Thông tin

NỮ BỒ TÁT TRONG VĂN HỌC PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 

PHÚC KIM

 

 

Bồ Tát Quan Thế Âm

 

Người xưa nói anh hùng khó qua ải mỹ nhân. Thử xem từ xưa đến nay những hạng quân vương, tể quan, anh hùng, hào kiệt đa phần tránh chẳng khỏi cái rọ ái tình, khiến đến nỗi thân bại, danh hư, nước đổ, nhà tan, thật đáng tiếc hơn tiếc gì hết, đáng sợ hơn sợ gì hết. Chúng ta là những người học Phật, tuy ai cũng vẫn có thói quen ái dục, biết nó là xấu, nhưng nếu không kiêng dè thì khó có thể thành tựu được Phật quả. Nhà Phật dạy rằng: “Lòng dục chẳng trừ, trần lao chẳng dứt”.

Trong văn hóa Phật giáo của người Việt Nam, có hình tượng cuộc đời tu hành của Ngài Quan Âm Thị Kính là phổ biến từ trong văn học, nghệ thuật cho đến kiến trúc điêu khắc, giáo lý đạo Phật.

Tháng 9 năm 1983, sư cụ Hải Triều Âm tổ chức lễ vía Đức Quan Âm Bồ tát, giải nghĩa cốt truyện Quan Âm Thị Kính qua cuốn sách cụ Thiều Chửu. Nếu một niệm mê lầm thì tâm sằng nổi bời bời. Mỗi một niệm sằng nổi lên thì ươm sẵn một nhân xấu, một nhân xấu kết trăm nghìn quả khổ. Nhân quả đã đúng như thế, lại sinh sôi như thế cho nên người tu phải luôn ghi nhớ giữ chính niệm mới mong thoát trầm luân được. Như ngài Quan Âm Thị Kính đây tu hành đã chín kiếp, đã đến lúc sắp chứng quả thế mà chỉ vì một niệm sai lầm mà phải chịu nỗi oan tày trời, đủ biết rằng công phu tu hành không gì cốt yếu bằng giữ mối niệm chính vậy. Trong Kinh dạy: “Hết thảy chúng sinh đều lấy dâm dục làm nhân chính mà có tính mệnh” - nghĩa là có dâm dục thì mới có sinh. Cái tài cái mạo của Thiện Sĩ để sánh với cái sắc cái nết của Thị Kính đôi bên thật là đẹp đôi hết mực, xứng đôi vừa lứa cho rõ cái tài cái sắc của thế gian vẫn ham chuộng mê say kia nó cũng chỉ là một trò dối, nhân duyên đến thì hợp, nhân duyên hết thì ly, càng tốt đẹp bao nhiêu càng đau khổ bấy nhiêu đúng như thế gian thường phàn nàn là sự đời éo le vậy. Ngài Thị Kính tuy tu gần đắc đạo nhưng vì một niệm khởi: “Có chăng kiếp khác họa là” làm cái nhân cho nên phải đọa xuống làm người, đầu thai vào nhà Mãng Ông chịu cái báo thân vướng cảnh trần duyên nửa đời nửa đoạn, cho đến lúc đi tu lại gặp Thị Màu vu oan cho tội dâm trước sau bao nỗi đau khổ đều là vì một cái nhân dâm mà ra cả. Ai người tu hành coi đó đủ sợ.

Vốn xưa là đấng nam nhi,

Dốc lòng từ thuở thiếu thì xuất gia.

Tu trong chín kiếp hầu qua,

Bụi trần rũ sạch, thói tà rửa không.

Đức Mâu Ni xuống thử lòng,

Hiện ra một ả tư dung mỹ miều.

Lần khân ép giấu nài yêu,

Người rằng: "Vốn đã lánh điều trăng hoa,

Có chăng kiếp khác họa là,

Kiếp này sợi chỉ trót đà buộc tay".

Nào ngờ phép Phật nhiệm thay,

Lỡ lời mà đã vin ngay lấy lời.

Trở sang kiếp khác vẹn mười,

Thử cho đày đọa một đời xem sao?

Cõi trần mượn cửa thác vào,

Hóa sinh, sinh hóa lẽ nào cho hay.

