ÔNG HUỲNH THÁI CỬU,
HỘI VIÊN SÁNG LẬP HỘI LƯỠNG XUYÊN PHẬT HỌC
NGUYỄN LÂM*
Công việc đào tạo tăng tài gặp phải những chướng duyên, năm 1934, ông Huỳnh Thái Cửu cùng các bạn đồng chí lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học để tiếp tục đào tạo tăng sĩ. Hội đã suy cử ông làm Chánh Hội trưởng.
Ông Huỳnh Thái Cửu sinh năm 1866 tại làng Long Trường, tổng Ngãi Hoài Trung, hạt Trà Vinh (nay thuộc tỉnh Trà Vinh) trong một gia đình nhà Nho khá giả. Từ thuở niên thiếu, cậu bé Cửu là người có tư chất thông minh và gắng công học hỏi, nên khi mới xuất thân ra dự việc đời thì ông được Hương chức tuyển cử lên làm chức Hương văn năm 31 tuổi (1897). Qua năm sau (6 tháng 1 năm 1898), ông được cư dân trong thôn xã chọn, cử lên làm thôn trưởng làng Long Trường.
Đạo đức của ông làm cho dân làng yêu kính, nên năm 1899 nơi tổng ông sinh sống khuyết chức Phó tổng thì các làng tề tựu đồng cử ông vào chức ấy. Quan trên chuẩn y cho ông chức Phó tổng hạng nhì bởi lời nghị ngày 15 tháng 11 năm 1899, rồi lần lần lên các chức:
- Phó tổng hạng nhất ngày 1 tháng 1 năm 1908;
- Cai tổng hạng 3 ngày 13 tháng 8 năm 1914;
- Cai tổng hạng nhì ngày 14 tháng 1 năm 1919;
- Cai tổng hạng nhất ngày 1 tháng 1 năm 1922.
Từ ngày ông làm Cai tổng cho đến ngày về hưu là ngày 30 tháng 11 năm 1929, trải qua một khoảng thời gian là 30 năm, lúc nào ông cũng đem hết tâm trí và tài lực ra để đảm đương lấy nghĩa vụ cho được xứng đáng, được hoàn toàn, nên ngày 31 tháng 7 năm 1925 quan trên ân tứ cho ông chức Huyện hàm.
Nhờ chí khí quyết liệt, tinh thần sốt sắng của ông đã nhiều phen giúp ích cho xã hội, nên chính phủ Đông Dương cũng nhiều lần tuyên dương công trạng và tặng thưởng huân chương các loại cho ông vì công vụ mà phải hao tâm tổn trí như:
Ngày 28 tháng 2 năm 1914 nhì hạng ngân bài;
Ngày 21 tháng 7 năm 1921 nhất hạng ngân bài của chính phủ;
Ngày 14 tháng 8 năm 1917: Huân chương;
Ngày 7 tháng 11 năm 1920: Huân chương Ngũ đẳng bội tinh;
Năm 1921: Huân chương Tứ đẳng bội tinh của triều đình Campuchia.
Ngày 5 tháng 10 năm 1929: Kim tiền hạng 3 của Hoàng đế Bảo Đại.
Về phần nhiệm vụ trong gia đình, khi ông noi theo gương chính đáng của gia pháp truyền lại, nên lúc nào cũng thấy cái vẻ an vui đằm thắm làm cho người ngoài ai ai cũng khen tặng.
Về phần đạo đức thì ông quy hướng về Phật giáo không phân Nam tông, Bắc tông, chẳng luận Đại thừa, Tiểu thừa, để một lòng tín ngưỡng.
Ông là người hiếu học tính rất thông minh, biết rành giáo lý đạo Phật Khmer và kinh luật chữ Pali nên hồi 1903, ông được đức vua Campuchia phong cho ông chức Thầy giảng dạy trong đạo Phật người Khmer dịch là Lục Cà cha. Từ đấy ông hết sức giúp các thầy Sãi Campuchia chấn chỉnh đạo Phật, như: Xin phép cất trường học Phật trong các nhà chùa, lập các vị Đại đức lên để cai quan Tăng già. Ông thỉnh một bộ ba tạng kinh Campuchia cúng vào chùa Vatkompongthum, tục gọi chùa Ông Mẹt tại Châu Thành, Trà Vinh để tiện các Sãi du phương đến mà nghiên cứu giáo lý Tiểu thừa.
Ông xuất của tư mua đất xây dựng một ngọn chùa tháp cao ngất trời xanh (25m) tại Sài Dần, bên trái thì cất chùa Nam tông Khmer, bên phải thì cất chùa Bắc tông Việt Nam lấy hiệu Vinh Sơn Tự để cho bổn đạo hai nước đến lễ bái. Ông lại hợp tác với các tu sĩ Phật giáo Việt Nam để chỉnh lý Tăng đồ và xương minh Phật giáo.
