Thông tin

NIỆM PHẬT

NIỆM PHẬT

TRÍ THÔNG

 

Trong giới tu Tịnh Độ, có người lấy việc “niệm Phật xưng danh” làm chủ, vì cho rằng xưng danh tựa thị niệm Phật Sự thật, xưng danh không đồng nghĩa với niệm Phật, bởi lẽ niệm Phật có thể không xưng danh và xưng danh không nhất định là niệm Phật.

Nên biết, niệm là tâm niệm, là nhớ nghĩ trong lòng. Theo Duy-thức-học, niệm là một trong các tâm-sở-pháp, là cái gọi là “niệm tâm sở” trong 5 “biệt cảnh”. Ý nghĩa của niệm là tâm được đặt vào một cảnh giới nào đó, ghi nhớ cảnh ấy rõ ràng không quên, y như tâm đã bị cột dính vào đấy. Thông thường, khi ta nói nhớ nghĩa là nhớ nghĩ đến một cảnh giới nào đó trong quá khứ mà tâm ta đã dính dấp.

Niệm là một phương pháp tu hành theo Phật pháp, như phương “sổ tức quán” chẳng hạn. Có 6 phép niệm gọi là “lục niệm môn”.

Và pháp “tứ niệm xứ” thấy nói trong 37 phẩm trợ đạo. Tất cả các phương pháp này đều lấy niệm làm căn tu hành mà cốt yếu là phải đắc định, phải do niệm. Trong Kinh nói: tâm ta phiền não xao xuyến, hoặc thế này thế khác, không đứng yên một chỗ trong nháy mắt, vậy phải cấp cho tâm một vật gì để tâm leo trèo của ta nương tựa vào đó mà dần dần đứng yên một chỗ. Như con chó con hay chạy đông chạy tây, nếu cột nó vào dây, nó chạy vòng tròn theo gốc cây một hồi rồi mới chịu ngồi xuống đất. Tâm ta cũng thế. Nếu cột được niệm (tư tưởng) của ta vào một chỗ thì có thể làm cho tâm được định. Chẳng những tu định phải do sự “hệ niệm” mà thành tựu, việc tu quán, tu huệ, không lối tu mà chẳng lấy niệm làm điều kiện tất bị. Vì vậy, trong Phật pháp, niệm là sức trọng yếu.


Niệm có nhiều thứ, lấy đối tượng làm sai biệt, như niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Từ đế… Ở đây bàn về niệm Phật thì lấy Phật làm cảnh giới tưởng nhớ, tâm tại cảnh giới Phật mà chuyển. Cứ tưởng nhớ Phật mà được định thì gọi là “niệm Phật tam muội” (chánh định nhờ niệm Phật mà được). Nhưng niệm nặng ở chỗ chuyên cần và thâm thiết nếu chẳng chuyên chẳng thiết thì điều ta nhớ nghĩ chẳng dễ rõ ràng trước mắt mà như thế thì cái định chẳng dễ thành tựu. Phải bắt tâm đừng tán loạn, đừng chạy dông chạy dài mà chuyên tập trung vào một cảnh thì sự “tu niệm” mới có khả năng thành công. Trong kinh có câu chuyện thí dụ như sau: Có một người mắc tội với nhà vua và sắp bị đem ra xử tử. Nhà vua dạy lấy một cái chén đựng đầy dầu và truyền lệnh cho tên tử tội cầm chén dầu ấy đi một vòng qua các đường lớn ngoài thành, nếu lúc trở về mà dầu không có một nhểu quanh miệng chén thì vua sẽ tha tội chết cho. Vì sanh mạng bị uy hiếp, người bị tội kia tay cầm chén dầu mà tâm ý đổ dồn hết vào đó, cho nên ngoài đường, mặc ai ca múa, chàng không nghe không thấy, có kẻ đánh lộn ẩu đả, chàng cũng không để ý tới, cho đến xe ngựa chạy ngược chạy xuôi và bao nhiêu cảnh vật khác, chàng cũng không hạ cố mà chỉ một lòng trông chừng cái chén dầu. Chung cuộc, chàng đã đưa bát dầu đến địa điểm vua định mà không để rơi rớt một giọt nào và được miễn tử. Giả thử chúng sanh bị vùi đắm trong cảnh thế gian vô thường, chịu sự bức bách của các khổ sanh tử, nay muốn ra khỏi sanh tử giải thoát sự trói trăn của ba cõi thì phải “tu niệm”, chuyên tâm một ý, không để cảnh giới khả tham khả ái của năm dục làm lay chuyển, trong cảnh giận không nổi lòng nóng, trước cảnh tán loạn, tâm không vì đó mà xao động. Với lối chuyên nhất cột niệm ấy, tham sân phiền động chẳng khởi, thì tâm đã về một lối, vắng lặng và ở yên một chỗ. Chính lúc đó được định và phát huệ, công đức vô biên sẽ do đó mà xuất hiện. Ngược lại, nếu không tu niệm, định tâm chẳng thành, thì dầu có đọc kinh học giáo, dầu có bố thí trì giới, vẫn không đi đến chỗ công đức thù thắng của Phật pháp, bất quá gặt hái được một mớ tri thức phước nghiệp vậy thôi.


Nói về niệm Phật, có một số người chỉ biết việc niệm bằng miệng, không hiểu rằng ngoài lối này ra, còn có lối niệm Phật khác mà ý nghĩa đầy đủ và thâm sâu hơn. Miệng xưng Phật danh mà tâm chẳng cột niệm thì đó thật chẳng phải là niệm Phật. Muốn niệm Phật chơn chánh, cần phải cột từng tư tưởng một của mình vào cảnh Phật và cảnh ấy phải thật phân minh rõ ràng. Tuy nhiên cảnh Phật hiển hiện trong tấm gương lòng của phàm phu không ngoài ba loại là danh, tướng, phân biệt.

Dựa vào danh mà khởi niệm, đó gọi là “xưng danh niệm Phật” như xưng “nam mô-A-Di-đa Phật”. Sáu chữ này là danh. Nhưng trong danh có nghĩa, xưng niệm Phật danh, nên tìm hiểu ý nghĩa hàm chứa trong danh ấy. Nếu có tìm mà chưa thật hiểu thật biết hoặc lấy danh Phật làm chỗ nương tựa trong chỗ u-u minh-minh, tuy rằng cũng có thể thành niệm cảnh hoặc do đó mà được định, rốt cuộc vẫn không năng vãng sanh Cực Lạc được. Hiểu biết thiếu sót như vừa nói chẳng phải là phép niệm Phật của Tịnh - độ pháp môn, bởi vì chẳng hiểu giải được tình hình của Cực Lạc thế giới cũng như nguyện lực Từ bi của Phật A -Di - Đà không lòng tin chơn chánh, không nguyện lực chơn xác, phù phiếm xưng danh, thì khác nào con két học nói hay cái máy ghi âm niệm Phật. Có một câu chuyện xưa: Có hai thầy trò kia, trò thì quá ngốc, thầy dạy niệm Phật, trò niệm hoài mà không được mới thành thật bạch với thầy. Thầy mắng “anh là thằng ngốc!”, rồi đuổi đi. Ghi câu thầy nói trong lòng, anh đồ đệ vào núi, mỗi ngày từ sáng tới tối, cứ nhớ nghĩ đến câu “anh là thằng ngốc!”. Về sau, ông thầy đi tìm, hỏi trò đã được công phu nào chưa. Anh trả lời là đã làm theo lời thấy dạy, hằng ngày niệm câu “anh là thằng ngốc!” ông thầy mỉm cười, nói: “Đó là câu tôi mắng anh, sao anh lại dùng trong khi niệm Phật? Anh học trò nghe biết, tức thì chút ít công lực đã được liền tiêu mất. Tâm đã cột vào một cảnh mà không thêm phần phân biệt phải trái cũng có thể làm phát sanh một kết quả tựa hồ như định và dẫn đến một năng lực siêu thường. Nhưng khi bị đã phá thì tâm liền sanh nghĩ, định lực liền rút lui tiêu mất. Đương nhiên, xưng danh niệm Phật quyết chẳng phải như vậy, không thể niệm cái bàn thành cái ghế được. Nên biết: A - Di - Đà Phật là danh, nhưng trong danh có bao hàm nào y báo, chánh báo trang nghiêm của Phật, nào là nguyên lực Từ Bi của Phật, nào là công đức vô biên của Phật, cần phải liêu giải sâu xa mới có thể phát khởi một lòng tin tưởng thâm thiết, một tâm nguyện bền chặt rồi do tín nguyện này mới xưng danh niệm Phật cầu sanh Tịnh độ.

 Bây giờ xin tiếp bàn về ý tưởng khởi niệm. Đây là lối thường được gọi là “quán tưởng niệm Phật”. Muốn quán tưởng đức Phật A - Di - Đà hay đức Phật nào cũng được. Trước nên ngó ngay tượng Phật và ghi kỹ vào tâm tướng tốt của Phật một cách rõ ràng, rồi ngồi êm, cột niệm mình vào tướng của Phật. Lối niệm Phật quán tưởng này có thể khiến tâm được định. Trước thì thấy Phật hiện ra trước mắt, nhưng hình tưởng còn mơ hồ, muốn thấy rõ ràng tướng hảo trang nghiêm của Phật phải chuyên tu lâu ngày mới được. Vả lại, tướng Phật chẳng phải chỉ có sắc tướng mà thôi, mà còn những cái gọi là công đức tướng như đại từ đại bi, thập lực, tứ vô úy, thập bát bất cộng, ngũ phần pháp thân. Ngoài việc cột trói tâm mình với sắc tướng của Phật, còn nên hệ niệm quán tưởng đến những công đức vô biên vừa kể.

(Còn tiếp)

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 26
    • Số lượt truy cập : 6495152