NIỆM PHẬT (tiếp theo)
NIỆM PHẬT (tiếp theo)
TRÍ THÔNG
Rốt hết xin bàn về “Y phân biệt khởi niệm”
Theo hai pháp môn trước là “Y danh khởi niệm” và “Y tướng khởi niệm” mà đến được thấy tướng Phật hiện ra trước mắt, thì nên hiểu rằng, tất cả tướng Phật chỉ do tâm biến hiện, ta không đến nơi Phật ở, Phật cũng không đến nơi ta trú, tự tâm niệm Phật rồi thấy Phật, vậy tự tâm tức là Phật. “Y phân biệt khởi niệm” nghĩa là khi thấy tướng Phật hiện ra trước mắt, phân biệt đó là tướng của Phật nào, nhưng đồng thời cũng biết rõ rằng tướng Phật ấy chỉ do tâm sở hiện; do đây cũng gọi là “Duy tâm niệm Phật”.
Kinh Đại Tập Hiền Hộ nói: “Kim thử tam giới, duy thị tâm hữu. Hà dĩ cố? Tùy bỉ tâm niệm, hoàn tự kiến tâm. Kim ngã tùng tâm kiến Phật, ngã tâm tác Phật, ngã tâm thị Phật” (Ba cõi nay đây đều có trong một tâm. Tại sao vậy? Tại vì ba cõi đều tùy tâm nhớ nghĩ mà có, vậy thấy có ba cõi là trở lại tự thấy tâm mình.
Nay tôi do tâm mà thấy Phật, vậy tâm tôi đã làm Phật, vậy tâm tôi là Phật). Kinh Hoa Nghiêm nói: “ Nhất thiết chư Phật, tùy ý tức kiến. Bỉ chư Như Lai bất lai đáo thử, ngã bất vãng bỉ, tri nhất thiết Phật vô sở tùng lai, ngã vô sở chí, tri nhất thiết Phật cập dữ ngã tâm, giai tất như mộng” (Tất cả các Phật tùy ý (tâm) là thấy được. Các Như Lai kia chẳng đến đây mà ta cũng chẳng đến nơi các Ngài. Nên biết tất cả các Phật không ở đâu mà đến và ta cũng không đi đến đâu cả; nên biết tất cả các Phật đối với tâm ta đều như giấc chiêm bao).
Tướng tốt trang nghiêm cùng công đức pháp thân của Phật, nếu ta thấy được tỏ rõ phân minh, thì đó là nhờ sức quán tưởng của ta, nghĩa là chỉ do tâm ta hiện ra. Hiểu rõ được cái duy tâm sở hiện này như mộng như huyễn tức là “y phân biệt mà khởi niệm”. Phật pháp dùng pháp môn niệm Phật để dẫn người đời từ chỗ cạn vào chỗ sâu, dựa vào danh hiệu mà quán tưởng tướng Phật, rồi khi tướng Phật hiện ra, đưa lên tầng cao hơn: hiểu rằng tướng ấy cũng là hư vọng, do tâm phân biệt hiện ra.
Lại nếu lên thêm một tầng nữa thì đến chỗ “niệm Phật pháp thân, ngộ nhập Pháp tánh cảnh giới”.
Duy Thức học chia có năm loại “pháp”: danh, tướng, phân biệt, chánh trí và như như. Chánh trí và như như đều vô lậu và bình đẳng như nhau, đó là pháp thân của Phật. Bây giờ, nếu ta đưa sức quán tưởng duy tâm của ta đến mức thể kiến cái pháp tánh bình đẳng chẳng hai của tất cả, thì chúng ta đã thấy Phật. Kinh Duy-Ma-Cật nói: “Quán thật tướng của thân như thế nào thì quán Phật cũng như thế ấy”, để giải thích việc thấy được Phật A-bế (1). Kinh Kim Cang lại nói: ‘Lìa tất cả mọi tướng, tức thấy Như Lai” đó là cái mà bình thường gọi là “ thật tướng niệm Phật”. Niệm Phật mà đạt đến giai đoạn này thì thật đã đoạn trừ phiền não, chứng ngộ vô sanh pháp nhẫn rồi vậy.
Do xưng danh mà y tướng, rồi từ y tướng lại đạt đến liễu ngộ được Không tánh của tất cả các pháp, từ bước từ bước chỗ cạn sang chỗ sâu, thống nhiếp các căn mà được định huệ, chẳng có một mâu thuẫn nào. Vậy ra phép niệm Phật không có xa cách bao nhiêu pháp môn tự lực và cũng không khác nhiều với lối tu định huệ của Thiền tông.
Trong bốn cách niệm Phật kể trên, giản dị nhất là lối xưng danh, tức là lối niệm lục tự Di-đà “Nam-mô A-di-đà Phật” hòa với lời cầu xin đức Phật lấy nguyện lưc từ bi mà nhiếp thọ cho.
Xin nói thêm là chẳng phải chỉ có lối dùng miệng mà niệm Phật. Câu “chấp trì danh hiệu” trong Kinh A-di-đà được Pháp sư Huyền Trang giải thích là “tư duy” (tưởng nghĩ đến). Do đây, chúng ta thấy rằng, niệm Phật chẳng phải miệng đọc lục tự mà gọi là đủ, bên trong còn nên phải tưởng nhớ và cột tư tưởng mình vào công đức của Phật tức là Thật tướng.
Trên đây là luận về lối giải thông thường và phù phiếm liên quan đến pháp môn niệm Phật. Bây giờ, xin riêng nói thêm về lối xưng danh niệm Phật.
Có người từng tập các phương pháp và cho có đến 40 lối. Tuy nhiên, tối yếu của việc niệm Phật, theo lời của Ấn Quang Đại sư, một vị Đại đức hữu danh của Tông Tịnh độ, là phải đạt đến ba chỗ mà Đại sư gọi là “tam đáo”: Miệng niệm, tai nghe, tâm tưởng, ba cái ấy đồng thời phải tương ứng với nhau. Niệm (nhớ tưởng) phải cho trong sáng rõ ràng, chẳng một chút hàm hồ; lúc xưng danh chẳng phải làm việc bề ngoài cửa miệng mà phải làm sao cho tai mình nghe rõ từng chữ một, đừng để sai sót một chữ nào; rồi tâm phải nắm lấy tiếng niệm đó mà khởi niệm, mỗi nhớ nghĩ phải như đã nói, trong sáng rõ ràng. Tóm lại, miệng, tai, tâm, ba cái cần phải tương ứng hệ niệm, được như thế thì dễ mà được “nhất tâm bất loạn”.
Nói về âm thanh của việc niệm Phật thì có ba loại: 1) lớn tiếng, 2) nhỏ tiếng, 3) niệm thầm (mặc niệm). Trong quá trình niệm Phật, ba loại đều khá áp dụng. Nếu bắt đầu niệm nhỏ tiếng, một hồi lâu dễ bị hôn trầm, chính là lúc nên niệm to tiếng để trừ buồn ngủ. Như chuyên niệm lớn tiếng thì dễ động khí phát hỏa, khiến tâm tán loạn; gặp trường hợp này thì hạ giọng niệm nhỏ để điều hòa hơi thở. Vậy âm thanh lớn nhỏ là tùy nhu yếu của tình huống thực tế mà thay đổi điều chế, không có vấn đề phải niệm nhỏ hay niệm lớn nhất định. Y theo Phật pháp mà nói, định được cùng không là tại ý thức, tiền ngũ thức (nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân) đều chẳng khởi tác dụng, miệng niệm tai nghe thì phải nói là chẳng đến cảnh định được. Mục đích của việc niệm Phật là đạt đến chỗ nhất tâm bất loạn, vì vậy cần nên mặc niệm. Lối niệm trong tâm, miệng tuy không xưng danh Phật mà tai vẫn nghe rõ từ tiếng một. Với lối niệm này, tâm hướng về một cảnh là danh hiệu của Phật, ngoại duyên bặt mất, nhờ vậy mà được định.
Lại có người lúc mới bắt đầu niệm thì niệm hòa hoãn, như niệm Nam… mô….A di…đà…Phật, mỗi chữ cách khoảng nhau. Nếu chợt thấy trong các khoảng đó có những tạp niệm xen vào thì nên đổi cách và niệm liên tiếp để ngăn chặn những tạp niệm.
Tóm lại, niệm Phật không nên kể niệm ít niệm nhiều, niệm lâu niệm mau, cũng không nên đến tiếng phải cho lảnh lót, giọng phải thanh tao, mà cốt yếu là khiến tâm xu hướng bình tĩnh, xu hướng chuyên nhất, để đạt đến nhất tâm bất loạn.
(1) Phật A-bế tượng trưng cho cái Bất Động, một trong nhiều đức tính của Phật hay Tuyệt đối (Abaolu).
Tin tức khác
- KÝ ỨC MỘT THỜI - Cư sĩ THIỆN MINH
- TỪ QUANG Tập 14 - Tháng 10 năm 2015 (P.L.2559)
- TỪ QUANG Tập 13 - tháng 8 năm 2015 (P.L.2559) SỐ ĐẶC BIỆT VỀ ĐẠI LỄ VU LAN
- TỪ QUANG Tập 11 Xuân Ất Mùi - Tháng 1 Năm 2015 (PL. 2558)
- TỪ QUANG Tập 12 - Tháng 04 năm 2015 (P.L.2559)
- Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX - Tập II
Bình luận bài viết