Là người thâm hiểu giáo lý Phật đà, ông biết đạo Phật là một đạo rất siêu việt mà vì Tăng đồ thất học, làm việc mê tín nên đạo Phật ngày nay hóa ra đạo Tà thần, đạo Bát bộ, đạo đốt giấy đốt kho, nên nhân dịp mãn kỳ Hạ lạp tại chùa Long Phước, tỉnh Trà Vinh hồi năm Bính Dần (1926), ông vời các Hòa thượng qua nhà ông tại Trà Sất để thiết đãi thời trai rồi ông yêu cầu các vị nên “sửa đạo”.
Bài văn ông đọc giọng thảm thiết, làm cho các vị đại đức mủi lòng cảm động.
Từ đấy, cái thuyết Phật giáo hội (tức chấn hưng Phật giáo) mới manh nha trong lòng các vị Đại đức và Hòa thượng Lê Khánh Hòa mới hết lòng chủ động.
Năm Mậu Thìn (1928) trở lại Sài Gòn, Hòa thượng Khánh Hòa cùng các ngài Từ Nhẫn, Như Đắc, Thiện Chiếu, Chơn Huệ và Thiện Niệm lập Thích Học đường và Phật học Thư xã tại chùa Linh Sơn - Cầu Muối.
Bấy giờ, Phật học Thư xã (Pháp Bảo phương) được dựng lên nhưng không có tiền để thỉnh Đại Tạng Kinh thì ngày 31 tháng 8 năm 1929, Huyện hàm Cửu kịp vận động các vị cư sĩ đàn na tỉnh Trà Vinh góp chung số tiền là 1.300$ (đồng Đông Dương) thỉnh một bộ Tục Tạng Kinh chữ Hán 750 quyển và sắm năm cái tủ để đựng số kinh ấy tại Hội quán Nam kỳ Phật học Hội – chùa Linh Sơn, đường Cô Giang, quận I, Sài Gòn.
Đến ngày 20-21-22 tháng 12 năm 1929, Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học mở cuộc khánh thành 2 ngôi Pháp Bảo phương và Thích Học đường tại chùa Linh Sơn - Sài Gòn, thì ông hết lòng cổ động trong hạt Trà Vinh và Bến Tre để khuyên rủ tín đồ Phật giáo và rước các Sãi Cao Miên đến Linh Sơn dự hội và ông lại xuất tiền tư rước hai gánh nhạc ở Trà Vinh lên chùa Linh Sơn giúp lễ xem rất vẻ vang nơi chốn kinh thành.
Năm 1929, khi ông cùng với các cư sĩ Trà Vinh xây dựng chùa Long Khánh xong, ông liền yêu cầu khai trường Gia giáo ba tháng tại chùa ấy.
Năm Qúy Dậu (1933), vẫn không nản lòng, ngài Khánh Hòa cùng các Hòa thượng Huệ Quang, Pháp Hải, Khánh Anh... thành lập Liên đoàn Phật học xã nhằm tiếp tục con đường đào tạo Tăng tài. Tổ chức này có hình thức di động, không đặt trụ sở một chỗ, mà luân phiên mỗi chùa ba tháng phải chu toàn, đài thọ các mặt hoạt động dạy tăng đồ của Liên đoàn. Bắt đầu từ chùa Từ Hòa làng Long Hòa, Tiểu Cần, Trà Vinh của Tổ Huệ Quang, rồi tại chùa Thiên Phước, Trà Ôn, Vĩnh Long của Tổ Chánh Tâm. Sau đến chùa Viên Giác, tỉnh Bến Tre của Tổ Lâm Quang. Khóa học được nửa chừng thì chẳng may bị người kiếm chuyện kêu nài dạy học không xin phép chính phủ, nên Huỳnh Thái Cửu cùng các bạn đồng chí ngày 6 tháng 2 năm Giáp Tuất (1934)1 lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học lo tiến hành lập Thích Học đường để đào tạo tăng tài. Hội đã suy cử ông làm Chánh Hội trưởng khai sáng đầu tiên.
Vì tuổi già hay bệnh, tự xét không thể đảm đương trách nhiệm nặng nề ấy nữa, nên ngày 22 tháng 5 năm 1935 khai Đại hội để cử Ban Trị sự chính thức, ông đứng ra xin nhường chức Chánh Hội trưởng lại cho Hòa thượng Lê Văn Xuyên, pháp danh An Lạc, trụ trì chùa Pháp Tràng, Mỹ Tho - bậc cao tăng thạc đức để cầm quyền cai quản hai phái Hội viên Tăng già và thiện tín.
* Văn phòng miền Bắc Trung tâm NCPGVN, Viện NCPH Việt Nam.
1. Theo Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, Biên niên sử Phât giáo Gia Định-Sài Gòn-thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2001, tr 91 thì “Hội Lưỡng Xuyên Phật học thành lập với điều lệ chính thức ngày 13-8-1934, trụ sở đặt tại chùa Long Phước (Trà Vinh). Hội Lưỡng Xuyên Phật học chủ trương phổ biến giáo lý nhà Phật bằng cách dịch kinh, mở trường Phật học, xuất bản tạp chí Duy tâm.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết