Thông tin

PHÁC THẢO VỀ CHÂN DUNG THIỀN SƯ TỪ ĐẠO HẠNH

QUA BÀI MINH BI KÝ CHÙA LÁNG

 

Cư sĩ NGUYÊN HUỆ*

 

Vào thế kỷ 17, 18, cũng như các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, các chúa Trịnh ở Đàng Ngoài (Bắc Hà) cũng đã có những quan tâm đáng kể đối với Phật giáo[1], tạo điều kiện thuận hợp giúp các Danh tăng thuộc các Thiền phái của Phật giáo Trung Hoa như Lâm Tế, Tào Động sang Đại Việt truyền đạo có được thuận duyên để truyền bá và phát triển khắp miền[2]. Trong hoàn cảnh ấy, một số ngôi chùa cổ ở kinh đô Thăng Long như chùa Long Khánh, chùa Càn An, chùa Chúc Thánh, chùa Thanh Lâu, chùa Chiêu Thiền (Chùa Láng), chùa Trấn Quốc, chùa Hàm Long… đã được trùng tu và đều có văn bia ghi chép lại sự việc. Những văn bia này đều do các danh sĩ, các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng đương thời chấp bút như văn bia chùa Long Khánh do Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (1528-1613) viết; văn bia chùa Trấn Quốc (niên đại 1639) do Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính (1588-?) viết; văn bia chùa Hàm Long  (1714) do Tiến sĩ Đặng Đình Tướng (1649-1735) viết…

Ở đây, chúng tôi xin giới thiệu bài minh trong văn bia chùa Chiêu Thiền (chùa Láng) do Học sĩ Nguyễn Văn Trạc viết vào thế kỷ 17. Qua đây, thân thế và hành trạng của Thiền sư Từ Đạo Hạnh (? - 1117) đã được ghi nhận, tán thán.

Bài minh viết theo thể một câu bốn chữ, gồm 60 câu:

Thanh trì đệ nhất                             

An Lãng vô song

Phụng thành khí tước                       

Tô giang phái dung.

Tản lĩnh hoàn hổ                              

Nhị hà nhiễu long

Hùng lệ trạng tủng                                     

Cẩm tú địa chung.

Vật trân nhân tú                              

Thánh mẫu Phật đồng

Duy tăng tỉ tộc                                 

Sinh từ Thiền tông.

Nghiệp tuân tổ phụ                                   

Pháp diệu thần thông

Sài sơn thoát tích                             

Tiên Lý trắc dung.

Thiện duyên tùy hiện                       

Di tích tu sùng

Thiền thiên nhật vũ                                   

Linh tự long cung.

Hương hỏa phụng sự                        

Thần pháp hư không

Đệ niên tam nguyệt                                    

Thất nhật điệp phùng.

Già hội tán tụng                               

Thanh nghi tuyền dung

Dân cầu nẫm ứng                             

Quốc đảo thành công.

Lê Trịnh phúc vĩnh                                    

Gia quốc trị long

Khánh kim Thánh đế                       

Phi ngự thành trung.

Bách vi câu cử                                  

Vạn thiện chiêu dung

Thời tá Thánh hoàng                       

Thiên sinh thượng chủ.

Cao mậu đức huân                                     

Nghiễm lâm hoàn vũ

Vật phục Hạ đô                               

Cơ khai Đường phủ.

Dận chủ chưởng quyền                    

Đình liêu giáp phụ

Chính cử sự tu                                  

Nội ninh ngoại phủ.

Cấp An Lãng hương                         

Cung Thiền sức tổ

Lệnh luận nhất ban                                    

Xã dân vạn vũ.

Phủ lịch đan thâm                                      

Ngưỡng kỳ thuần hỗ

Thánh chúc ức niên                                    

Tuế cao vạn thọ.

Vương nghiệp hệ long                      

Hoàng đồ bàn cố

Trạch cập tư dân                              

Thế thọ thiên hỗ.

Chi đức chi công                              

Bất thế bất hủ

Tự đối cửu thiên                               

Bi truyền vạn cổ.

Dịch nghĩa:

Huyện Thanh Trì đệ nhất                          

Làng An Lãng không hai

Nơi Phượng thành khí tốt                          

Sông Tô Lịch mạch dài.

Núi Tản hổ chầu về                                   

Sông Nhị rồng bao bọc

Kiểu đất vẻ uy hùng                         

Đẹp thay như gấm vóc.

Có của báu người hiền                     

Mẹ Thánh sinh con Phật

Bà cụ người họ Tăng                        

Sinh ra Từ Thiền tông.

Nối nghiệp tổ phụ trước                   

Đạo pháp bao thần thông

Từ núi Thầy trút lốt                                   

Vua Lý lên ngai rồng.

Thiện duyên liền hiển hiện               

Dấu cũ được tôn sùng

Dưới bầu trời Đức Phật                    

Có linh tự, long cung.

Lửa hương đời thờ cúng                   

Phép thần trong hư không

Hàng năm vào tháng ba                   

Cứ ngày mồng bảy tới.

Hội lớn tụng niệm vui                      

Nghi lễ bừng sáng chói

Dân cầu ứng nghiệm nhiều               

Nước cầu được hưng khởi.

Phúc lớn: Lê và Trịnh                      

Đất nước vui hòa bình

Mừng nay đức Thánh đế                            

Ngự trị giữa kinh thành.

Trăm việc làm đầy đủ                      

Muôn điềm tốt phúc lành

Phò giúp đức Thánh hoàng              

Trời giáng sinh chúa Trịnh.

Công đức lớn lao thay                      

Khắp cõi vâng theo lệnh

Kinh đô Hạ lại về                                      

Cơ nghiệp Đường lại định.

Chúa nối nghiệp cầm quyền             

Trăm quan cùng phụ chính

Chính sự được canh tân                   

Trong ngoài đều yên tĩnh.

An Lãng được ban ân                       

Giữ việc thờ Phật, Tổ

Sắc lệnh vừa mới ra                         

Toàn dân xã ca múa.

Cúi giải tấm lòng thành                    

Ngửa mong ơn phù hộ

Chúc vua Lê muôn năm                   

Chúc chúa Trịnh trường thọ.

Vương nghiệp được hưng long         

Hoàng đồ được củng cố

Dân được nhờ ân trạch                     

Đời đời hưởng phúc trời.

Đức ấy công lao ấy                                    

Còn mãi về lâu dài

Tòa chùa giữa trời đứng                   

Bia truyền nghìn muôn đời[3].

Minh văn là một thể loại của văn học Phật giáo thường được khắc trên chuông đồng và bia đá. Thể loại này có nội dung mang tính tóm kết, nhấn mạnh về những điểm tiêu biểu đã được nói đến ở phần trên. Minh văn thường được viết theo văn vần, câu 4 chữ hoặc 5 chữ, 7 chữ. Do đó, minh văn dễ đọc dễ nhớ, hàm súc và giàu hình tượng. Ngoài giá trị lịch sử xã hội gắn liền với văn chuông, văn bia, các bài minh văn luôn có giá trị văn học, hoặc triết lý. Trong lịch sử văn học, Lê Quý Đôn (1726-1784) là người đầu tiên đã quan tâm đến giá trị văn học của mảng văn chuông, văn bia, câu đối[4]. Nhà viết lịch sử văn học Việt Nam có thể không quan tâm lắm đến mảng Văn bia - Minh văn… nhưng những người nghiên cứu Văn học Phật giáo Việt Nam thì phải quan tâm, phải trân trọng chúng, vì đây là những đóng góp rất đáng kể của người xưa, ngoài giá trị văn chương làm phong phú thêm cho gia tài văn học Phật giáo Việt Nam, chúng còn có giá trị lịch sử, giá trị xã hội. Bài minh văn trong văn bia chùa Chiêu Thiền, hoặc các bài minh văn trong các văn bia hiện còn được lưu giữa tại các ngôi chùa ở kinh đô Thăng Long được trùng tu vào thế kỷ 17, 18… đã cho chúng ta thấy rõ điều ấy.

Chùa Chiêu Thiền (chùa Láng) được xây dựng từ đời vua Lý Thần Tông (1128-1138) nhà Lý, ở ngay trên nền nhà cũ của ông bà Từ Vinh, thân sinh của Thiền sư Từ Đạo Hạnh (? - 1117), một trong số chư vị thiền sư tiêu biểu nhất của Phật giáo đời Lý, người đã được sách vở đề cập cùng dân gian truyền tụng nhiều nhất. Chùa Chiêu Thiền hiện thuộc quận Đống Đa, Hà Nội, là một danh lam nổi tiếng. Vì thế, nói đến Thiền sư Từ Đạo Hạnh là nói đến chùa Thầy và cũng đề cập tới chùa Láng thì mới đầy đủ. Vì cả hai trụ xứ này đều thờ phụng ngài, và như nội dung minh văn ở đây đã nhắc đến, cũng như ca dao đã truyền tụng:

Nhớ ngày mồng bảy tháng ba

Trở về chùa Láng, trở ra chùa Thầy

“Vài ba năm, hội chùa Láng lại được tổ chức một lần, và dân làng diễn tả lại sự tích của thiền sư Từ Đạo Hạnh”[5].

Trở lại với bài minh. Chúng ta thấy tác giả đã dùng đến 8 câu đầu để nhấn mạnh về khía cạnh địa linh đã hỗ trợ cho vị thế của ngôi chùa:

Huyện Thanh Trì đệ nhất                          

Làng An Lãng không hai

Nơi Phượng thành khí tốt                          

Sông Tô Lịch mạch dài.

Núi Tản hổ chầu về                                   

Sông Nhị rồng bao bọc

Kiểu đất vẻ uy hùng                         

Đẹp thay như gấm vóc.

Đây hầu như là một thông lệ trong các bài minh được viết vào thế kỷ 17, 18. Như bài minh trong văn bia chùa Hàm Long (dựng năm 1714) do Tiến sĩ Đặng Đình Tướng (1649-1735) viết, mở đầu bằng câu:

Sông Nhị bọt trắng

Núi Tản màu xanh

Trời mến vua chúa

Đóng đô thần kinh…[6]

Hoặc chi tiết, cụ thể hơn, như bài minh trong văn bia chùa Chúc Thánh do Danh sĩ Đỗ Trực (thế kỷ 17) viết:

Tráng lệ thay huyện Quảng

Tươi đẹp thay phường Hồ

Phong cảnh nhất kinh ấp

Hình trạng khác địa đồ.

Đông liền đền Trấn Vũ

Tây giáp làng Nghĩa Đô

Phía bắc có Tam Đảo

Phía nam có sông Tô…[7]

Hai câu 9, 10 tiếp theo:

Có của báu người hiền

Mẹ Thánh sinh con Phật.

Là nối kết địa linh với nhân kiệt để tiếp đó là nói tóm tắt về thân thế cùng hành trạng của Thiền sư Từ Đạo Hạnh:

Bà cụ người họ Tăng

Sinh ra từ Thiền tông

Nối nghiệp tổ phụ trước

Đạo pháp bao thần thông.

Về thân thế cùng hành trạng của Thiền sư, sách Thiền uyển tập anh chép: “Thiền sư Đạo Hạnh họ Từ tên Lộ. Cha là Vinh, làm quan tới chức Tăng quan đô án, thường đi học tại làng An Lãng. Lấy một người con gái họ Tăng rồi theo quê vợ. Sư là con nàng Tăng thị vậy. Lúc nhỏ, Sư ham chơi, tính tình hào hiệp, có chí lớn, lại có hành động nói năng người đời không thể lường được. Đêm, sư khổ công đọc sách. Ngày thì thổi sáo, đánh cầu, đánh bạc làm vui. Thân phụ thường trách sư biếng nhác. Một hôm, ông lén vào phòng ngủ của sư để rình xem, thấy ngọn đèn đã tàn, sách vở chất đống, Sư đang dựa án mà ngủ, tay chưa rời quyển sách, tàn đèn rơi đầy mặt bàn. Từ đấy ông cụ không lo nữa. Sau đó ứng thi điện thí tăng quan, đỗ khoa Bạch Liên”[8]

Lê Hữu Hỷ (khoảng cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18), bút hiệu Tam Thanh quán đạo nhân[9] nơi bài viết Từ Đạo Hạnh đại thánh sự tích thực lục (Bài này  được cho vào phần phụ lục nơi sách Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên trong kỳ khắc bản năm 1712), đã có tham khảo nhiều nơi truyền tụng dân gian, nên thân thế cùng hành trạng của Thiền sư Từ Đạo Hạnh đã được ghi chép đầy đủ hơn: “Xưa, Từ Đạo Hạnh họ Từ tên Lộ, cha là Vinh, dùng đạo Thích làm giáo tôn, làm quan triều Lý đến chức Tăng quan đô sát, trước thường qua chơi làng An Lãng, cưới con gái họ Tăng tên Loan, làm nhà ở xóm Láng nam, làng An Lãng, gặp được chốn đất làm nhà là quý địa, nên bẩm sinh Đạo Hạnh có tiên phong đạo cốt. Hạnh lúc nhỏ ham chơi, tính tình hào hiệp, có chí lớn… (Lược, giống như Thiền Uyển Tập Anh). Sau, Hạnh ứng thí khoa Bạch Liên, đỗ đầu nhưng không thích ra làm quan, ngày đêm chỉ nghĩ tới việc báo thù cho cha…”[10].

Câu: Đạo pháp bao thần thông (Pháp diệu thần thông) là tóm kết về quá trình cầu học pháp thuật, cầu đạo học đạo chứng đạo của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Hai câu tiếp:

Từ núi Thầy trút lốt

Vua Lý lên ngai rồng

(Sài Sơn thoát tích

Tiên Lý trắc dung).

là nói về thời gian Thiền sư Từ Đạo Hạnh, oán xưa rửa sạch, niệm tục tiêu tan, cầu pháp tham vấn nơi Thiền sư Kiều Trí Huyền (Hành đạo ở phủ Thái Bình), đắc pháp nơi Thiền sư Sùng Phạm (1004-1087), đạo tràng là chùa Pháp Vân “Bèn trở về chùa Thiên Phúc, núi Thạch Thất tu đạo luyện pháp xưa. Từ đó pháp lực càng thêm, lòng thiền càng thục, có thể sai sử chim rừng thú nội đều cùng đến nép phục xung quanh. Hễ dân các phương có ai bị tật dịch, bùa bay giấy chạy, phép Hạnh lập tức có nghiệm, đem cứu người, người đều thấm ơn”[11]. Sau đó, Thiền sư chuẩn bị để rồi chuyển kiếp, từ tiền thân là Từ Đạo Hạnh chuyển sang hậu thân là Lý Dương Hoán, sau lên ngôi vua là Lý Thần Tông (1117-1138). Về sự kiện “Tìm học pháp linh dị” của Thiền sư, sách Thiền uyển tập anh chỉ chép: “Sư muốn sang Ấn Độ tìm học phép linh dị để chống lại Đại Điên. Đi đến xứ Mọi răng vàng, đường sá hiểm trở, Sư bèn trở về ẩn tại núi ấy - núi Sài Sơn - hằng ngày chuyên tụng chú Đại Bi tâm đà la ni đủ mười vạn tám ngàn biến…”[12]. Nhưng nơi bài viết của Lê Hữu Hỷ thì sự việc này được ghi chép khá dài, có nhiều điều linh dị để học được phép linh dị. Theo như bài viết kia thì Từ Đạo Hạnh đi sang Tây Trúc - Ấn Độ cùng với hai vị sư nữa là Minh Không và Giác Hải, đến nước Răng vàng (Kim Sỉ), đường đi hiểm trở muốn trở về thì thấy một ông già cỡi chiếc thuyền con, thảnh thơi đi trên sông. Cả ba hỏi đường Tây Thiên và được ông lão cho đi thuyền, chỉ trong chốc lát đã đến Tây Thiên, đúng nơi có nhiều thần thông phép thiêng. Hai vị kia lên bờ học phép, xong thì tự trở về, Đạo Hạnh giữ thuyền ba ngày không thấy hai bạn trở lại, tự nhiên gặp một bà lão đi đến bờ sông. Đạo Hạnh hỏi thăm rồi được bà lão truyền dạy phép thiêng. Đạo Hạnh có ý giận hai người bạn, bèn tụng chú, khiến hai vị kia không thể đi tiếp. Họ đều biết đây là chú thuật của Từ Đạo Hạnh… Rồi cả ba gặp lại nhau, cùng trở về quê cũ, pháp thuật càng thêm cao cường, kết nghĩa anh em: Đạo Hạnh làm anh cả, Minh Không làm anh thứ, Giác Hải làm em. Hai vị kia thì trở về chùa Giao Thủy, Đạo Hạnh thì ở lại tu luyện tại chùa Thiên Phúc núi Thạch Thất, chuyên trì chú Đại Bi tâm đà la ni…[13].

Mười bốn câu, Từ câu: Thiện duyên liền hiển hiện/Dấu cũ được tôn sùng đến câu Phúc lơn Lê và Trịnh/ Đất nước vui hòa bình là nói về chùa Chiêu Thiền nơi “chôn nhau cắt rốn” của Thiền sư đã được xây dựng, góp phần xiển dương Phật pháp. Chùa có thờ thiền sư, khói hương không lúc nào dứt. Hàng năm vào ngày ngài viên tịch, hội lớn được tổ chức, có diễn lại sự tích đầy tính chất linh dị của thiền sư. Chùa cũng là nơi chốn “cảm cầu tất ứng”, trong khung cảnh đất nước an lành, do hồng phúc của hoàng triều.

Phần còn lại của bài minh, tác giả đã dành khá nhiều câu thơ để ca ngợi hoàng triều, nhất là chúa Trịnh đã phò giúp thánh hoàng, tạo được sự bình yên thịnh trị khắp chốn, trong ấy có quê hương An Lãng và chùa Chiêu Thiền. Rồi chùa Chiêu Thiền được triều đình ban sắc trùng tu cùng hỗ trợ cho sự kiện trùng tu nầy, để cho việc phụng thờ Phật, Tổ được nối tiếp mãi mãi:

Chính sự được canh tân

Trong ngoài được yên tĩnh

An lãng được ban ơn

Giữ việc thờ Phật, Tổ…

Đây là chi tiết có giá trị lịch sử rất đáng kể. Thứ nhất, nó chứng tỏ âm vang về uy đức của thiền sư Từ Đạo Hạnh là rất lớn. Thứ hai, cùng với những ngôi chùa cổ nơi khắp kinh đô Thăng Long… vào thế kỷ 16, 17, 18 đã được Hoàng triều ban sắc trùng tu, cùng có những hỗ trợ cho sự việc ấy, như những văn bia - bài minh đã ghi lại, tất cả đã góp phần chứng tỏ: Từ thế kỷ 15, 16 trở đi, Phật giáo không hề bị vương triều xa lánh… như có nhà nghiên cứu văn học đã phát biểu. Và Phật giáo, thông qua ngôi chùa, đã có những đóng góp tích cực cho công việc an dân, như Tiến sĩ Đặng Đình Tướng (1649-1735) đã viết trong văn bia chùa Hàm Long (Dựng năm 1714): “Nhưng chùa nầy được xây dựng đâu phải chỉ để trông cho đẹp mắt, mà sẽ giúp ích cho Thánh triều, khiến đổi mới đời sống muôn dân”[14].

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nguyễn Lang. Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 2, 1992.

2. Tuyển tập văn bia Hà Nội. (2 tập), Nxb. Khoa học xã hội, 1978.

3. Lê Mạnh Thát. Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, 1999.

4. Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga (dịch). Thiền uyển tập anh, 1990.

5. Lê Hữu Mục (dịch). Việt điện u linh tập, S, 1961. 



* Ủy viên Ban Văn hóa trung ương GHPGVN; Thành viên Ban Phật giáo Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.

[1] Về vấn đề này, xin xem ý kiến của Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận. tập 2, bản in 1992, tr. 114.

[2] Về các Thiền phái Lâm Tế, Tào Động đã truyền vào Đại Việt và phát triển, xin xem: Các chương XXII, XXIII. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 2, Sđd…; HT. Thích Phước Sơn. (Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, Thiền phái Tào Động đã được truyền bá và phát triển tại Đàng Trong). Kỷ yếu hội thảo khoa học “Chúa Bồ-tát Nguyễn Phúc Chu… 22-23/8/2011”, tr. 184-189;  Đào Nguyên. (Ghi nhận về Thiền phái Lâm Tế đã được truyền bá và phát triển tại Đại Việt). Phật giáo Việt Nam từ thời Hậu Lê đến Tây Sơn (sắp xb).

[3] Dẫn theo Tuyển tập Văn bia Hà Nội, tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, 1978, tr 105-107 dịch, tr. 191-192.

[4] Xin xem: Thơ Văn Lý Trần, tập 1 (1977), phần Khảo luận văn bản, trang 125.

[5] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 2, sđd… tr. 76.

[6] Dẫn theo: Tuyển tập văn bia Hà Nội, tập 2, Sđd, tr. 66 - dịch.

[7] Dẫn theo: Tuyển tập văn bia Hà Nội, tập 2, Sđd, t.38 - dịch.

[8] Lê Mạnh Thát (dịch), Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1999, tr. 271.

[9] Lê Hữu Hỷ đậu Tiến sĩ, là con trưởng của Hoàng giáp Lê Hữu Danh, anh ruột Tiến sĩ Lê Hữu Mưu (thân phụ của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác 1720-1791) và tiến sĩ Lê Hữu Kiều (1691-1760). Lê Hữu Kiều là nhạc phụ của Lê Quý Đôn 1726-1784. Đây là một gia đình có truyền thống mộ Phật.

[10] Lê Mạnh Thát (dịch). Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Sđd, tr. 557.

Trước 1975, ở miền Nam, tác phẩm Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên đã được Lê Hữu Mục dịch, và bài Từ Đạo Hạnh đại thánh sự tích thực lục cũng được dịch. Xem: Việt điện u linh tập, Lê Hữu Mục (dịch), Nxb. Khai Trí, S, (1961), tr. 140-147.

[11] Bài của Lê Hữu Hỷ viết. Lê Mạnh Thát (dịch), Sđd, tr. 561-562.

[12] Lê Mạnh Thát (dịch). Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh. Sđd, tr. 272.

[13] Dẫn theo Lê Mạnh Thát. Bài đã dịch, Sđd, tr. 558-560.

[14] Tuyển tập văn bia Hà Nội, tập 2. Sđd, tr. 66.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 72
    • Số lượt truy cập : 6449966