Thông tin

NI GIỚI BẾN TRE KẾ THỪA DI SẢN TỔ KHÁNH HÒA

 

THÍCH NỮ NHƯ UYÊN*

 

Bến Tre là tỉnh nằm ở hạ lưu sông Tiền, xung quanh bị bao bọc bởi sông nước chằng chịt. Do đó, trước năm 2009 để đến được với “ốc đảo” xứ dừa này là vô cùng khó khăn và vất vả, phải đi bằng phà.

Tuy nhiên, trên mảnh đất này, công cuộc hoằng dương Phật pháp lại nở hoa kết trái, để lại nhiều thành tựu, có nhiều tự viện nổi tiếng (chùa Hội Tôn, chùa Bửu Sơn, chùa Tuyên Linh, chùa Huệ Quang, chùa Vĩnh Bửu, chùa Viên Giác,…) và các bậc danh tăng. Tiêu biểu là Hòa thượng Khánh Hòa (1877-1947). Ngài tên thật là Lê Khánh Hòa, pháp danh Như Trí, pháp hiệu Khánh Hòa, vốn là người làng Phú Lễ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Năm 1895, ngài xuất gia cầu đạo tại chùa Long Phước (xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Với tấm lòng quyết chí cầu đạo và chuyên tu, ngài sớm được các bậc cao Tăng ở nhiều nơi quí mến và tên tuổi vang xa. Trước tình hình Phật giáo ngày một suy, Hòa thượng Khánh Hòa cùng với nhiều vị cao tăng đương thời như các Hòa thượng Khánh Anh, Thiện Chiếu… quyết tâm chỉnh đốn tình hình sao cho đúng theo chánh pháp của Đức Phật, đào tạo nhiều Tăng tài để phục vụ, cần mẫn dịch kinh ra chữ Quốc ngữ để phổ biến cho đại chúng.

Hòa thượng Khánh Hòa luôn chuyên tâm đào tạo tăng tài nên chú trọng mở các lớp đào tạo thông qua tổ chức Phật học đường. Năm 1934, thành lập Lưỡng Xuyên Phật học đường (lưỡng xuyên có nghĩa là hai con sông, ý nói là sông Tiền và sông Hậu) đặt tại chùa Long Phước (Trà Vinh). Phật học đường Lưỡng Xuyên có thu nhận cả tăng sinh lẫn ni sinh nhưng ni sinh được tổ chức thành lớp riêng do thiền sư Minh Tịnh điều khiển1.

Từ phong trào chấn hưng Phật giáo và tấm gương sáng ngời của Hòa thượng Khánh Hòa đã để lại những bài học quý báu trên bước đường tu học. Đặc biệt, ngài luôn dành sự quan tâm đối với hoạt động Phật sự của Ni giới, với mong ước thành lập Ni bộ. Vì thế, năm 1939, ngài thành lập Ni viện Vĩnh Bửu (xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc) để đào tạo Phật học cho Ni chúng. Năm 1943, thiền sư Khánh Hòa lui về chùa Vĩnh ở Bến Tre. Tuy đã già yếu, ông vẫn tổ chức được một Phật học đường cho Ni chúng. Đây là trường học đầu tiên riêng cho Ni giới tại Nam kỳ2. Nhưng chiến tranh đã làm trở ngại công việc này, Sư bà Diệu Ninh-người kế nghiệp Tổ để quản lý Ni viện này và chư Ni đều lên Sài Gòn để tu học và làm Phật sự tại chùa Từ Nghiêm.

Chùa Bạch Vân, thành phố Bến Tre, được khai sơn năm 1954, là nơi mà hai vị Sư bà Diệu Minh cùng Diệu Ninh tích cực hoạt động Phật sự, làm từ thiện xã hội và đào tạo Ni chúng, tạo nền tảng phát triển Ni giới Bến Tre về sau này.

Một sự kiện đặc biệt, trên nhu cầu cần có một tổ chức để qui tụ và lãnh đạo Ni giới Việt Nam thừa hành Phật sự, vào năm 2009, sau khi Phân ban đặc trách Ni giới Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, thì tại Bến Tre Phân ban đặc trách Ni giới tỉnh cũng được thành lập do Ni trưởng Thích Nữ Như Ngọc làm Trưởng Phân ban. Từ đây, Ni giới Phật giáo Bến Tre đã có một tổ chức nằm trong cơ cấu của Ban Trị sự tỉnh, thống nhất và tập hợp sức mạnh để hoạt động Phật sự. Văn phòng Phân ban đặt tại chùa Bạch Vân, phường 6, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre, gồm: Ban Chứng minh 02 thành viên, Ban Thường trực 18 Uỷ viên chính thức và 8 Uỷ viên dự khuyết. Qua ghi nhận lại, ngày đầu thành lập, toàn tỉnh có 66 ngôi chùa, 8 tịnh xá, 2, tịnh thất, 2 niệm Phật đường do chư Ni làm trụ trì. Theo lệ, vào mùa an cư kiết hạ, chư Ni tập trung an cư tại trường Hạ chùa Bạch Vân theo đúng định chế và thực hiện bố tát đầy đủ. Để hoạt động của Phân ban Ni giới đi vào nền nếp, các Uỷ viên đều thực hiện tốt Quy chế hoạt động, báo cáo đầy đủ đúng thời gian quy định, duy trì chế độ họp mỗi tháng một lần vào ngày 2 dương lịch. Hàng tháng tổ chức bố tát 2 kỳ vào ngày 15 và cuối tháng tại chùa Bạch Vân, mang đậm sắc thái truyền thống tu tập của Bắc tông, có khoảng 70 vị tham gia thính giới. Mọi hoạt động Phật sự đều tuân thủ sự hướng dẫn của Phân ban Ni giới Trung ương và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bến Tre. Nhờ đó, hoạt động của Phân ban thật sự mang lại hiệu quả, đạt được một số thành tựu đáng kể và đã cho thấy việc lấy giới luật lẫn tinh tấn tu hành làm mục tiêu tối thượng.

Để Phật pháp ngày càng hoằng truyền rộng rãi trên ba đảo dừa xanh, chư Ni Bến Tre luôn quan tâm đến vấn đề hoằng pháp, tạo điều kiện cho Phật tử tu học qua việc mở các đạo tràng niệm Phật, thọ Bát quan trai, khóa tu một ngày an lạc, lớp học giáo lý…

Năm 2012-2013, Phân ban Ni giới phối hợp với Ban Hướng dẫn Phật tử tổ chức khóa tu mùa hè tại chùa Phú Thọ (huyện Bình Đại), Kim Long (huyện Chợ Lách) có khoảng 1.100 em tham gia sinh hoạt. Chùa Từ Huệ (huyện Châu Thành) tổ chức lớp học giáo lý đều đặn vào mỗi buổi chiều chủ nhật hàng tuần để Phật tử có cơ hội tìm hiểu giáo lý Phật đà.

Năm 2016, Ni giới Bến Tre tổ chức được 40 đạo tràng, có 64.900 lượt người thính pháp. Ngoài các khóa tu học, các chùa còn tổ chức các ngày lễ lớn trong năm như: lễ Phật đản, lễ Vu Lan báo hiếu, rằm tháng giêng, tháng bảy và tháng mười. Tất cả những lễ hội này đã trở thành nét văn hóa truyền thống Phật giáo ở địa phương, thu hút sự đón nhận của Phật tử và truyền đi những thông điệp mang tính nhân văn. Các chùa cũng chú trọng đến việc tổ chức lễ húy nhựt ân sư tiền bối thủ công nhằm tri ân tiền nhân trong tinh thần trang nghiêm, tiết kiệm. Đặc biệt, vào năm 2015 Phân ban Ni giới tỉnh Bến Tre đã tổ chức thành công Đại lễ tưởng niệm Đức tổ Kiều Đàm Di để lại ấn tượng cho Ni giới một số tỉnh, thành về tham dự lễ. Nhằm duy trì và kế thừa mạng mạch Phật giáo, Phân ban Ni giới rất quan tâm đến vấn đề giáo dục Ni chúng. Đến nay đã có 14 Ni sinh khóa II tốt nghiệp trường Trung cấp Phật học tỉnh Bến Tre. Ngoài ra, còn có nhiều vị đang theo học tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, các trường Cao đẳng, Trung cấp Phật học ở các tỉnh thành khác. Chư tôn đức Ni luôn tập trung xây dựng và trùng tu tự viện ngày một khang trang, ý thức giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp. Theo báo cáo chưa đầy đủ, hiện nay có 52 tự viện do chư Ni quản lý được chính quyền công nhận là Nơi thờ tự văn minh.

Bên cạnh hoạt động Phật sự sôi nổi, chư Ni Bến Tre thực hiện tốt công tác từ thiện xã hội, thể hiện tinh thần từ bi, bác ái của Đức Thế tôn. Hoạt động từ thiện xã hội rất đa dạng, thực hiện ở nhiều mặt như: tặng quà cho người nghèo, xây cầu, nhà tình thương, làm đường, phát học bổng, bếp ăn từ thiện. Trong hai năm 2015, 2016 tổng trị giá từ thiện xã hội được quy thành tiền khoảng 12 tỷ đồng/năm . Nổi bật, có Ni trưởng Thích Nữ Như Chơn-Chứng minh Phân ban Ni giới tỉnh Bến Tre, trụ trì chùa Vĩnh Bửu. Trên 10 năm qua, Ni sư Thích Nữ Như Chơn, với tấm lòng từ bi, từ thiện đã tích cực vận động, sự đóng góp của các tổ chức từ thiện, các tăng ni, Phật tử giúp cho xóm ấp dân cư còn nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là lĩnh vực cầu lộ nông thôn, đã vận động hỗ trợ trên 3,5 tỷ đồng cùng với dân các xã Định Thủy, Phước Hiệp, An Định, Bình Khánh Tây, Bình Khánh Đông, Đa Phước Hội … huyện Mỏ Cày Nam và các xã Khánh Thạnh Tân, Nhuận Phú Tân, Phước Mỹ Trung, Tân Thanh Tây, Hòa Lộc, Tân Thành Bình… xây dựng trên 90 cây cầu, góp phần phục vụ sự đi lại được an toàn cho nhân dân, con em học sinh thuận tiện đến trường. Ni trưởng đã nhận được bằng tôn vinh của Tỉnh ủy Bến Tre trong phong trào xây dựng giao thông nông thôn.3

Trong thời gian tới, Ni giới Bến Tre sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động từ thiện xã hội. Bởi vì, từ thiện xuất phát từ tinh thần cứu khổ cứu nạn, tích đức hành thiện của Phật giáo đem lại lợi ích thiết thực cho chúng sinh. Bên cạnh đó, sẽ đổi mới phương tức hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả. Trước hết là nâng cao nhận thức của Ni chúng và Phật tử về công tác từ thiện xã hội, người đứng ra vận động phải có chuyên môn, nghiệp vụ. Trong chương trình Phật sự hàng năm, lồng ghép chương trình ngắn hạn và dài hạn trong hoạt động từ thiện để tập trung sức mạnh tập thể từ Tăng, Ni và Phật tử. Mặc khác, khi cần thiết sẽ có thể ứng cứu trong các trường hợp khẩn cấp, hỗ trợ thiên tai. Đề xuất Giáo hội mở các khóa tập huấn hướng dẫn cụ thể về nghiệp vụ làm công tác từ thiện xã hội nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp.

Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của Phân ban Ni giới tỉnh Bến Tre, tuy thời gian không dài nhưng đã để lại nhiều dấu ấn. Chư tôn đức Ni luôn gắn bó chặt chẽ với nhau trong công tác Phật sự và xã hội, không ngừng khắc phục khó khăn, vươn lên để hoàn thành nhiệm vụ. Tất cả những thành tựu viên mãn này đều để phụng sự đạo pháp, phục vụ chúng sinh. Trong giai đoạn mới, Ni giới Bến Tre sẽ có những đổi mới, năng động để thích ứng với hoàn cảnh hiện tại. Hơn nữa, luôn giữ gìn truyền thống tốt đẹp mà chư vị tiền bối đã dày công vun đắp và trao truyền cho hậu thế.

Tóm lại, Ni giới Bến Tre là một bộ phận không thể tách rời của ngôi nhà Phật giáo Bến Tre lẫn Ni giới Việt Nam. Sự phát triển của Ni giới chính là sức mạnh, động lực góp phần vào sự nghiệp trang nghiêm Giáo hội, làm cho đạo pháp xương minh trên vùng đất Bến Tre còn nghèo khó và bao khó khăn do chiến tranh tàn phá. Với tinh thần và lòng nhiệt huyết, Ni giới Bến Tre nguyện đem hết tâm sức để đưa Phân ban Ni giới phát triển lên một tầm cao mới.

 


* Ni sư – Ủy viên Ban Trị sự, Phó Trưởng Phân ban Ni giới tỉnh Bến Tre. Trụ trì chùa Từ Huệ, 168A, ấp Thạnh Hựu, xã Tam Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

1. Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập III, Nxb Văn học, trang 61.

2. Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập III, Nxb Văn học, trang 63.

3. Báo cáo hoạt động của Phân ban Ni giới tỉnh Bến Tre năm 2015 và 2016.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 82
    • Số lượt truy cập : 6952556