Thông tin

NỮ TỬ XUẤT ĐỊNH

 

PHAN CÁT TƯỜNG

 

 

Trong pháp môn Tịnh độ, người ta hay ví dụ về năng lực của sáu chữ hồng danh “Nam mô A Di Đà Phật” bằng câu chuyện sau:

Có một vị vua, muốn thử sức mạnh của các lực sĩ trong nước, bèn dùng dây thừng trói chặt một người và thách thức xem ai có thể giải cứu người này nhanh nhất. Các lực sĩ đều trổ tài, dùng toàn lực để bứt sợi dây, nhưng đều thất bại. Một cậu bé thông minh đang đứng xem, bèn xin phép nhà vua thử sức.

Cậu rút trong túi ra con dao bé tí rồi cắt phăng sợi thừng một cách nhẹ nhàng.

Và các đại sư Tịnh độ đều ví con dao của cậu bé đó như sáu chữ hồng danh “Nam mô A Di Đà Phật” của hành giả Tịnh độ.

Hành giả không cần đến một khả năng siêu việt nào đó để giải thoát sinh tử luân hồi. Chỉ cần đầy đủ niềm tin, tâm nguyện vãng sanh và thực hành lão thật niệm Phật là nắm chắc Phật đạo trong cõi phù sinh.

*

Thiền tông thì có công án “Nữ tử xuất định” (tắc số 42 trong Vô Môn Quan).

Công án thuật lại câu chuyện vào thời đức Phật, Ngài tổ chức một pháp hội và mời tất cả các vị Bồ tát thượng thủ đến tham dự. Bồ tát Văn Thù là một trong số đó, nhưng do bận Phật sự phương xa nên đến trễ. Khi ngài Văn Thù đến nơi thì pháp hội đã giải tán, duy chỉ còn Thánh nữ Ly Ý đang ngồi nhập định ngay bên pháp tòa của đức Phật.

Lấy làm lạ, Ngài Văn Thù hỏi:

- Bạch Thế Tôn, sao người con gái kia có thể ngồi sát tòa Như Lai, trong khi hàng Bồ tát chúng con lại không được phép?

Đức Phật nói:

- Vậy thì ông hãy làm cho cô gái này xuất định đi!

Ngài Văn Thù khẽ búng ngón tay bên lỗ tai cô gái ba lần, nhưng cô vẫn hoàn toàn bất động.

Thấy có vẻ như bị thách thức, Ngài Văn Thù bèn vận thần thông, đưa cô gái lên cõi trời Phạm Thiên, hy vọng cảnh giới Phạm Thiên sẽ làm cô gái bừng tỉnh. Nhưng cô gái cũng hoàn toàn bất động như lần trước!

Đức Phật thấy vậy, bảo Ngài Văn Thù:

- Cách đây hàng hà sa cõi Phật về phía hạ phương, có vị sơ địa Bồ tát tên là Võng Minh (hay Vô Minh), ông ấy có thể lay động được cô gái này!

Ngài Văn Thù thầm nghĩ bậc Thượng thủ Bồ tát như mình còn bó tay trước định lực của cô gái, huống hồ gì bậc sơ địa như Võng Minh.

Biết ý nghĩ của ngài Văn Thù, đức Phật bèn triệu thỉnh Bồ tát Võng Minh đến. Và chỉ cần một cái khảy móng tay nhẹ nhàng, Bồ tát Võng Minh liền đánh thức được cô gái, khiến nàng xuất định và vui mừng lạy tạ Thế Tôn cùng chư vị Bồ tát trước khi trở về núi Linh Thứu.

Công án Thiền này sẽ giúp hành giả ngộ được chỗ khế cơ, khế lý của Phật pháp. Thực ra, pháp không có chỗ cao hay thấp, mà chỉ là có hợp với căn cơ chúng sanh hay không? Rõ ràng là thần thông của Ngài Văn Thù tuy có siêu xuất, nhưng không tương ứng được với tâm niệm của cảnh giới định của cô gái, nên không thể kéo nàng ra khỏi Tam ma địa được. Còn pháp của Bồ tát Võng Minh, tuy là pháp của hàng sơ địa nhưng có thể cảm ứng được cô gái và làm cho nàng xuất định.

Thật ra, công án này là một phép giả định về Tâm lý học thực nghiệm Phật giáo. Nó gần gũi với Tâm lý học Vô thức của Sigmund Freud.

Freud đã mặc định đời sống con người trong chỗ tối tăm, u mê nhất mà ông gọi là Id. Đó là “Cõi Người Ta” đầy cám dỗ với những đam mê, thất tình, lục dục mà tận cùng của cái hố thẳm nhầy nhụa đó là “Libido”, dục tính mang nặng chất thú hơn chất người...

Một lần nữa, Freud đã hợp lực với Darwin đẩy loài người về với loài khỉ khi tuyên bố: “Mục đích duy nhất của Id là thỏa mãn bản năng và khoái cảm...”.

Freud đã kết tội cho Id, mặc dù sau đó ông cũng đưa ra khái niệm Ego (Ngã) hay Superego (siêu ngã) để cứu chuộc cái tội lỗi tổ tông đang bị quy kết cho Id.

Nhưng chính ở chỗ này, ta mới thấy được cái tâm từ bi của nhà Phật cũng như sự vi diệu của Thiền qua công án “Nữ tử xuất định”.

Thánh nữ Ly Ý không nhập đại định trong rừng sâu, mà nhập sát tòa đức Phật khi pháp hội vắng người. Kim Cang thừa đã cụ thể hóa hành động này bằng hình ảnh cô gái khỏa thân ôm chầm lấy đức Phật đang thiền định. Một hình ảnh gợi dục thường bị những người bên ngoài Kim Cang thừa lên án gắt gao.

Nhưng đức Phật không lên án, mà Ngài gọi đó là Samadhi (đại định), và còn chỉ bày phương tiện để một vị Bồ tát có thể giúp cho người nữ thoát cơn đại định này. Đó là cái nhìn tràn đầy chất liệu từ bi, khác với cách nhìn kết tội của Freud khi cho rằng Id là nguồn gốc tội lỗi!

Và tâm lý học Phật giáo giải quyết vấn đề của thánh nữ Ly Ý một cách giản đơn là chỉ cần cái khảy móng tay nhẹ nhàng của một người đồng cảm với nàng, như Bồ tát Võng Minh chẳng hạn!

Đó là tâm lý trị liệu theo kiểu Phật giáo, không kết tội, không quy chụp, không phân biệt nam nữ, giai cấp...

Con người chỉ cần biết sống đồng cảm, thương yêu nhau thì sẽ dắt dìu nhau đi từ cõi Vô Minh đến Niết Bàn giải thoát.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 9
    • Số lượt truy cập : 6124768