PHẢI CÓ MỘT HỆ THỐNG TRUYỀN BÁ HỮU HIỆU HƠN
Một nhu cầu bức thiết của tăng ni, phật tử và các chùa mà hiện nay luôn luôn thiếu hụt; đó là kinh sách truyền bá giáo lý phổ thông cũng như kinh tụng. Thế mà sự vắng bóng nhu cầu này trong một thời gian dài đã tạo nên một cơn sốt chợ đen các loại Kinh sách, đến nỗi giá cả khi hỏi đến khó lòng một phật tử lao động có thể mua nổi. Đôi khi tăng ni phật tử cần tìm một quyển kinh sách để tham khảo, phải khổ công đi dò hỏi ở chợ trời sách mất một thời gian mới tìm được với một giá thật phải chăng.
Từ những thực tế đó, đã khiến cho không ít kẻ lợi dụng thời cơ săn tìm kinh sách Phật giáo để bán; có biết bao chùa bị mất cắp, bị gạt gẩm, chiếm đoạt kho tàng giáo lý này. Đồng thời, tệ nạn in ấn lậu làm sai sót, mất phẩm chất bởi không đúng kỹ thuật đã cho ra đời hàng loạt ấn phẩm không đạt tiêu chuẩn và không được kiểm duyệt của các bộ phận chuyên trách trong Giáo Hội cũng như những ngành chức năng. Đây là một sự việc phức tạp mà chúng tôi muốn các bậc tôn đức lãnh đạo Giáo Hội và ngành văn hoá cần để tâm và có kế hoạch cụ thể chấn chỉnh, xây dựng lại mạng lưới ấn phẩm này, chớ để kinh sách giáo lý của một tôn giáo chính đáng được phép hoạt động công khai, có hiến chương, giáo điều hẳn hòi mà phải ở trong tình trạng xuất bản lậu và buôn bán chui.
Để ngăn chặn được cơn sốt chợ đen và tệ nạn in ấn lậu này; chúng tôi nhận thấy biện pháp hữu hiệu hơn cả là phải xuất bản, tái bản được những ấn phẩm chính thức có chất lượng để phổ biến cho tăng ni bà con phật tử với giá cả được quy định hẳn hòi phù hợp với điều kiện sinh hoạt kinh tế của mỗi người. Với việc làm này, chúng ta sẽ đủ sức cạnh tranh với số sách lậu đang lưu hành trên thị trường sách với giá cắt cổ. Khi số cung đã đáp ứng được số cầu một cách chính đáng, thì ấn phẩm lậu sẽ không còn chỗ đứng trên thị trường lần dẫn đến sự đào thải của nó.
Một vấn đề nữa, các bộ phận chức năng cũng nên hình thành một bộ phận kiểm duyệt kinh sách, và ngành văn hoá Phật giáo cũng nên theo dõi các ấn phẩm khác về nội dung tư tưởng cũng như chất lượng. Theo ý chúng tôi, bởi vì kinh sách thời chế độ cũ được xuất bản không có hệ thống, do có quá nhiều nhà soạn dịch trùng lập với nhau bởi kiến giải không đồng nhất, vì quan điểm Tông môn hệ phái khác nhau, rồi lại có khi chống trái nhau, phản bác nhau! Thành thử ra, người muốn tìm hiểu chánh pháp không biết đâu là đúng đâu là sai cả! Chúng tôi thử lấy ví dụ như Kinh Kim Cang hay Pháp Bảo Đàn, đã có không dưới một chục nhà dịch thuật chú thích với kiến giải khác nhau, bộ lương Hoàng Sám, Thủy Sám cũng nhiều dịch giả và nhiều nhà xuất bản khác nhau...
Sau ngày thống nhất đất nước và lần đi tới thống nhất Giáo Hội chúng ta chưa có điều kiện xuất bản cũng như đường hướng cụ thể cho vấn đề này; trong thời gian đó đã phát sinh ra một số ấn phẩm mới dưới nhiều hình thức: in Ronéo thành lập; in lụa thủ công; đánh máy; chép tay v.v... lưu hành trong mọi tầng lớp tăng ni phật tử. Đúng hay sai, hợp pháp hay không hợp pháp, chính đáng hay không chính đáng; chúng tôi trông chờ các bậc lãnh đạo Giáo Hội và ngành văn hoá Phật giáo có phương hướng hợp thức hoá cái nào chính đáng để xuất bản phát hành hầu tránh mọi hoang mang cho người tìm đọc nghiên cứu Giáo lý, cũng như công bố danh mục loại nào không được lưu hành giúp người phật tử tránh được sai lầm về tư tưởng đồng thời ngăn chặn hướng tuyên truyền ngăn chặn các ấn phẩm với nội dung thiếu chất lượng.
Văn hoá, Giáo dục và Hoằng pháp là một cụm của ba ngành có trách nhiệm về vấn đề này trong việc truyền bá tư tưởng giáo lý đúng đắn phù hợp lịch sử kế thừa của quá khứ hiện tại và tương lai mang mạch chánh Pháp. Chúng tôi mong rằng Giáo Hội và các ngành chức năng sớm có quan tâm và có việc làm cụ thể cho vấn đề được đặt ra.
Theo nhận xét khách quan của chúng tôi, trong thời gian qua, số ấn phẩm chính thức của Giáo Hội quả thật không nhiều, và không đáp ứng được nhu cầu của quần chúng tăng ni phật tử. Ngoài Tập vân Phật Giáo và các bộ kinh của hoà thượng Minh Châu được phép xuất bản, gần đây mới có Bộ Đại Bảo Tích đang lần lượt ra mắt; quả thật quá ít ỏi so với nhu cầu tìm hiểu. Sở dĩ như thế, bởi do chúng ta chưa đặt cơ sở giám định sàng lọc lại để tái bản các ấn phẩm phù hợp nhu cầu thực tiễn của quần chúng, cho nên mới xảy ra các hiện trạng như trên. Điển hình như các loại ấn phẩm có nhu cầu bức thiết đang khan hiếm là: Bộ Giáo lý cơ bản Phật Học Phổ Thông; Kinh Pháp Hoa; Kinh Thủ Lăng Nghiêm; Kinh Niết Bàn v.v... Trước mắt, những ấn phẩm này là những của quí đã được đa số quần chúng phật tử coi là nền tảng tu học của Phật Giáo Việt Nam đã lần lần không còn xuất hiện trong nhu cầu học hỏi.
Lý do mai một lần lần của các loại kinh sách đó, là do sự hư hoại cuả thời gian, một phần do cung ứng cho nhu cầu học hỏi của phật tử ở phía Bắc vì ngoài đó chỉ có Kinh sách chữ Hán mà thiếu hẳn chữ Việt, một phần được các phật tử chúng ta "xuất khẩu" cho thân nhân ở nước ngoài. Từ đó tạo nên sự khan hiếm của thị trường kinh sách.
Chúng tôi nhận thấy sự truyền bá giáo lý cho quần chúng phật tử học hỏi, nhận thức một cách đúng đắn để xoá bỏ các tệ nạn mê tín dị đoan xen lẫn trong chánh Pháp không có gì hơn là có được ấn phẩm kinh sách, giáo lý để nghiên cứu học hỏi. Ở những vùng quê xa, người phật tử chỉ biết đi chùa lễ Phật cầu phước, chứ có ai hiểu giáo lý là gì; do đó nạn mê tín dị đoan đến với họ cũng là điều dễ hiểu. Còn nói việc thuyết giảng giáo lý của các vị giảng sư, đâu phải ai cũng có điều kiện đến giảng đường để nghe, vả lại, chưa hẳn nghe mà nhận được một cách thấu đáo chính xác bởi trìnhh độ chênh lệch nhau và căn cơ cao thấp của mỗi người. Thế thì, điều tất yếu phải là kinh sách giáo lý được phát hành truyền bá rộng rãi đến các nơi làng quê hẻo lánh để người phật tử có điều kiện học hỏi khai mở trí tuệ, nhận thức kịp với thời đại mới đi vào nội dung thực tiển của chính Pháp hơn là tín ngưỡng thần quyền.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết