùa đài thọ mọi chi phí cho tăng sinh trong thời gian tu học ở đây. Năm Gia Long thứ 18 (1819) ngài mở Giới đàn tại chùa Giác Lâm. Tăng chúng và thiện nam tín nữ đến xin quy y thọ giới rất đông. Ngày mồng 3 tháng chạp năm Minh Mệnh thứ 8 Đinh hợi (1827) Hòa thượng Viên Quang viên tịch, sau khi đã đào tạo được nhiều Tăng Ni phụng sự Phật pháp khắp 6 tỉnh Nam Kỳ. Thiền sư Tiên Giác – Hải Tịnh truyền thừa trụ trì chùa Giác Lâm lưu hạ đến ngày nay. Chùa Giác Lâm trở thành một đại tòng lâm của đất Gia Định, một nơi danh lam thắng cảnh, thu hút rất nhiều Phật tử đến lễ bái, nghe pháp, nhiều du khách tới vãn cảnh.

4. Chùa Giác Viên

Đã giới thiệu chùa Giác Lâm thì phải nói tới chùa Giác Viên, vì hai chùa ấy như hình với bóng. Số là năm Mậu ngọ (1798), Hòa thượng Viên Quang trụ trì chùa Giác Lâm thực hiện đại trùng tu chùa bằng các loại danh mộc cổ thụ quý hiếm, thuê đốn từ rừng Tây Ninh, kết thành bè chở về bằng đường sông vào rạch Lò Gốm, rạch Ông Buông, theo rạch Tân Hóa vào đầm Sen, đưa lên bờ để thuê trâu kéo về chùa. Cả những bè gỗ chất lên bờ, không thể một sớm một chiều kéo về chùa hết ngay được. Vì vậy phải có người ở lại canh chừng. Ông hương đăng (người lo nhang đèn ở bàn thờ Phật) được Hòa thượng Viên Quang giao cho nhiệm vụ này. Ông dựng một cái cốc nhỏ để ở lại cả đêm ngày. Là Phật tử thuần thành, ông bèn trang trí cái cốc ấy thành một ngôi am thờ Bồ tát Quán Thế Âm, hàng ngày vẫn chuyên cần công phu như ở chùa Giác Lâm. Bổn đạo các nơi đi thuyền đến chùa, đều ghé vào am Quán Âm lễ bái, cúng dường. Do đó mà ông hương đăng có được số tiền.

Khi chùa Giác Lâm trùng tu xong, với số tiền đó, ông xin với Hòa thượng Viên Quang cho xây lại am Quán Âm thành ngôi chùa, gồm có chánh điện ở phía trước, lấy am cũ làm nhà hậu, được Hòa thượng đặt tên là Quán Âm viện, cử thêm vài Tăng sĩ tới giúp ông hương đăng lo việc trong viện. Năm Canh tuất (1850) Thiệu Trị nguyên niên, vị trụ trì mới chùa Giác Lâm là Hòa thượng Tiên Giác - Hải Tịnh cho trùng tu viện Quán Âm thành ngôi chùa lớn và đổi tên thành chùa Giác Viên, cử đệ tử là Thiền sư Minh Vị - Mật Hạnh tới làm trụ trì. Sau đó chùa còn được trùng tu lần nữa vào năm 1908 thời Pháp thuộc, tồn tại đến nay, ở trong phạm vi khu du lịch Đầm Sen quận 11.

5. Chùa Từ Ân

Thiền sư Phật Ý - Linh Nhạc là đệ tử của Hòa thượng Thành Đảng chùa Đại Giác ở Cù lao Phố Biên Hòa. Khi quân Tây Sơn vào đánh phá Cù lao Phố, cướp bóc tài sản, thiền sư theo dân Minh Hương xã Thanh Hà chạy vào Bến Nghé lánh nạn, cất am tranh tu hành tại thôn Tân Hưng huyện Bình Dương (sau là Hòa Hưng). Năm 1788, Nguyễn Ánh từ đất Xiêm trở về khắc phục được Gia Định từ tay các tướng Tây Sơn, cùng nhân dân xây dựng lại cuộc sống yên bình, ấm no.

Sau khi Nguyễn Ánh đã giải phóng xong các dinh trấn miền Trung, miền Bắc, thống nhất đất nước, lên ngôi Hoàng đế, niên hiệu Gia Long, dân chúng được sống trong hòa bình, an cư lạc nghiệp. Các gia đình Phật tử ở huyện Bình Dương phát tâm công đức, cùng Thiền sư Phật Ý - Linh Nhạc dỡ bỏ am tranh, xây lại ngôi chùa quy mô rộng đẹp, cảnh trí u nhã, đặt tên là chùa Từ Ân. Hoàng Thái hậu Hiếu Khang ban cho chữ son, chứng nhận làm chùa công. Đến triều Minh Mệnh năm thứ 2 (1821) ban cho tấm biển đề “Sắc Tứ Từ Ân Tự” và cấp cho tự phu.

Đến năm 1859, quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, chùa Từ Ân lọt vào chiến địa, bị tàn phá, sư trụ trì và chư Tăng chỉ mang theo được một số ít tự khí chạy lên vùng Phú Thọ xây tạm ngôi chùa nhỏ để có chỗ tu hành, vẫn mang tên chùa Sắc Tứ Từ Ân, nay ở đường Tân Hóa quận 6.

Có một sự kiện tâm linh liên quan đến chùa Từ Ân đáng ghi nhớ: Sau khi quân Pháp đốt phá chùa Từ Ân, ngôi bảo tháp của Hòa thượng Phật Ý - Linh Nhạc cũng bị đổ nát. Một hôm năm Quý hợi (1923) có một bà lão đến chùa Giác Lâm hỏi vị trụ trì:

- Đây có phải chùa Cẩm Đệm không?

- Phải.

- Có thầy nào hiệu Hồng Hưng không?

- Chính tôi đây. Có việc gì không bà?

Bà ấy nói:

- Hôm qua tôi chiêm bao thấy một vị Phật bảo tôi vào chùa Cẩm Đệm gặp thầy Hồng Hưng mau mau ra thỉnh cốt xá lợi của Tổ Phật Ý nằm trong tháp ở vườn Bờ Rô (Tao Đàn) gần chợ Đũi đem về chùa Cẩm Đệm mà phụng thờ.

Chư Tăng hai chùa Giác Lâm và Giác Viên liền họp bàn việc cải táng di cốt của Hòa Thượng Phật Ý. Trước hết cử mấy thầy đến tận nơi xem hư thực, đốt nhang cầu nguyện giác linh Hòa thượng phù hộ cho việc xin phép chính quyền và việc cải táng được hoàn mỹ. Trong lúc các thầy đang cầu nguyện thì có một chiếc xe hơi chạy ngang qua, bỗng dừng lại. Một người Ấn Độ và một người Việt trên xe bước xuống, lại gần hỏi chuyện. Sau khi biết được ý nguyện của mấy thầy, người Ấn Độ cho biết ổng làm việc ở tòa Xã Tây (Đốc lý thành phố), sẽ xin phép giùm cho. Ba ngày nữa sẽ có người cầm giấy phép đến chùa Giác Lâm. Quả đúng như thế. Di cốt Hòa thượng Phật Ý - Linh Nhạc được thỉnh về chùa Giác Lâm và được tôn trí vào ngôi tháp mới xây, bên cạnh tháp của Hòa thượng Viên Quang trong khuôn viên chùa, hiện nay vẫn còn5.

6. Chùa Khải Tường

Năm 1790, Nguyễn Ánh xây xong thành Quy ở thôn Tân Khai huyện Bình Dương lập thành Gia Định kinh. Tháng 4 năm sau vợ thứ 2 của Nguyễn Ánh là Hoàng hậu Thừa Thiên Cao sinh Hoàng tử Đảm tại nhà cũ của Tống quốc công phu nhân ở lân Tân Lộc6, mà không sinh trong thành Quy, vì lẽ thành mới xây, mà theo quan niệm xưa việc sinh đẻ là việc ô uế nên kiêng cự. Vả lại cũng theo tập quán xưa, khi đẻ con đầu lòng sản phụ thường về nhà mẹ ruột, nhưng gia đình hoàng hậu lúc đó còn ở Thuận Hóa, nên mới sinh con ở nhà Tống quốc công phu nhân là mẹ Thuận Thiên Cao hoàng hậu, vợ cả Nguyễn Anh, được phu nhân coi như con gái mình và cho phép.

