NIÊN BIỂU HÒA THƯỢNG KHÁNH HÒA
- Hòa thượng Khánh Hòa, thế danh Lê Văn Hiệp, trong giấy tờ tùy thân ghi tên là Lê Khánh Hòa. Căn cứ vào thủ bút mà chính ngài đã ghi trên văn bản trình chính quyền khi xin phép thành lập Hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học (hiện Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II còn lưu giữ), và dòng chữ ghi chú dưới di ảnh của ngài tại nhà Tổ của chùa Tiên Linh (Tuyên Linh) thì ngài sinh năm 1877 (tức năm Đinh Sửu). Ngài ra đời tại làng Phú Lễ, tổng Bảo Trị, quận Ba Tri, tỉnh Bến Tre, trong một gia đình trung lưu, có nề nếp Nho phong. Từ nhỏ, ngài đã được tiếng thông minh và nết hạnh. Ngài là anh cả trong một gia đình có ba anh em, trong đó em trai kế của ngài cũng theo con đường xuất gia tu học.
- Ngày rằm tháng 3 năm Ất Mùi (1895), ngài xin phép song thân đến chùa Long Khánh xuất gia và được thiền sư Chơn Tánh ban cho pháp danh Khánh Hòa. Sau đó, ngài đến học tại chùa Kim Cang, Tân An (Long An), được Hòa thượng Long Triều trực tiếp giảng dạy. Thời gian này, Khánh Hòa rất chăm chỉ và năng nổ trong việc học đạo, không ngại gian khó, khoảng cách xa xôi mà tầm sư học đạo. Nhờ tinh thần tiến thủ đó mà Khánh Hòa đi đến đâu cũng đều được các bậc trưởng thượng quý mến.
- Ngày rằm tháng 2 năm Canh Tý (1900), ngài được thọ Tam đàn Cụ túc tại giới đàn chùa Linh Nguyên, Sông Tra, Đức Hòa (Long An), do Sư tổ Minh Phương - Chơn Hương làm Đàn đầu Hòa thượng.
- Năm Tân Sửu (1901), ngài nghe Sư tổ Minh Hòa, hiệu Hoan Hỷ, là bậc thạc đức danh Tăng, nên đến chùa Long Thạnh, Bà Hom (nay thuộc TPHCM) cầu pháp. Sư tổ ban cho pháp húy là Như Trí.
- Năm Giáp Thìn (1904), ngài nhập Hạ đầu tiên tại chùa Long Hoa, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Nơi đây, được sự khuyến khích của chư Tôn đức, ngài đã giảng Kinh Kim Cang Chư Gia, rất được các vị Pháp sư và đại chúng ở trường Hạ quý mến. Từ đó về sau, mỗi lần nhập Hạ, ngài đều có giảng kinh. Nhờ đó, pháp hiệu Khánh Hòa đã sớm vang danh khắp nơi trên đất Nam kỳ.
- Đầu thập niên thứ 2 của thế kỷ XX (khoảng 1910-1911), chí nguyện chấn hưng Phật giáo của ngài phát khởi. Ngài đã đi tới nhiều tổ đình và Nam kỳ gây ý thức chấn hưng và kêu gọi sự hợp tác của các bậc tôn túc. Hòa thượng đã liên kết được với một số vị cao tăng đồng chí, trong đó có các ngài Huệ Quang, Pháp Hải và Khánh Anh, những người đã cộng tác chặt chẽ với ngài trong suốt thời kỳ hoạt động của ngài sau này.
- Năm 1923, trong một buổi họp của đại diện các tổ đình tại chùa Long Hòa ở Trà Vinh, dưới sự hướng dẫn của ngài, một tổ chức tăng sĩ đã được thiết lập gọi là “Hội Lục hòa Liên hiệp” với mục đích là vận động thành lập một Hội Phật giáo Việt Nam toàn quốc làm cơ sở chấn hưng Phật giáo. Trong số những người cộng sự của ngài, có một vị tăng sĩ trẻ đầy nhiệt huyết tên là Thiện Chiếu, trụ trì chùa Linh Sơn – Sài Gòn.
- Giữa năm Bính Dần (1926), ngài cùng các vị hòa thượng sang nhà ông Huyện (hàm) Cửu (Huỳnh Thái Cửu) dự trai tăng. Ông Cửu "yêu cầu sửa đạo"... Sa môn Huệ Quang (chùa Long Hòa) đề nghị với sư Khánh Hòa phải chủ động để giải vây tình trạng "Tăng đồ hủ bại, Phật giáo suy vi!".
- Năm 1927, sư Thiện Chiếu được ngài cử ra Bắc để tìm hiểu, vận động chấn hưng và thống nhất tổ chức Phật giáo. Tuy nhiên, sư Thiện Chiếu gặp nhiều chướng duyên nên cuộc vận động bất thành.
- Nhập hạ năm 1927, Hòa thượng Khánh Hòa được mời giảng tại trường hạ Long Khánh (Qui Nhơn). Ngài mời thầy Huệ Quang cùng đi để quan sát tình hình.
- Tháng 5 năm 1927, sư Thiện Chiếu trở vào Nam. Cuộc vân động xứ Bắc không như mong muốn, Thiện Chiếu ghé trường hạ Long Khánh, vừa báo việc vừa gửi cho ngài Khánh Hòa tài liệu chấn hưng Phật giáo ở Trung Quốc, cụ thể là mấy số tạp chí Hải Triều Âm và thúc giục thực hiện sớm.
- Mồng 10 tháng 7-1917, giải hạ, ngài Khánh Hòa, Huệ Quang về Nam, đến chùa Linh Sơn – Sài Gòn, bàn việc chấn hưng với sư Thiện Chiếu và đề nghị khởi xướng phong trào ở Nam kỳ trước. Tại đây, một quyết định mạnh dạn của sư Khánh Hòa là bán ngôi chánh điện chùa Tiên Linh cho làng làm đình, lấy 1.000 đồng Đông Dương làm kinh phí hoạt động, đồng thời vận động các chùa và kêu gọi cư sĩ giúp sức.
- Tháng giêng năm Mậu Thìn (1928), ngài Khánh Hòa họp cùng các sư Huệ Quang, Từ Nhẫn, Chơn Huê, Thiện Chiếu và ông Commis Trần Nguyên Chấn, cư sĩ Thái Bình Ngô Văn Chương… họp bàn tạo nền tảng lập Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, Thích Học đường tại chùa Linh Sơn, Sài Gòn (nay đường Cô Giang, Quận 1 – TPHCM), tiến hành thành lập Ban Tổ chức lâm thời và vận động xây dựng Thư xã, Pháp Bảo phương, Tàng Kinh thất, xuất bản tạp chí Pháp âm. Ngoài việc lo thủ tục giấy tờ, ông Trần Nguyên Chấn và Ngô Văn Chương hỗ trợ tài chánh và được thầy Thiện Niệm (chùa Viên Giác), thầy Từ Phong (chùa Liên Trì) quyên trợ ít nhiều. Trong khi công việc vận động xây dựng Thích học đường đang được xúc tiến thì Khánh Hòa cùng các bạn đồng chí quyết định thành lập một hội Phật học để làm bàn đạp cho sự tiến tới thành lập Phật giáo Tổng hội.
- Ngày 27 tháng giêng năm Kỷ Tỵ (1929), ngài khởi hành đi vận động công cuộc chấn hưng Phật giáo, trong đó mục tiêu trước mắt là thành lập trường Phật học đào tạo tăng tài và thành lập Hội Nam kỳ Phật học. Ngài ghi lại nhật ký chuyến đi này như sau: 27 tháng giêng khởi hành; 28 và 29 dự đám trai đàn ở Giồng Miễu; mồng 1 tháng 2 qua Mỹ Tho; mồng 2 xuống tàu, mồng 3 tới Châu Đốc vào chùa Phi Lai gặp sư trụ trì bàn về việc lập Thư xã và Phật học đường, Hòa thượng cúng 300 đồng; vài ngày sau đến chùa Pháp Võ, Giáo thọ của chùa cúng 50 đồng, đưa trước 20 đồng; kế đến chùa Kiến Phước; mồng 9 đến chùa Hòa Thành cổ ở Cây Mít (Nhà Bàn); mồng 10 đi Takeo đến chùa An Phước; 11 đi Nam Vang, nơi đây có 4 chùa người Việt không được kết quả gì; 12 viếng Phật học trường; 13 đáp tàu về Sa Đéc nghỉ ở chùa An phước; xuống Vĩnh Long ở chùa Long Thuyền; qua Cần Thơ, rồi đến Sóc Trăng, qua Bãi Xàu nghỉ ở chùa Phước Hòa An; theo ghe tới Trường kỳ, rồi theo ghe qua chùa Quán Âm (Đại Ngãi) nghỉ ở đây 3 ngày; 20 đi Bắc Liêu đến chùa Long Phước, ở lại đây 3 ngày được Hòa thượng ủng hộ 20 đồng; 23 đến chùa Giác Hoa; 24 đáp xe lên Cần Thơ đến chùa Hội Linh, rồi đến chùa An Phước (Trà Nóc); 26 trở lên Sa Đéc; 27 cùng thầy trụ trì chùa An Phước bàn thảo cả đêm câu chuyện trùng hưng Phật giáo; 29 xuống tàu về Rạch Giá đến chùa Tam Bảo; 30 qua chùa Thập Phương không gặp thầy chủ trì, mời thầy Ký sang chùa Tam Bảo bàn việc nhưng không đạt kết quả gì; sáng mồng 1 tháng ba, cùng Hòa thượng Tam Bảo xuống tàu thủy đến chùa Hòn Quéo, nơi đây đang xây dựng cảnh chùa nhìn về biển Nam, tối bàn việc lập Phật học đường nhưng bị từ chối vì mắc "công kia việc nọ"; mồng 6 xuống tàu về chùa An Phước; mồng 7 đến chùa Kim Hoa (Sa Đéc) bàn chuyện với thầy Yết ma, được cúng 60 đồng; mồng 8 đáp xe về Trà Vinh, 10 xuống tàu về Bến Tre, xuống thẳng Ba Tri, 11 trở lên Bến Tre ghé chùa Viên Giác, 12 trở lại Thư xã.
Như vậy, suốt 45 ngày từ 27 tháng giêng đến 12 tháng 3 năm Kỷ Tỵ (1929), Hòa thượng Khánh Hòa đi hầu hết các chùa ở miền Tây Nam kỳ, ra tận Hòn Quéo và đến tận Nam Vang bằng nhiều phương tiện gồm xe, ghe, tàu thủy… vận động phong trào chấn hưng Phật giáo.
- Ngày 31-8-1929, Tạp chí Pháp âm ra mắt bạn đọc. Đây là tạp chí đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ của Phật giáo Việt Nam do ngài Khánh Hòa làm Chủ nhiệm. Tạp chí được in ở nhà in Thạnh Mậu, Sài Gòn. Tòa trị sự và phát hành đặt tại chùa Sắc tứ Linh Thứu thuộc làng Thạnh Phú, Xoài Hột, Mỹ Tho, tỉnh Định Tường, nơi ngài Khánh Hòa đang trụ trì. Cuối năm này, công trình Thư xã (gọi là Pháp bảo phương) và Phật học đường hoàn thành.
- Tháng 11 năm 1929, ba vị thí chủ là Huỳnh Trọng Khiêm ở Đại Điền, bà Nguyễn Thị Kiểu ở Hương Mỹ và bà Lê Thị Ngởi ở Giồng Trôm gom góp số tiền lớn trùng tu chùa Tiên Linh.
- Mùa xuân năm 1930, chùa Tiên Linh được khởi công xây dựng lại với 5 tòa lớn rộng, khang trang, đầy đủ tiện nghi, bàn thờ Phật sơn son thếp vàng rực rỡ trang nghiêm.
- Mùa hạ năm 1930, lễ lạc thành, đổi tên chùa “Tiên Linh Tự” thành “Tuyên Linh Tự”, và tổ chức An cư Kiết hạ ba tháng. Chi phí đợt trai đàn này, do ông Hội đồng Nhơn (Đoàn Hưng Nhơn) cúng dường.
- Ngày 26-8-1931, Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học được phép thành lập và đi vào hoạt động. Thiền sư Từ Phong - chùa Giác Hải ở Chợ Lớn được bầu làm Chánh Hội trưởng. Hai vị cố vấn là thiền sư Huệ Định (71 tuổi) và thiền sư Trí Thiền (50 tuổi). Chùa Linh Sơn – Sài Gòn được lấy làm trụ sở.
- Tháng 1 năm 1932, do bất đồng nội bộ, ngài dứt khoát rời khỏi Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học và Tạp chí Từ bi âm, cùng với một số pháp hữu về miền Tây mở Liên đoàn Phật học xã. Lớp học này chỉ tồn tại được 3 khóa vì gặp phải khó khan về tài chính. Ba lớp học này có khoảng 50 vị tham dự.
- Ngày 13-8-1934, Hội Lưỡng Xuyên Phật học được phép thành lập và đi vào hoạt động tại Trà Vinh. Vì muốn duy trì một Phật học đường ổn định, và tiếp tục đẩy mạnh phong trào chấn hưng Phật giáo theo đúng chánh pháp, nên Hội Lưỡng Xuyên Phật học mới ra đời. Để có được giấy phép hoạt động, ngài đã mời “Phạm Văn Liêu - Trưởng tòa Trà Vinh làm cố vấn, Huỳnh Thái Cửu - huyện hàm Trà Vinh làm Chánh Hội trưởng, Ngô Trung Tín - huyện hàm Trà Vinh làm Phó Hội trưởng, Huỳnh Văn Ngà - Hội đồng địa hạt (Trà Vinh) làm hội viên sáng lập”. Đây là những Phật tử có uy tín với chính quyền sở tại và rất có tâm huyết với Phật giáo.
- Cuối năm 1934, Phật học đường Lưỡng Xuyên được khai giảng. Hòa thượng Khánh Hòa làm đốc giáo. Phật học đường Lưỡng Xuyên có thu nhận cả Tăng sinh lẫn Ni sinh. Ni sinh được Hòa thượng Minh Tịnh phụ trách học riêng. Đây là trường học đầu tiên cho Ni giới tại Nam kỳ.
- Năm 1935, Hội Lưỡng Xuyên Phật học xuất bản sách Phật học Giáo khoa.
- Tháng 10-1935, Tạp chí Duy tâm Phật học ra đời, do Hòa thượng Huệ Quang làm Chủ nhiệm, Bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe Quản lý.
- Năm 1939, do sức khỏe có phần suy giảm, Hòa thượng Khánh Hòa đã tạm thời lui về chùa Vĩnh Bửu (Mỏ Cày, Bến Tre), để tịnh dưỡng chuyên tu. Tại đây, ngài đã cho mở Ni trường Phật học để chuyên chú cho Ni giới.
- Cuối năm 1941, Trường Phật học Lưỡng Xuyên phải đóng cửa vì thiếu tài chính. Hội Lưỡng Xuyên Phật học chỉ còn đủ sức duy trì những lớp tiểu học tại các chi hội địa phương như Sa Đéc, Phú Nhuận, Kế Sách.
Tuy Phật học đường Lưỡng Xuyên tồn tại không lâu, nhưng đã đào tạo được những gương mặt sáng giá cho Phật giáo về sau, như các Hòa thượng: Thiện Hòa, Thiện Hoa, Hành Trụ, v.v...
- Năm 1947, ngài về chùa Tuyên Linh - Bến Tre, và viên tịch ở đây vào ngày 19 tháng 6 âm lịch, thọ 70 tuổi.
- Ngày 11 tháng 3 âm lịch năm 1955, thiền sư Huệ Quang, người đồng chí thân cận của ngài, lúc bấy giờ đang làm Pháp chủ Giáo hội Tăng già Nam Việt, hướng dẫn một phái đoàn đến chùa Tuyên Linh và họp cùng môn đồ của chùa, làm lễ trà tỳ linh cốt của ngài. Tro và xá lợi của ngài được tôn trí tại chùa Tuyên Linh và một số chùa đã đón bước chân hoằng hóa của ngài trong những ngày vận động phong trào chấn hưng Phật giáo.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết