PHẬT GIÁO BẾN TRE
TRONG SỰ NGHIỆP ĐẤU TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC
BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ BẾN TRE
PHÒNG TUYÊN TRUYỀN
Nhìn cảnh nước mất nhà tan, sư cụ Lê Khánh Hòa đã tập hợp 172 tăng ni, huấn thị: “Quốc gia khuynh nguy, thất phu hữu trách. Nước nhà đã được độc lập mà người Pháp muốn đô hộ nước ta lần thứ hai. Các con là thanh niên là sinh viên hãy cởi áo cà sa khoác chiến y lao ra trận mạc. Nếu ai muốn tu chờ nước nhà độc lập hãy trở lại tu hành. Hôm nay, thầy tuyên bố xả giới cho các con, hãy lên đuờng cứu nuớc”.
Bến Tre là một trong 13 tỉnh, thành của Đồng bằng sông Cửu Long, được hợp thành bởi 3 cù lao: cù lao An Hóa, cù lao Bảo và cù lao Minh do phù sa của bốn nhánh sông Cửu Long là sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên bồi tụ thành. Nhìn trên bản đồ, Bến Tre có hình rẻ quạt, phía Bắc giáp tỉnh Tiền Giang, có ranh giới chung là sông Tiền; phía Nam và Tây giáp tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long, có ranh giới chung là sông Cổ Chiên; phía Đông giáp biển Đông với bờ biển dài 65 km.
Bến Tre, đất và người
Bến Tre có địa hình bằng phẳng, rải rác có những giồng cát xen kẽ với ruộng vườn, không có rừng cây lớn, chỉ có rừng chồi và những dải rừng ngập mặn ở ven biển, ven sông.
Lịch sử hình thành vùng đất này đã có quá trình hằng vạn năm. Sau khi phát hiện và khai quật di chỉ khảo cổ Giồng Nổi, xã Bình Phú (thành phố Bến Tre) vào những năm 2004 – 2006, và qua hội thảo khoa học cuối năm 2006, các nhà khảo cổ xác định di chỉ Giồng Nổi có niên đại thuộc sơ kỳ thời đại đồ sắt, cách nay khoảng 2.500 năm – 2000 năm, phát lộ nhiều dấu tích sinh hoạt tại chỗ của con người xưa. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà vùng đất này sau đó trở nên hoang vu. Chu Đạt Quan, một sứ thần nhà Nguyên (Trung Quốc), trong một chuyến đi sứ sang Ăng Co của nuớc Chân Lạp (Campuchia ngày nay) vào năm 1296-1297, đã mô tả vùng đất Nam Bộ như sau: “Từ chỗ vào Chân Bồ trở đi, hầu hết là rừng thấp cây rậm. Sông dài cảng rộng, kéo dài mấy trăm dặm, cổ thụ rậm rạp, mây leo um tùm, tiếng chim muông chen lẫn nhau ở trong đó. Đến nửa cảng mới thấy ruộng đồng rộng rãi, tuyệt không có một tấc cây. Nhìn xa xa chỉ thấy lúa rờn rờn mà thôi. Trâu rừng hợp nhau thành từng đàn trăm ngàn con, tụ tập ở đấy, lại có giồng đất đầy tre dài dằng dặc mấy trăm dặm. Loại tre đó, đốt có gai, măng rất đắng” (Chu Đạt Quan, Chân Lạp phong thổ ký).
Năm 1757, vùng đất Trà Vinh, Bến Tre được vua Chân Lạp giao về Việt Nam. Nhưng trước đó đã có những lưu dân người Việt đến đây khai phá khá lâu. Đúng như Jules Sien đã nhận xét: “Trước khi Nam kỳ trở thành một bộ phận của Việt Nam, người Việt đã lập ở đó những tổ chức, những nhóm người di cư đã xây dựng làng xóm, hay tới ở chung với người Cao Miên”. Theo những tài liệu lịch sử còn lưu lại, những lưu dân vào khai phá vùng đất này cũng không muộn lắm so với khai phá vùng đất Đồng Nai – Gia Định, tức là vào khoảng giữa cuối thế kỷ XVII. Người Việt đến đây qua nhiều đợt chuyển cư bằng đường thuỷ, đường bộ, và ngày càng đông hơn. Những cư dân đầu tiên chọn những vùng đất ven sông rạch thuận tiện đi lại, những con giồng cao để sinh sống, khai phá đất hoang để trồng trọt.
Cùng với những nhóm cư dân người Việt, có một số người Hoa đến khai khẩn và sinh sống ở vùng đất Nam Bộ. Khi nhà Thanh chiếm Trung Quốc, một số di thần nhà Minh không thần phục nhà Thanh, vượt biển đến Đàng Trong sinh sống. Đó là nhóm của Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch. Nhóm của Trần Thượng Xuyên đến Biên Hoà, còn nhóm của Dương Ngạn Địch đến Mỹ Tho. Trong nhóm thứ hai này, có một số sang cư trú ở cù lao An Hoá (nay thuộc Bến Tre), họ không lập xóm ấp riêng mà ở chung với cư dân người Việt.
Địa bàn khai phá rộng dần, dân cư ngày càng đông đúc, bộ máy chính quyền được hình thành trên vùng đất mới. Năm 1757, vùng đất Bến Tre thuộc châu Định Viễn, dinh Long Hồ. Dinh Long Hồ gồm 3 tổng: tổng Bình Dương (vùng Vĩnh Long), tổng Bình An (vùng Sa Đéc) và tổng Tân An (gồm hai cù Bảo, Minh, nay thuộc Bến Tre).
Năm 1808, tổng Tân An được nâng lên thành huyện (thuộc phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh), gồm 2 tổng: An Bảo và Tân Minh.
Năm 1823, huyện Tân An được nâng lên thành phủ, mang tên phủ Hoằng An; các tổng Tân Minh và An Bảo được nâng lên thành huyện. Năm 1837, vua Minh Mạng chia phủ Hoằng An thành hai phủ: Hoằng An và Hoằng Đạo (năm 1844, được đổi thành phủ Hoằng Trị). Năm 1851, triều đình nhà Nguyễn hợp nhất hai phủ Hoằng An và Hoằng Trị thành phủ Hoằng Trị, gồm bốn huyện trên cả hai cù lao Minh và Bảo thuộc tỉnh Vĩnh Long, tiền thân của tỉnh Bến Tre sau này.
Sau khi chiếm đóng ba tỉnh miền Tây Nam kỳ (1867), người Pháp lập ra Sở Tham biện Bến Tre và Sở Tham biện Mỏ Cày. Năm 1871, nhập hai Sở Tham biện này thành Sở Tham biện Bến Tre. Năm 1876, đổi thành hạt Bến Tre. Thực hiện quyết định của nhà cầm quyền Đông Dương ngày 20-12-1899, năm 1900, hạt Bến Tre đổi thành tỉnh Bến Tre. Năm 1912, các quận ở Bến Tre được thành lập. Thời gian đầu khi mới lập tỉnh, Bến Tre gồm bốn quận: Sóc Sãi (sau đổi thành Châu Thành), Ba Tri, Mỏ Cày, Thạnh Phú. Cù lao An Hoá còn thuộc tỉnh Mỹ Tho, có quận An Hoá với hai tổng: Hoà Quới, Hoà Thinh. Năm 1948, Uỷ ban Kháng chiến hành chánh Nam Bộ cho nhập cù lao An Hoá về Bến Tre.
Dưới chính quyền Sài Gòn, Bến Tre được đổi tên thành tỉnh Kiến Hoà, gồm có 10 quận: Trúc Giang, Hàm Long, Bình Đại, Giồng Trôm, Ba Tri, Mỏ Cày, Hương Mỹ, Đôn Nhơn, Thạnh Phú, Phước Long (quận Phước Long được lập năm 1974).
Hiện nay, tỉnh Bến Tre có 9 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm các huyện: Bình Đại, Châu Thành, Giồng Trôm, Ba Tri, Thạnh Phú, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách và thành phố Bến Tre, với 164 xã, phường, thị trấn. Diện tích tự nhiên 235.678 ha, dân số 1.358.314 người.
Dân Bến Tre có nguồn gốc từ vùng ngũ Quảng1 vào khai phá, sinh sống trên vùng đất này. Họ bao gồm nhiều nhiều thành phần khác nhau, nhưng đông đảo nhất là nông dân nghèo khổ vì không chịu nổi cảnh áp bức, chiến tranh liên miên giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn, rời bỏ quê hương đi tìm vùng đất tự do sinh sống. Thành phần đông đảo thứ hai là những binh lính, những tù nhân bị đày xa xứ. Ngoài những thành phần trên còn có những người khá giả, có kinh nghiệm, sức lao động - mà Lê Quý Đôn gọi là những người có vật lực, vào vùng đất này để khai phá, tạo sản nghiệp mới.