Sau khi Hoàng tử Đảm lên ngôi hoàng đế, tức vua Minh Mệnh, nhớ tới nơi sinh ra mình, cho là đất quý phát phúc, càng nên giữ mãi dấu tích, để khuyến khích sau này, nên cho xây dựng ngôi chùa ở chỗ đất ấy gọi là chùa Khải Tường để ghi sự tốt lành to tát, chứng tỏ nơi phát phúc lâu dài. Đến tháng 8 năm Minh Mệnh thứ 13 Nhâm thìn (1822), vua sai lấy của kho 300 lạng bạc, giao quan địa phương theo cách thức đã định của Bộ Công, gọi thợ xây dựng. Lại sai các sư đến ở, hạn 20 người. Có ruộng tự điền được đặt để cung cấp sở phí cho các lễ tiết hàng năm, như gặp tiết Thánh Thọ, tiết Vạn Thọ và các ngày lễ: ngày Trừ Tịch trồng cây nêu, tết Nguyên Đán, tết Đoan Dương, tiết Tam Nguyên(7), ngày Sóc, ngày Vọng đều cúng đồ chay và hương nến.7

Sau khi đánh chiếm thành Gia Định, để phòng thủ cho khu trung tâm chống lại lực lượng kháng chiến của ta, quân Pháp cho lập một phòng tuyến dọc kênh Tàu Hũ bằng cách chiếm đóng các ngôi chùa, từ chùa Khải Tường xuống đến chùa Cây Mai mà người Pháp gọi là Ligue des Pagodes. Các tự khí trong chùa Khải Tường đều bị đập phá, riêng pho tượng Phật do vua Minh Mệnh gửi vào tiến cúng quá đẹp, nên được chúng đem đến trưng bày ở Viện Bảo Tàng trong Thảo Cầm Viên.

Đơn vị Pháp đóng tại chùa Khải Tường do Đại úy Barbet chỉ huy. Tên này thích săn bắn để giải trí, thường một mình một ngựa đi vào các làng xóm bỏ hoang vì chiến tranh, cây cối rậm rạp để bắn chồn cáo và chim muông. Do đó mà y bị nghĩa quân của Trương Định thuộc đại đồn Chí Hòa phục kích giết chết. Từ đó người Pháp gọi chùa Khải Tường là chùa Barbet và sau đặt tên con đường đi phía trước chùa là đường Barbet, nay là đường Lê Quý Đôn. Sau khi đã bình định xong các tỉnh miền Đông và chiếm luôn 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ, ngày 10-9-1869 Thống soái Sài Gòn ký quyết định giao chùa Khải Tường lại cho cơ quan dân sự dùng, và định chuyển trung tâm cải tạo thiếu nhi phạm pháp ở đồn Thuận Kiều về đây.

Nhưng sau đó lại đổi ý kiến, ngày 10-7-1871 Thống soái Nam Kỳ ban hành Nghị định thành lập Trường Sư phạm Thuộc địa (Ecole Normale Coloniale) tại đây.

7. Chùa Long Hoa

Vào thời chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) ông Đạo Nham quê ở Quảng Nam di cư vào Gia Định, tới xã Hang Thông tổng Bình Dương, huyện Tân Bình lập thảo am ở khu rừng cây vắng vẻ để tu hành. Một thời gian sau, ông được nổi tiếng khắp vùng là vị chân tu. Đại chúng tới quy y học Phật ngày càng thêm đông, cùng chung sức cải tạo ngôi thảo am thành một ngôi chùa lớn, đặt tên là chùa Long Hoa.

Vào thời Nguyễn Ánh chống quân Tây Sơn, bôn ba lánh nạn khắp nơi, có lần chạy vào ẩn náu ở chùa Long Hoa, được chư Tăng che chở. Sau khi bình định xong toàn quốc, lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu Gia Long, nhà vua nhớ ơn chư Tăng chùa Long Hoa giúp đỡ những ngày gian khổ, bèn ban sắc tứ cho chùa. Từ đó chùa được gọi là “Sắc Tứ Long Hoa Tự”. Đến triều Thiệu Trị, vì kỵ húy chữ Hoa là tên của Hoàng thái hậu Hồ Thị Hoa, nên đổi tên chùa Long Hoa thành chùa Long Huê cho đến nay.

Năm 1859, quân Pháp đánh chiếm tỉnh Gia Định, chùa Long Huê bị chúng phá hoại. Chư Tăng phải lánh nạn. Đến năm 1898, Tỳ kheo Nguyên Quán - Đạo Thông hồi cư về trụ trì chùa Long Huê, sửa sang lại chùa. Đạo chúng lại tới chùa lễ Phật nghe pháp như xưa. Đến năm 1966, chùa lại được trùng tu khang trang, tráng lệ như ngày hôm nay. Chùa còn giữ lại được một số di vật cổ quý giá như sau: Ba pho tượng Phật bằng gỗ cao 3m, ba tượng Phật bằng đồng, bảng “Sắc Tứ Long Hoa Tự” khắc từ triều Gia Long, bảo ấn bằng ngà, khắc hình sư tử, mặt ấn khắc 4 chữ Hán “Phật Pháp Tăng Bảo” chế tác vào năm Tân Mùi (1841) triều Thiệu Trị, 26 long vị chư hòa thượng, Đại sư đời xưa.

Chùa Long Huê nay là trụ sở Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận Gò Vấp, số 131/27 đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp.

8. Chùa Tập Phước

Vào thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, có một vị sư khuyết danh, quê ở Quảng Nam, theo lớp dân di cư vào phủ Gia Định, tới thôn Bình Hòa, tổng Bình Dương, huyện Tân Bình, lập ngôi chùa Tập Phước để tu hành và hoằng dương đạo pháp. Căn cứ vào các long vị chư Tổ còn thờ tại chùa Tập Phước, chúng ta có thể phỏng đoán Tổ khai sơn của chùa là Đại lão Hòa thượng Minh Hải - Pháp Bảo, đời thứ 34.

Qua đời thứ 36, Thiền sư Pháp Nhơn - Thiên Trường, một sự kiện lịch sử xảy ra có liên quan đến chùa. Số là trong thời gian 1776-1779, chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn săn đuổi khắp nơi. Một hôm trời đã chiều, Nguyễn Ánh chỉ còn 2 thầy trò, bị quân Tây Sơn đuổi riết cùng đường, bèn cải trang thành lái buôn, chạy vào chùa Tập Phước xin tá túc. Trông thấy diện mạo một trong hai người, Hòa thượng trụ trì đoán biết là Nguyễn Ánh, bèn thắp nhang ra giữa sân cầu nguyện. Bỗng nhiên mấy đen kéo đầy trời, chốc lát mưa gió dội xuống như trút nước. Quân Tây Sơn đành bỏ cuộc săn đuổi, rút chạy về doanh trại. Nguyễn Ánh thoát nạn, chờ hết mưa cảm ơn nhà sư, rồi thầy trò ra đi trong đêm.

Nhớ ơn cứu nạn, sau khi Nguyễn Ánh lên làm vua tức Gia Long, bèn ban sắc tứ cho chùa với phương danh “Sắc Tứ Tập Phước Tự” khắc lên bảng sơn son thếp vàng treo ở chùa. Nhân đó, nhà chùa có làm thêm 2 bức hoành phi, một bức ghi 3 chữ “Sắc Tiến Chế”, bức kia ghi 3 chữ “Tứ Hoàng Phong”, ghép chung lại thành “Sắc Tiến Chế Tứ Hoàng Phong”.

Ngày xưa khung cảnh chùa Tập Phước rộng lớn, cảnh trí trang nghiêm tráng lệ, có nhiều cây cao bóng mát, hoa nở bốn mùa, khách thập phương thường lui tới chiêm bái đảnh lễ. Trải qua thời Pháp thuộc, lòng người ly tán, chùa mất dần cảnh quy mô hoành tráng. Ngày nay chỉ là một ngôi chùa nhỏ hẹp, trong cảnh đơn sơ trầm lặng ở đường Phan Văn Trị quận Bình Thạnh.

9. Chùa Hội Sơn

Ở trên Gò Quít bằng phẳng rộng rãi, là phần cuối của dãy núi Châu Thới, xưa kia thuộc thôn Long Tuy, huyện Long Thành, dinh Trấn Biên, nay thuộc phường Long Bình quận Thủ Đức, do Hòa thượng Khánh Long lập vào thế kỷ 18, dưới thời các chúa Nguyễn. Hòa thượng Khánh Long, húy Đạo Thành, thuộc phái thiền Lâm Tế, đời thứ 38. Chùa quay mặt về hướng Bắc, ngó xuống sông Đồng Nai, cảnh trí u nhã, khách thập phương leo lên du ngoạn, có cảm tưởng tiêu tao ra ngoài cõi tục. Có người làm bài thơ cảm hứng như sau:

Tiêu sơ lãnh thọ, quải tà dương,

Bộ nhập khê nham phỏng đạo tràng.

Chữ dánh vô yên sào lạc tỉnh,

Khả liên tiền vị chính khê lương.

Tạm dịch :

Tiêu sơ cây núi buổi tà dương,

Suối đá lần vào viếng đạo trường.

Không khói uống trà, nhìn hạc nghỉ,

Cảm mùi thiền vị, thật thanh lương.

Hòa thượng Đạo Thành - Khánh Long viên tịch, không rõ năm nào. Môn đệ và đồ chúng xây tháp thờ trong khuôn viên phía trái chùa. Dưới thời Pháp thuộc, do chiến tranh, chùa bị hư hại và được trùng tu nhiều lần. Tháp của Tổ khai sơn cũng bị hư đổ, sư trụ trì là Bảo Quý trùng tu tháp vào ngày mồng 8 tháng 2 năm Kỷ tỵ, có lẽ là năm 18698.

Chùa Hội Sơn còn là di chỉ khảo cổ học. Năm 1971, ông Fontaine đã thu lượm được 89 công cụ đá, trong đó có 23 chiếc rìu vai, 14 đá mài, 7 chiếc đục, một vài mảnh đá có đầu giống mũi tên, một mẩu vòng tay hình dĩa. Ngoài ra còn có một hòn bi bằng đất nung, một quả dọi. Tất cả những hiện vật này đều nằm lộ thiên trên tầng đá ong dày 4m.

10. Chùa Trường Thọ

Nguyên trước tên là chùa Pháp Vũ ở thôn Hòa Mỹ huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, trấn Phiên An, không rõ ai lập vào thời gian nào. Chỉ biết năm Gia Long thứ 7 Mậu thìn (1808) sư trụ trì là Hòa thượng Nguyễn Công Thắng trùng tu và đúc đại hồng chung cao 1,1m, đường kính miệng 0,60m, trên chuông có khắc mấy chữ Hán như sau: “Gia Định thành, Tân Bình phủ, Bình Dương huyện, Hòa Mỹ thôn, Vĩnh Trường tự Trung Phong, Mậu Thìn niên, cửu nguyệt, nhị thập lục nhựt” Mấy chữ “Vĩnh Trường tự Trung Phong” nghi là tên của người hiến cúng chuông. Chuông này hiện treo tại chùa Trường Thọ ở đường Nguyễn Văn Nghi, quận Gò Vấp.

Đến năm Minh Mệnh thứ 3 Nhâm Ngọ (1822) cho tên chùa là “Pháp Vũ Tự”. Bảng tên này hiện còn được giữ ở chùa Trường Thọ.

Khi quân Pháp đánh chiếm tỉnh Gia Định, thôn Hòa Mỹ sát bên tỉnh thành, là vùng chiến địa, dân chúng di tản ra vùng kháng chiến hết, nên người Pháp cho tín đồ Thiên Chúa giáo từ Đà Nẵng theo chúng vào Gia Định, lúc đầu lập làng Tam Hội ở phía Khánh Hội, sau cho lên thôn Hòa Mỹ chiếm vườn tược, nhà cửa bỏ hoang lập thành 3 làng thuộc Tổng Tourane. Có lẽ lúc di tản, sư trụ trì là Hòa thượng Liễu Kiện - An Tông và tín đồ đã dỡ chùa Pháp Vũ đem lên xã Hạnh Thông (Gò Vấp) dựng lại để thờ phụng và được vua Tự Đức cho đổi tên thành chùa Trường Thọ và ban sắc tứ “Trường Thọ tư” tồn tại đến ngày nay.

11. Chùa Kiểng Phước

Chùa này trước ở thôn Long Kiểng, tổng Tân Phong, huyện Tân Long, phủ Tân Bình, trấn Phiên An, không rõ ai sáng lập vào năm nào, chỉ biết khi quân Pháp đánh chiếm Gia Định năm 1859 thì chùa này đã là một ngôi chùa cổ. Có thuyết cho rằng Thiền sư Thiệt Thuận - Huệ Chương thuộc phái Lâm Tế đời thứ 35 có thể là đệ tử Hòa thượng Minh Vật - Nhất Trí ở chùa Kim Cang Biên Hòa, vân du xuống Phiên An lập ra chùa Kiểng Phước. Sau khi Hòa thượng Huệ Chương viên tịch, đệ tử là Thiền sư Tế Viên - Trừng Chiêu kế thừa trụ trì chùa Kiểng Phước, đào tạo được nhiều đệ tử có đức hạnh, trong số đó Thiền sư Liễu Tâm - Mật Đa là một. Sau Thiền sư Liễu Tâm - Mật Đa (người họ Trần, quê thôn Tân Hòa Đông) về trụ trì chùa Phước Điền ở quê nhà.

Năm 1859 quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, rồi đánh lan ra các vùng xung quanh, lấy các chùa từ chùa Khải Tường xuống đến chùa Cây Mai, trong đó có chùa Kiểng Phước, lập thành phòng tuyến bảo vệ cho khu trung tâm, gọi là phòng tuyến các chùa (Ligue des Pagodes). Hòa thượng Tế Viên vội vàng chôn giấu các tượng Phật quý và hồng chung trong vườn chùa trước khi di tản lánh nạn. Năm đó Hòa thượng Tế Viên viên tịch.

Sau Hòa ước Nhâm Tuất, tình hình chiến sự tại trung tâm tỉnh Gia Định tạm yên, Thiền sư Liễu Tâm - Mật Đa trở về chùa Kiểng Phước cũ đã bị tàn phá, biết nơi bổn sư chôn dấu bảo vật, đào lấy được 2 pho tượng Phật bằng gỗ, một pho bằng đồng và đại hồng chung đem về chùa Phước Điền. Để nhớ lại chùa xưa của Sư tổ và kỷ niệm nơi xuất thân tu học, Thiền sư Liễu Tâm - Mật Đa đổi tên chùa Phước Điền thành chủa Kiểng Phước, tồn tại đến ngày nay ở đường Bà Hom, quận 6.

12. Chùa Phụng Sơn

Ở thôn Tân Lộc, tổng Tân Phong Trung, huyện Tân Long, phủ Tân Bình, trấn Phiên An, do Thiền sư Liểu Thông - Chơn Giác thành lập vào đầu thế kỷ 19, trên một cái gò cao, nên dân chúng quen gọi chùa Gò. Một hôm, có con chim phụng từ đâu bay tới đậu trên ngọn cây ngô đồng trong vườn chùa, cất tiếng hót vui tai. Việc chim phụng xuất hiện nơi đồng bằng là việc hiếm có, lại cất tiếng hót là điềm lành, đúng với câu “Phụng gáy non kỳ” báo hiệu cảnh thái bình an lạc cho đất nước, nên Tổ Chơn Giác đặt tên chùa là Phụng Sơn Tự.

Thiền sư Liễu Thông - Chơn Giác thuộc phái thiền Lâm Tế đời thứ 37, tên tục là Huỳnh Dậu, sinh năm Quý dậu (1753) quê ở trấn Thanh Hóa, không rõ ngài tu học với ai, ở chùa nào. Chỉ biết sau khi Gia Long lên ngôi, đất nước thanh bình, Phật giáo được phục hưng, thiền sư vân du đến đây, thấy cảnh đẹp, dừng chân lập chùa tu hành, hoằng dương chánh pháp.

Cảnh trí chùa Phụng Sơn rất ngoạn mục. Trên gò có chùa thờ Phật. Trong vườn chùa có cây cao bóng mát, có nhiều cây mai, hoa nở sắc vàng vào mùa cận tết Nguyên Đán. Trước sân chùa lại có trồng cây bạch mai quý hiếm, tồn tại đến ngày nay. Dưới chân gò bao quanh là dòng rạch dẫn nước từ ngoài chùa Cây Mai vào. Trong lòng rạch sen mọc xanh tươi, hoa nở rộ vào mùa hè, hương thơm tỏa ngát một vùng. Du khách thập phương lui tới quanh năm lễ Phật ngoạn cảnh.

Chùa Phụng Sơn chẳng những là chốn già lam thờ Phật, thắng cảnh du lịch, mà còn là di chỉ khảo cổ học thuộc nền văn hóa Phù Nam - Chân Lạp xưa, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

13. Chùa Cây Mai

Ở thôn Phú Giáo, tổng Tân Phong, huyện Tân Long, phủ Tân Bình, trấn Phiên An, phía Nam trấn thành, nay ở bên phải đường Hồng Bàng, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh, có gò đất nổi lên cao, trên gò có nhiều cây bạch mai, nên được gọi là gò Cây Mai. Trên gò lại có chùa Phật, dân chúng quen gọi là chùa Cây Mai. Nhà sử học kiêm thi nhân Trịnh Hoài Đức xưa kia đã liệt Mai Khâu là một trong 30 thắng cảnh của vùng đất Gia Định, mô tả và trình bày cảm tưởng của mình trong Gia Định Thành Thông Chí như sau:

“Gò Cây Mai ở về phía Nam trấn thành Phiên An 13 dặm rưỡi. Trên gò đất có nhiều cây Nam mai, nhành cỗi rườm rà. Khi hoa nở không có tuyết, chỉ có lá hộ vệ mùi thơm mà thôi. Thứ hoa này bẩm linh khí sinh ra, không đem trồng ở nơi khác được. Vì trên gò có các cây mai, nên gò được gọi là Mai Sơn hay Mai Khâu. Trên gò lại có ngôi chùa An Tôn, đêm đọc bối kinh (kinh chép trên là bối), chuông mai trống chiều vang rền trong mây khói, mường tượng như ở thế giới nhà Phật ở Thiên Trúc (Ấn Độ). Lại có suối nước trong chảy quanh gò. Các du nữ chiều mát chống thuyền hái sen. Gặp những khi giai tiết thì văn nhân thi sĩ mang bầu rượu, theo từng bậc cấp leo lên, ngâm vịnh tại đầu gò, dưới gốc mai hoa cùng văn tự nồng nức mùi hương. Thật là một thắng cảnh cho người du lãm.

Gò này xưa là chỗ chùa tháp của người Khmer, nền móng còn nhận rõ. Năm Gia Long thứ 15 Bính Tý (1816), có nhà sư (không rõ Pháp hiệu) trùng tu chùa, đào móng lấy được gạch ngói cỡ lớn của người xưa rất nhiều. Lại đào được 2 miếng vàng lá, tứ bề đều vuông 1 tấc (ta), mỗi miếng nặng 3 đồng cân, trên mặt chạm hình “cổ Phật cưỡi voi”, có lẽ đây là vật các Tăng sĩ xưa dùng để trấn tháp đó chăng?”9

Gò Cây Mai là một thắng cảnh của xứ Gia Định. Các thi nhân thành lập Bạch Mai Thi Xã để khi có dịp rủ nhau lên đây xướng họa, ngâm vịnh thơ văn, thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên. Theo tác giả Đại Nam Nhất Thống Chí, lục tỉnh Nam Việt, có nhà thơ khuyết danh để lại bài thơ chữ Hán như sau:

Thiền môn hà xứ phỏng mai hoa10

Tạm yết chinh tiên thuyết phạn gia.

Hương nhập trà bình yên chính noãn,

Nhất sinh trần lự bán tiêu ma.

Tu Trai dịch :

Cửa thiền ta đến viếng mai hoa,

Tạm gác chinh tiên luận Thích già11

Hương đượm bình trà đương ngút khói,12

Một đời trần lụy nửa tiêu ma.

Trịnh Hoài Đức, hội viên Bình Dương Thi Xã cũng có bài thơ chữ Hán vịnh cảnh gò Mai Khâu, nhan đề như sau:

Mai Khâu vãn thiếu

Mai Khâu vãn thướng lược đông phong,

Nhất vọng tiêu nhiên nhãn bất cùng.

Thôn xá chẩm khê yên thu ngoại,

Mục đồng hoành địch thảo nguyên trung.

Ngưu tương giải ngột quy cao lũng,

Nha dĩ từ giao tập mậu tùng.

Trù tướng minh vân thiên miễu miễu,

Trù trì vô ngự ỷ ngô đồng.

Nguyễn Khuê dịch:

Gò Cây Mai buổi chiều nhìn ra xa.

Chiều đến ngó Mai hứng gió đông,

Xa trông cảnh vắng, mắt khôn cùng.

Xóm nhà gối suối mờ cây, khói,

Đồng cỏ vang âm sáo mục đồng.

Quạ họp về cây, đồng bãi trống,

Trâu chờ cởi ách, lại vùng giồng.

Trời cao mây tối giăng buồn bã,

Đứng tựa ngô đồng lặng ngó trông.13

Năm 1859, quân Pháp đánh chiếm Gia Định, lập phòng tuyến các chùa (Ligue des Pagodes) từ chùa Khải Tường đến chùa Cây Mai, để bảo vệ khu trung tâm Sài Gòn, phòng chống quân ta tiến đánh. Chùa bị triệt phá, biến thành đồn binh của chúng. Sau đó, gò Cây Mai bị chúng triệt hạ, lấy đất san lấp các kênh rạch xung quanh. Mất hẳn dấu tích. Nay chỉ còn chiếc am nhỏ, hương tàn khói lạnh, bên đường Hồng Bàng, quận 11 do quân đội chính phủ quốc gia Việt Nam xây cất sau năm 1949 trong khuôn viên đồn bốt của chúng.

May sao, khi chùa Cây Mai bị quân Pháp chiếm, chư Tăng của chùa kịp mang được một số bài vị của các chư Tăng tiền bối chạy qua chùa Phụng Sơn lưu thờ, mà ngày nay chúng ta biết được các vị Tổ đã khai sơn và trụ trì chùa Cây Mai như sau:

1) Từ Lâm Tế chánh tông, tam thập thất thế, húy Liễu Tánh, thượng Bảo hạ Chất, Đệ nhất A-xà-lê giác linh miếu tọa.

- Ất Mùi niên, cháng ngoạt, thập nhị nhật, tý thời đoan sanh.

- Quý Tỵ tuế, nguyên ngoạt, thập tam nhựt, tỵ thời thị tích

2) Từ Lâm Tế chánh tông, tam thập thất thế, húy Liễu Linh, thượng Chơn hạ Ứng, Đại lão Hòa thượng Tổ sư giác linh.

3) Từ Lâm Tế chánh tông, tam thập bát thế, húy Minh Phú, thượng Bảo hạ An, Đại sư giác linh miếu tọa.

- Ngươn sanh Kỷ Sửu niên, thập ngoạt, kiết nhựt, lương thời.

- Ất Mùi niên, tứ ngoạt, sơ thập nhựt, ngọ thời thị tịch.

4) Mai Sơn đường thượng, Từ Lâm Tế gia phổ, húy Như Đạt, thượng Hoằng hạ An, húy Hồng Ngọc, thượng Thiện hạ Diệu, Phan công giác linh.14.

Trên đây là những ngôi chùa tiêu biểu với các Tổ đình khai sơn trên vùng đất Gia Định. Đa số các chùa này được thành lập dưới thời các chúa Nguyễn, nguyên thủy là chùa của tư nhân “cải gia vi tự”, và các thiền sư theo lưu dân từ miền Trung vào lập am tranh tu hành và hóa đạo, lâu dần được trùng tu bằng gạch ngói, lưu hạ qua các triều vua nhà Nguyễn, trừ một ít chùa bị tàn phá khi quân Pháp đánh chiếm Gia Định, còn lại vẫn tồn tại đến nay. Từ những ngôi chùa gốc đó, ngày nay lan tỏa hàng ngàn ngôi chùa, tự viện lớn nhỏ khắp nơi. Chính là nhờ công lao của các cao Tăng thạc đức đặt nền móng từ trên 300 năm trước vậy.

 


1. Tham khảo Lịch sử Phật giáo Đàng Trong của Nguyễn Hiền Đức, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Tập II, trang 247.

2. Có điều hơi lạ là Đại Nam Nhất Thống Chi viết dưới triều Tự Đức lại ghi tên chùa là “Phổ Quang Thiền Sơn tự” tục gọi là chùa “Thiên Trường”, Nxb Thuận Hóa, Tập 5, trang 236.

3. Huyện Bình Dương cũng như huyện Tân Long, phủ Tân Bình không có xã Phú Mỹ Thọ, mà có xã Phú Thọ do Nguyễn Thực lập năm 1727 thuộc huyện Tân Long.

4. Chợ Phú Thọ do Nguyễn Thực lập.

5. Theo Nguyễn Hiền Đức trong sách Lịch sử Phât giáo Đàng Trong, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, sđd trang 271-272.

6. Lân Tân Lộc thời chúa Nguyễn gọi là thôn Hoạt Lộc, triều Gia Long đổi là lân Tân Lộc, qua triều Minh Mạng lại gọi là thôn Tân Lộc.

7. Đại Nam Thực Lục, Nbx Giáo Dục, sđd, tập 3, trang 374-375.

8. Tham khảo Lịch sử Phật giáo Đàng Trong của Nguyễn Hiền Đức, sđd tập 2, trang 215-216.

9. Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, Sđd, trang 220-221.

10. Chép theo Đại Nam Nhất Thống Chí, bản viết triều Duy Tân, Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Nxb Văn Hóa Sài Gòn 1959, Tập Thượng, trang 81-82.

11. Đại Nam Nhất Thống Chí, bàn viết triều Tự Đức, Đào Duy Anh dịch, Nxb Thuận Hóa, Tập 5 trang 237-238 ghi: “Tạm yết chinh an thuyết phạm gia” và dịch “Tạm nghỉ chinh an thuyết Phật gia”. 

12. Câu này và câu sau, Đào Duy Anh dịch: “Hương đượm bình trà vừa bốc khói/Một đời niềm tục nửa tiêu ma”.

13. Nguyễn Thị Thanh Xuân-Nguyễn Khuê-Trần Khuê, Sài Gòn-Gia Định qua thơ văn xưa, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 1987, trang 87-88.

14. Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, Sđd., trang 224-225.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 68
    • Số lượt truy cập : 6953953