PHẨM CHẤT MỘT SỬ GIA PHẬT HỌC
CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH VIÊN THÀNH
LONG ĐỘ NGUYỄN ĐỨC LONG
Tác phẩm sách, nghiên cứu, dịch thuật Kinh, Luật, Luận Phật giáo của Hòa thượng Thích Viên Thành thật gần gũi với đại đa số nhân dân và trí thứcViệt Nam, đặc biệt trong Đạo tràng Chân Tịnh chùa Hương Tích. Nếu ai đã đọc các đặc san chùa Hương, trong đó có đặc san năm 2003 đã được Thượng tọa Thích Minh Hiền, trụ trì Chùa Hương đã ghi đầy đủ thân thế sự nghiệp, hành trạng của Ngài. Đọc các tác phẩm của Ngài, ta thấy nổi lên một phương pháp nghiên cứu lịch sử - tính cách một nhà sử học chuyên về Phật giáo. Phẩm chất đó Ngài đã ứng dụng trong đời sống hàng ngày, trong tu tập, ứng xử, trong hành trình giải thoát, rõ ràng nhất trong các bản dịch kinh Phật, bản dịch, biên khảo điển cố, và nhiều tập sách, truyện ký, bài giảng ở các trường Phật học....
I. NÉT NỔI BẬT TU ĐẠO VÀ TU ĐỜI
Tu học 12 năm từ hệ trung cấp đến cao cấp Phật học đã tạo nên một sử gia Phật học uyên thâm và giản dị. Trong nhiều tác phẩm, Ngài đã tra cứu tư liệu lịch sử về kinh điển, từ ngữ rõ ràng mạch lạc, sau đó chuyển thành ý văn rất mộc mạc, dễ hiểu, bình dân. Lời văn trong bản dịch các kinh Tạng, giới Luật, kinh Luận thì óng chuốt mượt mà rất Việt nam, được chắt lọc qua công phu tu tập Bát thánh đạo. Trong văn học, lịch sử cổ xưa luôn có những từ, ngữ, ý, rất “khiêm nhường” thì hoàn toàn được Ngài trân quý và học tập.
II. LỊCH SỬ CÓ GIÁ TRỊ THỰC TIỄN, NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ ĐỂ TÔN TẠO VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA, DI SẨN PHẬT GIÁO
Những tư liệu lịch sử khi đã được đánh giá đúng, chắc chắn thì áp dụng trong việc tu bổ, xây dựng cảnh quan chùa chiền. Từ việc nhỏ như câu đối ở cổng chùa Thiên Trù, đại tự trong các ban thờ tu bổ năm 1985 - 2000 đều tuân thủ đúng cốt cách tinh thần của cha ông xưa, nghệ nhân làng nghề Việt trực tiếp làm với vật dụng truyền thống, cho đến công việc to lớn và đòi hỏi hiểu biết và trí tuệ là tạc pho tượng Phật chủ chùa Hương bằng đá (hiện nay thờ tại Phật điện, chùa Thiên Trù) cũng được Ngài dày công nghiên cứu và thể hiện lấy nguyên mẫu pho tượng Phật chủ Chùa Hương bằng đá xanh (thời Lê, thế kỷ 17). Đôi sư tử chầu ở sân Thiên Trù cũng được phục dựng theo cổ xưa. Cổng Nam Thiên môn được tạo dựng năm 1985 - 2000 còn đượm vẻ ban sơ... Những nhân chứng lịch sử đến lễ chùa Hương thời nay cũng được lưu lại theo cách ghi nhận của sử học.Ví dụ: Bức tranh sơn mài Bác Hồ thăm chùa Hương ngày19/05/1958, Ngài yêu cầu họa sĩ thể hiện tranh vẽ cổ điển hiện thực miêu tả chân dung Bác Hồ và các nhân vật có thật, cảnh thật của tháp chùa...
III. TU ĐẠO VÀ HÀNH ĐẠO, VĂN, SỬ VÀ CUỘC ĐỜI
Trong cuộc sống thường ngày, khi tu tập thiền, giảng dạy các đệ tử, Phật tử, thiện tín thập phương, khi cần tiếp tăng độ chúng, các nhân sĩ trí thức, các nhà lãnh đạo, cán bộ. Phẩm chất một sử gia Phật học, kiến thức uyên thâm, tạo nên một con người khả kính bởi luôn ứng dụng thực hành các hiểu biết về lịch sử, danh lam thắng cảnh của nhiều vùng miền... Trong tông môn khi tu đạo, Ngài nghiên cứu học tập các tông phái Phật giáo trong nước, tông phái Phật giáo Quốc tế, đọc từng trang sách các hành trạng của bậc cao tăng, các lão đại sư để rút ra bài học ứng xử cho mình rồi dạy người, dạy trò. Nét nổi bật nhất, Ngài thường hành trì đức tính Kham Nhẫn: Nhẫn nại, kiên nhẫn, hạ mình ẩn hình, không nề hà phiền lụy. Việc chắp tay xá chào mọi người là điều bình thường nhất của Ngài, đôi khi xá chào cả những người nhỏ tuổi, xá chào khách quốc tế thăm chùa, Ngài xá chào một cán bộ trẻ trong các cơ quan văn hóa địa phương xã Hương sơn....
IV. PHONG CÁCH SỬ HỌC - TÁC PHẨM NỔI BẬT
Một số thi phẩm, truyện thơ nôm lời bình tranh vẽ... thuộc thể loại nghệ thuật thơ ca, nhưng khi đọc nhiều lần thì lại thấy sự cần thiết của phần chú thích, chỉ dẫn, lời đề, lời phi lộ... có tính chất nghiên cứu, tra cứu lịch sử.
Thậm chí tác phẩm Bút ký bên cửa trúc, tập thơ tâm hồn riêng của Ngài cũng thể hiện rõ năm, tháng, ngày giờ, địa điểm, sự kiện, con người và hoàn cảnh xuất hiện bài thơ... những ký sựlịch sử bằng thơ Thiền tạo nên phong cách riêng biệt của Ngài, hương vị riêng của tác phẩm.
Cách viết chủ yếu của Ngài theo lối nghiên cứu lịch sử, chẳng hạn: Ấn phẩm Đền cửa Võng lại được Ngài viết hoàn toàn theo lối nghiên cứu lịch sử, ghi rõngày 19-05-1958 Bác Hồ về thăm nghỉ trưa tại đền cửa Võng. Tác phẩm Truyện Phật bà chùa Hương cũng viết theo lối dã sử, có biên giải rõ rãng. Tác phẩm Văn khấn nôm truyền thống sưu tầm sử liệu và chú giải cặn kẽ dễ hiểu, phong phú…
V. SỰ NGHIỆP HÀNH VĂN THÔNG SỬ, BIÊN KÝ GHI CHÉP
Những đồng sự, đồng nghiệp trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa khảo cổ học, bảo tàng, di tích, nghệ thuật được Ngài chú ý, tôn trọng hòa đồng, khiêm nhường ưu ái, chia sẻ khó khăn. Những tên tuổi như nhà Hán học Nguyễn Tá Nhí, GS. Trần Đình Nguyên, nhà văn Phượng Vũ, ông Đặng Văn Tu, họa sĩ Nắng Mai, GS. Trần Quốc Vượng, nhà thơ Dương Kiều Minh... luôn được Ngài mời dự bên tách trà thiền học hỏi kiến thức, luận đàm.
Với những bậc cao tăng thạc đức ở Thiền viện, Trung ương giáo hội Việt nam Ngài cầu thị hỏi ý kiến về lịch sử các bản thảo dịch kinh Phật được góp ý chỉnh sửa cẩn thận rồi mới in xuất bản đưa ra khai thị cho công chúng
VI. HÀNH BỒ TÁT ĐẠO VÀ HÀNH TRÌNH TÂM LINH CÁC THÁNH TÍCH PHẬT GIÁO
Thâm nhập nghiên cứu những giá trị văn hóa cổ xưa của nhân loại, các hình thái lịch sử đời sống của các nước trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Nê Pan, Ấn Độ... Những cuộc hành hương ấy đã được Ngài thực hiện một cách thống nhất và chất lượng; ví dụ các bức ảnh chụp các Thánh tích Ấn độ, Nêpan mà Ngài đã đến được treo trong chùa Hương tích , hoặc các pho tượng Tây tạng được bảo lưu rất tốt, các bức tranh vẽ của Phật giáo Trung Quốc, những bài văn, nghiên cứu lịch sử chùa Hương, khai quật khảo cổ học 1979, 1985 của nghành văn hóa thông tin được Ngài hào hứng khích lệ, cùng tìm hiểu từng mạch địa chất kiến tạo dãy núi chùa Hương, bảo vệ các bia ma nhai...
VIII. NHỮNG TÁC PHẨM VÀ ẤN PHẨM, BẢN DỊCH KINH PHẬT CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH VIÊN THÀNH
1. Đại bi nghi quỹ
2. Chuẩn đề nghi quỹ
3. Lục độ Ta ra
4. Du già nghi quỹ
5. Chùa Hương ngày nay
6. Danh thắng chùa Thầy
7. Truyện Phật bà chùa Hương
8. Quan Âm thị Kính
9. Bầu trời cảnh bụt
10. Bức tranh quê hương
11. Giới Phạm võng
12. Lược sử các tông phái Phật giáo
13. Xuân thu lễ tụng
14. Văn khấn nôm truyền thống
15. Khóa lễ Phổ môn
16. Kỷ niệm chùa Hương
17. Truy môn cảnh huấn
18. Bút ký bên cửa trúc
19. Một số bài viết, tờ gấp, tranh ảnh
20. Một số bài viết bài giảng trực tiếp tại các trường hạ
21. Phật học thường thức
22. Lục đạo tập
23. Kỷ niệm chùa Hương
VIII. MỘT SỐ ĐOẠN TRÍCH TRONG CÁC TÁC PHẨM
“… Phần lời dẫn bằng chữ Hán văn, chúng tôi chỉ tóm tắt giới thiệu trong phần khảo cứu văn bản. Phần nguyên bản chữ Nôm chúng tôi phiên ra chữ Quốc ngữ, cố gắng theo đúng với âm đọc mà chữ đó thể hiện. Đối với những từ Việt cổ, hoặc chữ Hán Việt… Tuy đã bỏ nhiều công phu vào việc khảo cứu, tuyển chọn, phiên âm chú giải song chúng tôi thấy chắc chắn...”
Bản trích sách Truyện Phật bà chùa Hương
“Sau khi ra trường năm Bính dần ( 1986)tôi trở lại chùa Phật Ấn dự khóa an cư sau 12 năm đi học vắng ; Trong hội nghị bàn về trường Hạ . Ban thường trực tỉnh hội quyết định khóa an cư này giảng đủ cả 3 phần Kinh , Luật , Luận và phân công tôi chuyên giảng Luận...”
Bản trích sách Lục đạo tập
“…Chuyến tuần du của chúa Tĩnh đô Vương Trịnh Sâm vào năm Canh dần (1770) Ông đã khắc lại 5 chữ “Nam thiên Đệ nhất Động” (Nghĩa là: Động đẹp nhất trời Nam) vào cửa động Hương tích và lưu lại một số văn bia ký…”.
Bản trích sách Kỷ niệm chùa Hương
“ ... Một trung tâm Phật giáo Việt nam, một “Đại danh lam" sớm nhất là từ thế kỷ XV( Lê Thánh Tông 1460 - 1479 ), muộn nhất là từ thế kỷ XVIII (Lê huy Tông chính hòa thứ 7, 1686 ) Trịnh Sâm - Canh Dần (1770) Chùa Hương đã được gọi và được viết ra là: Nam thiên đệ nhất Động (Động Phật đẹp nhất trời Nam)....” Bản trích sách: Chùa Hương ngày nay.
IX. LỜI KẾT
Hòa thượng Thích Viên Thành, Sư trụ trì chùa Hương đời thứ 11 đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị trong văn học nghệ thuật, lịch sử, dân tộc, đặc biệt trong văn hóa Phật giáo, Lịch sử Phật giáo chùa Hương. Công tác sưu tầm nghiên cứu về sự nghiệp của Ngài - Bậc thượng thủ trong chốn Sơn môn Tùng lâm Hương tích, cần phải lâu dài và nhiều cố gắng nỗ lực hơn nữa.
Rất mong được chia sẻ nhiều với các quí vị, tùy duyên với các Đạo hữu, thiện trí thức gần xa.
Bình luận bài viết