Bến Tre tuy được thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ, phì nhiêu, nhưng những khó khăn, khắc nghiệt không ít. Những lưu dân đầu tiên phải đối mặt với nhiều khó khăn như đất nê địa, trầm thuỷ, hoang vu, có nhiều thú dữ như cọp, cá sấu, trăn, rắn, heo rừng… Cảnh sơn lam chướng khí, rừng thiêng, nước độc. Biết bao nỗi gian nan mà con người phải gánh chịu, cái cảnh “Nước sông trong sao cứ chảy hoài/ Thương người xa xứ lạc loài tới đây”. Con người vừa chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, vừa cầu khẩn vào các thần linh che chở; mặt khác, do có tư tưởng phóng khoáng, dễ tiếp thu các luồng tư tưởng khác nên tín ngưỡng, tôn giáo có điều kiện nảy nở, phát triển trên vùng đất mới. Các đình được lập ra thờ thành hoàng che chở cho dân sinh sống được bình an. Các tôn giáo lần luợt ra đời trên vùng đất mới. Bến Tre có các tôn giáo như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Cao Đài, Tin Lành... Phật giáo được truyền Bến Tre rất sớm từ lúc vùng đất này còn đang khai phá. Chùa Hội Tôn là một ngôi chùa cổ nhất, do Hòa thượng Long Thiền lập ra vào giữa thế kỷ XVIII (khoảng năm 1740). Cùng lúc đó, đạo Thiên Chúa cũng được truyền vào Bến Tre với họ đạo đầu tiên ở Giồng Giá (Vĩnh Hoà, Ba Tri) được lập ra khoảng giữa thế kỷ XVIII. Những năm 1930, đạo Cao Đài Ban Chỉnh và đạo Cao Đài Tiên Thiên được thành lập ở Bến Tre, hình thành 2 Trung ương đạo Cao Đài Ban Chỉnh, Cao Đài Tiên Thiên tại tỉnh.
Nhân dân Bến Tre vốn mang truyền thống yêu nước, bất khuất của dân tộc. Do đó, khi có giặc ngoại xâm, nhân dân đã đứng lên chống xâm lược bảo vệ Tổ quốc. Nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra trong thời gian đầu khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta như khởi nghĩa của Phan Tôn – Phan Liêm (Phan Tôn – Phan Liêm là hai người con của cụ Phan Thanh Giản), Tán Kế Lê Quang Quan, Nhiêu Đẩu, Nhiêu Gương, Trịnh Viết Bàng, Huỳnh Văn Thiệu… Có người chống giặc bằng vũ khí, có người chiến đấu bằng ngòi bút. Nguyễn Đình Chiểu đã để lại câu thơ bất hủ: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.
Bên cạnh truyền thống yêu nước, người Bến Tre còn có truyền thống cần cù lao động, tự lực tự cường. Chính trong điều kiện tự nhiên đầy khó khăn, gian khổ đã hun đúc nên tính cách con người Bến Tre từ thời khai hoang mở cõi. Là vùng đất cù lao giữa bốn bề sông nước, muốn dựa vào ai cũng rất khó, người Bến Tre phải tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính, không trông chờ, ỷ lại. Tinh thần đó được thể hiện trong mọi mặt từ sản xuất đến sinh hoạt và cả trong chiến đấu. Nhân dân Bến Tre có truyền thống hiếu học, chăm lo việc học tập, đào tạo con người. Dưới triều Nguyễn, đất Nam kỳ có ba Tiến sĩ và một Phó bảng, thì Bến Tre có một Tiến sĩ khai khoa, đó là cụ Phan Thanh Giản; trong 269 vị cử nhân của trường thi Gia Định, thì Bến Tre có 31 người. Đất Bến Tre đã sản sinh ra nhiều danh nhân trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, văn hoá. Trong lĩnh vực Phật giáo, có nhà sư Lê Khánh Hòa là một yếu nhân trong phong trào “chấn hưng Phật giáo” những năm 1920-1945.
Với truyền thống yêu nước, tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Bến Tre đã kiên cường, bất khuất và có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, trong những đóng góp được ghi vào lịch sử Đảng đó là phong trào Đồng khởi ở Bến Tre, nổ ra vào đầu năm 1960, đã đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng, lên cao trào đấu tranh chống Mỹ toàn miền Nam và đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Trong sự nghiệp xây dựng lại quê hương, nhân dân Bến Tre tiếp tục phát huy cao độ tinh thần yêu nước, tự lực, tự cường trong hàn gắn vết thương chiến tranh, trong phát triển kinh tế - xã hội, phát huy truyền thống Đồng khởi anh hùng, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre tổ chức phát động và thực hiện cuộc “Đồng khởi mới” nhằm phát huy tối đa sức mạnh tinh thần và vật chất xây dựng lại quê hương.
42 năm sau ngày thống nhất đất nước, ngày nay Bến Tre không ngừng thay da đổi thịt, đời sống người dân ngày được nâng cao cả vật chất lẫn tinh thần và đang cùng cả nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Vài nét về đất và người Bến Tre trên đây đã cho chúng ta hiểu về cội nguồn hình thành của tỉnh nhà, những đặc điểm và truyền thống của con người Bến Tre. Chúng ta càng tự hào về quá khứ, đoàn kết, phấn đấu xây dựng tương lai tốt đẹp, đưa quê hương phát triển giàu mạnh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Phật giáo Bến Tre và sư cụ Lê Khánh Hòa
Cùng với bước chân của những người Việt đầu tiên vào khai phá vùng đất Bến Tre, đạo Phật cũng được truyền vào đây. Hội Tôn cổ tự ra đời cách đây hơn 250 năm đã minh chứng cho điều này. Phật giáo ở Bến Tre tiếp thu các giáo lý nhà Phật; đồng thời, tiếp thu các di sản văn hoá dân tộc, trong đó có truyền thống yêu nước chống ngoại xâm.
Với truyền thống gắn đạo với đời, Phật giáo luôn theo sát lịch sử dân tộc, tham gia vào mọi biến động của lịch sử dân tộc. Trong suốt chiều dài lịch sử, Phật giáo Bến Tre luôn đồng hành cùng dân tộc và có những đóng góp tích cực trong đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc.
Từ năm 1870 đến năm 1875, các Hòa thượng Quảng Giáo, Tâm Định, Chơn Quang, Tịnh Quang, Từ Quang liên tục vận động người và lương thực phục vụ cuộc khởi nghĩa của Thủ khoa Huân. Cuộc khởi nghĩa thất bại, Hòa thượng Quảng Giáo lâm bệnh và viên tịch.
Những năm 1920, phong trào chấn hưng Phật giáo do Hòa thượng Lê Khánh Hòa chủ xướng bắt đầu lan toả. Tại chùa Liên Trì, Hòa thượng Từ Phong đã mở nhiều lớp học để truyền giảng giáo lý của nhà Phật. Chùa Liên Trì là nơi tiếp xúc thường xuyên với các Hòa thượng Bích Liên (Bích Liên tên thật là Nguyễn Trong Khải, là Chủ bút tạp chí Từ bi âm), Thiện Chiếu (sư Thiện Chiếu tên thật là Nguyễn Văn Sáng, Nguyễn Văn Tài, là một đảng viên cộng sản), Hoằng Đạo, Huệ Thới cùng rất nhiều vị khách trong Ban lãnh đạo Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học. Các vị đến đây để thuyết pháp với đồng bào Phật tử; thăm dò tư tưởng chống Pháp của tầng lớp trí thức Bến Tre; vận động phong trào Đông du. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, chi bộ Đảng đầu tiên xã Sơn Hoà được thành lập năm 1934, gồm 9 đảng viên, trong đó có 4 đảng viên là đệ tử chùa Liên Trì: Quảng Minh, Quảng Trí, Quảng Thọ và ni cô Nguyễn Thị Hạp.
Khi Mặt trận Việt Minh tỉnh được thành lập (1945), nhiều vị sư sãi trong chùa tham gia tổ chức Phật giáo Cứu quốc; các chùa trở thành nơi tập luyện quân sự của lực lượng thanh niên, nơi hội họp của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Mặt trận các cấp. Các phong trào do chính quyền cách mạng và Mặt trận Việt Minh phát động được đông đảo tăng ni, Phật tử hưởng ứng. Trong phong trào “Tuần lễ đồng thau”, nhiều chùa trong tỉnh đã quyên góp vàng, lư đồng, đại hồng chung, tiểu hồng chung của chùa để cho các công binh xưởng sản xuất vũ khí.
Ngày 23 tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp đánh chiếm Sài Gòn – Gia Định. Ngày 8 tháng 1 năm 1946, thực dân Pháp đánh chiếm tỉnh Bến Tre. Nơi nào giặc Pháp đi qua, nhà cửa của dân, chùa chiền bị đốt cháy, đồng bào bị giết hại, hãm hiếp, cướp bóc. Sự tàn ác của thực dân Pháp đối với đồng bào ta càng làm cho tăng ni, Phật tử căm thù giặc, bỏ chùa chiền, tham gia kháng chiến. Sư cụ Lê Khánh Hòa đã tập hợp 172 tăng ni, huấn thị: “Quốc gia khuynh nguy, thất phu hữu trách. Nước nhà đã được độc lập mà người Pháp muốn đô hộ nước ta lần thứ hai. Các con là thanh niên là sinh viên hãy cởi áo cà sa khoác chiến y lao ra trận mạc. Nếu ai muốn tu chờ nước nhà độc lập hãy trở lại tu hành. Hôm nay, thầy tuyên bố xả giới cho các con, hãy lên đuờng cứu nuớc”.
Sư Thái Không là đệ tử lớn của sư cụ Lê Khánh Hòa tham gia kháng chiến hai thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, giữ nhiệm vụ Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Trà Vinh. Sư Bảy Hoàng sau này là Uỷ viên Uỷ ban Dân vận khu 8. Các chùa cũng giúp đỡ lương thực, che giấu cán bộ kháng chiến khi bị địch truy đuổi gắt gao không nơi nương tựa. Ở An Khánh, Hòa thượng Thích Trí Nhơn có hầm bí mật nuôi giấu cán bộ xã. Ở Thành Triệu, Hoà thựơng Bổn Từ đào hầm bí mật giấu cán bộ từ cù lao Minh trở về xã hoạt động. Chùa Vĩnh Bửu, Khánh Thạnh Tân (Mỏ Cày) là nơi che giấu cán bộ, đồng chí Đức Tánh (nguyên bí thư xã) và nhiều đồng chí cùng gia đình cách mạng trong xã. Tại chùa Linh Phú (Tân Trung, Mỏ Cày) do sư Niệm Châu trụ trì cũng tổ chức trang trọng kỷ niệm ngày thành lập Đảng Lao động Việt Nam (6-1), và sinh nhật Bác Hồ 19-5 vào năm 1947 - 1948. Thích Chí An - trụ trì chùa Viên Giác, là cán bộ cơ sở của Việt Minh, nuôi giấu cán bộ cách mạng khi về hoạt động ở thị xã. Chùa Vạn Linh (An Nhơn, Thạnh Phú) có sư bà Diệu Thắng và sư Thái Không là đảng viên. Chùa Vạn Linh nuôi chứa các đồng chí: Trứ, Danh, Ngung.
Nhiều tăng ni, Phật tử đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Năm 1947, sau khi Pháp chiếm Bến Tre, thầy Quảng Minh Nguyễn Văn Nhân - trụ trì chùa Liên Trì (Sơn Hoà), giấu tài liệu bí mật của Đảng trong một tượng Phật, bị địch phát hiện, bắt thầy đưa về cầu tàu Bến Tre (khu vực Bến Lở, thị xã Bến Tre) bắn chết, thả trôi sông (đêm 3-4- 1947). Năm 1950, địch bắt giam sư Thiện Kế và một số hộ tự chùa Tân Phuớc (Tân Xuân).
Sau Hiệp định Genève 1954, miền Nam Việt Nam được đặt dưới sự cai trị của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Chính quyền Sài Gòn từ chối thực hiện Hiệp định Genève, trả thù người kháng chiến, chèn ép tổ chức Phật giáo, khủng bố những tăng sĩ. Các tăng sĩ vừa không ngừng đấu tranh đòi chính quyền Sài Gòn thi hành Hiệp định Genève, đòi thống nhất Tổ quốc, đòi tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp và tự do đi lại.
