Thông tin

PHÁP PHỤC PHẬT GIÁO BẮC TRUYỀN VIỆT NAM

NNC TRẦN ĐÌNH SƠN

 

Tôn tượng tổ sư Hải Toàn-Linh Cơ trong pháp phục tăng cang thời Nguyễn

 

Trong luật Ma-ha tăng-kì 8 (skt: mahāsaṃghika), đức Phật nói với các tì-kheo: “Như lai Ứng cúng là người an lạc bậc nhất, xuất gia li dục là niềm vui bậc nhất, tùy theo chỗ mà ở, lúc đi khất thực phải đem theo ba y và bát, ví như đôi cánh của chim luôn dính sát vào thân”1.

Ba y gồm: y an-đà-hội (skt: antaravāsaka), y uất-đa-la-tăng (skt: uttarāsaṇga) và y tăng-già-lê (skt: saṅgāti). An-đà-hội là nội y, hạ y; tức lớp áo mặc lót, gồm áo và lớp vải quấn phần hạ thể (sà-rông) được ráp từ năm mảnh dài nhỏ bằng thứ vải gai hoại sắc. Uất-đa-latăng là thượng y, nhập chúng y, tức áo khoác ngoài áo an-đà-hội, ráp bằng bảy miếng vải (thất điều y), để hở vai phải, được mặc lúc đi khất thực, giảng pháp, hành lễ v.v. Tăng-già-lê là áo rộng nhất (đại y), may từ chín (cửu điều) đến hai mươi lăm mảnh dùng để mặc trong các dịp đại lễ. Màu của ba y chủ yếu là vàng sậm (hoại sắc), tuy nhiên tùy theo điều kiện, phong tục tập quán của từng xứ sở Phật giáo du nhập truyền bá trong lịch sử mà có sự thay đổi bằng nhiều hình thức khác nhau. Cả ba y đều được tạo thành từ nhiều mảnh vải có ý nghĩa đời sống phạm hạnh không tham cầu và vô sản; mặt khác, số mảnh vải còn tượng trưng cho trí tuệ của bậc xuất thế.

Vì thế, “Phật chế ba pháp y là áo mặc duy nhất của tăng đồ khi thọ giới và cũng để làm trang phục hoạt dụng thường ngày như hành lễ, thuyết pháp, thọ trai, khất thực… vì đó là y phước điền, y giải thoát trong giới đức tinh nghiêm biểu hiện sự trang sức, là lễ phục đẹp nhất của người tu sĩ Phật giáo”2.

Trong suốt chiều dài lịch sử du nhập và phát triển, Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng của hai truyền thống Phật giáo lớn, đó là Ấn Độ và Trung Quốc. Có lẽ, pháp phục thuở sơ khởi của tu sĩ Phật giáo Việt Nam là theo hình thức Nam truyền, do các nhà truyền giáo Ấn Độ truyền đến. Tiếp theo đó là giai đoạn đất nước mất quyền tự chủ, chịu sự đô hộ hơn một ngàn năm Bắc thuộc, nên pháp phục chắc chắn chịu ảnh hưởng của truyền thống Phật giáo Trung Quốc theo các hình thức pháp phục dưới thời Đường, Tống v.v. Trong đó, có sự phân biệt rõ giữa pháp phục của Tăng quan theo quy định của các triều đại và pháp phục thông thường trong sinh hoạt hàng ngày của giới tu sĩ.

Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử, cho đến nay hầu như chúng ta không còn thư tịch nào miêu tả cụ thể chi tiết về các hình thức trang phục ở các thời kỳ đó.

Một vài manh mối hiếm hoi còn sót lại để chúng ta có thể hình dung về pháp phục của tu sĩ Phật giáo Việt Nam trong quá khứ, đó là tôn tượng của đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông tôn trí tại bảo tháp Huệ Quang ở núi Yên Tử trong pháp phục Nam truyền với pháp y uất-đa-la- tăng (skt: uttarāsaṇga) thất điều để trần vai bên phải! Và một tư liệu khác, đó là hình ảnh của đức Trần Nhân Tông trong tác phẩm hội họa “Trúc lâm đại sĩ xuất sơn đồ”3 được miêu tả trong trang phục áo tràng rộng - pháp phục của Phật giáo Bắc tông.

Sự khác biệt trên phải chăng là mang tính ước lệ mà họa sĩ dùng để miêu tả về hình ảnh của một tăng sĩ Phật giáo, hay đó là hình thức đời thường dân dã khiêm nhường của một sơn tăng khổ tu trên non cao với một hình ảnh của bậc Đại sĩ lãnh đạo Phật giáo thời Trần trong pháp phục nghi lễ mang tính cung đình?

Dưới thời nhà Nguyễn, pháp phục của giới tu sĩ được quy định rõ theo quan chế. Đối với“chức Tăng cang4 được cấp 1 bộ pháp phục gồm 1 cà-sa, một áo hậu 5 màu5, một mão Quan Âm, một mão Tỳ-lô có 5 hình Phật6; thiền cụ, 1 đôi giày, một đôi dép. Trụ trì cũng được cấp 1 bộ, các thứ đều như của Tăng cang, riêng áo hậu chỉ có 2 màu. Các pháp phục này được dùng mặc trong các dịp lễ công. Nếu tăng cang, trụ trì nào bị cách chức hoặc qua đời thì giao lại cho chùa gìn giữ để dùng. Nếu cái nào cũ rách, xét rõ không thể dùng được thì bẩm do thần bộ (Bộ Lễ) xin chế cái khác để theo định chuẩn”7.

Ngoài ra, còn có trường hợp vua chúa, hoàng gia ban tặng pháp phục (“đặc tứ y bát”) cho các vị danh tăng thanh tu đạo hạnh, có biện tài được triều đình và quần chúng ngưỡng mộ. Đây là biệt lệ, pháp phục được xem như tặng phẩm cúng dường nên thường được chế tác công phu bằng những chất liệu quý báu, hình thức, màu sắc đa dạng thể hiện sự thành tâm kính ngưỡng của người dâng tặng. Vì thế những bộ pháp phục đặc biệt này thường được trân quý và lưu truyền qua nhiều đời; mang tính tượng trưng hơn là một pháp phục hoạt dụng thường ngày.

Bình nhật, hầu hết các tăng sĩ Bắc tông đều sử dụng bộ pháp phục đơn giản nâu sồng gần gũi với ruộng đồng dân dã theo tinh thần thiểu dục tri túc. Màu nâu sồng vỏ cây của tăng sĩ miền Bắc hay màu vàng hoại sắc của chư tăng miền Trung, dù có đôi chút khác biệt nhưng vẫn dựa trên tinh thần tùy duyên, vô ngã, vị tha của người con Phật chứ không phân biệt tông môn, pháp phái.

Đó cũng chính là cơ sở để Tổng hội Phật giáo Việt Nam (1952), quy định thống nhất về vấn đề pháp phục cho tăng ni, cư sĩ Phật giáo Việt Nam như sau: Đối với cư sĩ, mặc áo tràng năm thân màu lam. Sa-di, sa-di ni mặc áo nhật bình màu lam. Tì-kheo mặc áo tràng màu nâu, Tì-kheo ni mặc áo tràng lam. Khi hành lễ, tì-kheo mặc áo tràng (áo hậu) vàng, y vàng; tì-kheo ni mặc áo tràng lam, y vàng. Tuy nhiên, chư tăng, ni miền Bắc vẫn bảo lưu truyền thống pháp phục nghi lễ gồm áo tràng nâu với pháp y màu vàng; trong khi tại miền Trung và Nam bộ chư tăng ni có phân biệt rõ qua màu sắc áo tràng nâu (tăng) và áo tràng lam (ni). Các truyền thống này, về cơ bản vẫn được duy trì cho đến tận ngày nay.

Qua đó, chúng ta có thể thấy rằng, mặc dù xuất phát từ nhiều truyền thống Phật giáo khác nhau (Trung Quốc, Ấn Độ) nhưng Phật giáo Việt Nam đã thâm nhập vào lòng dân tộc và mang những sắc thái đặc thù, mà trong đó hình thức pháp  phục của tăng ni Phật tử là một minh chứng. Ngoại trừ những bộ pháp phục mang tính lễ nghi để thích ứng với yêu cầu của từng giai đoạn, những triều đại lịch sử trong suốt hơn 2000 năm du nhập và phát triển, thì trang phục của Tăng Ni Phật tử Việt Nam vẫn duy trì được tinh thần của Phật giáo thuở ban đầu, đó là giản dị, khiêm cung, thanh tịnh, và giải thoát. Hình ảnh của vị tu sĩ Phật giáo trong lòng quần chúng Việt Nam luôn gắn liền với bóng áo nâu thuần phác của một đất nước nông nghiệp; đơn sơ gần gũi mà vững chãi như đất - trở thành một chỉnh thể bất khả phân li trong tình tự dân tộc, đưa đất nước đi qua biết bao thăng trầm biến động của thời đại.

Ngày nay, vấn đề về pháp phục của chư Tăng, Ni Phật tử Việt nam lại thêm lần nữa được đặt ra. Theo đà phát triển của đất nước, trên tinh thần tùy duyên Phật giáo cũng có những sự chuyển biến để thích ứng với nhu cầu thời đại, nhưng từ đó nhiều vấn đề bất đồng về hình thức cũng phát sinh.

Có thể nói, chưa bao giờ hình thức pháp phục Phật giáo lại nở rộ đa dạng như hiện nay. Hàng ngày, chúng ta chứng kiến ngoài đời thực và trên các phương tiện truyền thông đại chúng một bức tranh đầy màu sắc của pháp phục Tăng Ni, đủ mọi hình thức, màu sắc, chất liệu đại diện cho nhiều tông phái, quốc gia. Điều này đã khiến không ít quần chúng Phật tử cũng như giới quan sát băn khoăn đặt lại câu hỏi về tính truyền thống, tông phái, cũng như tinh thần cốt tủy của pháp phục Phật giáo đức Phật đã chế định mà dân tộc Việt Nam đã tiếp biến, thích nghi!

Chúng tôi mong rằng, Hội thảo này là một dịp quan trọng để chư vị Tôn túc tăng, ni lãnh đạo Giáo hội đóng góp ý kiến để một lần nữa thống nhất về vấn đề pháp phục mà cách đây hơn nửa thế kỷ, năm 1952, chư vị trưởng lão tiền bối trong phong trào chấn hưng Phật giáo đã dày công thiết định và duy trì. Bởi lẽ, hình thức pháp phục chính là thành tố quan trọng tạo nên oai nghi, phẩm hạnh thanh tịnh của bậc xuất trần đại sĩ; và đó cũng chính là hình hài, sức mạnh của Phật giáo - đạo giáo từ bi, trí tuệ, vị tha, vô ngã đã đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm.

 


1. Luật Ma-ha-tăng-kỳ, Phật Đà Bạt Đà La Hán dịch, Thích Phước Sơn Việt dịch, Nxb. Tôn Giáo, 2011.

2. HT. Thích Thiện Siêu, Luật nghi, 2002, tr. 184.

3. Tranh cuộn, kích thước 961 x 28 cm miêu tả Trúc Lâm đại sĩ (Trần Nhân Tông) hạ sơn, tương truyền của Trần Giám Như, họa sĩ Trung Quốc thời Nguyên vẽ. Tuy nhiên hiện nay, tác phẩm này đang còn nhiều tranh luận về vấn đề xuất xứ, tác giả; không loại trừ khả năng tác giả của nó là người Việt Nam.

4. Chức tăng quan, hàm chánh thất phẩm, theo quan chế nhà Nguyễn.

5. Màu sắc được thể hiện trên phần cổ áo tràng (giao lĩnh), còn gọi là áo hậu, một biến thể của y uất-đa-la-tăng (skt: uttarāsaṇga), theo truyền thống pháp phục Trung Quốc.

6. Mão tì-lư được đề cập trong phẩm phục tăng cang nhà Nguyễn nêu trên gồm hai bộ phận tách rời gồm mão tì-lư và phần trang trí – dãi Phật quan (ngũ phương Phật bảo quan). Hai bộ phận này được dùng kết hợp hoặc độc lập tùy theo từng nghi lễ khác nhau. Thí dụ, mão tì-lư kết hợp với dãi Phật quan được vị sám chủ sử dụng trong nghi thức trai đàn chẩn tế, còn đối với các nghi lễ khác thì chỉ sử dụng mão tì-lư. Vì vậy, loại mão tì-lư này có khác biệt so với mão thất Phật của chư tăng miền Bắc.

7. Châu bản triều Nguyễn - tư liệu Phật giáo qua các triều đại nhà Nguyễn 143 năm từ Gia Long 1802 đến Bảo Đại 1945. Lý Kim Hoa sưu khảo & biên dịch. Nxb. Văn Hóa Thông Tin, 2003.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 59
    • Số lượt truy cập : 6951859