PHẬT ĐẢN VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM
PHẬT ĐẢN VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM
ThS. CHỬ THỊ KIM PHƯƠNG
1. Mối quan hệ giữa Phật giáo với văn hóa Việt Nam
Suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam, lúc thịnh cũng như lúc suy, Phật giáo luôn gắn bó và đồng hành với dân tộc và đã góp một phần hình thành nên nhân cách của con người Việt Nam gắn liền với lịch sử văn hóa dân tộc. Điều đó thể hiện trên phương châm hành đạo của Phật giáo Việt Nam là “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Phương châm ấy đã trở thành tôn chỉ và mục đích, định hướng cho mọi hoạt động của Phật giáo.
Khi đến với Việt Nam, Phật giáo đã tìm đến với văn hóa dân gian để từng bước tạo chỗ đứng trong tâm thức của con người Việt Nam, hòa quyện với tín ngưỡng dân gian, trở thành văn hóa dân tộc, tạo nên sức sống và bản sắc của người Việt Nam. Phật giáo không chỉ là tôn giáo thuần túy, Phật giáo là đạo đức, là trí tuệ. Phật giáo không chỉ tạo ra tư tưởng khoan hòa, nhân ái trong chính sách an dân trị quốc của các vương triều Lý, Trần thời văn hóa Đại Việt, nó còn góp phần rất quan trọng trong việc định hình lối sống phong tục, chuẩn mực giá trị văn hóa Việt Nam”. Khác với Phật giáo ở Trung Quốc hay Ấn Độ cổ đại, cái căn bản của Phật giáo, cái tinh túy của Phật giáo là ở chỗ mục đích của đạo Phật không chỉ là một, đó là giải thoát. Mục đích ấy là bất biến, nhưng tiến trình lịch sử văn hóa lại là quá trình động cho nên phương thức và cách thức hành đạo của Phật giáo là linh hoạt, uyển chuyển, sáng tạo gắn liền với lịch sử phát triển của dân tộc. Vì vậy, dân tộc và Phật giáo trong văn hóa và phát triển của Việt Nam đã kết thành một thể thống nhất, hướng tới mục tiêu xây dựng “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. “Lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha”. Lợi ích của tôn giáo và lợi ích của dân tộc gắn kết chặt chẽ với nhau, góp phần rất quan trọng trong công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng và Nhà nước ta hiện nay, cũng như quá trình đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập trước đây trên tinh thần nhập thế “khế lý, khế cơ” của đạo Phật (Theo Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng, Tôn giáo với văn hóa Việt Nam).
Tinh thần ấy gắn bó sâu sắc với khát vọng độc lập dân tộc, với tinh thần yêu nước của nhân dân ta tạo nên hợp lực cho sự phát triển văn hóa dân tộc mà ngay từ đầu nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử cũng đã khẳng định, thời tiền Lý, giữa lòng thủ đô, hiện diện một ngôi chùa đó là chùa Khai Quốc và ngày nay là chùa Trấn Quốc gắn liền với nước Vạn Xuân của Lý Nam Đế. Đến thời hậu Lý, văn hóa Đại Việt đã phát triển rực rỡ hơn bao giờ hết và khiến Phật giáo trở nên hưng thịnh. Nhà sư Khuông Việt đến thụ nghiệp ở chùa Khai Quốc đã được Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành mời về Hoa Lư là cố vấn cho nhà nước võ trị Đại Cồ Việt và nền văn học Phật giáo cũng phát triển mạnh mẽ. “Cư trần lạc đạo” là bài thuyết pháp bằng thơ của vua Trần Nhân Tông, thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử là Phật giáo nhập thế Trần Nhân Tông là đấng minh quân, một anh hùng dân tộc gắn liền với hào khí Đông A của văn hóa Đại Việt (Tham khảo: www.daophatngaynay.com).
Bước vào thế kỷ XX, các tăng ni và tín đồ đạo Phật nước ta đã tham gia hưởng ứng các phong trào đấu tranh đòi độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, nhiều vị cao tăng của Giáo hội Phật giáo được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến, Huân chương Độc lập như Hòa thượng Thích Thiên Siêu, Hòa thượng Kim Cương Tử, Hòa thượng Thích Đôn Hậu v.v… cùng nhiều tăng sĩ tham gia làm đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, đại biểu Quốc hội…
Như vậy, Phật giáo không chỉ là tôn giáo thuần túy, tạo ra tư tưởng khoan hòa nhân ái trong chính sách an dân trị quốc của các vương triều Lý, Trần thời văn hóa Đại Việt, nó còn góp phần quan trọng trong việc định hình lối sống, chuẩn mực giá trị văn hóa Việt Nam, tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc, đầy chủ nghĩa nhân văn, tạo thành dòng chảy liên tục. Nhờ đó, dân tộc được trường tồn và phát triển không bị các dân tộc khác đồng hóa. Và cũng nhờ cái bản sắc văn hóa đó mà chúng ta có thể tiếp thu cải biến văn hóa của các dân tộc khác, trong đó có văn hóa Phật giáo. Ngày nay, ở nhiều nơi các cơ sở của Phật giáo không chỉ là nơi sinh hoạt thuần túy tôn giáo mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa, trở thành danh lam thắng cảnh, khu du lịch tâm linh có giá trị không chỉ trong nước và quốc tế, chính nó là thành tố văn hóa tinh thần của văn hóa Việt, để lại dấu ấn sâu sắc trong sinh hoạt văn hóa vật chất của con người Việt Nam, lấy ánh sáng của “Trí, Định, Tuệ” đẩy lùi cái “Vô minh” gột rửa “Tham sân si” trong chính bản thân mình.
Nhìn lại văn hóa và lịch sử của dân tộc Việt Nam, Phật giáo đã góp một phần rất quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Điều đó đã chứng minh trước sự hiểm họa của dân tộc, trước sứ mệnh ngàn cân treo sợi tóc, đồng bào Phật tử, các tăng sĩ đã cùng chung lưng đấu cật với dân tộc Việt Nam để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Trái tim Hòa thượng Thích Quảng Đức là ngọn lửa bất diệt đối với tinh thần yêu nước của Phật giáo Việt Nam. Tiếng chuông của Phật giáo Việt Nam không chỉ trỗi dậy ở Việt Nam mà còn rền vang trên khắp thế giới. Giáo hội Phật giáo Việt Nam được Phật giáo thế giới tin tưởng, một số Hội nghị, Hội thảo của các tổ chức Phật giáo ở thế giới, châu Á, Đông Nam Á đều được đăng cai và tổ chức tại Việt Nam như Lễ hội Vesak. Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp Phật học được mở ra hoạt động, đào tạo tăng tài cho đất nước Việt Nam. Không những thế trước tình hình Biển Đông, nhiều vị tăng túc vượt biển xa, ngàn trùng sóng vỗ để đứng đầu sóng ngọn gió góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền ở biển đảo Trường Sa. Tất cả điều đó khẳng định một lần nữa Phật giáo Việt Nam luôn gắn bó và đồng hành với dân tộc trong tinh thần “Lục hòa cộng trụ”.
Ngày nay, Phật giáo Việt Nam là tổ chức Phật giáo duy nhất, hợp pháp, hợp hiến, đồng hành cùng dân tộc theo đường hướng “Tốt đời, đẹp đạo”. Phật giáo không ngừng phát triển trong tiến trình phát triển đất nước, làm cho đoàn kết dân tộc được mở rộng, tạo ra tiền đề thuận lợi, động lực và sức mạnh to lớn để phát triển đất nước.
2. Phật đản và văn hóa Việt Nam
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởngvăn hóa Trung Hoa. Điều này được biểu hiện khá rõ qua nhiều mặt bao gồm ngôn ngữ, kiến trúc, tôn giáo… Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa cũng không là ngoại lệ.
Tuy nhiên, có một sự kiện mà cả Phật giáo Việt Nam cũng như Phật giáo Trung Hoa phải chịu sự ảnh hưởng của nền văn hóa Ấn Độ hay nền văn hóa phổ quát của nhân loại, đó là lễ Phật đản trong Phật giáo Đại thừa (để phân biệt với lễ Vesak của Phật giáo Nam truyền). Chúng tôi bàn về vài khía cạnh ảnh hưởng văn hóa Việt Nam và lễ Phật đản.
Có lẽ không cần nói nhiều vì ai cũng biết rằng Việt Nam chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa. Về ngôn ngữ, người Việt sử dụng chữ Hán cho đến thế kỷ XIX. Ngày nay, mặc dù chữ Quốc ngữ đã thay thế nhưng từ Hán-Việt vẫn chiếm tỷ lệ rất cao trong ngôn ngữ Việt. Do đó, nếu không hiểu từ Hán-Việt, chắc chắn là chúng ta gặp khó khăn trong việc hiểu và viết các văn bản tiếng Việt. Về tín ngưỡng và tôn giáo, Việt Nam chịu ảnh hưởng các loại tín ngưỡng thần thánh như thờ Bà, thờ Quan Thánh và hai tôn giáo Nho và Lão. Cả hai tôn giáo này có xuất xứ từ Trung Hoa. Đặc biệt, Phật giáo Trung Hoa ảnh hưởng rất lớn đối với Phật giáo Việt Nam mặc dù Phật giáo được truyền vào Việt Nam sớm hơn Trung Hoa và Thiền sư Khương Tăng Hội từng hoằng pháp tại Trung Hoa. Tuy nhiên có thể nói văn hóa Nho giáo ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người Việt rõ nhất.
Văn hóa lễ tang và kỵ giỗ là một phần quan trọng trong đời sống cộng đồng người Việt. Từ xưa cho đến nay, người Việt theo hay không theo tôn giáo đều ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi loại hình văn hóa vừa nêu. Bởi lẽ, lễ tang nào cũng có người thân mang khăn tang và thực hiện các nghi thức cúng tế theo Nho giáo. Ngoài các tuần thất chịu ảnh hưởng của Phật giáo Đại thừa, việc cúng bách nhật (100 ngày: lễ tốt khốc nghĩa là thôi khóc), tiểu tường (giáp năm), đại tường (hai năm) và kỵ giỗ đều chịu sự ảnh hưởng của Nho giáo. Người Phật tử tại gia và cả người xuất gia mặc dù thực hành theo Phật giáo nhưng cũng không thoát ra khỏi các nghi lễ của Nho giáo. Hầu hết các Tăng Ni đều mang khăn tang khi thầy tổ viên tịch và đều cúng vào các ngày vừa nêu trên. Trong khi đó, văn hóa khăn tang không tìm thấy trong truyền thống Phật giáo Nam truyền. Sau khi mãn tang, các ngày giỗ được tổ chức hàng năm và trở nên quan trọng. Đây là dịp con cháu, đệ tử, đồng môn quy tụ về gặp mặt, cúng bái, cầu nguyện và cả tiệc tùng gọi là báo hiếu. Kỵ giỗ đã trở thành truyền thống tốt đẹp xưa nay của người Việt trừ phi bị lạm dụng vì mục đích cá nhân.
Sự trình bày ở trên nhằm nêu ra rằng văn hóa người Việt chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa phần lớn đề cao lễ nghi dành cho người khi chết hơn là lúc sinh. Nghĩa là lễ sinh nhật ít hay không được quan tâm thực hiện trong đời sống cộng đồng bà con thân thích. Phải chăng sự chết đem đến sự mất mát đau buồn nên người ta thương khóc nhiều và tưởng nhớ đến nhiều trong khi sự sinh là thêm thành viên, là niềm vui nên lễ nghi ăn mừng chỉ một hai lần (đầy tháng, thôi nôi) là đủ? Nếu giả thuyết này đúng thì sự sinh chưa phải là một trong tám điều khổ? Cho nên phải cần hiểu đúng “sinh là khổ” theo lời Phật dạy chứ không phải kết luận một cách máy móc.
Ngày nay, lễ sinh nhật đã được tổ chức đó đây do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây nhưng nó cũng chỉ được tổ chức giới hạn chứ không phổ biến. Đồng thời với ngày giỗ, lễ kỷ niệm ngày sinh của những người có công lớn đối với đất nước, dân tộc cũng đã được tổ chức. Tuy nhiên, phần lớn các lễ sinh nhật nặng hình thức tiệc tùng vui chơi nên nó ít có ý nghĩa về tinh thần hay giáo dục.
Trong Phật giáo Bắc Truyền, các bậc Tổ sư và Thánh chúng thường được kỷ niệm hay cúng giỗ vào ngày các vị ấy viên tịch. Việc tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh ít được chú trọng hay nếu có thì thường thực hiện cùng với ngày giỗ. Hơn nữa lễ cúng giỗ lúc nào cũng quy mô hơn. Đối với Đức Phật, lễ Phật đản được tổ chức trọng đại trong truyền thống Bắc truyền trong khi lễ kỷ niệm ngày Phật nhập Niết bàn ít khi tổ chức. Tất nhiên, việc tổ chức lễ Phật đản là điều hiển nhiên đó với vị khai sáng ra đạo Phật.
Vấn đề nêu ra là tại sao ngày Phật nhập Niết bàn ít được quan tâm trong nền văn hóa Trung Hoa và Việt Nam. Phải chăng Đức Phật là bậc giác ngộ giải thoát nên không cần cúng giỗ để tri ân theo truyền thống hiếu của người Việt? Phải chăng Phật nhập Niết bàn những pháp thân thường trú nên không cần kỷ niệm ngày Phật Niết bàn? Dù giả thuyết nào đi nữa thì thực tế truyền thống Phật giáo Bắc truyền ít quan tâm đến ngày Phật nhập Niết bàn và do đó vấn đề kỵ giỗ không cần luận bàn. Nói cách khác, trường hợp Đức Phật không bị ảnh hưởng bởi văn hóa kỵ giỗ của Trung Hoa.
Có thể nói rằng tổ chức Phật đản là sự tri ân đối với bậc thầy nhân thiên và cũng là dịp để ôn lại những lời dạy cao quý của Đức Phật để áp dụng trong đời sống hàng ngày. Do đó, hàng năm Tuần lễ Phật đản thường được tổ chức bao gồm hình thức lễ hội kết hợp với thuyết pháp. Khác với lễ hội thông thường, lễ Phật đản nhấn mạnh đến lòng biết ơn, sự học tập tấm gương vĩ đại của Đức Phật và sự tu tập giáo pháp. Tiệc tùng vui chơi không phù hợp với đại lễ quan trọng này.
Một nghi vấn đặt ta là vấn đề “sinh là khổ”? Ở đây cần hiểu rõ ai khổ. Người sinh khổ, hay người được sinh khổ hay những người có liên quan khổ? Người sinh có thể khổ vì lo lắng vi sự mang nặng đẻ đau. Những người có liên quan vì người ra đời có thể ảnh hưởng đến mục đích nào đó của họ như nói dối, tranh quyền lực… Ngược lại người được sinh của thể đau về thân thể nhưng có thể không biết khổ vì ý thức về sự khổ thuộc về tâm chưa hình thành. Trong trường hợp sự ra đời của Thái tử Tất-đạt-đa, từ đản sinh được sử dụng hàm nghĩa chỉ sự ra đời của bậc tối tôn, bậc cao quý vì hạnh phúc cho chư thiên và loài người. Sự ra đời như thế lẽ nào lại cho là khổ?
Một vấn đề khác cũng thường được nêu ra là sự ra đời quan trọng hơn hay sự thành đạo quan trọng hơn. Có người cho rằng nếu không có sự thành đạo thì không có đạo Phật. Sự ra đời do đó là thứ yếu. Có người nói ngược lại rằng sự ra đời của Thái tử mới quan trọng vì Thái tử mới làm nên sự nghiệp vĩ đại sau này. Bên cạnh đó quan điểm cho rằng sự ra đời của Thái tử là một sự thị hiển nên sự đản sinh là quan trọng nhất. Mỗi luận điểm đều có lý của nó nhưng sự thật thì thường là một chuỗi các sự kiện liên kết nhau và không thể tách rời nhau. Vì văn hóa sinh nhật hay đản sinh phổ biến nên nó chiếm ưu thế.
Trong khi Phật giáo Bắc truyền có ba ngày kỷ niệm Đức Phật khác nhau cho ba sự kiện Đản sinh, Thành đạo, Niết bàn thì Phật giáo, Nam truyền chỉ có một ngày lễ cho cả ba sự kiện gọi là lễ Vesak. Khi ba sự kiện cùng một ngày thì mọi tranh biện không còn cơ sở để phát sinh. Sự thật ba sự kiện đó có trùng khớp hay không thì khó xác định nhưng các nhà làm sự có ý tưởng gộp chung cũng là một sáng tạo. Xét cho cùng thì đa số chỉ biết và quan tâm đến sự kiện Đản sinh. Hai sự kiện còn lại dù đây đó có tổ chức kỷ niệm nhưng chỉ mang tính riêng lẻ trong phạm vi nhỏ.
Dân tộc Việt Nam tiếp nhận nhiều nền văn hóa và luôn chọn lọc trong quá trình tiếp biến. Nho giáo được người dân Việt sử dụng nhiều trong các lễ nghi đời người nên Phật giáo cũng phải thích nghi theo khi chưa có sự thay thế. Riêng về Đức Phật, các sự kiện liên quan đến Ngài vượt qua khỏi sự ảnh hưởng văn hóa bản địa Trung Hoa. Do đó, lễ Phật đản được tổ chức chính thay vì sự kiện Niết bàn. Lễ Phật đản quan trọng nhất ở Phật giáo Việt Nam cũng là điều hiển nhiên.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 25 – THÁNG 7 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 24 – THÁNG 4 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 23 – THÁNG 1 NĂM 2018 (PL. 2561)
Bình luận bài viết