 

Chèo Quan Âm Thị Kính

 

Các tích về Thánh Mẫu Liễu Hạnh đều có chung một số đặc điểm: xuất thân từ gia đình lương thiện tích đức, nhưng hiếm muộn và đều do cầu đảo đức Phật, Ngọc Hoàng Thượng đế mà thành. Theo “Vân Cát thần nữ truyện” của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (thế kỷ 17) thì câu chuyện Lê Thái Công được đạo sĩ đến giúp làm phép cho ông được nằm mộng lên Thiên đình. Tại Thiên đình, ông chứng kiến công chúa Quỳnh Hoa phạm lỗi đánh rơi chén ngọc nên bị đày xuống trần gian đầu thai làm con. Khi tỉnh giấc, vợ ông liền trở dạ, sinh được một bé gái và đặt tên là Giáng Tiên. Cô gái lớn lên, nhan sắc xinh đẹp mà lại đủ tài văn thơ đàn nhạc, bèn gả cho Đào Lang. Hai vợ chồng sinh được hai người con thì Giáng Tiên mất lúc mới 21 tuổi. Khi hóa, tiên chúa được Ngọc Hoàng sắc giáng làm “Liễu Hạnh công chúa”, rồi quay trở về thăm cha mẹ, chồng con… Trong 3 lần giáng trần, Tiên chúa đều thể hiện là người con gái đẹp, nết na, hiếu thuận, làm nhiều việc thiện cứu giúp dân lành, trừng trị kẻ ác, mẫu mực về công, dung, ngôn, hạnh của người phụ nữ Việt Nam. Do đó sau khi Tiên chúa về trời và hiển Thánh, được nhân dân khắp nơi lập đền thờ phụng, tôn làm Thánh Mẫu - vị thần chủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

Theo bài giảng của Hòa thượng Thích Quảng Tùng: là con gái Ngọc Hoàng, bị đày xuống trần gian, Liễu Hạnh hóa thành một cô gái xinh đẹp dựng quán bán hàng ở Đèo Ngang, hiển thần thông biến hóa để dạy mọi người bỏ ác làm thiện, nhất là những kẻ háo sắc (trong đó có Thái tử con Vua Lê Thái Tổ). Rồi nhờ bùa phép của tám vị Kim Cương, Thái tử khỏi bệnh và cúi đầu nhận tội trước Vua cha. Bởi triều đình có cầu đảo tám vị Kim Cương, hai bên giao tranh 3 ngày 3 đêm không phân thắng bại, thấy bất lực nên họ đành đi cầu cứu Phật Bà Quan Âm. Phật Bà ban cho cái túi, Liễu Hạnh bị thu vào trong túi mang về triều. Khi biết Liễu Hạnh là công chúa con gái Ngọc Hoàng xuống trần để trị những người đàn ông hay ức hiếp phụ nữ và khuyến thiện trừng ác, Vua Lê tha bổng. Về sau, Liễu Hạnh sinh hạ một người con trai mỗi bàn tay 6 ngón. Nàng mang con đến chùa trên núi Hồng Lĩnh gửi một vị sư nuôi dạy con mình, rồi bay về trời. Có tích khác thì nói rằng Khi Liễu hạnh bị bắt, Phật Tổ Như Lai hiện ra giải cứu. Ngọc Sư (tức Tiền Quan) vâng lệnh Phật Tổ trao cho nàng một bộ cà sa, một mũ ni cô để quy y Phật. Vì vậy ngày nay nhiều chùa có dựng thêm điện ở khuôn viên chùa để thờ Mẫu Liễu Hạnh hoặc thờ Mẫu Liễu Hạnh tại nhà Tổ của chùa bởi Mẫu Liễu Hạnh cũng xuất gia.

Theo bài giảng của sư cụ Hải Triều Âm lúc tại thế, Mẫu Liễu Hạnh vốn là một vị trên cõi Trời, hết phúc cõi Trời giáng xuống vùng Vụ Bản - Nam Định. Dù là một vị cõi Trời hết phúc báo nhưng so với cõi Người thì Ngài phúc vẫn nhiều hơn so với loài Người nên Ngài giáng sinh vào gia đình đài các, công dung ngôn hạnh đủ hết, sắc cũng đẹp, học giỏi, nữ công gia chánh, lấy gia đình môn đăng hộ đối nhưng thọ mạng ngắn ngủi nên Ngài hóa lúc con thơ chồng trẻ, chính ngài còn trong cảnh gia đình nên tâm vương vấn. Những người tu thiền định rất thiêng, Ngài ở trên Trời xuống là bởi có tu thiền định nhưng vì tâm còn vướng bận trong cảnh gia đình trần thế nên chưa giải thoát tam giới. làm yêu tinh tác oai tác quái tr ong nhân gian. Ở Bỉm Sơn – Thanh Hóa có một cái quán nước không ai biết có từ bao giờ, có cô con gái giỏi chữ làm thơ làm phú. Các chàng sĩ tử đi thi phải qua đây, thấy cô gái đẹp, khéo lại là những người thơ phú. Cô ra câu đối, có các cậu con trai có những lời nói bông đùa lả lơi bị quật chết luôn. Chỗ ấy nhiều nhân tài sĩ tử lăn ra chết ở đó. Dân họ tâu lên Vua, thời ấy chúa Trịnh cầm quyền. Ai đi qua chỗ đó phải xuống ngựa không cũng bị quật chết. Hôm ấy, chúa Trịnh đi vào Thanh Hóa chầu Vua Lê, đi ngang qua cậy mình là Chúa, không chịu xuống (nhưng chúa là bậc có phúc đức lớn nên không bị quật chết, chỉ bị bẻ gãy kiệu). Các vị Vua Chúa mời các Pháp sư hàng phục con yêu tinh để tránh gây họa cho nhân gian. Khi vị pháp sư giao tranh và chuẩn bị thu phục được yêu tinh thì thấy Phật đến cứu, nên vị Pháp sư mới nghĩ rằng yêu tinh này có nhân duyên gì với đạo Phật đây. Con yêu tinh thay tính đổi nết, trở thành một vị cứu dân độ thế, cả cái vùng ấy ai cầu gì cũng được, Vua cất quân ra trận đến lễ xin phù hộ giúp đỡ thì được phù hộ, phong là Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Tại sao tu thiền định mà thành yêu tinh? Vì trong cảnh tình ái, thoát thân trong tình ái nên thành yêu tinh. Không quy Phật, không được Phật cứu thì dù có pháp thuật cao cường anh linh đến mấy mà gây họa tất sẽ bị thầy Pháp trừng trị. Từ khi trở về chính đạo trở thành thượng đẳng thần hộ quốc an dân, ủng hộ những người tu hành, phúc thần của cả đất nước Việt Nam. Một mặt tín ngưỡng thờ Mẫu nhắc nhở bậc tu hành phải khéo để thoát khỏi đường ma, tu chính định để thoát khỏi đường ma. Nhưng mặt khác chúng ta thấy các trí thức Nho học xây dựng nên hình tượng Thánh Mẫu luôn phù trợ cho các thương nhân và mang văn hóa, trí thức Nho học hòa nhập vào văn hóa dân gian tạo thành nền văn hóa tín ngưỡng độc đáo của Việt Nam. Tín ngưỡng thờ Mẫu đã tôn vinh những người phụ nữ tài trí, luôn đứng ra bênh vực bảo vệ những người yếu thế, vân du mọi nơi để khuyến thiện trừng ác.

 

Thánh Mẫu Liễu Hạnh

 

12 đại nguyện, 32 ứng hóa thân, 500 danh hiệu, nghìn mắt nghìn tay, quá khứ Chính Pháp Minh Như Lai hiện tiền Quán Tự Tại Bồ tát, trên núi thì dân thờ Quán Âm tọa sơn, miền biển thì dân thờ Quán Âm Nam Hải... Xưa và nay tín đồ Phật tử nhân dân mộ đạo đều thờ phụng Đại sĩ; đâu đâu con hương tín chủ bà con tín tâm cũng kêu cầu Phật Bà.

Có nhà nghiên cứu tín ngưỡng văn hóa dân gian Việt Nam nào đó đã đưa ra giả thuyết Tứ Pháp (4 bà Mây, Mưa, Sấm, Chớp) là các hóa thân của Bồ tát Quán Thế Âm; Tam tòa Thánh Mẫu của người Việt cũng là các hình thức hóa thân của Mẹ hiền Quán Thế Âm (Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn - Mẫu Liễu Hạnh, Quan Âm tọa sơn hay Quan Âm Thị Kính - Mẫu Thượng Ngàn, Quan Âm Nam Hải - Mẫu Thoải). Đó chỉ là giả thuyết nghiên cứu của các nhà văn hóa nhưng những sự mầu nhiệm của Bồ tát Quán Thế Âm trong cuộc sống hiện thực thì vô vàn. Qua hành trạng của Quan Thế Âm Bồ tát và các vị Bồ tát thị hiện nữ nhân được trình bày trên đây hình như hơi khó thuyết phục đối với nhãn quang của giới khoa học. Tin hay không tin là quyền của mỗi người. Nhưng nếu để ý một chút, chúng ta sẽ thấy rằng hằng ngày trên thế giới này không biết bao nhiêu thiên tai, chiến nạn xảy ra, và cũng không biết bao nhiêu tấm lòng từ bi nhân ái sẵn sàng nhường cơm xẻ áo hầu xoa dịu phần nào những nỗi đau thương thống khổ của đồng bào, đồng loại. Chứng kiến những cảnh tượng ấy, hiển nhiên chúng ta sẽ không còn ngờ vực gì nữa về diệu dụng từ bi cứu khổ, cứu nạn của các bậc Bồ tát đối với thế gian này.

Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ tát Ma Ha Tát.

Ngày 19/6 Canh Tý Mùa Covid-19

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

HT. Thích Quảng Tùng (2019). Đạo Phật Việt Nam luôn đan xen với tín ngưỡng thờ Mẫu. Tạp chí Khuông Việt, Số 46 tháng 5/2019. Tr. 4-9

Bài Pháp thoại Công chúa Liễu Hạnh. Sư cụ Hải Triều Âm giảng.

Cư sĩ Thiều Chửu. Giải thích truyện Quan Âm Thị Kính. NXB Hồng Đức, PL. 2558 - 2014.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 89
    • Số lượt truy cập : 6129898