Thông tin

PHÁP HỒI HƯỚNG CẦN LÀM

 

PAÑÑAVARA TUỆ ÂN

 


 

Tất cả chúng sinh trong ba giới bốn loài, chỉ có loài người trong cõi Nam thiện bộ châu này có được thuận lợi tạo mọi phước thiện, nhất là phước thiện bố thí.  Ngoài ra, các chúng sinh còn lại và các cõi khác, khó có cơ hội tạo phước thiện bố thí. Chư thiên muốn tạo phước thiện bố thí cần phải hiện xuống cõi người, biến hóa thành con người mới có thể tạo phước thiện bố thí.

Như vậy, chúng ta đã là con người trong cõi Nam thiện bộ châu này, có điều kiện và cơ hội tạo nên được phước thiện bố thí, thì chúng ta nên có tâm từ, tâm bi quan tâm đến những chúng sinh khác, họ không phải ai xa lạ, họ chính là những người thân bằng quyến thuộc của chúng ta từ nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ và kiếp hiện tại.

Cội nguồn của pháp hồi hướng này xuất phát như sau:

Những thân quyến của đức vua Bimbisāra từ thời kỳ đức Phật Phussa, cách đức Phật Gotama trải qua 6 đức Phật xuất hiện trên thế gian, thời gian khoảng cách 92 đại kiếp trái đất. Họ đã tạo nghiệp ác, nên cho quả bị tái sinh làm chúng sinh trong cõi địa ngục, từ địa ngục này sang địa ngục khác, mãi cho đến thời kỳ đức Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian, họ mới thoát khỏi địa ngục, tái sinh làm ngạ quỷ.

Một hôm, nhóm ngạ quỷ này đến hầu đức Phật Kassapa, bèn bạch rằng:

Kính bạch đức Thế Tôn, đến bao giờ, mới có thân quyến hồi hướng phước thiện bố thí đến nhóm ngạ quỷ chúng con, để chúng con thoát khỏi cảnh khổ, được hưởng sự an lạc? Bạch Ngài.

Ðức Phật Kassapa dạy rằng:

Này các ngạ quỷ, bây giờ các con chưa được gì đâu! Các con hãy chờ trong vị lai đến thời kỳ đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, thuở ấy có đức vua gọi là Bimbisāra đã từng là thân quyến của các con, trước đây cách 92 đại kiếp trái đất. Ðức vua Bimbisāra làm phước cúng dường đến đức Phật Gotama cùng chư Ðại đức Tăng, rồi hồi hướng phước thiện bố thí ấy đến cho các con.

Nhóm ngạ quỷ nghe lời thọ ký của đức Phật Kassapa (đức Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian vào thời đại tuổi thọ con người khoảng 20.000 năm), tâm cảm thấy vô cùng hoan hỉ trông ngóng như sắp được hoan hỉ phần phước thiện vào ngày mai.

Thời kỳ đức Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian, tuổi thọ con người khoảng 20.000 năm, khi đức Phật Kassapa tịch diệt Niết bàn và giáo pháp của Ngài cũng hoàn toàn tiêu hoại; con người làm cho mọi ác pháp dần dần tăng trưởng, còn thiện pháp từ từ suy thoái; cho nên, tuổi thọ con người giảm dần, giảm dần từ 20.000 năm xuống còn khoảng 10 năm. Từ đó, con người kinh sợ tội lỗi, tránh xa ác pháp; cố gắng tạo thiện pháp; mọi thiện pháp dần dần tăng trưởng, còn ác pháp từ từ suy thoái; cho nên, tuổi thọ con người tăng dần, tăng dần từ 10 năm lên đến tột cùng a tăng kỳ năm [A tăng kỳ (asaṅkheyya): được tính theo số lượng là số 1 đứng đầu, theo sau là 140 con số không (0), 10**140]. Từ đó, con người bắt đầu dễ duôi, ác pháp phát sinh, làm cho tuổi thọ con người lại giảm dần, giảm dần cho đến khi tuổi thọ khoảng 100 năm. Khi ấy, đức Phật Gotama hiện tại của chúng ta xuất hiện trên thế gian, tại xứ Māgadha có đức vua Bimbisāra trị vì, đóng đô tại kinh thành Rājagaha.

Ðức vua Bimbisāra có đức tin trong sạch nơi đức Phật, đức Pháp, đức Tăng, Tam bảo, xây dựng ngôi chùa Veḷuvana dâng đến chư Ðại đức Tăng tứ phương có đức Phật chủ trì chứng minh, nhóm ngạ quỷ thân quyến đang trông chờ đức vua hồi hướng phần phước thiện đến cho họ; nhưng trong dịp ấy, Ðức Vua không hồi hướng phước thiện bố thí đến cho chúng. Nhóm ngạ quỷ thân quyến thất vọng đêm khuya đến kêu la than khóc âm thanh đáng kinh sợ.

Sáng ngày, đức vua đến hầu đức Phật, bạch hỏi do nhân nào có hiện tượng như vậy.

Ðức Phật dạy:

- Này Ðại Vương, không có gì đáng kinh sợ, đó là tiếng kêu la than khóc của nhóm ngạ quỷ thân quyến của Ðại vương trong quá khứ. Nhóm ngạ quỷ này trông ngóng Ðại vương làm phước thiện bố thí, rồi hồi hướng phần phước thiện cho chúng, để chúng thoát khỏi cảnh khổ, được tái sinh nơi cảnh giới an lạc.

Lắng nghe đức Phật dạy như vậy, đức vua liền bạch:

- Kính bạch đức Thế Tôn, ngày mai con kính thỉnh đức Thế Tôn cùng chư Ðại đức Tăng ngự đến cung điện của con, để con làm phước thiện bố thí một lần nữa, lần này con sẽ hồi hướng phước thiện đến nhóm ngạ quỷ thân quyến của con.

Ðức Phật làm thinh nhận lời thỉnh mời của đức vua.

Ðức Vua Bimbisāra đảnh lễ đức Thế Tôn trở về cung điện, sửa soạn vật thực làm phước thiện bố thí cho ngày mai.

Sáng hôm sau, đức Phật cùng chư Ðại đức Tăng ngự đến cung điện của Ðức Vua. Chính tự tay đức vua cúng dường vật thực đến đức Phật cùng chư Ðại đức Tăng xong, đức Phật thuyết bài kinh “Tirokuṇṇapetavtthu” (Khuddakanikāya, bộ Petavatthu, Tirokuṇṇapetavtthu) tế độ nhóm ngạ quỷ, đồng thời đức vua Bimbisāra hồi hướng phần phước thiện bố thí ấy đến nhóm ngạ quỷ thân quyến, chúng hoan hỉ thọ hưởng phần phước thiện ấy, nên tất cả đều thoát khỏi kiếp ngạ quỷ đói khát, ngay khi ấy, do nhờ năng lực phước thiện cho quả, được tái sinh làm chư thiên hưởng mọi sự an lạc cõi trời dục giới.

Cho nên, khi thí chủ tạo được phước thiện nào xong rồi, nên đọc câu hồi hướng rằng:

Ðọc câu Pāḷi: “Idaṃ no ñātīnaṃ hotu, sukhitā hontu ñātayo...”.

Đọc âm bồi (í đăng nô/nhạ tí năng hô tụ/ sú khí ta/ hôn tụ/ nha tá yô)

(Khuddakanikāya, bộ Petavatthu, Tirokuṇṇapetavtthu)

“Cầu mong phước thiện này,

Thành tựu đến tất cả,

Thân quyến của chúng tôi.

Cầu mong họ hoan hỉ,

Ðược an lạc lâu dài”.

Như vậy, thân quyến ngạ quỷ đang đứng trông chờ hoan hỉ phần phước thiện mà thân quyến đã hồi hướng, ngay khi ấy, do năng lực phước thiện cho quả, họ được thoát khỏi kiếp sống ngạ quỷ đói khát, được chuyển kiếp tái sinh làm chư thiên, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời.

Ðức Phật dạy:

“Không thấy một chúng sinh nào không từng là thầy, tổ, ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em, chú, bác, cô, dì, bà con thân bằng quyến thuộc... của chúng ta”.

Như vậy, tất cả chúng sinh đều là những người thân quyến của chúng ta gần kiếp này, hoặc xa trong những kiếp quá khứ. Nay chúng ta có điều kiện, có cơ hội tạo nên phước thiện bố thí, thì ta nên hồi hướng, ban bố, phân phát... phần phước thiện bố thí này đến cho tất cả chúng sinh, thân bằng quyến thuộc của chúng ta. Có số chúng sinh đang sống trong cảnh khổ, đang khao khát, trông ngóng, chờ đợi phần phước thiện của thân quyến hồi hướng, nếu họ hay biết mà hoan hỉ phần phước thiện ấy, ngay tức khắc, họ thoát khỏi cảnh khổ, được tái sanh lên cõi thiện giới, hưởng mọi sự an lạc trong cõi ấy.

Muốn vậy, chúng ta cần phải thành tâm hồi hướng và có lời hồi hướng như sau:

Ðọc câu Pāḷi: “Idaṃ no ñātīnaṃ hotu, Sukhitā hontu ñātayo...”

Đọc âm bồi (í đăng nô/nhạ tí năng hô tụ/ sú khí ta/ hôn tụ/ nha tá yô)

Hoặc bằng tiếng Việt:

Hôm nay, con đã tạo mọi phước thiện như bố thí, thọ trì Tam quy, giữ giới, nghe pháp, hành thiền.... Con thành tâm hồi hướng phần phước thiện này đến tất cả chư thiên, nhất là chư thiên hộ trì bản mệnh của con, chư thiên hộ trì Phật giáo, chư thiên hộ trì nhà cửa, chư thiên hộ trì đường sá, phố phường, tỉnh thành, quốc độ này và toàn thế giới, chư thiên ở trên mặt đất, chư thiên ở cội cây, chư thiên ở trên hư không;

Chư Tứ Ðại Thiên Vương: đức vua Dhataraṭṭha, đức vua Viruḷhaka, đức vua Virūpakkha, đức vua Kuvera cùng tất cả chư thiên trong cõi Tứ đại thiên vương thiên.

Ðức vua trời Sakka cùng tất cả chư thiên trong cõi Tam thập tam thiên.

Ðức vua trời Suyāma cùng tất cả chư thiên trong cõi Dạ ma thiên.

Ðức vua trời Santussita cùng tất cả chư thiên trong cõi Ðâu xuất đà thiên.

Ðức vua trời Sunimmita cùng tất cả chư thiên trong cõi Hoá lạc thiên.

Ðức vua trời Paranimmita cùng tất cả chư thiên trong cõi Tha hóa tự tại thiên. v.v....

Xin quý vị chư thiên hoan hỉ thọ hưởng phần phước thiện thanh cao này của con đồng nhau cả thảy, làm cho tăng thêm sự an lạc lâu dài. - Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!

Ngưỡng mong các Ngài mách bảo cho các bậc ân nhân đã quá vãng của con từ kiếp vô lượng kiếp trong quá khứ cho đến hiện tại, nhất là cửu huyền thất tổ, ông bà, cha mẹ nội ngoại hai bên, cả những vong linh hữu danh vô vị, hoặc là hữu vị vô danh, những vị đang bị đọa trong hàng ngạ quỷ, nhất là vong linh của (ai mà mình muốn hồi hướng).... đến đây hoan hỉ thọ hưởng phần phước thiện thanh cao này rồi được giải thoát khỏi mọi cảnh khổ, được tăng trưởng phước thiện, được sinh về cảnh giới an lành. - Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!

Và ngưỡng mong các Ngài hộ trì cho con cũng như thân bằng quyến thuộc hiện tiền như: Ông bà, cha mẹ, thầy tổ, anh chị em, vợ chồng con cái, bà con thân bằng quyến thuộc, bè bạn của con thân tâm thường được an lạc, tiến hóa trong mọi thiện pháp... để tránh được những điều rủi ro tai hại, cho được thành tựu những hạnh phúc: hạnh phúc cõi người, hạnh phúc cõi trời và hạnh phúc cao thượng Niết bàn, khiến cho tất cả sự khổ não, kinh sợ và bệnh hoạn thảy đều tiêu tan. - Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!

Con thành tâm hồi hướng phần phước thiện thanh cao này đến chúng sinh trong địa ngục, các hàng atula, các hàng ngạ quỷ, các loại súc sanh, đặc biệt đến chúa địa ngục Yāma. Mong quý vị hoan hỉ, thọ hưởng phần phước thiện thanh cao này của con đồng nhau cả thảy, cầu mong quý vị thoát khỏi cảnh khổ, được tái sanh nơi cõi thiện giới cho được an lạc. - Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!

Con thành tâm hồi hướng đến tất cả 4 loài chúng sinh, trong tam giới gồm có 31 cõi. Cầu mong tất cả chúng sinh hoan hỉ thọ hưởng phần phước thiện thanh cao này của con đồng nhau cả thảy, cầu mong tất cả chúng sinh giải thoát mọi cảnh khổ, được an lạc lâu dài, tiến hóa trong mọi thiện pháp làm duyên lành trên con đường giải thoát khỏi khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài. - Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!

Phước thiện bố thí và hồi hướng phần phước thiện bố thí ấy là một việc rất cần thiết đối với hàng ngạ quỷ. Kiếp ngạ quỷ chịu bao nhiêu nỗi khổ vì đói khát, lạnh lẽo. Họ chỉ còn biết trông ngóng, chờ đợi phước thiện mà thân bằng quyến thuộc hồi hướng đến cho họ mà thôi. Nếu họ không được hoan hỉ phần phước thiện nào của thân bằng quyến thuộc hồi hướng, thì họ phải chịu kiếp sống ngạ quỷ đói khát, khổ cực, không biết bao giờ mới thoát khỏi kiếp ngạ quỷ.

Tuy nhiên, ta cần phải biết rằng trong tất cả loại ngạ quỉ chỉ có một loại ngạ quỉ, khi có dịp nhận phước từ thân tộc mà thôi. Đó là ngạ quỉ Paradattupajivika, các loại ngạ quỉ khác không nhận được phần phước mà quyến thuộc hồi hướng cho, vì rằng các loài ngạ quỉ này ở cách xa nhân loại, chỉ có loài ngạ quỉ Paradattupajivika này, là loại ngạ quỉ sinh trong phạm vi làng, như có một số người bị giết, hoặc chết một cách thông thường, nhưng có sự luyến ái trú xứ, nên đến hiển lộ cho thân quyến hoặc người khác thấy, mà dân gian thường gọi là ma, quỉ hay ngạ quỉ. Đó chính là loài ngạ quỉ Paradattupajivika. Nhưng dù là loại ngạ quỉ Paradattupajivika đi nữa, nhưng nếu không biết quyến thuộc đang hồi hướng cho, thì cũng không thể nhận được phần phước ấy từ nơi thân tộc hồi hướng, bởi quy luật của ngạ quỉ nhận được phước là phải có sự tùy hỷ từ nơi tâm của ngạ quỉ ấy. do đó, dù là loại ngạ quỉ Paradattupajivika này cũng không nhất định rằng sẽ nhận được phước do quyến thuộc hồi hướng cho.

Bên cạnh đó còn có những hạng chúng sinh không nhận được phước, đó là những loài sau:

Các chúng sinh sau khi quá vãng rồi, sanh làm chúng sinh trong địa ngục, là bàng sinh, loại ngạ quỉ ở cách xa nhân loại, là chư Thiên, là Phạm Thiên. Dù cho quyến thuộc rủ nhau làm phước, hồi hướng đến những người này, cũng không có tác dụng gì đến họ cả trong việc thoát sinh từ cảnh giới này đến cảnh giới khác, mà chỉ có lợi ích đến người hồi hướng mà thôi. Ví như: Có người thân nhân ta đã mệnh chung và sinh làm con chó trong nhà, quyến thuộc dù có làm phước, hồi hướng đến, phước ấy không thể thành tựu, lợi ích gì đến con chó ấy được. Đối với chư Thiên hay Phạm Thiên cũng vậy. Họ chỉ biết rằng quyến thuộc mình có tạo phước và hồi hướng đến cho, nhưng phước ấy không thành tựu lợi ích gì đến chư Thiên và Phạm Thiên ấy cả.

Riêng đối với người làm phước rồi hồi hướng phước đến thân tộc ấy, họ chỉ biết rằng là như thế, dù quyến thuộc không nhận được phước hồi hướng cho. Phước mà người đã tạo rồi hồi hướng ấy, không phải mất hết đâu, mà phước ấy sẽ dính theo người tạo cả đời này lẫn đời sau và các đời kế tiếp nữa.

Cho nên khi tạo phước rồi, khi hồi hướng đến những người quá vãng, người thí chủ nên kiêng tránh những thú vui náo nhiệt như tiếp đãi rềnh rang, hoặc có những thú vui chơi khác ngay trong lúc ấy. Dù ở chùa hay ở tại nhà cũng vậy, người tạo phước nên thọ trì giới trước cho tâm an tịnh và phải tu tiến niệm sự chết, niệm tử thi hoặc quán về vô thường - khổ - vô ngã để tâm thiện phát sinh. Nếu việc tạo phước được tiến hành như trên, người tạo phước được nhiều quả báo thù thắng, tức phước ấy sẽ được tăng trưởng thêm và người quá vãng cũng nhận được phần phước tăng trưởng như nhau.

Nếu người tạo phước không thực hành như đã nói, mà chỉ say mê ham thích theo những chuyện vui thú, tâm trong khi ấy không được yên tịnh và phước phát sinh ít, cho nên việc tạo phước mà pha lẫn với những thú vui như thế, thì người thí chủ chỉ được phước chút ít không thể được sung mãn, làm cho sung mãn phước được, và người nhận phước do thí chủ hồi hướng ấy cũng chỉ nhận chút ít, tức là tâm thiện phát sinh nơi người thí chủ chỉ có 10 phần trăm thôi, còn tâm bất thiện có đến 90 phần trăm, nếu người thí chủ bỗng nhiên mệnh chung trong lúc ấy, sẽ tái sinh vào 4 khổ cảnh. Không nên nghĩ rằng người ấy sẽ sinh về nhân giới hoặc thiên giới.

Chúng ta được sinh làm người, có cơ hội làm phước thiện bố thí, còn các chúng sinh khác khó có cơ hội bố thí. Cho nên, chúng ta nên tìm cơ hội tốt để làm phước thiện bố thí, rồi hồi hướng phần phước thiện ấy đến cho thân quyến của chúng ta chịu đói khát, khổ cực trong hàng ngạ quỷ; họ lúc nào cũng trông ngóng đến sự hồi hướng phước thiện của thân quyến. Khi họ hay biết, hoan hỉ phần phước thiện mà chúng ta hồi hướng đến cho họ, chắc chắn họ thoát ra khỏi kiếp ngạ quỷ đói khát, do nhờ phước thiện ấy cho quả được tái sinh cõi thiện giới là cõi trời và cõi người.

Xin hãy nhớ hồi hướng hàng ngày như vậy.

Namo tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa!

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 10
    • Số lượt truy cập : 6711950