Năm 1956, chính quyền Sài Gòn không thi hành Hiệp định Genève, thực hiện tố cộng, diệt cộng, không ngừng đàn áp các phe phái đối lập và tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân. Từ đó, rất nhiều chùa trong tỉnh trở thành nơi nuôi giấu cán bộ kể cả cán bộ địa phương, cán bộ nơi khác đến theo chủ trương điều lắng: Hội Tôn, Tân Long (Tân Thạch), Lạc Thiện (An Khánh), Vạn Phước (Phú An Hoà),… Chùa Minh Sư (Lương Phú) – nơi nuôi chứa đồng chí Nguyễn Thị Định trong những năm khó khăn ác liệt, địch thực hiện tố cộng diệt cộng gắt gao. Chùa Thiên Thọ (Long Thạnh) nuôi chứa các đồng chí: Lê Thành Giáp, Ngô Văn Vinh, Bảy Chưởng, Trần Việt Hùng (Chín Hoằng). Mặc dù, mật vụ, công an Ngô Quyền thuờng xuyên rình rập, đe dọa, đánh đập và bắt tù đày tăng ni, Phật tử, nhưng không thể dập tắt tinh thần yêu nước của nhân dân và đồng bào Phật tử.
Phong trào chống đối Ngô Đình Diệm ngày càng lên mạnh trong Phật giáo. Một số tăng ni, Phật tử của chùa Bửu Thành (Thành Triệu) tham gia kháng chiến.
Năm 1963, phong trào Phật giáo chống đối chế độ độc tài Ngô Đình Diệm diễn ra sôi nổi, quyết liệt ở miền Nam. Ngày 1-4-1963, tín đồ, Phật tử chùa Viên Minh tổ chức diễu hành qua các đường phố, biểu dương tinh thần đoàn kết đấu tranh với đồng bào, Phật tử các thành phố lớn phản đối địch đàn áp Phật giáo
Giữa năm 1966, 40 tăng ni chùa Viên Minh đấu tranh bằng hình thức tuyệt thực 24 giờ để phản đối hành động của chính quyền Sài Gòn đàn áp Phật giáo ở Sài Gòn, Huế,…
Trong những năm chiến tranh ác liệt, bom đạn của địch chà xát ác liệt vùng giải phóng, vùng tranh chấp, các chùa là nơi đồng bào tản cư đến trú ngụ để tránh bom đạn, sau đó tìm nơi ổn định chỗ ăn ở. Chùa là nơi che giấu số thanh niên trốn quân dịch. Nhiều chùa là nơi nuôi giấu cán bộ bất hợp pháp để bắt mối với cơ sở và nhân dân trong vùng. Chùa Hoà Linh (Bình Khánh), chùa Tân Trung (Mỏ Cày), chùa An Linh (An Nhơn) là nơi nuôi chứa cán bộ cách mạng. Chùa Tân Phước (Tân Xuân) ngoài việc nuôi chứa cán bộ, còn tổ chức cho các chiến sĩ cách mạng hy sinh, tổ chức đưa thanh niên vào vùng giải phóng tham gia kháng chiến.
Bên cạnh việc nuôi chứa cán bộ, các chùa tổ chức cầu siêu cho nạn nhân chiến tranh, biểu hiện lòng căm thù trước tội ác của giặc Mỹ và tay sai dùng bom đạn bắn giết, huỷ hoại nhà cửa, vườn tược, hoa màu của nhân dân.
Trên đây là một số sự kiện nói lên đóng góp của Phật giáo tỉnh nhà trong sự nghiệp đấu tranh chống xâm lược, bảo vệ độc lập, tự do cho đất nước. Những sưu tầm này có thể còn chưa đầy đủ, chưa nói hết được thành tích đóng góp của Phật giáo tỉnh nhà, nhưng nó đã nói lên tinh thần yêu nước của tăng ni, đồng bào Phật tử, gắn bó việc đạo với đời, đoàn kết cùng toàn dân trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, là truyền thống tốt đẹp cần kế thừa và phát huy trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, thực hiện tốt đời, đẹp đạo. Tầm nhìn và những nỗ lực của sư cụ Lê Khánh Hòa trong phong trào chấn hung Phật giáo hồi tiền bán thế kỷ XX không chỉ là ngọn đuốc soi đường trong đạo mà còn trong đời, nhất là trong tiến trình hội nhập hiện nay.
1. Ngũ Quảng gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (tức Thừa Thiên-Huế), Quảng Nam (gồm cả Đà Nẵng hiện nay) và Quảng Ngãi.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết