PHÁT BIỂU CỦA GIÁO SƯ, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN
ANH HÙNG LAO ĐỘNG ĐẶNG VŨ KHIÊU
Tại sinh hoạt lịch sử tưởng niệm 100 năm sinh
Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha (6.1902 - 6.2002)
Kính thưa các vị,
Hôm nay chúng ta có mặt tại đây để tưởng niệm 100 năm sinh một nhà trí thức lớn của dân tộc - Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha - một người đã từng nhiều năm nghiên cứu Phật học và Hán học. Một tấm gương để chúng ta học tập.
Hôm nay, dù rất bận vì phải dự một cuộc họp mà tôi chủ trì, nhưng tôi cũng nghĩ rằng không thể không đến dự buổi Sinh hoạt lịch sử tưởng niệm cụ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, một nhà trí thức chân chính trong số những nhà trí thức chân chính của Việt Nam.
Thế nào là một nhà trí thức chân chính? Tôi nghĩ rằng cụ Thiều Chửu đã đem hết cả trái tim và khối óc của mình để tìm hiểu tri thức uyên thâm nhất, để suy nghĩ về cuộc đời, về số phận của con người, về vận mệnh của cả nhân loại. Đó là những suy nghĩ về trí thức.
Là người không chỉ có khối óc, mà còn có trái tim, trái tim của cụ Thiều Chửu như một nhà trí thức lớn của Việt Nam, dù cụ chưa phải là người cộng sản.
Đó là điểm đầu tiên của cụ Thiều Chửu với tư cách là một nhà trí thức.
Là một người nhập thế, cụ đã đem hết tất cả trí tuệ và tâm hồn của mình để phục vụ nhân dân, phục vụ cho Tổ quốc. Cứu dân và báo quốc là hai điều đã trở thành lẽ sống của dân tộc chúng ta, trở thành truyền thống của dân tộc, thành đạo lý làm người, quán triệt từ đời này qua đời khác.
Cho nên ngày hôm nay, trước khi được nghe những bài nghiên cứu sâu về cụ Thiều Chửu, chúng tôi chỉ xin nói vắn tắt mấy lời đó, và xin tặng đôi câu đối để mà nghiền ngẫm, để mà tâm niệm.
Đó là "Nửa kiếp trầm luân", bởi cụ Thiều Chửu sinh năm 1902, mất năm 1954, đã kinh qua cuộc đời 52 năm. "Nửa kiếp trầm luân, bác cổ thông kim, lòng bốn bể", bởi cụ hiểu cả về cổ, hiểu cả về kim, có tấm lòng bao la trùm lên bốn bể.
Thứ hai là hành động của cụ như thế nào trong 100 năm phù thế. Những nhà trí thức lớn, từ Đức gia cho đến Lão gia, cho tới các nhà triết học lớn của dân tộc Việt Nam chúng ta, như là Ôn Như Hầu, và cả cho đến những nhà triết học lớn của phương Tây, đều nhận thức rằng cuộc sống chẳng qua chỉ là phù thế. Đó là hư ảo, đó là sắc mà không, đó là hảo và cần (?) nhưng trước vận mệnh của đất nước những người trí thức phải chọn cho mình con đường đi. Cụ Thiều Chửu cũng như mọi trí thức của dân tộc đã chọn con đường: đem hết tấm lòng phục vụ cho nhân dân, phục vụ cho Tổ quốc, coi đó là lẽ sống muôn đời.
Cho nên câu thứ hai chúng tôi xin đọc là: "Trăm năm phù thế, cứu dân báo quốc, phép muôn đời".
Xin hết, xin cảm ơn các vị
Ghi chú: Bài này chúng tôi ghi lại theo băng ghi âm. Vì chất lượng ghi âm không tốt nên có một vài câu không nghe rõ, tạm ghi lại, chưa dám sửa.
Bình luận bài viết